Hai đại đoàn mạnh nhất mà chỉ có 12 khẩu sơn pháo! Không có lấy một “voi” nào cả! Từ ngày kháng chiến bắt đầu, ta thỉnh thoảng vẫn tịch thu được pháo 105 ly, nhưng chắc khẩu dùng được thì đến lúc cần đại tu, khẩu thì khi vào tay ta đã hỏng do địch phá. Voi sẵn sàng ra trận cực hiếm, mà chiến dịch Trung Du lại vừa đường xa vừa phải di chuyển nhanh, nên thôi.

Đánh “bôn tập” là như thế này: “Bộ đội sẽ đóng quân cách địch khoảng 15 ki-lô-mét, ngoài tầm pháo của chúng, bất thần tiếp cận địch ban đêm, tiêu diệt địch và giải quyết chiến trường trong vài giờ, quay trở về căn cứ xuất phát trước khi trời sáng” (tr. 701). Dĩ nhiên di chuyển hoàn hoàn bằng phương tiện… chân. Hơn cả lực sĩ điền kinh Thế vận rồi, những anh hùng dép lốp của ta ơi!

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Chiến dịch Trung Du” (2)



Chiến dịch Trần Hưng Đạo thường được gọi là chiến dịch Trung Du vì trung du được chọn là chiến trường chính, là nơi diễn ra những hoạt động chủ yếu của chiến dịch.

Lực lượng ta ở đây có hai đại đoàn 308, 312 (thiếu một trung đoàn), ba liên đội sơn pháo 75 ly, mỗi liên đội có bốn khẩu sơn pháo, bốn tiểu đoàn bộ binh địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, và hai đại đội công binh.

Lực lượng của địch ở ba tỉnh trung du Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang có khoảng 15000 người (…) Binh đoàn cơ động số 3 của địch trú quân ngay tại Vĩnh Yên – Việt Trì. Các binh đoàn cơ động khác đóng ở Bắc Ninh, Gia Lâm, Bắc Giang, Hải Dương, Đông Triều có thể nhanh chóng cứu viện khi một nơi bị tiến công (…)

Hạ tuần tháng 12 năm 1950, hai đại đoàn chủ lực của ta từ Cao Bằng, Lạng Sơn bí mật di chuyển về phía nam (…)

Ngày 25 tháng 12 năm 1950, cả hai đại đoàn có mặt ở vị trí tập kết. Bộ đội đã hành quân mười bốn đêm liền từ biên giới Cao Lạng về tới trung du. Tới nơi là nổ súng đánh địch ngay để tạo thế bất ngờ (…)

Theo kế hoạch, chiến dịch Trần Hưng Đạo sẽ mở màn vào đêm 26 tháng 12 năm 1950.

Sáng ngày 26 tháng 12, anh Lê Trọng Tấn, Đại đoàn trưởng 312, báo cáo với Bộ chỉ huy chiến dịch: một cánh quân địch ước chừng một binh đoàn đang tiến về Liễn Sơn, Xuân Trạch thuộc huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc, là nơi hai trung đoàn của 312 đang tập kết. Anh Tấn đề nghị cho đơn vị nổ súng tiêu diệt lực lượng này. Đây là điều đáng mừng. Ta đang định kéo quân địch ra khỏi công sự đi vào những khu vực ta đã chuẩn bị thì chúng lại tự ý tiến sâu vào vùng tự do đang có lực lượng ta!

Tôi đồng ý ngay với đề nghị của đại đoàn: “Không bỏ lỡ cơ hội tốt này. Coi như đơn vị các đồng chí nổ súng mở màn chiến dịch. Trận đầu phải thắng thật giòn giã!”.

Anh Lê Trọng Tấn chỉ huy ba tiểu đoàn đánh vận động, tiêu diệt gọn một tiểu đoàn địch và tiêu hao nặng một tiểu đoàn địch khác. Địch hốt hoảng rút chạy bỏ lại cả trận địa pháo. Đại đoàn ngại lộ mục tiêu chiến dịch, không ra lệnh cho bộ đội truy kích. Không thấy ta đuổi theo, địch quay lại kéo pháo về Vĩnh Yên (…)

Theo đúng kế hoạch, từ đêm ngày 26 đến đêm ngày 29 tháng 12 năm 1950, bộ đội ta đồng loạt tiến công nhiều vị trí địch ở cả Trung Du và Đông Bắc.

Hướng Trung Du, các tiểu đoàn thuộc 308 tiêu diệt gọn các vị trí: Hữu Bằng, Thằn Lằn, Tú Tạo, Gò Sỏi, Ấp Cà Phê, Gò Âu và Yên Phụ. Riêng trận Chợ Thá phải dừng lại giữa chừng vì trời sáng. Trung đoàn 209 của 312 đánh Chợ Vàng hai lần không thành công.

Hướng Đông Bắc, trung đoàn 174 tiêu diệt vị trí Bình Liêu. Địch đưa viện lên Bình Liêu, nhưng trung đoàn 98 bỏ lỡ cơ hội đánh viện. Bị uy hiếp mạnh, địch vội vã rút khỏi các vị trí Châu Sơn, Khe Mo, Phong Dụ, Hoành Mô co về cố thủ ở Tiên Yên.

Bộ đội ta lần đầu tiên tiêu diệt hàng loạt cứ điểm địch trên địa hình trung du, thực hiện thành công cách đánh bôn tập. Các trận đánh đều được giải quyết trong một đêm, tiến hành cùng lúc ở nhiều nơi, hạn chế khả năng chi viện bằng pháo binh, can thiệp bằng máy bay và những đội quân ứng chiến, khi trời sáng, bộ đội ta đã ra khỏi tầm bắn của pháo binh địch.

Ngày 30 tháng 12 năm 1950, Bộ chỉ huy chiến dịch cho kết thúc đợt 1. Chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ đề ra cho đợt này, loại khỏi vòng chiến đấu 1200 tên địch.

Qua khai thác tù binh, ta biết địch đã phần nào phán đoán đúng hướng tiến công của ta. Chúng dự kiến hướng thứ nhất sẽ tiến công từ Việt Trì tới Vĩnh Yên, nếu thắng sẽ tiến về Sơn Tây và Hà Nội. Hướng thứ hai sẽ tiến đánh vào Bắc Ninh, Bắc Giang, rồi đánh thẳng về Hải Dương cắt đứt đường số 5. Đồng thời địch cũng đề phòng hướng Hải Ninh. Tuy nhiên, khi cuộc tiến công nổ ra, chúng vẫn lúng túng trong cách đối phó. Tinh thần của địch khá sút kém. Tại Xuân Trạch khi bị bao vây, từng trung đội ra hàng. Ở các vị trí địch chống cự yếu ớt, thường rút vào hầm cố thủ chờ quân ứng cứu. Ở Bình Liêu, quân viện lên thấy đồn bị tiêu diệt lập tức rút lui.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Đường tới Điện Biên Phủ in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 703-706)