“Đây mũi súng, làn gươm / Chết, nếu mi đòi sống!”. Tất nhiên là sống như dân một nước độc lập, chứ sống làm nô lệ thì giặc sẵn sàng cho sống lắm. Cầu Phật cầu Trời cầu Chúa hoàn toàn vô ích. “Xin giặc rủ lòng thương” như Phan Chu Trinh cũng hoàn toàn vô ích. “Đời đen tối”, chỉ có cách tự mình “đi tìm ánh sáng”. Giữa nhà lao Qui Nhơn, một người tù nghe “bão đã rốc thổi già trên biển loạn”, ngày đêm xôn xao muốn xông ra buồm lái với “gió vô tri” và “nước điên cuồng”! (Thu Tứ)



Tố Hữu, “Đi tìm ánh sáng”




Nhưng đời không chỉ là “Tiếng rao đêm” ấy. Ngày nào, ở trong nhà lao Qui Nhơn, tôi cũng nghe (...) tiếng kẻng của lính gác (...)

... Và kẻng dọa: Nằm yên!
Phải cúi đầu khuất phục
Đây thành lao, cửa ngục
Đây xiềng xích, gông cùm
Đây mũi súng, làn gươm
Chết, nếu mi đòi sống!”.


Chao ôi! (...) Không thể “Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” được, nhà thơ Xuân Diệu của tôi ơi! Mà cũng không thể “Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua được”, anh Thế Lữ buồn đời ạ! Bởi vì:

Đời đắng cay không một chút ngọt bùi
Đời đau buồn không một tiếng cười vui
Đời đen tối, phải đi tìm ánh sáng
.

Cho nên:

Ta bước tới, chỉ một đường cách mạng
Vững lòng tin sẽ nắm chắc thành công
Như những con tàu, giữa biển mênh mông
Còn xa đất, vẫn tin ngày cập bến!
.

Cuộc chiến đấu sinh tử đang giục ta, từng ngày:

Không thể nữa, lưng chừng hay tính toán
Trọn đời ta rút gọn ở giờ này
Bão đã rốc thổi già trên biển loạn
Sống là đây, mà chết cũng là đây!
..........
Không thể nữa, cầu xin êm gió nước
Gió vô tri và nước cũng điên cuồng
Phật vẫn lặng như nghìn năm thuở trước
Và Trời hay Thiên Chúa chỉ hư không!


Ở Qui Nhơn mới đó mà đã hết hạn sáu tháng tăng án. Lại có lệnh phải đi đày lên Daklay. Ừ, thì đi. Rồi sẽ tính. Chiếc xe tải chở tù lại đưa tôi qua thị xã (...)

Lên trại tập trung, gặp lại bác Hiến và mấy anh bạn cũ, rất vui. Có thêm hai đồng chí mới lên: Chu Huy Mân và Nguyễn Duy Trinh, đều là các vị “bô lão” xứ Nghệ mình. Các anh cho nghe thêm tình hình mới. Quân đội Liên Xô chiến đấu dũng cảm, đã chặn đứng bọn phát-xít (...) Đã có nhiều trận thắng oanh liệt (...) Nhưng cuộc chiến vẫn tiếp tục dữ dội.

Tình hình trong nước càng gay go. Bọn Nhật ngồi trên đầu bọn Pháp ngồi trên đầu Nam triều, cướp bóc, giết người man rợ. Điều mừng nhất là cụ Nguyễn Ái Quốc đã về nước, ở đâu đó và đã phát lời “Hiệu triệu cứu nước” gửi đồng bào toàn quốc. Thế là cách mạng đã có ngọn cờ lãnh đạo đầy uy tín rộng rãi. Địch càng khủng bố ác liệt. Cán bộ, đảng viên vào chật các nhà tù, chỉ còn một số ít tiếp tục hoạt động. Tình thế này thì phải bằng mọi cách, xây dựng lại cơ sở ở mọi nơi, nhất là vùng nông thôn, rừng núi. Phải vượt ngục! Vượt ngục!


(Tố Hữu,
Nhớ lại một thời, nxb. Hội Nhà Văn, 2000. Nhan đề phần trích tạm đặt.)