Khó khăn vô cùng!

Về trang bị, ngay cả sau chiến dịch Biên Giới, “Nguồn vũ khí của ta lúc này một phần dựa vào bạn, nhưng phần chủ yếu vẫn là lấy của địch và do ta tự sản xuất”. Tại sao đường cho viện vào thông rồi, mà lại thế? Bởi chiến tranh Triều Tiên. Các bạn tập trung vào chiến trường Triều Tiên, tạm thời chưa thể viện nhiều cho ta. Để ý “trung đoàn lựu pháo 105 ly (vốn là một trung đoàn bộ binh) chuyển binh chủng ở Trung Quốc, tới chiến dịch Điện Biên Phủ mới có mặt trong đội hình (của Đại đoàn công pháo 351)”. Chuyển gì mà lâu thế? Chằng qua phải đợi ngày có đủ “voi” mới về được.

Về cấp dưỡng, giặc chiếm đồng bằng, trung du, là những vùng trồng lúa chính. Kháng chiến biết lấy đâu ra gạo để nuôi quân đông đảo?

Về quân số, những vùng trồng nhiều lúa cũng là những vùng đông dân. Từ sau ngày địch khôn khéo dựng ngụy quyền, không hề ít thanh niên liên tục bị ngụy quyền bắt lính. Trong tình hình này, dù ta có giải quyết được hai vấn đề trang bị và cấp dưỡng, thì việc tăng quân số nhanh cũng khó thực hiện.

Đánh trung du là bắt buộc, vì quân chủ lực của kháng chiến đâu có phương tiện để “nhảy” xuống đồng bằng!

So với đánh ở núi rừng, đánh ở trung du hồi hộp hơn nhiều. Bởi trung du vừa địa hình trống trải khiến bộ đội khó tránh phi pháo, vừa có mạng giao thông thuận tiện cho việc điều binh nhanh của địch.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Chiến dịch Trung Du” (1)



Cuối năm 1950, tổng quân số của ta là khoảng 240.000 người. So với mùa hè thì lực lượng của ta tăng nhanh. Nhưng cùng thời gian đó, lực lượng địch cũng tăng lên khoảng 240.000 người (…)

Trên chiến trường cả nước, lực lượng ta phân chia không đều: Bắc bộ 66%. Riêng chủ lực trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh chiếm 38%. Trung bộ: 19%. Nam bộ: 12%. Thượng Lào: 3%.

Chúng ta không thể phát triển lực lượng nhanh vì gặp khó khăn về trang bị, cấp dưỡng, và những vùng dân cư đông vẫn nằm dưới sự kiểm soát của địch.

Nhiệm vụ giai đoạn mới đòi hỏi ta phải có một khối chủ lực mạnh trên miền Bắc đã trở thành chiến trường chính.

Ngoài đại đoàn 308 và 304 đã được tổ chức từ trước, cuối năm 1950, ngày 25 tháng 12, Bộ quyết định thành lập đại đoàn 312. Nòng cốt của đại đoàn này là trung đoàn 209 trực thuộc Bộ, cộng thêm trung đoàn 165 điều từ mặt trận Tây Bắc về, trung đoàn 141 mới thành lập với hai tiểu đoàn 11 và 16 của 308 và một tiểu đoàn độc lập của Liên khu Việt Bắc.

Đầu năm 1951, ta thành lập thêm ba đại đoàn bộ binh, một đại đoàn công binh và pháo binh, thường gọi là đại đoàn công pháo.

Đại đoàn 320 thành lập ngày 16 tháng 1 năm 1951, gồm hai trung đoàn chủ lực của Liên khu 3 (48 và 64) và trung đoàn Tây Tiến 52.

Đại đoàn 325 thành lập ngày 11 tháng 3 năm 1951 trên cơ sở của ba trung đoàn chủ lực của mặt trận Bình - Trị - Thiên.

Đại đoàn 351 (đại đoàn công pháo) thành lập ngày 27 tháng 3 năm 1951, gồm trung đoàn sơn pháo 75 ly với tiểu đoàn pháo của 308, các đại đội pháo của 209 và 174 ghép lại; trung đoàn lựu pháo 105 ly (vốn là trung đoàn bộ binh 34 của Liên khu III, chuyển binh chủng ở Trung Quốc, tới chiến dịch Điện Biên Phủ mới có mặt trong đội hình); và trung đoàn công binh 151 đã có từ trước.

Đại đoàn 316 thành lập ngày 1 tháng 5 năm 1951, với trung đoàn 174 trực thuộc Bộ làm nòng cốt, trung đoàn 98 thuộc mặt trận Đông Bắc, và trung đoàn 176 của tỉnh Lạng Sơn.

Khối chủ lực của Bộ gồm sáu đại đoàn: 304, 308, 312, 316, 320, 325 được giữ nguyên vẹn cho tới kết thúc chiến tranh chống Pháp. Đây chỉ là tổ chức lại những đơn vị đã có sẵn với chất lượng không đồng đều. Mạnh hơn cả là đại đoàn 308 được thành lập đầu tiên, đánh tập trung sớm, nên cả ba trung đoàn đều đánh giỏi. 308 được kẻ địch mệnh danh là “Sư đoàn Thép”. Tiếp đó là đại đoàn 312, có hai trung đoàn đánh tốt. Các đại đoàn khác có từ một tới hai trung đoàn đánh tốt. Riêng đại đoàn 320 có nhiều kinh nghiệm hoạt động ở địch hậu đồng bằng.

Do chủ lực các liên khu được đôn lên thành đại đoàn, nên ở liên khu chỉ còn bộ đội địa phương.

Việc trang bị vũ khí vẫn gặp nhiều khó khăn. Trung Quốc đã đưa Chí nguyện quân sang chiến đấu ở Triều Tiên (...) Nguồn vũ khí của ta lúc này một phần dựa vào bạn, nhưng phần chủ yếu vẫn là lấy của địch và do ta tự sản xuất (…)

Nghiên cứu cách bố trí lực lượng của địch, có thể thấy chúng đề phòng một cuộc tiến công lớn của ta về hướng trung du.

(…)

Trong bản huấn thị ở hội nghị tổng kết chiến dịch Biên Giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh hai điều. Một, “trận thắng lợi này chỉ là một thắng lợi bước đầu”. Hai, “phải tranh thủ thời gian”.

Những sa sút tinh thần của quân viễn chinh Pháp là điều cần sớm khai thác.

Chủ trương chiến lược của ta là nhanh chóng khuếch trương thắng lợi ở biên giới, liên tục tiến công tiêu diệt sinh lực địch để giữ vững quyền chủ động, giải phóng từng vùng đất đai tiến tới giải phóng vùng đồng bằng Bắc bộ làm thay đổi cục diện chiến trường.

(…)

Nếu muốn tranh thủ thời cơ khi địch đang dao động lại chưa kịp củng cố phòng ngự tại đồng bằng, ta phải mở những chiến dịch nhắm vào trung du và đồng bằng, trước hết là trung du.

Đánh trung du sẽ có điều kiện tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, đẩy lui địch khỏi những vùng tương đối đông dân và trù phú giáp với Việt Bắc. góp phần củng cố và mở rộng căn cứ địa. Người dân các tỉnh trung du rất gắn bó với cách mạng đang trông đợi bộ đội về giải phóng. Một thuận lợi nữa là tại đây ta đã chuẩn bị được một số lương thực cho chiến dịch.

Nhưng đánh trung du là đụng vào phòng tuyến vòng ngoài bảo vệ Hà Nội. Những dải núi cao ở Việt Bắc, Tây Bắc đổ dần về châu thổ sông Hồng tới đây chỉ còn là những gò đồi trọc, cây cối lúp xúp, tiếp đến là những cánh đồng bằng phẳng không có chỗ cho bộ đội ẩn náu khi tác chiến. Trung du có một mạng đường sá, sông ngòi khá thuận tiện cho việc di chuyển xe thiết giáp và những thủy đội. Địa hình này cho phép địch phát huy sức mạnh của không quân, pháo binh và những binh đoàn cơ động. Đó là những thử thách mới đang chờ bộ đội ta (…)

Hạ tuần tháng 11 năm 1950, Ban Thường vụ Trung ương phê chuẩn phương án tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh, quyết định mở chiến dịch Trần Hưng Đạo, tiến công địch ở trung du, vùng duyên hải đông bắc và Liên khu III, nhằm mục đích: - Tiêu diệt sinh lực địch. – Mở rộng khu lương thực, phát triển chiến tranh du kích. – Tranh thủ thời gian phá kế hoạch củng cố của địch.

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm hai đại đoàn, năm trung đoàn chủ lực, bốn đại đội pháo binh, bốn tiểu đoàn bộ đội địa phương, và dân quân, du kích. Hướng chính là vùng trung du từ Việt Trì tới Bắc Giang, đòn tiến công chủ yếu nhằm vào khu vực Vĩnh Yên – Phúc Yên, có hai đại đoàn. Hướng phụ là vùng duyên hải đông bắc có hai trung đoàn, và Liên khu III với ba trung đoàn.

Đảng úy Mặt trận được chỉ định ngày 30 tháng 11 năm 1950 gồm năm đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Chu Văn Tấn, Trần Hữu Dực, Đào Văn Trường. Tôi là Bí thư và Chỉ huy trưởng mặt trận.

Chiến dịch sẽ chia thành hai đợt hoạt động.

Đợt 1 nhằm thu hút quân viện và thăm dò cách đối phó của địch. Ta chủ trương từng tiểu đoàn đứng chân trên địa bàn cách địch từ 10 – 15km, vận động thật nhanh tới, đánh đồng loạt một số cứ điểm đột xuất trên tuyến trung du đối diện với ta. Lực lượng ta được bố trí trên những khu vực dự kiến để tiêu diệt quân viện. Các đơn vị đánh điểm cần giải quyết chiến trường nhanh, rút nhanh, trước khi trời sáng đã trở về căn cứ.

Tới đợt 2, ta sẽ căn cứ vào cách đối phó của địch, tập trung lực lượng về một hướng địch yếu và sơ hở, vận dụng chiến thuật “đánh điểm diệt viện” từ tiêu diệt cứ điểm nhỏ, diệt viện nhỏ tiến tới tiêu diệt cứ điểm lớn và diệt viện lớn.

Dự kiến những khó khăn lớn trên chiến trường, Đảng ủy chủ trương làm công tác tư tưởng cho bộ đội hiểu rõ (…) có thể góp nhiều chiến thắng nhỏ thành một chiến thắng lớn (…)

Đề giữ bí mật về hướng và thời gian mở chiến dịch, hai đại đoàn 308 và 312 được lệnh ở lại biên giới cho tới gần ngày N.

Sở chỉ huy chiến dịch thời gian đầu ở Khuôn Chu, chân núi Tam Đảo, sau chuyển lên đỉnh núi Tam Đảo. Tại đây có thể theo dõi tình hình mặt trận trên cả hai hướng Thái Nguyên và Vĩnh Yên.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Đường tới Điện Biên Phủ in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 697-702)