“Đề Tây Lâm Bích của Tô Đông Pha”




Nói chi “to như núi”, chỉ bé như cái nhà mà trèo lên mái nhà thì cũng không thấy nhà!

Phải đứng đủ xa mà trông, mới thấy. Nhưng cứ mỗi chỗ đứng trông, lại thấy một mặt mũi khác của cái được trông!

Tất cả đều “chân”. Và tất cả đều cục bộ.

Vấn đề không phải “chân diện mục”, mà toàn diện mục.

Chịu khó đi, để đứng thật nhiều nơi mà trông, là thấy “toàn” chứ gì?

Có vô số “quan điểm”, đi để đứng cho khắp mà thấy cho đủ các mặt của núi, cần vô lượng thời gian. Cho dù có vô lượng thời gian, vẫn hoàn toàn vô ích. Bởi óc người không thể tổng hợp hình ảnh.

Cho dù óc có khả năng tổng hợp hình ảnh, thì vì mỗi mặt núi ta thấy vào một thời điểm khác nhau mà mặt nào cũng có thể thay đổi theo thời gian, cái hình ảnh tổng hợp nó không có giá trị gì cả. Nói chi vô số mặt, nói chỉ hai thôi. Nói chi núi, nói kiến thôi. Bắt một con kiến, ngắm nghía lưng nó, rồi lật ngửa, ngắm nghía bụng nó. Ta thấy lưng rồi bụng chứ ta không thể thấy lưng bụng cùng một lúc. Và như đã nói, dù sao, đó là lưng kiến và bụng kiến vào hai lúc khác nhau.

Kiến không phải lưng
Kiến không phải bụng
Thấy cả lưng bụng
Mới như nó là!

Nhưng hãy trở về thơ “Đề Tây Lâm bích”!

Nguyên văn:

Hoành khán thành lĩnh trắc thành phong
Viễn cận cao đê các bất đồng
Bất thức Lư sơn chân diện mục
Chỉ duyên thân tại thử sơn trung.


Dịch nghĩa:

Nhìn ngang thành dẫy, nhìn nghiêng thành chỏm
Do đứng xa, gần, cao, thấp, mà mỗi nhìn mỗi khác
Không biết mặt mũi thật của núi Lư nó thế nào
Ấy bởi người nhìn đang đứng ngay trong núi ấy.

Dịch thơ:

Nghiêng hòn ngang rặng, một thôi!
Nhỏ to cao thấp, tùy nơi đứng nhìn.
Núi mong chi thấy chân hình,
Khi ta còn mãi giam mình giữa non...



Thu Tứ