Cái văn hóa vật chất xưa kia của người Việt Nam, nó hẳn đã “thành đạt” hơn bây giờ còn thấy nhiều.

Thử nghĩ một chút về kiến trúc. Xưa, ta xây cất chủ yếu bằng gỗ, là thứ vật liệu rất dễ hư hỏng trong điều kiện tự nhiên nơi ta ở. Ðã thế, gỗ lại rất dễ cháy. Bao nhiêu lầu son gác tía trong Trịnh phủ, đến lúc họ Trịnh thất thế, chỉ một mồi lửa là xong!(1)

Giá chúa hết thời thì chúa cứ đi, nhưng phủ chúa không ra tro mà còn mãi để người Việt Nam thế kỷ 21 được mua vé vào tham quan!

(Thu Tứ)

(1)
Hoàng Lê nhất thống chí: “Sáng ra Hoàng thượng nghe tin (Trịnh) Bồng đã trốn đi ban đêm, tức thì sai người phóng hỏa đốt hết phủ Chúa. Khói lửa bốc lên ngất trời, hơn mười ngày chưa tắt. Thế là một đám lâu đài cung khuyết hai trăm năm trời (...) thành ra bãi đất cháy sém”.



Lê Hữu Trác, “Vào Trịnh phủ” (1)



Mồng một tháng hai. Sáng tinh mơ, tôi nghe tiếng gõ cửa rất gấp. Tôi chạy ra mở cửa. Thì ra một người đầy tớ quan Chánh đường vừa nói vừa thở hổn hển:

- Có thánh chỉ triệu cụ vào! Quan truyền mệnh hiện đang ở nhà cụ lớn con, con vâng lệnh chạy đến đây báo tin. Lính ở dinh đã đem cáng đến đón cụ ở ngoài cửa. Xin cụ vào phủ chầu ngay.

Tôi bèn sửa sang mũ áo chỉnh tề, lên cáng vào phủ. Tên đầy tớ chạy đàng trước. Cáng chạy như ngựa lồng, tôi bị xóc một mẻ, khổ không nói hết. Chúng tôi đi cửa sau vào phủ. Người truyền mệnh dẫn tôi qua mấy lần cửa nữa, theo đường bên trái mà đi. Tôi ngẩng đầu lên: đâu đâu cũng là cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, danh hoa đua thắm, gió đưa thoang thoảng mùi hương. Những dãy hành lang quanh co nối nhau liên tiếp. Người giữ cửa truyền báo rộn ràng, người có việc quan qua lại như mắc cửi. Vệ sĩ canh giữ cửa cung, ai muốn ra vào phải có thẻ.

(...)

Ði được vài trăm bước, qua mấy lần cửa mới đến cái điếm “Hậu mã quân túc trực”. Ðiếm làm bên một cái hồ, có những cái cây lạ lùng và những hòn đá kỳ lạ. Trong điếm, cột và bao lơn lượn vòng, kiểu cách thật là xinh đẹp. Chánh đường mỗi khi ở triều ra thì nghỉ ở đấy. Thấy tôi, ông bảo quan truyền chỉ:

- Chiều qua, tôi đã tâu lên. Thánh thượng (1) cho phép cụ vào để hầu mạch Ðông cung thế tử.

Ông cùng vào với quan truyền chỉ, bảo tôi đi theo cùng mấy người tiểu hoàng môn (hoạn quan). Ði bộ đến một cái cửa lớn, thị vệ, quân sĩ thấy tôi ăn mặc có vẻ lạ lùng, muốn giữ lại. Quan truyền chỉ nói:

- Có thánh chỉ triệu.

Họ bèn để cho đi. Qua dãy hành lang phía tây, đến một cái nhà lớn thật là cao và rộng. Hai bên là hai cái kiệu để vua chúa đi. Ðồ nghi trượng đều sơn son thếp vàng. Ở giữa đặt một cái sập thiếp vàng. Trên sập mắc một cái võng điều. Trước sập và hai bên, bày bàn ghế, những đồ đạc nhân gian chưa từng thấy. Tôi chỉ dám liếc mắt nhìn rồi lại cúi đầu đi. Lại qua một cửa nữa, đến một cái lầu cao và rộng. Ở đây, cột đều sơn son thếp vàng. Tôi hỏi nhỏ quan truyền chỉ, ông ta nói:

- Ta vừa đi qua nhà “Ðại đường”. Nhà ấy gọi là “Quyển bồng”, cái gác này gọi là “gác tía”. Vì thế tử “dùng trà” ở đây, cho nên gọi nó là phòng chè. (Số là ở đây kiêng danh từ “thuốc” nên gọi thuốc là “chè”.)

Bấy giờ trong “phòng chè” có bảy, tám người. Thấy quan Chánh đường đến, tất cả đều đứng dậy. Quan Chánh đường ngồi ghế trên. Mọi người ngồi theo thứ tự. Quan Chánh đường bảo tôi ngồi vào giữa. Lúc đầu tôi không hiểu, sau mới biết đó là các vị lương y của sáu cung, hai viện được dự vào việc hầu trà, ngày đêm chầu chực ở đấy. Thấy tôi, họ đều nhìn nhau. Có người cúi xuống hỏi nhỏ. Quan Chánh đường cười:

- Cụ này là con ông Liêu Xá ở Ðường Hào vào ngụ cư trong Hương Sơn, làm thuốc hay có tiếng, nay vâng thánh chỉ vào Kinh.

Bấy giờ có một người chít khăn lượt tàu, cười và bảo tôi:

- Cụ có biết tôi không?

- Tôi là kẻ ở nơi quê mùa, làm sao biết được các vị ở nơi triều đình đông đúc như thế này?

- Tôi là người An Việt huyện La Sơn, ở nhà, tôi vẫn nghe tiếng cụ như sấm động bên tai nhưng chưa hề được gặp.

Bấy giờ tôi mới biết ông ta làm giáo quan ở An Việt, tên là Chức, được ông Nguyễn Kiêm người Tiên Ðiền làm Thự trấn đề cử làm thầy thuốc chầu chực ở đây. Sau đó, lại được làm thuốc ở bộ binh, giữ chức Tham đồng. Tôi nói:

- Chỗ ở của tôi không xa chỗ ở của ngài bao nhiêu. Tôi mấy lần muốn đến thăm nhưng phiền một nỗi là không có dịp.

Ðang dở câu chuyện thì quan truyền mệnh đến nói nhỏ với quan Chánh đường. Quan Chánh đường đứng dậy, bảo tôi:

- Ta hãy vào ăn cơm sáng một lát đã.

Tôi theo ông, đi theo con đường cũ trở về điếm “Hậu mã”. Ông nói:

- Thánh thượng đang ngự ở đấy, xung quanh có phi tần chầu chực, nên chưa thể yết kiến. Ta hãy tạm ra ngoài.

Ông san mâm cơm cho tôi ăn. Mâm vàng, chén bạc, đồ ăn toàn là của ngon vật lạ, tôi bấy giờ mới biết cái phong vị của nhà đại gia. Ăn xong, thấy một viên quan hầu cận chạy lại mời quan Chánh đường vào và bảo tôi đi theo. Ðột nhiên, thấy ông ta mở một chỗ trong màn gấm rồi bước vào. Ở trong tối om, không thấy có cửa ngõ gì cả. Ði qua độ năm, sáu lần trướng gấm như vậy, đến một cái phòng rộng, ở giữa phòng có một cái sập thiếp vàng. Một người ngồi trên sập độ năm, sáu tuổi, mặc áo lụa đỏ. Có mấy người đứng hầu hai bên. Giữa phòng là một cây nến to cắm trên một cái giá bằng đồng. Bên sập đặt một cái ghế rồng sơn son thếp vàng, trên ghế bày nệm gấm. Một cái màn là che ngang sân. Ở trong có mấy người cung nhân đang đứng xúm xít. Ðèn sáp chiếu sáng, làm nổi màu mặt phấn và màu áo đỏ. Xung quanh lấp lánh, hương hoa ngào ngạt. Xem chừng thánh thượng thường vẫn ngồi trên ghế rồng này, nay người rút lui vào màn để tôi xem mạch Ðông cung cho thật kỹ.

Tôi nín thở đứng chờ ở xa. Quan Chánh đường truyền lệnh cho tôi lạy bốn lạy. Thế tử cười:

- Ông này lạy khéo!

Quan Chánh đường lại truyền mệnh:

- Cụ già yếu, cho phép cụ ngồi hầu mạch.

Tôi khúm núm đến trước sập xem mạch. Xem xong, nghe trong màn có tiếng nói nhỏ:

- Cho ông ta xem cả thân hình nữa!

Một viên quan nội thần đứng chầu đến bên sập xin phép thế tử. Thế tử đứng dậy, cởi áo, đứng bên sập cho tôi xem. Tôi xem kỹ tất cả lưng, bụng và chân tay một lượt. Quan Chánh đường lại truyền mệnh bảo tôi lạy tạ rồi đi ra. Tôi đứng dậy lạy bốn lạy. Thấy quan Chánh đường bảo một tiểu hoàng môn đưa tôi ra “phòng chè” ngồi. Một lát sau, ông đến hỏi:

- Cụ xem mạch như thế nào? Nên dùng thứ thuốc gì, thì cụ cứ viết một tờ trình lên.

Rồi ông lại tiếp:

- Bệnh đã nửa năm nay. Trước kia gầy lắm, nay đã hơi có da, có thịt, bản chất yếu, bệnh đã lâu mà không bổ được, vì dùng dương dược thì nóng, mà dùng âm dược thì trệ. Có khi phải dùng những vị phát tán mới xong!

Ông bảo quan Tả viện đem những đơn thuốc đang dùng đến cho tôi xem. Nguyên khi ông đề cử tôi và nói mấy câu này là cũng có ý muốn tôi biết chừng. Ông cũng có biết thuốc, tuy kiến thức về thuốc chưa sâu, nhưng hễ bàn đến thuốc là cứ muốn dùng thứ thuốc công phạt. Có bệnh thì trước hết là phải đuổi bệnh. Khi đã đuổi cái tà đi rồi hãy bổ, thì mới là cái phép đúng đắn nhất. Nhưng theo ý tôi, đó là vì thế tử ở trong chốn màn che trướng phủ, ăn quá no, mặc quá ấm nên tạng phủ yếu đi. Vả lại, bệnh mắc đã lâu, tinh khí khô hết, da mặt khô, rốn lồi to, gân thời xanh, tay chân gày gò. Ðó là vì nguyên khí đã hao mòn, thương tổn quá mức. Nếu chỉ lo dùng thứ thuốc công phạt khắc tước, mà không biết rằng nguyên khí càng hao mòn dần thì chỉ làm cho người thêm yếu. Bệnh thế này không bổ thì không được. Nhưng sợ mình không ở lâu, nếu mình làm có kết quả ngay thì sẽ bị danh lợi nó ràng buộc, không làm sao về núi được nữa. Chi bằng ta dùng thứ phương thuốc hòa hoãn, nếu không trúng thì cũng không sai bao nhiêu. Nhưng rồi lại nghĩ: cha ông mình đời đời chịu ơn của nước, ta phải dốc hết cả cái lòng thành, để nối tiếp cái lòng trung của cha ông mình mới được. Nghĩ đi nghĩ lại một hồi, tôi mới nói:

- Tôi thấy thánh thể gầy, mạch lại tế, sác. Thế là âm, dương đều bị tổn hại, nay phải dùng thuốc thật bổ để bồi dưỡng tỳ và thận, cốt giữ cái căn bản tiên thiên và làm nguồn gốc cho cái hậu thiên. Chính khí ở trong mà thắng thì bệnh ở ngoài sẽ tự nó tiêu dần, không trị bệnh mà bệnh sẽ mất.

Ông tỏ ý kiến nói đi nói lại mấy lần, nhưng tôi vẫn cứ giải thích mãi. Ông nói:

- Cụ đã có chủ ý như thế thì cụ cứ viết ra thành phương thuốc để dâng lên.

Tôi vâng lệnh viết tờ khải rằng:

“Chầu mạch, thấy sáu mạch tế sác và vô lực, hữu quan yếu, hữu xích lại càng yếu hơn. Ấy là tỳ âm hư, vị hỏa quá thịnh, không giữ được khí dương, nên âm hỏa đi càn. Vì vậy, bên ngoài thấy cổ trướng, đó là tượng trưng ngoài thì phù, bên trong thì trống. Nên bổ tỳ thổ thì yên. Nay phỏng dùng: bạch truật (một lạng), thục địa (ba đồng), can khương (hai đồng), ngũ vị (một đồng). Sắc cho đặc, mỗi một lần uống một thìa trà điều với nước sâm sắc đặc. Uống khi lưng bụng.

Tiểu thần Lê Hữu Trác phụng kê.”


Tôi viết xong đưa lên. Ông nhìn kỹ một hồi, xem có ý ngại. Các thầy lang ngồi đấy cũng muốn xem. Ông không cho, đút giấy vào túi áo, cười:

- Phương thuốc và lập luận của cụ khác chúng ta nhiều.

Ông bảo một nội thần mang tờ giấy vào. Một lát sau, ông đứng dậy bảo tôi đi theo, trở về điếm “Hậu mã”. Uống trà một lát, ông nói với tôi:

- Cụ đi xa xôi vất vả, giờ hãy tạm về nghỉ. Có bà con bạn bè mời mọc cũng không được đi đâu. Ðể chờ thánh chỉ xem như thế nào.

Tôi từ giã, lên cáng về dinh Trung kiên. Trong vòng mười ngày, bạn bè trong Kinh đều đến thăm hỏi, thường tình như thế.


(Lê Hữu Trác,
Thượng kinh ký sự, Phan Võ dịch, nxb. Thông Tin, 1989)