“Lai quần đánh giặc còn trong cỏ
Rồi tóc (...) hiện xanh nguyên...”
!!!...

“Em Phượng”, “em Ngân” đã hóa TINH THẦN BẤT DIỆT rồi chứ đâu ở bất cứ mảnh di hài di vật nào. Nhưng “nhặt”, làm sao khỏi “nấc lên”. Trong mùi khói bom còn sặc sụa, như có phảng phất hương sả...

Các em đã hóa tinh thần
Chứ còn đâu nơi những tóc
Biết thế nhưng chị vẫn nấc
Khi nhặt thơm lên
Giữa sặc sụa khói bom...


Để xoa dịu nỗi đau này, chỉ có cách tiếp tục kiên quyết làm cho thật tốt cái việc mà chị em đã cùng nhau làm.
(Thu Tứ)



“Lửa mùa hong áo” (XV.1-2)

Lê Thị Mây




(...)
Hong tóc khoe hết dịu dàng
Sả thơm đến gót hương tràn kín vai
(...)
Yêu tóc nuôi tóc cho người
Người ơi về ngắm chín mười lần thương
Cơn giông dồn chớp một phương
Chợt chiều nhoe nắng đẫm sương thu vàng
(...)

Sau trận bom
Em Phượng
Em Ngân không còn tiếng gọi
Em Phượng
Em Ngân
Khuất tiếng nói
Khuất tiếng cười
(...)
Ôi khuôn mặt
Không thấy, không mũi, không mắt,
                                 không vừng trán mồ hôi còn rỏ
Không khuôn mặt
Không được ôm
Lai quần đánh giặc còn trong cỏ
Rồi tóc trong cỏ hiện xanh nguyên...

Rồi tóc!
Rồi tóc!
Sau trận bom
Trên cây cụt ngọn như treo bão
Lai quần trong cỏ nhặt nấc lên
(...)

Rồi tóc!
Rồi tóc!
Sau trận bom
Gói về cho mẹ mùa nước lũ
Gói về cho em nắng tận nguồn
Gói về cho anh hồn chung thủy
Vai kề
Má ấp
Ấm nụ hôn...

Rồi tóc!
Rồi tóc!
Từng mái tóc
Như suối như sông của núi sông
Binh đoàn điệp điệp
Mùa nước chảy
Trăng búi qua ghềnh tóc mãi xanh...

Rồi tóc!
Tóc chị!
Xanh mềm với tóc em
Binh đoàn điệp điệp
Mùa nước chảy
Mẹ búi qua ghềnh khóc qua đêm!


(Đoạn 1-2, khúc XV - “Tóc”, trường ca
Lửa mùa hong áo, nxb. Quân Ðội Nhân Dân, 2003)