“Đời (…) khổ lắm, Lung ơi (…)”. Dân khổ, cơ bản là do nước mất. Để lấy lại nước lần này, cần ngoại viện. Nguyễn Ái Quốc chọn chủ nghĩa cộng sản đơn giản vì thế. Thế rồi càng tiến hành cách mạng, càng thấy đó là một cách tuyệt vời để động viên nhân dân cho cuộc kháng chiến khó khăn chưa từng sắp tới… Một phần do áp lực của Liên Xô và Trung Quốc, Cách mạng Việt Nam đã có lúc quá độ. Nhưng lãnh đạo ta đã kịp thời sửa sai, tránh được “quá quá độ”. Và sau đó lại kịp thời đổi mới, tránh được sụp đổ chế độ, tiếp tục sự nghiệp xây dựng đất nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa. (Thu Tứ)



Tố Hữu, “Cách mạng là con đường”




Tháng 4 năm 1941, tôi mãn hạn hai năm tù. Tên quản ngục Mốt-xin gọi tôi lên và bảo: “Mày được tha rồi đấy. Đừng có dại làm cộng sản nữa mà mất đầu. Thiếu gì việc để làm, đi dạy học chẳng hạn”. Chẳng cãi với nó làm gì, tôi chỉ hỏi lại: “Thế tôi được tự do rồi chứ?”. Nó không nói gì, chỉ gật đầu. Sáng hôm sau, một người lính Ê Đê đến phòng giam, còng tay tôi và dắt ra khỏi nhà đày. Tôi chào anh em bạn tù, đặc biệt nháy mắt cười với anh Vịnh. Vì trước đó mấy hôm, anh đã bàn với tôi: “Mi về xây dựng cơ sở trước, tau về sau”. Chúng giải tôi về Huế. Qua năm ngày chẳng ai hỏi đến. Thấy tiếp tục bị giam, tôi chất vấn: “Tôi mãn hạn tù rồi, sao các ông không thả?”. Viên cai ngục nói: “Anh còn sáu tháng tù tăng án ở lao Thừa Phủ, đó là chưa kể vụ ở Lao Bảo. Giờ thì đi an trí đã rồi xử sau”. Tôi hỏi ngay: “Đi đâu?”. Hắn chỉ cười rất đểu: “Rồi sẽ biết!”. Thế là chúng đưa tôi lên xe hỏa, giải vào Qui Nhơn, tạm giam mấy ngày. Đến đây, viên cai ngục mới cho biết: “Anh sẽ đi lên trại tập trung Daklay ở Bắc Kontum”. Trớ trêu thay, người lái xe tải chở tôi đi đày lại là anh con ông bác ruột tôi. Người lính áp tải vô tình xếp chỗ tôi ngồi ngay sau lưng anh tôi đang ngồi ở tay lái phía trước. Thừa lúc chú lính mải đùa cợt với cô gái cùng đi, tôi bấm lưng anh tôi, nói khẽ: “... Liệu có cách gì chuồn không?”. Anh tôi im lặng một lúc, rồi thở dài: “Khó lắm!”. Tôi lại thì thầm: “Anh có thể trốn với em không?”. Anh lắc đầu: “Còn vợ con anh bỏ cho ai?” (...) Thấy tôi thì thầm với anh lái xe, tên lính nhắc: “Này, không được chuyện trò với ai hết, nghe chưa!”.

Lên tới Kontum, tôi bị nhốt vào một trại giam như chuồng ngựa, có hàng rào gỗ lim bọc quanh rất chắc. Tên cai ngục đẩy tôi vào nằm trên nền đất sét, giữa đống rác bẩn, đầy mùi phân thối. Sực nhớ đến quyển Ngục Kontum của anh Lê Văn Hiến xuất bản năm 1936, trong đó kể bao nhiêu tội ác của bọn thực dân Pháp trên đường 14, con đường được gọi là “con đường máu”. Máu của anh em cộng sản tù khổ sai đi làm đường, chết rất nhiều bởi bị đánh đập tàn nhẫn, lại do sốt rét ác tính và đói rét thê thảm.

Người cai ngục ném vào cho tôi một gói xôi rồi ra ngoài sân đánh bạc với mấy chú lính canh. Đến gần sáng, người lính gọi tôi dậy, đẩy lên một chiếc xe tải khác. Xe lúc lắc chạy lên hướng bắc, qua các đồn Daksut, Dakto, Dakpao... Người rất mệt, song vẫn tỉnh táo, thế là trong đầu tôi hình thành dần bài thơ “Tiếng hát đi đày”:

Đường lên xứ lạ Kontum
Quanh quanh đèo chật, trùng trùng núi cao
Thông rao bờ suối rì rào
Chim chiều chiu chít, ai nào kêu ai!
...
Đường lên Daksut, Dakpao
Đèo leo ngọn thác, cầu treo mặt ghềnh
Đìu hiu mấy ải đồn canh
Lòng đau lại nhớ các anh những ngày...

Chao ôi! Xưa cũng chốn này đây
Thân bạn vùi xương dưới gốc mây
Roi vụt rát tay bầy lính rợ
Máu dầm, khoái mắt lũ đồn Tây
Mỗi hòn đá đó, bao hòn huyết
Một khúc cầu đây, mấy khúc thây!
Hỡi những anh đầu qua trước đó
Biết chăng còn lắm bạn đi đày!


Cuối cùng, cái xe tải cũng bò lên đến Daklay:

Đường lên đỉnh núi Daklay
Heo heo gió lạnh, sương dày vắng chim
Gà đâu gáy động im lìm
Mơ mơ mấy xóm tranh chìm trong mây
Đồn xa héo hắt cờ bay
Hiu hiu phất lại buồn vây vây lòng.


Tới nơi đây, lòng tôi bỗng cồn lên một ý nghĩ quyết liệt:

Có ai hiểu nỗi hờn ghê gớm
Trên mắt người trông với núi sương!
Núi hỡi! từ đây băng xuống đó
Chừng bao nhiêu dặm, mấy đêm đường?


Nhất định thế, tôi sẽ vượt khỏi cái trại tập trung khốn kiếp này. Tự nhủ: “Chỉ còn chờ cơ hội thôi chú mình ạ!”.

(...) sự đời cũng kỳ lạ (...) Xe vừa đỗ bên đường, liền có mấy anh chạy đến. Một người cầm tay, vỗ lưng tôi, cười ha hả: “A! Chú mày lên đây rồi! Chào nhà thơ!”. Tôi dụi mắt, nhìn kỹ xem ai vậy. Thấy một anh vạm vỡ, đầu hói, trán cao, miệng rộng và đôi mắt nhìn tôi vô cùng thân thiết. Té ra đó là anh Lê Văn Hiến, vâng anh Hiến yêu quý, tác giả Ngục Kontum mà tôi đã quen năm xưa ở Đà Nẵng. Bên cạnh anh, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ, người thợ máy ở Huế cùng chi bộ với tôi năm 1937 (...)

Tôi ở Daklay mới hơn một tháng, thì có lệnh phải về gấp “trả nợ” sáu tháng tù tăng án vì đấu tranh ở Huế. Thế là lại phải xuống Qui Nhơn một lần nữa. Về đây, mới biết rõ tin bọn phát-xít Đức đã tiến công Liên Xô từ cuối tháng sáu. Hàng trăm sư đoàn của chúng dồn dập đẩy lui quân đội Xô-viết trên các trận tuyến và đang uy hiếp thủ đô Mạc-tư-khoa (...) (Tình hình này làm cho) đối với tôi, những ngày tháng ở nhà tù Qui Nhơn thật vô cùng căng thẳng (...) Ở đây, tôi lại có bạn tù mới. Bên cạnh xà-lim của tôi, có đồng chí Lung, một anh thợ điện vừa bị bắt mấy tuần trước (...) Đêm đêm, khi đã khuya mà chưa ngủ được, tôi thường nghe tiếng rao của một em bé gái “Ai ăn bánh bột lọc không?”. Tiếng nó rao nhỏ yếu, nghe mà thương quá (...) Một buổi sáng dậy, bỗng nghe Lung gọi sang tôi: “Này, tối qua, mi có nghe con nhỏ mô rao bán bánh không?”. Tôi đáp: “Ừ, đêm nào cũng nghe nó rao ngoài tường nhà lao, như để hỏi mình có mua không, thật tội nghiệp!”. Bỗng nghe tiếng Lung cười to mà như một tiếng nấc: “Con gái út của tao đó, mới tám tuổi mà đêm nào cũng phải mang bánh đi bán cho mẹ. Hắn biết tao ở trong này nên cố ý rao to cho tao nghe đó. Có đứt ruột không chớ!”. Tôi nghẹn cổ, ứa nước mắt, nhưng cũng gắng nói một lời: “Đời còn khổ lắm, Lung ơi, nên phải làm cách mạng chớ sao!”. Thế là ngay hôm ấy, tôi lẩm nhẩm làm bài “Một tiếng rao đêm”:

Ai ăn bánh bột lọc không?
Tiếng rao sao mà ướt lạnh tê lòng!

Trên môi mỏng hãy thơm mùi sữa mẹ
Tiếng rao nhỏ của một em gái bé
Không vang lâu, chỉ vừa đủ rao mời
Mà giọng còn non quá, yếu dần hơi
Nên cái bánh nửa chừng ra cái “bén”…
(1)

Anh nằm nghe, qua cửa khám, xa xôi
Tiếng em bước trên đường đêm, nhỏ nhỏ
Nhưng cũng đủ cho lòng anh lắng rõ
Anh thấy em, mình gió thổi nghiêng nghiêng
Như cây dương liễu nhỏ, tóc chưa viền
Manh áo mỏng che em không kín ngực
Ðầu không nón, bụi sương thầm chấm ướt
Ðuôi tóc chuôi chừng bảy tám năm thôi
Ấy chân em leo lên bước đường đời
Ngày tháng đó, trong mủng vài chục bánh.
Gia tài đó, mấy đồng xu mỏng mảnh
Biết bao giờ mà sướng được em ơi!


(Tố Hữu,
Nhớ lại một thời, nxb. Hội Nhà Văn, 2000. Nhan đề phần trích tạm đặt.)












________
(1) Dĩ nhiên em bé gái tội nghiệp không phải vì nhỏ yếu mà rao “bén”. “A” thành “e” là một đặc điểm của phát âm tiếng Việt ở Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa. Một số địa phương ở Nam bộ cũng vậy, hẳn do đông đảo cư dân có gốc Bình - Phú - Khánh.