“Nguyễn Khuyến - “Dục Thúy sơn””




Con chim lông xanh biếc ấy nó tắm táp thích chí, thò chân ra đến tận giữa dòng! Chiều tà thi nhân tha thẩn trên núi “Chim”, nghe tiếng chim, cao hứng gieo vần, y như bao nhiêu thi nhân trước đã…

Nguyên văn

Vạn cổ thanh sơn tại
Hà niên Dục Thúy danh
Cô thành thiên nhận lạc
Nhất tự bán giang bình
Tuệ Viễn kim hà xứ
Thăng Am thượng hữu minh
Tà dương hoài cổ ý
Tam lưỡng mộ cầm thanh.


Dịch nghĩa

Núi xanh có đây từ muôn xưa
Năm nào thì mang tên Chim Trả Tắm?
Trên cao tít có tòa thành lẻ
(Dưới chân núi có) Một ngôi chùa xây nhô ra sông
Sư Tuệ Viễn bây giờ ở đâu? (1)
Ông Thăng Am còn bia khắc đó (2)
Chiều tà khiến nhớ xưa
(Đâu đây) đôi ba tiếng chim chiều.

Dịch thơ

Non xanh vốn có trước người
Nên tên Trả Tắm bao đời, bởi ai?
Cheo leo thành lẻ ai xây?
Dòng trong soi bóng tay ai nên chùa?
Cao tăng bóng đã tuyệt mù
Tao nhân đá khắc vẫn sờ sờ kia
Hoàng hôn nhớ cũ ngẩn ngơ
Bên tai mấy tiếng vẳng đưa chim chiều...


Bản dịch thơ khác

Non xanh muôn thuở xanh cao
Mà tên Dục Thúy năm nào đặt ra?
Thành côi ngàn bậc trên xa
Ngôi chùa ven núi nhô ra nửa dòng
Tìm đâu Tuệ Viễn sư ông
Bia am Thăng Phủ rêu phong vẫn còn
Chim chiều đôi tiếng véo von
Tình xưa gửi với nước non bóng tà!
(Hoàng Tạo)



Thu Tứ













________
(1) Tuệ Viễn là pháp danh một cao tăng từng tu ở chùa Non Nước.
(2) Thăng Am là tên tự của Trương Hán Siêu.