Nam Cao - Bút ký kháng chiến




Những bài bút ký này của Nam Cao có giá trị một lời ghi nhân chứng về những năm tháng lịch sử hùng tráng.

Sau đây là một số trích đoạn, với tiểu đề tạm đặt.

Như rộng thêm lên

“Từ khi xẩy ra kháng chiến, có dịp thay chỗ ở rất nhiều, tôi mới tìm ra điều này thật ấm lòng, là ở bất cứ chỗ nào trên đất nước Việt Nam, chúng ta đều có những người thân thuộc (…) Lòng yêu nước, lòng quý mến đồng bào, lòng xót xa đến những người cùng mục đích, cùng số phận với mình, hồi này mới được đồng bào ta ở khắp nơi tỏ ra một cách thật là rõ rệt (...) Ngày xưa, nghe nói đến mạn ngược là đã thấy một cái gì bí mật, ghê gớm. Thổ, Mán, Mèo là những giống người gì khác hẳn chúng ta, khiến chúng ta ghê gớm, sờ sợ (…) Cuộc cách mạng đã đổi hẳn bộ mặt nước mình (...) (Người miền xuôi) không còn sợ núi rừng (...) Vẫn đóng khung trong những biên giới cũ, lãnh thổ Việt Nam có vẻ như mở rộng”.(1)

Nhờ đâu mà “những giống người gì khác hẳn chúng ta” trở nên “thân thuộc”, mà núi rừng dễ sợ hóa thân quen? Câu chuyện là, vì miền xuôi khó lập căn cứ địa, ta lên núi vào rừng. Lên đó thì phải tranh thủ những người ở đó. Ta tranh thủ các dân tộc ít người thành công là nhờ “công” giặc Pháp đã hà hiếp anh em y như hà hiếp ta, khiến anh em chia sẻ với ta cái “số phận” bị đè đầu cưỡi cổ và cái “mục đích” đánh cho bật văng kẻ đè cưỡi mình. Nhưng tranh thủ thành công cũng là nhờ công lao của bao nhiêu cán bộ đã tận tụy thực hiện hết sức nghiêm túc chính sách đúng đắn của Đảng. Không phải nói suông mà thành người thân được đâu! Rất nhiều cán bộ đã sống thực sự gương mẫu mới tạo được cái tình đoàn kết keo sơn ấy đấy. Còn về lòng yêu nước Việt Nam, với ta là cố hữu, chứ với nhiều anh em, chắc chắn là đến bây giờ mới có!

Vui như đi hội!

“Nhân dân Cao Bằng (…) đi dân công vui vẻ như đi hội (…) Chúng tôi chạy ra xem một cảnh tượng rất đẹp mắt (…) Bao nhiêu người khiêng gánh (…) từ trên đồi đổ xuống, tỏa ra ở trên dốc thành hai, ba dòng uốn éo (…) Đến lưng chừng đèo, chỉ còn một lối đi, những dòng người chập lại nhau. Cả một thác người đổ xuống (…) Một chị thấy chúng tôi ngừng lại để nhường đường (…) chào chúng tôi bằng một giọng dịu dàng (…) rất đáng yêu (…) nghe như một lời thân mến của một em gái. Chúng tôi thấy lòng ấm quá. Chưa bao giờ tôi thấy tình đồng bào, đồng chí, sự thông cảm giữa những con người cùng chiến đấu cho một mục đích chung, thấm dịu lòng như lúc ấy. Gia đình thật! (…) Đơn vị chúng tôi cũng có nửa tiểu đội dân công toàn phụ nữ đi theo. Một buổi chiều, gạo chưa đem tới kịp, chúng tôi bàn nhau: tất cả anh em đều nhịn, ai còn sót được chút gạo nào, dồn cả lại, nhường cho các chị dân công. Các chị lẳng lặng lĩnh gạo đi ra suối, chẳng nói gì. Nhưng hơn một giờ sau, một chị về gọi chúng tôi: “Các anh đi ăn cháo”. “Mời các chị. Gạo về, chúng tôi sẽ ăn sau. Sao các chị không thổi cơm ăn?”. “Nấu cháo thôi, nhiều lắm, các anh đến cùng ăn”. “Chúng tôi chẳng ăn đâu”. “Ăn chứ! Có cơm cùng ăn cơm, có cháo cùng ăn cháo, các anh nhịn, chúng tôi không ăn vớ!”.(2)

Chưa bao giờ trong lịch sử chống ngoại xâm dân phải giúp quân nhiều như lần này. Lý do là không như những giặc trước, giặc lần này sở hữu phương tiện chiến tranh ưu việt. Ngoài vũ khí cực kỳ lợi hại, giặc còn có máy móc chuyên chở hiệu quả lạ lùng. Nhân dân Việt Nam đã lấy đôi chân của mình ra mà cân đối những Đa-kô-ta, ca-mi-ông của quân đội Pháp! Khiêng gánh nặng nề đường xa thăm thẳm non liền non suối liền suối, dầu dãi nắng mưa, ngủ thì màn trời chiếu đất, ăn thì nhiều khi phải ăn cháo, người ta dễ sinh cáu bẳn, khó chịu, dễ trở nên ích kỷ với nhau lắm. Nhưng mà không. Đây những người lao động cực kỳ vất vả lại vui như hội và dịu dàng và sẵn sàng nhường thứ rất cần thiết cho người khác! Núi rừng Cao Bằng giữa thế kỷ 20 đã chứng kiến một “cảnh tượng” đẹp chưa từng có!

Ngoài sức tưởng tượng

“Lại dân công! Dân công nghỉ ở hai bên đường họp thành những rừng người lồng vào những rừng cây (…) Những đám lửa phập phồng (…) bóng người lẫn với bóng cây (…) Vẫn dân công! Chỗ nào cũng gặp dân công (…) Luôn mấy tháng nhân dân mạn trên này chuẩn bị gạo, muối, gà, lợn, đắp đường, tải vũ khí, sửa soạn cho bộ đội đánh Tây. Cuộc chuẩn bị lặng lẽ (…) ở xa không ai ngờ, nhưng lớn lao, vất vả (…) công phu ngoài sức tưởng tượng”.(3)

Trong hồi ký Đường tới Điện Biên Phủ, khi kể chuyện chiến dịch Biên Giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết một niềm vui rất lớn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường ra mặt trận là thấy, chẳng hạn, cảnh dân công ngủ ngoài ruộng bậc thang nhường nhà trong bản cho những thứ mà họ đang khiêng gánh để chúng khỏi bị ướt, và chẳng hạn, cái cảnh hàng vạn đồng bào cầm đuốc nối nhau đi trong đêm giống như những con rồng lửa đang trườn qua núi non chập chùng đầy sương giá. Đại tướng nhắc “Từ những năm (…) đồng bào còn chìm đắm trong kiếp nô lệ, Nguyễn Ái Quốc đã nhìn thấy chân lý: Có dân là có tất cả”. Có dân thì có thể làm được những chuyện “ngoài sức tưởng tượng” của giặc mà đánh cho nó thua thật to, phải chịu trả lại nước.

Những lưng áo chàm ơi!

“Các anh ở xuôi mới lên, trông cái thắt lưng của các chị Thổ trên này, có thích không? Cái thắt lưng, múi trễ tràng ở đằng sau, làm tăng vẻ thắt đáy lưng ong của các chị em lên. Nhưng các anh sẽ mến cái thắt lưng ấy hơn nhiều, nếu các anh biết chuyện cái thắt lưng của một chị dân công (…) Đông Khê lần thứ nhất, chị ra tận mặt trận để cõng các thương binh về phía sau, giữa những lúc đạn đôi bên bắn như mưa. Một lần, chị cõng một anh bộ đội bị thương ở bả vai. Anh đau rũ rượi, nhưng không bám vào vai chị được mà chị sợ anh đau, không dám ghì tay anh, thành ra người anh cứ lắc lư chực ngã về sau, chị khó đi. Chị bèn cởi thắt lưng, nhờ người quàng ra sau lưng, dưới nách anh, buộc anh áp vào lưng chị, để đi cho dễ. Chiếc thắt lưng của chị đẫm máu anh. Trận đánh xong, chị về giặt sạch thắt lưng rồi lại dùng nó như thường. Ta lại đánh Đông Khê. Chị lại xung phong xin đi tải thương binh…”.(4)

Cõng một thân thể rũ rượi, khó gọn lắm. Cứ hai dáng người nhập lại thành một khối hình thù kỳ lạ, loạng choạng cố chạy cho nhanh ra khỏi mưa đạn… Rồi bắt đầu đi. Từng khối, từng khối è ạch trên lởm chởm đá tai mèo, trèo những dốc “mũi gần chạm đất”, luồn khe, lội suối… Bây giờ thì y phục người cõng cũng đã có chỗ đẫm máu y như người được cõng. Thắt lưng có khi cần dùng, có khi không, nhưng trước tiên thương binh đã được buộc chặt vào đồng bào bằng một sợi dây tình cảm rất chắc chắn. Những lưng áo chàm ơi, dẫu sông cạn núi mòn, cũng không thể quên.

Một dòng máu mạnh lạ lùng

“Thằng Tây (đóng quân ở một số điểm) tưởng làm bế tắc được chúng ta. Nhưng chúng ta vẫn đi lại, chuyên chở được như thường (…) Một dòng máu mạnh có những cách lưu thông rất lạ lùng (…) những mạch máu thường ngày (…) bế tắc (…) nó khơi ra hàng trăm đường máu khác (…) Cái nghị lực của dân tộc ta (...) biểu lộ ra ngoài một cách giản dị, thản nhiên, gần như không tự biết (…) Việt Bắc, những con đường vượt núi, xuyên rừng (có) hàng trăm cái dốc (đứng đến nỗi) mũi (như) chạm đất và (suối khe nhiều đến nỗi) chân cứ sắp khô thì lại được đầm xuống nước (…) (Thế mà) Tây vừa nhảy dù hôm trước thì hôm sau, những xưởng máy hàng ba bốn trăm người làm đã (bắt đầu) lên đường (…) từng phần nhỏ, vượt hàng trăm cây số núi rừng (…) Gang sắt thì khiêng ngay trên một con đường rộng rãi, bằng phẳng cũng đã đủ nhức vai, sụn xương sống lưng rồi. Đằng này không có đường đi. Toàn là những lối nhỏ lầy lội và lắm vắt, những dốc gần dựng đứng, những khe suối lởm chởm đá tai mèo, hết lên thì lại xuống, hết trèo thì lại lội. Có những cái dốc khổ sở, chỉ một người với một cái ba-lô cũng đã phải đu vào từng cái cây để kéo người lên. Làm thế nào mà khiêng được ở những chỗ thế này? Đứng vào đâu mà khiêng, mà nếu tuột chân hay tuột tay một cái thì tránh sao khỏi bị gang sắt đè, giập xương gãy cẳng? Người ta phải dịch đi từng bước một, vừa dịch vừa chèn, vừa dùng xẻng cuốc đào bực để dịch thêm bước nữa…”.(5)

Có cái thứ “máy” này không nằm trong một xưởng máy nào cả, mà ngược hẳn lại với máy trong xưởng cứ giặc tới gần là chạy ra xa, riêng nó thấy giặc ở đâu lại thích đến kế bên để “giao lưu”. Tức là pháo, là đại bác, là “voi”. Voi dĩ nhiên nặng ôi là nặng, thế mà hễ đánh lớn là phải rước “ông” đi theo cho bằng được. Giặc đã bị bất ngờ bởi những ông voi lẻ trên bờ sông Lô, rồi đến tận trận cuối cùng ở Điện Biên Phủ vẫn còn bị bất ngờ khi cả một đoàn voi ta thình lình đồng loạt gầm lên, phun bao nhiêu sắt lửa xuống “Con Nhím”… Cái dòng máu mạnh lạ lùng của dân tộc đã liên tiếp lập nên những thành tích phi thường, mỗi lúc mỗi phi thường hơn, khiến cho mọi ước lượng của giặc đều sai bi thảm!

Chính những người ấy

“Vô số anh răng đen (…) ra trận (…) xung phong can đảm lắm (…) không hề bận tâm đến vợ con, nhà cửa, như (…) vẫn thường thế”.(6)

Khảo cổ học Việt Nam đã tìm được những di cốt Đông Sơn có răng đen.(7) Một cái phong tục độc đáo tồn tại ít nhất hai mươi mấy thế kỷ! Vết tích sống động duy nhất còn lại từ thời những vua Hùng! Vào thời đánh Pháp những người mang nét văn hóa nghìn xưa ấy vẫn hiện diện đông đảo và đã biểu hiện rực rỡ một lần nữa lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu anh dũng lừng danh của dân tộc ta.

Những bàn tay đẹp ấy

“Chị tổ trưởng (…) mới độ mười chín đôi mươi. Chị đẹp như một cô gái Bắc Ninh. Khăn vuông mỏ quạ, yếm trắng bong, áo nâu dài, hai vạt trước lỏng lẻo bắt chéo nhau bên ngoài hai dải thắt lưng xanh, quần nái đen buông đến tận mắt cá chân. Đấy là lúc nghỉ ngơi, không phải lúc đánh giặc, các chị vẫn duyên dáng lắm. Và cũng thùy mị nữa. Khuôn mặt trái xoan rất dịu dàng. Da nhỏ, mơn mởn, trắng hồng. Mắt bồ câu. Miệng nhỏ xinh xinh. Mỗi khi cười, đôi má bầu bầu lúm đồng tiền. Cô con gái nền nếp xứ quê này, mặc dầu cái mộc mạc nâu sồng, cũng khả dĩ làm lắm chàng trai mơ ước. Tôi không biết lúc xông vào trại giặc thì chị có dữ dội, ngổ ngáo không. Lúc này đây, chị cũng khép nép như bất cứ cô thôn nữ đẹp nào ngồi trước mặt đàn ông. Trong khi nói chuyện, đôi mắt chị luôn luôn nhìn xuống, đôi bàn tay trắng mịn đặt trên đùi. Những ngón tay búp măng muồn muột chít vào nhau. Những bàn tay nhỏ nhắn này đã từng cầm súng bắn Tây, ném lựu đạn vào Tây, hoa mã tấu lăn xả vào Tây. Nó vẫn không kém mềm mại chút nào. Trước kia, hẳn là nó đưa thoi rất nhẹ nhàng. Và ẵm em rất khéo (…) “Hai phần ba chúng em đã có chồng, vài người đã có con”. Tôi băn khoăn không hiểu những đứa con ấy bây giờ ở với ai (…) Và những người chồng có vui lòng thành thật khi thấy vợ vào du kích không? Chị mỉm cười: “Các anh ấy rất bằng lòng. Bởi vì các anh ấy cũng đi công tác cả (…)”. Còn các cháu? “Chị em chúng tôi người nào có con, đã có (…) chị em phụ nữ địa phương coi sóc (…) Chúng nó nhiều mẹ lắm!”.(8)

“Oai như gái Việt”!(9) “Tôi mới chợt nhận thấy rằng trong đầu óc đàn ông của tôi vẫn còn nhiều thành kiến đối với đàn bà lắm”. Những thành kiến ấy trong “sọ” trí thức Việt Nam là do giặc Tàu trong thời Bắc thuộc và do chính vua quan Việt Nam từ thời Lê đã ra công “nhồi” vào. Nhưng nhồi “nhiều lắm” suốt bao nhiêu thế hệ mà vẫn không chặt được, động cái là rơi ra ngoài “sọ”! Và dù sao, dù đàn ông Việt Nam có nghĩ thế nào, có muốn “giữ rịt phụ nữ ở nhà, cấm”, thì đông đảo đàn bà Việt Nam vẫn cứ xông ra khỏi nhà, rủ nhau đi “làm cái bổn phận công dân” y như thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu!

Đối xử với tù binh

“Qua Thất Khê san sát quốc kỳ, vẫn thấy có rất đông những người Pháp đi, đứng rất ung dung. Trong một thị trấn đã về ta, đã đầy những bộ đội chiến thắng của ta, vẫn còn những người Pháp cười nói, đi bách bộ trong vườn hay ngồi hút thuốc lá một cách yên hàn, bình tĩnh (…) Mỗi lần Pháp bắt được ta, bất kể là bộ đội, du kích hay có khi chỉ là những thường dân bị tình nghi, chúng tra tấn dã man, rồi (có khi) chặt đầu đem bêu”.(10)

Quân Pháp dã man đâu phải chỉ đối với tù binh ta hay thường dân ta bị tình nghi ủng hộ kháng chiến. Cứ hễ đi càn, là nó giết bừa bãi không chừa người già trẻ con và nó cưỡng hiếp phụ nữ, nhiều khi hiếp xong rồi giết. Tại sao ta đối xử với người của nó ngược hẳn cách nó đối xử với người của ta? Bởi giặc tuy thua nhưng vẫn còn mạnh lắm. Ta không muốn làm giặc tức (!) mà cố gắng thêm. Thậm chí, ta cần tử tế với tù binh để binh vận và, quan trọng hơn, qua đó tranh thủ thiện cảm của nhân dân Pháp mà gây áp lực bỏ cuộc đối với nhà nước Pháp. Dân tộc Việt Nam có đạo đức cao, nhưng chắc chắn cái thế của một nước yếu cũng là lý do khiến ta chọn dĩ đức báo oán như thánh nhân!



Thu Tứ
Viết tháng 7-2016











_________
(1) “Trên những con đường Việt Bắc”, (2) “Vui dân công”, (3) “Vài nét ghi qua vùng vừa giải phóng”, (4) “Vui dân công”, (5) “Trên những con đường Việt Bắc”, (6) “Đôi mắt”.
(7) Nguyễn Lân Cường,
Ðặc điểm nhân chủng cư dân văn hóa Ðông Sơn ở Việt Nam, nbx. Khoa Học Xã Hội, 1996.
(8) “Những bàn tay đẹp ấy”.
(9) Nhan đề một bài viết của TT về vai trò của phụ nữ trong xã hội Việt Nam truyền thống.
(10) “Vài nét ghi qua vùng vừa giải phóng”.