Tại sao không ở trong vùng bị tạm chiếm mà ra đây cho nguy hiểm? Vì ở đây dễ bán đủ thứ hàng và dễ trốn thuế. Không phải đóng thuế cho Pháp đã đành. Cũng không phải đóng cho ta nốt, bằng cách “cũ hóa” hàng còn mới tinh (dép mang, áo mặc v.v. được xem là đồ cũ). Nhưng ai có tiền mà mua, nhất là những thứ xa xí phẩm? Trong số dân thành phố đang chạy giặc có nhiều người có nhiều tiền, rất sẵn sàng mua. Lòng yêu “phơ, tờ, tì” khiến những tiểu thương này bán hàng tích cực ghê. Giá họ đổi qua yêu nước cũng hăng hái như vậy... “Tôi nghĩ đến một cơn lốc khổng lồ (...) hút ngược bao nhiêu nhố nhăng kia lên trời”. Tệ hơn nhố nhăng nhiều chứ. Đây là chỉ biết mình trong khi bao nhiêu người khác đang vì nước quên mình. “Lên trời”, sợ bẩn trời. Tưởng một trận động đất vùi xuống cho thật sâu thì hơn.

(Thu Tứ)



“Cống Thần”

Nguyễn Tuân




Thuyền tôi qua Cầu Bầu, thuyền tôi qua Quán Bóng, thuyền tôi trôi xuống cống Đồng Quan. Tôi là người khách lạc điệu giữa một chuyến đò đông. Chuyến đò chở này là một cái chợ tiền nổi trong dòng kênh (...) Chung quanh tôi, người ta tíu tít bấm đèn đếm tiền. Nào giấy hai chục đồng “Cụ Hồ đi nhanh”, “Cụ Hồ đi chậm”, giấy trâu xanh lá mạ, giấy một trăm đỏ nhẵn mặt, giấy một trăm đỏ sù sì. Người ta gọi đồng bạc là phơ, tờ, tì. Người ta đếm, đếm mãi. Nước kênh óc ách trôi theo người mải đếm.

Cống Đồng Quan in bóng lên nền trăng suông, hình thù chẳng khác cái cốt một chiếc máy chém chờ đầu người. Bên và dọc đường lờ mờ bóng người thì thầm những tiếng lóng (...)

Có ai muốn xem mặt trời mọc ở Văn Trai không? Hãy tới đây sau một đêm đò thúng. Gian nào cũng tô hô ra mặt phố; mặt trời rọi ngang vào những giấc ngủ nặng nề. Người đàn bà ấy vươn vai ngáp. Cái giường còn nóng hơi người ấy lại biến thành cái mặt hàng ngoại hóa. Và mặt cửa hàng tạp hóa nào cũng dễ lẫn với bất cứ mặt cửa hàng tạp hóa nào. Lại có những cửa hàng ghé nữa. Kê nhờ cái bàn con vào bên cạnh ngôi hàng chính, rồi đặt lên đấy vài xa xỉ phẩm Âu Mỹ lăng nhăng. Không có bàn thì thuê bàn. Có khi một chiếc bàn ba chân, phải thuê mỗi ngày hai chục đồng. Vì thế cho nên muốn dọn hàng ở phố, nhiều người đã dựng lấy cửa hàng. Đất thì nhờ, còn tre tranh công xá của mỗi ngôi hàng hai gian mất độ nghìn bạc. Phố Văn Trai cứ thế mà dài thêm mãi dọc bờ sông Nhuệ. Tôi đứng xem người ta đấu đất làm nhà. Cái đặc biệt của sự kiến trúc những nhà cửa ở thị trấn độc đạo chỉ có một phố dọc chứ tịnh không có phố răng bừa rẽ ngang như đây, là người ta đào hầm trú ẩn trong lòng nền ướt đã, rồi mới trồng cột lợp mái (...)

Ở những nơi quần tụ tạm bợ mọc lên, hiện ra, rồi tàn lụi (...) ở những thị trấn nấm, những phố cao-su, những chợ cóc nhẩy này, chúng ta cọ chạm với nhiều thứ tâm lý tiêu cực. Ở đây, người ta có một lối nhớ khác hẳn số đông. Họ không nhớ những niên hiệu 6-1, 9-3, 19-8, 2-9, 19-12; nhưng nói đến những tên cao đan hoàn tán Âu Mỹ khó đọc đến mấy, họ đều thuộc lầu. Họ không đọc một tờ báo nào. Hoặc giả có đọc thì cái thái độ rõ rệt của họ là hoài nghi tất cả. Họ chỉ tin tưởng vào những kiện hàng. Họ đếm tiền, hết đếm tiền khô thì lại hơ đèn ướt lên đèn lên lửa, hết giấu hàng lậu thì lại dấm dúi hàng chợ đen. Họ đếm đêm, họ đếm ngày. Giữa lúc tàu bay khủng bố, họ vẫn tiếp tục đếm, họ đếm ở trong ruột hầm trú ấn gia đình, ở miệng lỗ hầm cá nhân. Họ ít nhìn thấy (...) tội ác giặc ở quanh họ. Bất chấp hai chiếc X-pít-phai thay phiên nhau khạc lửa xuống chợ, họ ló đầu lên miệng hầm làm giá hàng nốt với người khác cũng đang ló đầu trên miệng hầm dãy phố bên kia. Một anh tình báo nội thành kể cho nghe nhiều chuyện, vừa kể vừa điểm mặt luôn người qua lại. Cái mụ bụng to kia, phất tấy lên vì chăn len Úc, sắp vác bụng vào đẻ trong Hà Nội đấy, “vì ngoài này thiếu cờ-li-ních”. Cái thằng cha béo sị tóc gọng kính kia chuyên môn vào Hà Nội để mang hàng ra, mỗi chuyến cho thuê cái bản thân hắn như thế, hắn kiếm khối tiền. Lúc vào, nó đóng khố, lúc ra nó quấn hàng may sẵn vào đầy người. Tôi trông ngờ ngợ quen. Thời Nhật, hình như thằng cha này quen xí chỗ ở ghít-sê ga Hàng Cỏ để lấy hộ vé – ăn hoa hồng – cho người khách đi tàu tốc hành Sài Goòng. Rồi hắn buôn quan kim, bán rong thuốc lá thơm. Rồi hắn chuyên môn ngủ đêm giữ chỗ trước ngân khố Hà Nội. Ai cần ghi số giấy bạc năm trăm đổi nhà băng Pháp thì hắn bán lại chỗ cho mà đứng. A, kia là một tên trùm bờ lờ, chuyên môn lấy vợ lẽ đặt làm trạm dịch độ ở các chợ cóc nhảy suốt từ Hiệp Hòa, Đức Thắng, So Sở, Văn Trai, Cống Thần, Đống Năm, Phát Diệm, Cầu Bố, Cầu Giát, Đô Lương. Hắn cưỡi xe đuy-ra, đeo đồng hồ 5 kim, bút Pa-ke đầu ngòi có đèn, đeo súng và trên người cái gì cũng là vải là sợi Mỹ cả. Một chuyến hàng đi vào gần phân khu IV, hắn tổ chức thành tiểu đội xe đạp lưu động có tiểu đội trưởng đeo Côn Bát, và mỗi chuyến phất, hắn lại vứt ở từng trạm đường cô vợ lẽ hắn bao, cứ từng phuýt dầu xăng một.Vợ lẽ hắn đem chôn đi rồi chờ lúc khan mà bán lẻ từng lít. Còn nhiều thứ chuyện lắm. Nhưng thôi, ta đi đi. Mệt lắm.

*

(...) Giữa đường phố độc đạo nhan nhản những con người dép mới, áo vải tây mới trắng lốp, đàn ông đàn bà bó cứng trong vải còn nguyên lần hồ, tay xách bị, xách cặp, xách túi dù. Họ mậu dịch ngay giữa đường. Họ buôn đứng, họ bán đứng. Kẻ buôn trong nhà thì ngồi dạng háng trên miệng hầm, một mắt nghếch máy bay, một mắt ngóng ra đường. Họ chỏng lỏn sỉ vả khách, quăng hàng vào mặt người mua: “Giả tiền đi!” (...)

Danh từ Cống Thần, tôi tưởng như đó là tên một truyện quái dị, gợi đến một thiên tai có sự rùng rợn của thủy hỏa đạo tặc. Tôi nghĩ đến một cơn lốc khổng lồ lật ngửa những mái tranh đang úp vào mặt bùn kia, hút ngược bao nhiêu nhố nhăng kia lên trời và quét sạch cái không khí dịch tể ở nơi này đi (...)

*

Sau kỳ nhảy dù Trà Châu vừa rồi, địch đóng ở Đục Khê, tôi lại có dịp từ Đống Năm về qua Cống Thần. Ba anh bạn cũng tìm đường lên Việt Bắc và tôi nằm chung một con đò cắm sát Cống Năm Cửa. Đò, đêm mưa, khoang vắng. Thế mà không buồn tí nào. Cả đêm chúng tôi nằm đếm tiếng nổ, cố phân biệt tiếng nào của mình. Sớm sau đổ bộ lên Cống Thần, - vắng hết người, chỉ còn biển hàng sơn ngũ sắc hai dẫy hàng cài răng lược vào nhau qua lòng phố rộng lạnh hơn mọi ngày – chúng tôi mới đọc báo và được tin Trung đoàn Miền Tây đang lập nhiều công ở vùng Đục Khê Bạch Tuyết.

Chúng tôi dẫm lên bùn tái mét phố Cống Thần, niềm vui sống đặt vào những tiếng súng đồng vọng từ dãy núi Hương Tích xa dồn lại.


Chợ Cháy, hết 1948