Lý tưởng có thể giúp con người ta làm được những chuyện phi thường. Tố Hữu vừa tuyệt thực vừa làm thơ. Không phải thơ vớ vẩn, mà thơ hay. “Có điều lạ: thơ là do tôi làm; nhưng khi bài thơ đã thành hình rồi thì nó như một người đồng chí, một người bạn giúp tôi vượt qua gian nan”... Sáng tạo là nhân mình lên! Các “mình nhân” trong gian nan là trợ thủ đắc lực, sau gian nan trở thành kỷ vật tuyệt vời!

Đồng bào khốn cùng làm nảy thơ, rồi bản thân đấu tranh làm nảy thơ, rồi tiếp liền những gương hy sinh sáng ngời lại làm nảy thơ... Lịch sử được thơ lên từng bước!
(Thu Tứ)



Tố Hữu, “Sáng tạo là nhân mình lên”




Vào tháng tám địch bắt được anh Lê Chưởng, Xứ ủy viên. Chúng đánh rất ác. Nếu những trận tra tấn này kéo dài, có thể anh sẽ chết. Anh Thanh bàn với tôi là chi bộ phải đấu tranh. Phân tích tình hình lúc đó, chúng tôi cho rằng nếu “hò la” làm náo động thành phố thì chúng phải sợ và chùn tay lại.

Thế là một kế hoạch cụ thể được vạch ra: Cứ sau khẩu lệnh “Một, hai, ba!”, chúng tôi lại đồng thanh la to: “Chống khủng bố! Chống tra tấn! Chống đánh đập tù nhân! Bảo vệ Lê Chưởng!”. Tiếng hò la rất lớn, qua dư luận làm náo động cả thành phố Huế. Địch hoảng hốt đối phó. Tên đồn khố xanh chỉ huy đàn áp bằng vòi rồng, cứ nhè ai la to là xịt thẳng vào người đó. Vòi rồng mạnh lắm. Thư sinh như tôi bị xịt trúng là ngã. Khi địch thôi xịt, chúng tôi lại la. Sau vài lần, địch đổi cách mới. Chúng dỡ những tấm ván sàn bằng gỗ lim lao thẳng vào đám tù nhân. Với những tấm ván to như vậy, ai bị lao trúng có thể chết. Chi bộ bàn: Ai khỏe đứng phía trước, ai yếu đứng phía sau. Huy động chăn ra xếp cao thành “chiến lũy” ở phía trước. Như vậy cũng đỡ nhiều. Sau ba ngày, tuy một số đồng chí bị thương, nhưng thấy tù nhân kiên quyết, ngoài phố dư luận quần chúng ồn ào quá, nên chúng chùn tay. Chúng tuyên bố không đánh anh Lê Chưởng nữa mà chỉ biệt giam thôi.

Thế là cuộc đấu tranh của chúng tôi đã thắng lợi. Địch rất cay cú. Chúng đem mấy anh em mà chúng gọi là “đầu sỏ” ra tòa, tuyên án mỗi người phải lĩnh thêm sáu tháng tù và đày đi Lao Bảo. Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Anh, Lê Thế Tiết, tôi và một đồng chí nữa bị còng tay giải đi. Đó là những ngày tiết trời đã chuyển sang đông, sau khi cụ Phan Bội Châu qua đời. Lúc này ở châu Âu, bọn phát-xít Đức đã thống trị nước Pháp và một số nước khác. Ở châu Á quân Nhật xâm lược Trung Quốc và kéo vào Đông Dương, nghênh ngang chiếm đóng các vị trí chiến lược. Bọn thực dân Pháp ở Đông Dương đã nhục nhã đầu hàng quân Nhật, giống như ở “chính quốc”, tên Thống chế Pétain bán nước cho phát-xít Đức. Bọn vua quan Nam triều cúi đầu làm bù nhìn tay sai cho cả Nhật và Pháp. Thế là dân ta, một cổ ba tròng, vô cùng khốn khổ. Quân du kích và đồng bào Tày Nùng ở Bắc Sơn vùng rừng núi Lạng Sơn đã dũng cảm đứng lên nhưng cuộc khởi nghĩa bị dập tắt ngay. Những tin đó chúng tôi bị bưng bít đều không hay biết gì.

Lao Bảo (…) Từ ngoài nhìn vào trại, chỉ thấy những ngôi nhà hai tầng quét vôi trắng, cây cối xanh tươi (…) Chúng dẫn chúng tôi xuống (…) một căn hầm dài vài chục mét đào sâu xuống đất, chỉ có mấy cửa sổ nhỏ để thông hơi. Căn hầm chật chội mà nhốt tới bốn mươi người, mùi ẩm ướt, cứt đái lưu cữu, ngột ngạt vô cùng.

Lại ăn cơm cá thối. Nhưng khác với ở Huế là phải đi làm khổ sai. Chân luôn luôn bị xiềng, kể cả khi đi làm.

Rừng Lao Bảo có loại tre “cà lay” đặc ruột rất nặng. Mỗi người mỗi ngày phải chặt vài chục cây vác về. Chặt đã mệt, vác về càng cực hơn, nhất là với những người sức yếu như tôi, chân lại mang xiềng. May có sông Lao Bảo, thả bè, kéo dọc sông, lại có một số anh em khỏe giúp thêm nên cũng đỡ vất vả. Cơm ít, làm việc lại nặng nhọc, ở tuổi hai mươi lúc nào tôi cũng có cảm giác đói cồn cào. Đôi lúc anh em tù lén lên nương đào sắn nướng ăn cho đỡ đói.

Lao Bảo (…) ở trong hầm ngột ngạt, hôi thối, lao lực, ăn đói, mặc rét, lại còn bị đánh đập rất tàn nhẫn. Cả đêm chân đút trong cùm xai. Sáng điểm danh chúng lại lấy gậy gõ lên đầu từng người một, ức lắm. Ở đây có đủ thứ bệnh tật, nguy hiểm nhất là sốt rét. Sốt rét ác tính đái ra máu mà chết. Không có cách gì liên lạc với bên ngoài. Nếu tình trạng này kéo dài thì anh em sẽ chết dần chết mòn hết. Sức chịu đựng của con người có hạn. Giọt nước cuối cùng làm tràn cốc là sự kiện anh Lê Thế Tiết bị đánh chết. Hôm đó là một ngày cuối năm 1940, địch phát hiện ra điều gì đó trong một lá thư nhà gửi cho anh Lê Thế Tiết. Tên Đồn liền gọi anh lên và đánh đá rất dã man. Anh bị một quả đấm quá mạnh, ngã đập đầu vào một góc bàn, vỡ sọ chết ngay tại chỗ.

Tất cả anh em họp ngay, bàn phải đấu tranh quyết liệt. Nhưng đấu tranh thế nào cho đỡ tổn thất mà lại có hiệu quả.

Chúng tôi quyết định tuyệt thực và cả tuyệt ẩm. Chủ trương đưa ra được toàn chi bộ nhất trí. Tù thường phạm cũng hưởng ứng bằng cách hò la. Ngay từ đầu, địch đàn áp quyết liệt. Chúng đánh bằng roi và báng súng rất dữ nhưng anh em vẫn kiên trì, quyết không lùi bước.

Lần đầu trong đời, tôi mới biết thế nào là “đói đến chết”. Ngày thứ nhất, chỉ mới khó chịu, ngày thứ hai đã thấy xót ruột, đến ngày thứ bà thì bụng cồn cào dữ, ngày thứ tư nghe bủn rủn cả người, toát hết mồ hôi, tưởng không thể chịu nổi. Bèn lấy hơi sức hát lên vài câu, sau đó thiếp đi. Đến ngày thứ năm, hình như cơ thể bắt đầu thích nghi chai lì, không nghe đau quặn nữa. Cứ nằm im thì thấy tê liệt cả người và thịt da teo tóp dần. Cho đến ngày thứ mười thì chỉ còn xương với da nhăn nheo, hơi thở rất yếu, tim thoi thóp.

Nhịn ăn đã khó, nhưng nhịn uống càng khó bội phần. Chúng tôi dồn chăn lại, song vì chân ai cũng bị cùm nên phải chuyển dần chăn đến tay người cuối cùng ở nơi trũng nhất của hầm còn đọng lại chút nước cọ rửa nhà đã nhiều ngày. Chúng tôi thấm nước vào chăn và vắt vào miệng những người có nguy cơ chết khát. Tôi thuộc số người yếu nhất, nên được các anh “ưu tiên” cho vài mươi giọt nước cũng mát ruột. Có điều lạ là đến lúc sức kiệt, tôi cảm thấy đầu óc vẫn tỉnh táo. Có lẽ do bản thân và nhờ có tập thể bên mình nên tinh thần mới được thế. Ngày thứ mười, tên Đồn vào. Tôi biết tiếng Pháp nên thay mặt anh em phản đối, lên án tra tấn đánh đập tù nhân, đòi phải hủy bỏ ngay chế độ độc ác của nhà đày.

Chúng lại tách những người mà chúng cho là “đầu sỏ” nhốt vào xà-lim biệt giam. Xà-lim này ở Lao Bảo giống như một cái quan tài bằng xi-măng, không thể ngồi được. Khi nằm, trần cách mặt chỉ mấy chục xăng-ti-mét. Tôi bị cùm chân, trần truồng nằm trên sàn. Trời cuối năm lạnh như cắt. Tôi vẫn tiếp tục cùng anh em tuyệt thực. Lúc đó tôi cảm thấy cái chết chỉ còn gang tấc. Biết bao nhiêu ý nghĩ dồn đến. Mới hai mươi tuổi đời mà đã phải chết, tôi cũng tiếc cuộc đời thanh xuân lắm, nhưng lại nghĩ: Trong cuộc đấu tranh này, hy sinh cũng chẳng có gì lạ. Đang nằm trần truồng trên ván lạnh, kiệt sức vì đói và khát, tôi bỗng thấy cần làm một bài thơ, như một lời nói cuối cùng. Trong đầu tôi bài thơ “trăn trối” dần dần hiện lên, để động viên mình, và nếu có dịp đọc cho ai nghe trước khi chết, mọi người sẽ hiểu được cái khí phách của người cộng sản. Sau này, khi đọc lại bài thơ, tôi vẫn thấy nguyên cảm giác của người con trai hai mươi tuổi say mê lý tưởng, đang bình tĩnh đón chờ cái chết.

Từ thuở ấy, quăng thân vào gió bụi
Đến hôm nay phút chết đã kề bên
Đến hôm nay kiệt sức, tôi nằm rên
Trên ván lạnh không mảnh mền, manh chiếu
Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu
Dấn thân vô là phải chịu tù đày
Là gươm kề tận cổ, súng kề tai
Là thân sống chỉ coi còn một nửa…


Tôi nghĩ đến tuổi thanh xuân đang sôi nổi:

Nếu mai đây có chết một thân tôi
Hai mươi tuổi, tim đang dào dạt máu
Hai mươi tuổi, hồn quay trong gió bão
Gân đang săn và thớ thịt căng da
Đời mặn nồng hứa hẹn biết bao hoa!


Song với niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng và phong trào cách mạng, tôi cảm thấy rất bình tĩnh:

Tôi sẽ chết, tuy chưa về tới đích
Nhưng cần chi, đã có bạn chung đời
Tung hoành trên mặt đất, bốn phương trời
Trường giao chiến không một giờ phút lặng!
Rồi chiến thắng sẽ về ta, chiến thắng
Và tương lai, ta sẽ chiếm về ta!


Từ những suy nghĩ đó, tôi đã sẵn sàng đón cái chết với tâm trí nhẹ nhàng:

Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng
Lòng khoẻ nhẹ anh dân quê sung sướng
Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành
Và trong mơ thơm ngát lúa đồng xanh
Vui nhẹ đến trên môi cười hy vọng


Thế là với bài “Trăn trối”, tôi đã thanh thản đối mặt với cái chết. Sự thanh thản ấy chính là do ý chí của người cộng sản. Đối mặt với cái chết đã khó, nhưng thắng cho được bản năng sống còn khó hơn. Biết cơn đói và khát dày vò tôi, địch hàng ngày vẫn đều đều đưa cơm đến. Cơm nóng sốt, có thức ăn ngon hơn mọi ngày. Mình biệt giam, xa anh em, chỉ cần “tặc lưỡi” là có thể đổ sông đổ bể sự cố gắng của mình và cả của anh em. Thực sự đó là một cuộc đấu tranh rất căng thẳng giữa lý trí và bản năng. Tôi mượn thơ để trợ lực cho mình. Thế là tôi lầm nhẩm trong đầu bài “Con cá chột nưa” dưới dạng cuộc đấu tranh giữa cái đầu và cái bụng. Có điều lạ: thơ là do tôi làm; nhưng khi bài thơ đã thành hình rồi thì nó như một người đồng chí, một người bạn giúp tôi vượt qua gian nan. Đó là ngày thứ hai tôi bị biệt giam, tức là ngày thứ mười hai của cuộc đấu tranh. Địch đặt vào xà-lim của tôi một bát cơm, một bát cá kho với chột nưa (bẹ của cây khoai nưa trên rừng). Mùi cá kho xông vào mũi thơm phức, chỉ một cái với tay là xong, nhưng cũng chỉ một cái với tay đó, có thể là sụp đổ tất cả. Tôi đã coi cái bụng đại diện cho bản năng muốn sống, mà tôi phải đấu tranh với nó:

… Muốn ngủ mà không ngủ
Cái bụng cứ nằn nì:
“Ăn đi thôi, ăn đi
Chết làm chi cho khổ

Ăn đi vài con cá
Năm bảy cái chột nưa
Có ai biết, ai ngờ?
Thế vẫn tròn danh dự!.


Thực sự hắn (cái bụng) đưa ra nhiều lập luận rất thuyết phục đến nỗi tôi tưởng chừng đã dao động:

Lời hắn cũng hay hay
Lý sự cũng đủ đầy
Nghe ra chừng phải quá!


Nhưng tôi đã đưa ra những lập luận đanh thép và tuyên bố hùng hồn:

Danh dự của riêng thân
Là của chung đồng chí
.

Cuối cùng:

Bụng nghe chừng biết tội
Từ đó hết nằn nì
Không dám thở than chi
Và tôi cười đắc thắng
.

Nhẩm bài thơ đó, tôi tự thấy đã giữ vững kỷ luật của cuộc đấu tranh. Qua mười bốn ngày, tất cả anh em không chùn bước, thật đáng tự hào! Tin tù nhân Lao Bảo tuyệt thực, có nguy cơ chết, đã dội về Huế, gây tiếng vang trong dư luận. Đó là khoảng tháng 11 năm 1940, địch chưa dám khủng bố trắng, nên chúng phải chùn tay.

Cuộc đấu tranh của tù nhân đã hoàn toàn thắng lợi. Địch tuyên bố không đánh đập nữa, cho nhận thư từ, cho ăn cơm tử tế. Nhưng năm người gồm: anh Nguyễn Chí Thanh, anh Hoàng Anh, tôi và hai người nữa bị đày đi Buôn Ma Thuột.

Vào đến nhà lao Buôn Ma Thuột, chúng tôi gặp các anh Hồ Tùng Mậu, Trương Văn Lĩnh, Chu Văn Biên, Ngô Đức Đệ và nhiều anh em lớp trước. Lúc đó chúng tôi mới biết đã có Nam kỳ Khởi nghĩa. Được nghe kể lại những tấm gương hy sinh của các đồng chí Trung ương: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, nhiều đảng viên và quần chúng trung kiên, chúng tôi đều rất đau lòng và càng lo lắng cho vận mệnh của Đảng lúc này. Thế là, chỉ vì manh động một lúc đã mất hầu hết bộ máy lãnh đạo, may còn hai đồng chí thoát chết: Lê Hồng Phong và Lê Duẩn bị đày ra Côn Đảo. Nhưng sau đó ít lâu, anh Lê Hồng Phong chết vì ho lao, chỉ anh Lê Duẩn còn sống, được trở về nhờ có Cách mạng tháng Tám. Nghe tin đau lòng ấy, để tưởng nhớ các liệt sĩ, tôi viết bài “Quyết hy sinh”:

Các anh chị bước lên đài gươm máy
Đầu sắp rơi mà môi vẫn cười tươi!...


Trong nhiều câu chuyện nghe kể về quần chúng, chuyện một bà mẹ đã dũng cảm nấu cơm nuôi quân du kích, và bị địch giết, làm tôi rất xúc động. Bài ca “Bà má Hậu Giang” là tượng đài đầu tiên của thơ tôi về các bà mẹ Việt Nam anh hùng:

Lưỡi gươm lạnh toát kề hông
Các con ơi, má quyết không khai nào!
Sức đâu như ngọn sóng trào
Má già đứng dậy, ngó vào thằng Tây
Má hét lớn: Tụi bay đồ chó!
Cướp nước tao, cắt cổ dân tao
Tao già, không sức cầm dao
Giết bay, có các con tao trăm vùng
Con tao, gan dạ anh hùng
Như rừng đước mạnh, như rừng tràm thơm
Thân tao chết, dạ chẳng sờn…


(Tố Hữu,
Nhớ lại một thời, nxb. Hội Nhà Văn, 2000. Nhan đề phần trích tạm đặt.)