Như Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp phân tích, chiến dịch Biên Giới thành công ngoài dự kiến là do:

Phía ta: lãnh đạo sáng suốt, chiến sĩ anh dũng, nhân dân nhiệt tình, tất cả phối hợp chặt chẽ, hành động nhất trí. Đặc biệt, sự có mặt của Hồ Chủ tịch tại mặt trận làm mọi người hết sức phấn khởi.

Phía địch: trước chủ quan, sau hốt hoảng.

Trong số những khuyết điểm của ta mà Đại tướng nêu ra, thấy có hai khuyết điểm có thể bàn thêm. Thứ nhất, tuy việc không dự kiến được địch sẽ tan vỡ trên toàn tuyến đường số 4 là “khuyết”, nhưng thiết tưởng dù có dự kiến thì cũng không lấy đâu ra đủ lực lượng và phương tiện để truy kích hiệu quả. Thứ hai, việc không kịp thời biết để tổ chức đánh binh đoàn Sạc-tông trên đường di chuyển, thiết tưởng đây có lẽ là một sự may mắn trá hình làm một khuyết điểm: nếu ta đánh sớm khi quân địch còn khỏe và còn đầy đủ trang bị nặng thì khó thắng lắm, thậm chí nó có thể rút về lại thị xã Cao Bằng mà cố thủ là điều ta không muốn xảy ra chút nào; đằng này, nó đến được điểm hẹn với Lơ-pa-giơ nhưng đã hóa thành một đám khinh binh mệt mỏi, bơ phờ, đợi quân ta tiêu diệt!

Trong chiến dịch Biên Giới, sau khó khăn ban đầu, quân ta thế mạnh hơn cả chẻ tre: “cây tre” đường số 4 bị bổ một nửa, nửa còn lại bèn tự tách!

Nhưng Hồ Chủ tịch nhắc nhở: “Chớ khinh địch”!

Về các chiến trường phối hợp, thì việc ở hướng tây bắc địch phải bỏ thị xã Lào Cai là đáng kể nhất, có lẽ cũng là thành công ngoài dự kiến.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Tổng kết chiến dịch Biên Giới”



Đã xuất hiện ở nhiều cán bộ, chiến sĩ tư tưởng đánh địch quá dễ, tự bằng lòng. Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo công tác tổng kết chiến dịch phải được thực hiện thật nghiêm túc (…)

Ngày 27 tháng 11 năm 1950, Hội nghị tổng kết chiến dịch Biên Giới được tổ chức tại Chợ Đồn, Thái Nguyên (…)

Mọi người gặp nhau rất phấn khởi. Sau những trận mưa dầm dề, thời tiết Việt Bắc đã trở nên khô ráo. Nhiều cán bộ xúng xính chiếc vét ca-na-điên xanh rêu láng bóng, đi giày da, đeo súng Mỹ thu được từ những kho tàng còn nguyên vẹn (…)

Đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh thay mặt Đảng khen ngợi toàn thể cán bộ, chiến sĩ và đồng bào (…)

Những tràng pháo tay nổi lên không ngớt khi Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện. Bác đã có mặt ở biên giới từ trước ngày mở chiến dịch. Người cùng đi với dân công (…) tìm hiểu tâm tư cán bộ, chiến sĩ trước trận đánh (…) ở sở chỉ huy chiến dịch, lên đài quan sát, theo dõi từng giờ những diễn biến của mặt trận, và có những quyết định, chỉ thị kịp thời. Trong suốt chiến dịch, với những lời hiệu triệu, những bức thư ngắn gửi bộ đội, đồng bào, mọi người lúc nào cũng như thấy Bác ở bên. Sau chiến thắng, Bác đi thăm thương binh, thăm bộ đội (…) Bác chính là linh hồn của chiến dịch, linh hồn của chiến thắng.

Bác (…) phát biểu:

“(…) Tóm lại có mấy điểm chính: Trung ương lãnh đạo sáng suốt. Các cấp địa phương chỉ đạo đúng đắn. Các cơ quan quân, dân, chính đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, hành động nhất trí.

Chiến sĩ ta hăng hái, anh dũng. Những gương chặt nốt tay bị thương cho dễ xung phong, ôm thuốc nổ nhảy vào công sự địch, nhịn đói ba, bốn ngày vẫn cứ hăng, tích cực và quả cảm chiến đấu v.v. đã tỏ rõ điều đó.

Nhân dân ta rất tốt. Chưa bao giờ có những đoàn phụ nữ Kinh, Mán, Thổ, Nùng v.v. đi tiếp tế vận tải đông như vậy. Khó nhọc, khổ sở, nguy hiểm, mà vẫn hăng hái, vui vẻ, dũng cảm. Thật là đáng khâm phục (…)

Giặc chủ quan, khinh địch, không ngờ ta mạnh như vậy và tiến bộ nhanh như vậy, nên chúng hớ hênh không đề phòng cẩn thận.

Chớ chủ quan tếu, cho rằng từ nay về sau sẽ thắng lợi mãi, không gặp khó khăn thất bại nữa. Trận thắng này mới chỉ là một thắng lợi bước đầu (…) Từ nay cho tới khi hoàn toàn thắng lợi, ta còn gặp nhiều khó khăn, có thể còn phải trải qua nhiều thất bại. Đánh nhau có thắng có bại là thường. Điều cốt yếu là ta giành được thắng lợi cuối cùng.

(…) Chớ khinh địch. Không phải địch co lại để nằm yên, mà co lại để nhảy ra. Chúng đang cố tranh thủ thời gian chuẩn bị để trả thù.

(…) Ta phải tranh thủ thời gian chuẩn bị (…) Trong quân sự, thời gian là rất quan trọng (…) Cũng để tranh thủ thời gian mà hội nghị này phải họp ngắn. Báo cáo phải gọn gàng nêu cho được điểm chính (…) không nên nói dài dòng, mất thì giờ vô ích (…)”.


Những điều Bác căn dặn không chỉ có giá trị quan trọng trong thời gian sắp tới mà trong cả cuộc chiến tranh.

Chúng ra đã rút ra nhiều bài học lớn từ chiến dịch Biên Giới.

Về chỉ đạo chiến dịch, có ưu điểm là chọn đúng điểm đột phá chiến dịch, kiên trì chờ viện, tập trung lực lượng tiêu diệt từng bộ phận quân viện tiến tới tiêu diệt hoàn toàn. Khuyết điểm là không dự kiến được sự tan vỡ của quân địch trên toàn tuyến đường số 4 nên bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt thêm.

Trong tác chiến, bộ đội đánh vận động lớn lần đầu rất tốt, chỉ sử dụng những lực lượng không nhiều vẫn tiêu diệt được những bộ phận địch đông đảo mà ít bị tiêu hao. Tuy nhiên, có một số khuyết điểm. Trận Đông Khê, công tác điều nghiên chưa tốt, không nắm được những hỏa điểm ngầm trong căn cứ địch, chọn hướng đột phá không đúng, ngày đầu một mũi tiến công đi lạc, nên mặc dù lực lượng ta đông, quân địch ít hơn dự kiến (chỉ được tăng cường 2 đại đội) mà trận đánh kéo dài, bộ đội tiêu hao nhiều. Nguyên nhân là tư tưởng chủ quan phát sinh do vị trí này mới bị trung đoàn 174 tiêu diệt không khó khăn hồi tháng Năm. Khuyết điểm nữa là Đại đoàn 308 để trống trận địa một ngày bỏ lỡ cơ hội tiêu diệt quân viện khi chúng đi qua. Khuyết điểm thứ ba, tham mưu không nắm kịp thời việc địch rút khỏi thị xã Cao Bằng nên ta không kịp tổ chức đánh địch trên đường di chuyển (…)

Công tác hậu cần trong chiến dịch giữ một vai trò quan trọng góp phần vào thắng lợi. Đây là lần đầu tiên ngành hậu cần bảo đảm một chiến dịch quy mô lớn và dài ngày trên một địa bàn dân cư thưa thớt và rất thiếu lương thực (...) Các địa phương ở Việt Bắc, đặc biệt là hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, đã có đóng góp rất lớn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen đồng bào ba tỉnh Cao - Bắc - Lạng với lời cảm ơn: “Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ và quân đội cảm tạ đồng bào”. Anh Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, trực tiếp phụ trách công tác hậu cần chiến dịch, được Bác biểu dương trong Hội nghị Tổng kết Chiến dịch.

Nhân dân tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, mặc dù được giải phóng chưa lâu, còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đã hết lòng đóng góp lương thực cho chiến dịch (...) Viện trợ của Trung Quốc là nguồn cung cấp quan trọng và hiệu quả cho chiến dịch (…)

Trong chiến dịch, hôm lên đài quan sát theo dõi trận Đông Khê, Bác đã làm một bài thơ chữ Hán:

“ĐĂNG SƠN

Huề trượng đăng sơn quan trận địa
Vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân
Nghĩa binh tráng khí thốn ngưu đẩu
Thệ diệt sài lang xâm lược quân”.


Nhà thơ Xuân Diệu dịch như sau:

“LÊN NÚI

Chống gậy lên non xem trận địa
Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây
Quân ta khí mạnh nuốt ngưu đẩu
Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy”.


Bản dịch hay, chỉ tiếc hai chữ “sài lang” dịch thành “sói cầy” chưa ổn (…)

Bài “Đăng sơn” gợi nhớ những câu thơ bất hủ của Lý Thường Kiệt (…) được coi là Tuyên ngôn Độc lập lần thứ nhất của Việt Nam: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”.

Ít ngày sau chiến thắng Cao - Lạng, chúng tôi nhận được mấy câu thơ chúc mừng chiến thắng của Chủ tịch Mao Trạch Đông:

“Thanh niên đích Việt Nam quân
Nhất minh kinh nhân”.


Tạm dịch:

“Quân đội Việt Nam trẻ tuổi
Cất một tiếng người người kinh sợ”.


(“Nhất minh kinh nhân” là lời Sở Trang Vương thời Đông Chu.)

Chiến dịch Biên Giới (…) là trận đánh vận động lớn của ta khơi luồng đi tới trận đánh quyết định sau này.

*

Trên hướng phối hợp tây bắc, từ ngày 12 tháng 9 năm 1950, các trung đoàn 165 và 148 đã chủ động đánh địch khắp nơi, buộc chúng phải bỏ thị trấn Bắc Hà, Si Ma Cai, Hoàng Su Phì, Bản Tấu, Bản Phiệt dồn về thị xã Lào Cai. Ngày 2 tháng 11 năm 1950, Các-păng-chi-ê ra lệnh bỏ thị xã Lào Cai, rút về Than Uyên. Cửa ngõ biên giới Tây Bắc thông sang tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, được tiếp tục mở rộng.

Ở Thái Nguyên, sáu tiểu đoàn địch bị giam chân tại thị xã. Trung đoàn 246 cùng bộ đội địa phương và dân quân du kích đã chủ động đánh nhiều trận tiêu hao địch. Ngày 10 tháng 10 năm 1950, địch buộc phải nhanh chóng rút khỏi Thái Nguyên.

Tại Liên khu III, Đại đoàn 304 cùng với bộ đội địa phương và dân quân du kích đã liên tiếp đánh địch ở Phát Diệm (Ninh Bình), Hà Nam, Hà Đông, tiêu diệt và bức rút trên 50 vị trí địch, phục kích chống càn, bắt 600 quân địch, thu nhiều vũ khí.

Bộ đội Bình – Trị - Thiên mở chiến dịch Phan Đình Phùng, đột nhập thị xã Quảng Trị, đánh mìn trên đường Huế - Đà Nẵng, thực hiện tiêu hao và giam chân quân địch tại chỗ.

Liên khu V mở chiến dịch Hoàng Diệu. Trung đoàn 108 và bộ đội địa phương đột nhập đánh địch ở thị xã Đà Nẵng, lật đổ một đoàn tàu trên đường Đà Nẵng – Huế. Trung đoàn 803 tiến sâu vào Ninh Hòa (Khánh Hòa) phát động chiến tranh du kích, diệt hàng chục tháp canh, thu hàng trăm súng các loại.

Tại Nam bộ, để chia lửa với chiến dịch Biên Giới, Khu VII mở chiến dịch Bến Cát ở Thủ Dầu Một, cũng gọi là chiến dịch Lê Hồng Phong, nhằm cắt đứt đường số 7 và đường liên tỉnh 14, đẩy mạnh chiến tranh du kích, mở thông đường tiếp tế về đồng bằng sông Cửu Long. Bộ chỉ huy chiến dịch gồm các đồng chí Tô Ký, chỉ huy trưởng, Lê Đức Anh, tham mưu trưởng, Nguyễn Duy Hanh, chính trị viên. Đây là chiến dịch đầu tiên được tiến hành ở miền đông Nam bộ trong kháng chiến chống Pháp. Sau hơn một tháng tiến hành chiến dịch, các lực lượng vũ trang ta (...) làm chết và bị thương khoảng 700 tên địch, bắt sống 120, đánh sập nhiều tháp canh, đồn bốt, cầu cống, phá hủy 84 xe quân sự, 5 đầu máy xe lửa, 7 thuyền máy và tàu đổ bộ, thu nhiều chiến lợi phẩm. Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy đã đánh giá: “Chiến dịch Bến Cát đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của lực lượng vũ trang Khu VII, đưa phong trào kháng chiến của quân và dân miền đông Nam bộ hòa nhịp với cuộc kháng chiến trên cả nước”.

Khu VIII mở chiến dịch Cầu Ngang ở Trà Vinh, diệt hàng chục tháp canh, lô-cốt, đánh chìm 16 tàu thuyền trên sông Vàm Cỏ Đông, phía đường 1 bis và đường 13, giao thông có lúc tắc nghẹn ba ngày liền. Tại xã Đông Sơn, bộ đội chặn đánh hai tiểu đoàn địch đi tăng viện, làm chết và bị thương khoảng 200 tên. Các tỉnh trong khu cũng đánh 93 trận lớn nhỏ, diệt 12 tháp canh, làm chết và bị thương khoảng 500 quân địch, thu gần 500 súng.

Quân và dân Khu IX đánh mạnh ở Long Châu, diệt 30 tháp canh và 180 tên địch. Ta còn phá kế hoạch lập ngụy quyền, ngụy quân ở các vùng Hòa Hảo, Cao Đài.

Ở Lào, liên quân Lào-Việt tiến công vị trí Sầm Tớ.

Những hoạt động đều khắp trên các chiến trường đã ghìm chân quân địch ở khắp mọi nơi (…)

Riêng trong chiến dịch Biên Giới, ta đã diệt và bắt trên 8.000 quân địch, gồm 8 tiểu đoàn Âu Phi tinh nhuệ và 2 tiểu đoàn ngụy. Số đơn vị Âu Phi này là 55 phần trăm lực lượng cơ động trên chiến trường Bắc bộ, tức 41 phần trăm lực lượng cơ động trên toàn chiến trường Đông Dương. Trên hướng đông bắc, ta đã hoàn toàn làm chủ 200 ki-lô-mét đường số 4, gấp ba độ dài dự kiến trong kế hoạch, mở thông đường giao thông quốc tế ở hướng quan trọng này, đồng thời mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc (…)

(Tính cả hướng tây bắc) Ta đã giải phóng được hai phần ba biên giới Việt - Trung (…)


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Đường tới Điện Biên Phủ in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 675-682)