Nơi “nắng hoang hanh”, “mưa lũ giăng thành”, “lau sậy mịt mùng”, núi nhấp nhô như sóng, mà lại có những “đôi mươi mười tám (…) vừa hoa” không phải là sơn nữ… Những “tuổi thanh xuân” “nhớ anh” “mặt không được sầu”, do phải giữ khí thế để tập trung khắc phục hậu quả một thứ mưa kỳ lạ: “Chiều nay nối những chiều nào / Miếng cơm nuốt vội bom ào ào bom”. Mặt không sầu, nhưng tay chạm “ba-lô (có) áo cưới” cứ “buộc đây mở lại cầm đây”… Chữ nào chở cho hết nỗi lòng, nên thư gửi đi phải “gấp với” và “dán với” cả bầu trời và cánh rừng... (Thu Tứ)



Lê Thị Mây, “Lửa mùa hong áo” (XII.4-6)



(…)
Nhớ anh ra đứng mặt đường
Nhớ anh cuốc xẻng cũng vương mặt sầu

Nhớ sầu, mặt không được sầu
Yếm thâm một dải bắc cầu cho xe
Chiều nay bom dội lật khe
Cầu trôi dải yếm bọc se máu đào
Chiều nay nối những chiều nào
Miếng cơm nuốt vội bom ào ào bom
(…)
Bên kia dải nắng hoang hanh
Bên này mưa lũ giăng thành Trường Sơn
(…)
Mù sương lau sậy mịt mùng
Núi cao Yên Ngựa trập trùng nhấp nhô
(…)
Đôi mươi mười tám biết xinh
Cổ tay vừa lẳn bóng hình vừa hoa
Tựa lưng áo gụ ruột rà
Ngoài hai mươi tuổi đâu mà trẻ con
Mày trăng nghiêng ngó khuyết tròn
Tuổi em tuổi chị giữ còn thanh xuân
(…)
Ðầu nguồn vốc nước Rào Son
Cuối sông gặp biển trăng tròn chơi vơi!
(…)
Buộc đây mở lại cầm đây
Ba-lô áo cưới đợi ngày thủy chung
Trời xanh gấp với ngập ngừng
Tem thư dán với cánh rừng mùa khô...


(Đoạn 4-6, khúc XII - “Thư”, trường ca
Lửa mùa hong áo, nxb. Quân Ðội Nhân Dân, 2003)