“Cũng lạ! (…) cứ y như có một thứ tiếng rì rào (…) đưa vào đến tận từng sân, từng ngõ. Như là lúa chín xôn xao gọi người (…) Lúa (…) ngả nghiêng cười vàng chói mắt (…) Đất đã mở cái kho hạt ngọc và ngọc tỏa hương mời mọc (…) Mùa gặt đến rồi”. Cái mùa đi thu hạt ngọc. Phải mừng nó chứ.

“Hôm nay, ăn bữa cơm mới đoàn kết (…)”. Sao lại “đoàn kết”? Vì đây là gia đình chủ nhà mời gia đình người sơ tán. “Cũng bởi cái thằng giặc (…) chẳng họ hàng cũng như có họ có hàng với nhau, cũng chung một mái nhà đùm bọc lẫn nhau…”. Bữa “tiệc” đã thơm nức mũi mùi cơm gạo mới, lại thơm ngát lòng hương tình đồng bào. Cái thằng thế mà được việc!

Thời ấy xa rồi. Bây giờ cây lúa chống bệnh rất khỏe và năng suất rất cao, nhưng gạo lại chỉ nấu nên thứ cơm gần như vô hương. Quan hệ đồng bào thì nếu có “thằng” nào đến “nấu”, chắc vẫn còn thơm ngào ngạt đấy. Nhưng hướng về tương lai, ưu thế vật chất của những kẻ kia đang làm tan rã dần ý thức dân tộc. Cứ đà này, sẽ đến cái lúc tình đồng bào trở nên rỗng tuếch, thơm như… thủy tinh!

(Thu Tứ)



“Mùa gặt đến”

Gia đình Bảy thế là được ở gọn một gian bên trái, có cái cửa sổ trông ngay ra chân đê. Bảy có năm con, ba trai hai gái.

- Em nằm chỗ này cơ!

- Không! Em nằm, em nằm đấy, đếch biết đâu nào!

Lũ trẻ tranh nhau được nằm sát cái cửa sổ, vừa có thể thò cánh tay nhón những con chuồn chuồn ớt hay chuồn chuồn ông đô rập rềnh đậu trên ngọn cây chanh liền sát ngay khung cửa, vừa có thể bắc khẩu súng máy bằng cái dọc tàu lá chuối, bắn liên hồi lên phía địch ở trên đê. Địch bao giờ chả phải đi từ đê vào!

Ông Chanh chủ nhà, nheo mắt độ lượng nhìn lũ trẻ con của gia đình sơ tán này, gật gật đầu ra chiều thông cảm với anh Bảy người bố đông con. Thật vậy, cùng một lứa lau nhau lên mười, lên chín, đứa lớn nhất mới mười bốn tuổi. Cả bầu đoàn như thế, anh đã nai, thồ, dẫn đi bộ, xuống tàu hỏa, lên ô-tô, chen chúc ở những cửa phòng vé mà đi những nẻo đường sơ tán suốt mấy tỉnh, từ ngày Mỹ ném bom lan tràn khắp miền Bắc (…)

Hôm nay, anh chuyển cả gia đình về ở nhờ nhà ông Chanh, trong một xóm nhỏ ven sông Đáy. Sau khi đã thu xếp gọn gàng, chủ nhà và người sơ tán mới ung dung ngồi uống với nhau bát nước chè tươi đặc, hỏi thăm tình hình.

- Mấy tuần trước nó cũng vừa đánh vào cái đập ở mạn Cao Lĩnh này, làm hệ thống tưới tiêu nước cấy có nhiều khó khăn lắm. Mà ảnh hưởng ngay đến thu hoạch mùa vừa rồi đấy. Đáng ra lúa Canh Nông và Khê Nam lùn chúng tôi giồng đại trà, phải thu được ngót nghét trăm cân thì coi như gần mất hết. Cấy cưỡng lại cũng không ăn thua. Huyện phải tức tốc giục phát triển cái khoai gối vụ và cái ngô ba tháng, chứ không thì đã đói to với thằng Mỹ rồi. Nó đánh mình cũng độc thật! Nhưng chúng tôi ở đây cũng đã làm lại cống được rồi. Trên cứ tàu bay, dưới dân công đi kìn kìn, nó bị rơi một cái phản lực ở ngay công trường đây.

Ông Chanh nhấc chồng sách của cái Lý, con gái ông, lôi tờ báo có đăng tin công trường X đã bắn rơi một máy bay, khoe ông bạn mới sơ tán về nhà mình. Bây giờ người ta lam làm với một hy vọng vụ chiêm này sẽ bội thu. Lúa vụ chiêm này đã được tưới đầy đủ vì hệ thống cống đã hoàn thành từ trước khi vào cấy. Hôm mở nước vào nông giang, làm theo tục cũ, bà con cũng thịt gà, thịt chó, quấy bánh đục lạc để một công đôi việc, vừa làm lễ rửa cày bừa, vừa liên hoan mừng dòng nước phù sa đang rì rào tuôn về, ào vào mát lạnh những con mương, ôm mát những cây mạ mới cắm xanh rờn. Đó là một thắng lợi! Người ta cào cỏ tấp nập với cái vui là sẽ gặt một vụ chiêm bội thu, bù vào cái vụ mùa bị thằng Mỹ cắn trộm vừa rồi.

Cũng lạ! Có gì đâu mà cứ y như có một thứ tiếng rì rào nào từ ngoài cánh đồng lúa chín, đưa vào đến tận từng sân, từng ngõ. Như là lúa chín đã xôn xao gọi người. Con chó mực đi đủng đỉnh từ trong cổng chống ra, ve vẩy cái đuôi nhìn đồng lúa vàng hoe. Con trâu nằm bỏm bẻm nhai trầu, bọt trắng xóa dưới mõm, hai tai cụp vào, nghểnh phải, bạt trái như đã ngóng được tiếng thì thào êm êm của những thân lúa, chỉ nay mai, vào qua máy tuốt ầm ầm là cô xã viên trẻ má bụ hồng sẽ ôm từng ôm rơm mới cho trâu. Sắp được những bữa tiệc no rơm tươi! Cũng như con người đã thơm thoảng thấy mùi cốm đậm đà một màu xanh nếp mới. Chim hàng đàn ở đâu kéo nhau về, bay vù vù từ bụi tre này sang tán xoan kia, xôn xao cuống quít. Ở các sân nhà, người đang sửa soạn liềm hái thừng chão. Tiếng cái trục cối đá lăn ù ù thử một vòng trên sân, những cỗ xe cải tiến lật ngửa đang quay bánh, cho dầu. Bỗng có tiếng phản lực gầm. Rồi lại im lặng xa bặt. Lúa vẫn ngả nghiêng cười vàng chói mắt đợi người. Ngày mùa đang rậm rịch đầu ngõ, cuối thôn, náo nức. Trường học đã viết lên bảng đen chương trình nghỉ mùa và công tác gặt giúp đồng bào của học sinh. Khăn quàng đỏ, áo trắng, cờ đội, các em gái cấp một, cấp hai cũng sắp vào hội gặt vui như tết. Và ở sân kho, ở trụ sở gần ao dừa, từng nhóm người trong ban quản trị tay cầm ít dánh lúa, đang hội ý về sản lượng từng xứ đồng.

Gia đình Bảy cũng bỗng dưng như bận rộn hẳn lên. Người sơ tán với nhà chủ, ít lâu nay cùng chạy chung hầm những đêm chớp bom lóe rực sân; cùng giúp nhau dập cái bếp lửa nấu ăn sớm khi bất chợt có kẻng báo động lúc gà gáy; cùng chia sẻ với nhau những bữa ăn đạm bạc gian khổ của thời chiến; lúc thì bà Chanh hái cho lũ con nhà chị Bảy một bữa rau vườn nhà mình, lúc thì chị Bảy tiện chuyến nhờ xe cơ quan về Hà Nội tiếp tế xuống, biếu bà Chanh chai ma-di và ít mì nắm để nấu một bữa canh cua ngon lành; hai gia đình từ mấy tháng nay, thực sự đã chỉ như là một. Nói một cách văn vẻ thì đấy là cái nghĩa tương thân tương trợ của tình đồng bào, nhưng nói một cách nôm na như ông Chanh vẫn hay khề khà nói vui thì “cũng bởi cái thằng giặc, thì chẳng họ hàng cũng như có họ có hàng với nhau, cũng chung một mái nhà đùm bọc lẫn nhau…”. Bảy nghỉ hẳn một nửa buổi thu dọn nhà cửa hộ ông Chanh để sắp đón lúa về. Chị Bảy thì cùng bà Chanh buộc những cái chổi dong quét đi quét lại con đường từ đê dẫn xuống ngõ cho quang quẻ. Họ vần chum tương ra sát cái chái bếp để lấy rộng chỗ cho người ta – những bà con trong đội – tới đập lúa và giũ rơm. Sân nhà ông Chanh là một cái sân rộng. Hai người, bà Chanh và chị Bảy cứ suốt ngày như con thoi ở trên sân, lúc thì quét, lúc thì vần cái vại nước, lúc thì nép cái đám nong nia cho gọn hơn nữa. Làm sao mà họ lại vừa ý ngay được? Chị Bảy nhốt hẳn lũ gà con vào cái chuồng ở gốc na, nơi góc vườn mà ông Chanh đã dành riêng cho gia đình chị Bảy, để ngộ có “lâu dài” nữa thì cuốc đất lên, trồng tí rau mà ăn cho đỡ tiền chợ.

Mặt sân rộng, sạch sẽ và vắng lặng một cách nghiêm trang. Như cái sân, cái ngõ làng thôn mình những sáng đầu năm của tết nguyên đán. Sân đang chờ lúa về. Không thiêng liêng làm sao được! Cách những mấy tháng trời, sân chờ đống lúa vàng trở về, sân chờ cái bọn con gái khỏe và nghịch như ranh của đội, lại vừa rúc rích cười, vừa khiêng cái quạt hòm, cái máy tuốt lúa vào, rồi thì lại ầm ầm, máy tuốt, máy quạt suốt đêm ngày. Lại cả cái bọn thanh niên xã viên đánh cây rơm nữa! Ngày xưa thì là những bác lực điền với những câu chuyện tiếu lâm cười đến quặn ruột! Ngày nay, cái bọn lớp bảy, lớp mười ấy lại còn tán rôm rả hơn nữa kia, chúng cứ vừa đi quanh vừa rắc rơm mới, đánh cao, đánh cao lên mãi quanh cái cọc tre làm lõi, cho đến lúc không thể nào cao hơn được nữa, chúng mới úp một cái nồi đất lên cọc cây rơm cho mưa khỏi mục ruột. Người nào xa quê hương mà không nhớ cái nồi cái niêu cũ kỹ úp trên cái cọc một cây rơm mùa gặt?

Ông Chanh và Bảy, mấy buổi chiều nay, cơm xong, là trải chiếu lên hè, uống mớ chè tươi đặc vàng sánh bà Chanh mua từ chợ Cao – Và họ ngóng lên mặt đê. Hướng ấy là đường lúa về. Lúa sẽ kìn kìn đi từ cánh đồng vượt qua đê, tràn xuống những con đường dốc và ào vào các ngõ, đổ về những sân rộng như kiểu sân nhà ông Chanh đây. Họ, người chủ nhà và người sơ tán, đều có một sự bồn chồn chờ đợi. Ngày mùa.

*

Cu Cường mấy ngày nay cứ đi dong sân lên đê, lại xuống dốc, hát huyên thiên. Nó đã dạy Vinh, Thảo, những cháu gái của gia đình sơ tán ở nhờ nhà nó, tết những con châu chấu bằng rơm, đẹp lạ lùng. Giá đem bày vào một gian hàng mỹ nghệ, không chừng lại có một giá trị dân gian rất đặc biệt! Cái nghệ thuật của trẻ con đồng ruộng nước ta trong những ngày mùa! Cu Cường mới bốn tuổi. Nó học tết châu chấu từ bao giờ? Ai dạy nó? Vinh, cô chị của bé Thảo, con gái ngoan hay lo xa của anh Bảy thì lại ngồi ở hè tết mũ rơm để chấm lấy điểm của lớp học. Nó lại vặn cả cái nắp hầm để chống bom bi nữa.

Mùa gặt đã đến.

Nỗi lo thiếu ăn đã lui rồi.

Cả cánh đồng thơm mùi lúa chín. Đất đã mở cái kho hạt ngọc và ngọc tỏa hương mời mọc con người. Hãy đi ra đồng mà gặt nhanh lên. Mùa gặt đến rồi. Bà cụ của ông Chanh bước những bước vội vã và nhanh nhẹn hơn ngày thường. Cả cái tiếng gọi gà tứi tịch tịch tịch cũng rộn rã như một giai điệu. Cái vui của làng xóm vào ngày mùa đã lây sang cụ. Phó chủ nhiệm Hạt vừa xem sổ tay ở gốc một cây nhãn, vừa thổi sáo điệu quân tử vu dịch trong vở chèo Lưu Bình Dương Lễ.

*

Rơm mới phơi vàng đường gạch trong làng. Mùi cơm mới thơm thoảng ngõ quê.

Rồi một buổi trưa, những gánh lúa ùn ùn kéo qua cái cổng tre nhà ông Chanh, đặt phịch xuống cái sân rộng mà bà cụ Chanh và con dâu đã quét lại cho tinh tươm từ sáng sớm. Cu Cường thấy cái sân nhà mình được thu dọn rộng ra và sạch bóng, thích quá lộn mấy vòng rồi luồn cái que gẩy rơm dưới háng, làm ngựa chạy nhong nhong khắp sân. Đang chạy, nó reo lên: Lúa về! Lúa về bà ơi!

Đây là lúa đội chia về từng hộ xã viên phải đập kỹ, phơi khô, quạt sạch rồi cân nộp. Hôm nay bà Chanh cũng nấu nồi chè tươi vàng sóng sánh. Những cô xã viên má hồng lên vì chạy từ ruộng về, vừa sì sụp húp bát nước chè, vừa lấy nón quạt lấy quạt để. Ở trong chái bếp, trông họ vừa hụp nước vừa quạt chả khác gì tiết mục múa nón ở lửa trại sân đình. Thế là thực sự đã bắt đầu vào mùa gặt. Mỗi nhà xã viên đã được chia tạm một số thóc để ăn ngay đầu mùa, đợi lên phương án xong rồi mới chia chính thức. Ông Chanh, bà Chanh đi gánh thóc chia tạm về, đổ đầy một góc sân. Rồi ông lấy cái gáo vục vào vại nước mưa ở cạnh cây cau, nốc luôn một gáo cho mát ruột. Ông lấy khăn lau những giọt mồ hôi và nhìn Bảy cười. Bảy cũng cười. Hai người cùng rít mấy hơi thuốc lào rất khoái trá.

Đến chiều, Bảy đi công tác về thì thấy lũ con đứng đón anh ở gốc đa trên đê. Chúng nó tranh nhau khoe anh một tin quan trọng:

“Nhà ta hôm nay không thổi cơm. Mẹ không thổi cơm. Ông Chanh không cho nhà ta thổi cơm bố ạ!”.

Anh Bảy đã hiểu. Anh vừa dắt xe qua cái cổng chống thì chị Bảy đã ló ra khỏi cái cánh dại, trách yêu anh:

“Đi họp gì mà về muộn thế. Cả nhà đang chờ đấy”.

Đã thấy ông Chanh ngồi bên một chai nước trong vắt. Và có hai cái chén. Ông Chanh trịnh trọng khác hẳn ngày thường, đứng lên nắm tay anh kéo xuống chiếu.

- Hôm nay, ăn bữa cơm mới đoàn kết, bữa cơm ngày mùa với cụ tôi và chúng tôi, nào ta nhấp tí cho vui! Gạo mới đấy. Quê ta thì chỉ có thế này là quý thôi!

Chị Bảy, như một người trong nhà, hai tay đôi đũa cả đang đánh tơi nồi cơm. Chị cũng vốn gốc gác người làm ruộng, nhưng lấy chồng cán bộ, ở tỉnh thành lâu rồi, đã quen xúc cơm bằng cái môi nhôm cho nhanh gọn. Lâu lắm chị mới lại cầm đôi đũa cả. Tay trái chị dằn một chiếc đũa giữ lấy nồi, tay phải chị đánh vòng vào ven nồi, khéo y như trong những ngày xưa!

Hôm nay cu Cường có vẻ là người chủ đĩnh đạc rồi. Nó bỗng không nghịch ngợm nữa mà như cũng lờ mờ hiểu được cái ý nghĩa đầm ấm “một nhà” của cái bữa ăn mà ông Chanh gọi là cơm đoàn kết này. Bà cụ Chanh múc bát canh trạch chấu nấu củ chuối khói lên thơm ngậy. Nhưng át tất cả mùi thơm của bát trạch chấu và bát tương ngô đậm đà vị quê hương, là khói thơm của nồi gạo chiêm chanh vừa chín tới, dẻo quánh.

“Cái tang gạo chiêm chanh này là mới gặt chạy cơn bão đột xuất tuần trước đây. Nhưng may quá, cơn bão lại tan, không về đến ta. Được mấy nắng xong là hợp tác chia cho mỗi đội một ít tạm ăn đã”.

Bà cụ Chanh cứ và một miếng lại thổi phù phù cho nguội miếng sau, xuýt xoa:

- Dẻo quá! Thơm quá! Của ngọc thực của giời của đất đấy!

Ông Chanh hớp một hớp rượu, cắn một miếng ớt đỏ chót, khà một hơi ngon lành và nói với vợ:

- Này bà Chanh! Mai đổi cho chị Bảy mấy cân cho mấy cháu nó được ăn mấy bữa gạo mới đi. Gọi là ngày mùa nông thôn. Chả mấy khi, vì việc nước, sơ tán về với chúng tôi, khà khà.

Năm đứa trẻ nhà Bảy, ba đứa trẻ nhà ông Chanh, thi nhau sụp sụp soạt soạt, cứ nghe tiếng và cơm húp canh mà vui rồi. Chúng nó “đánh” tợn quá. Cái Bích lại đòi một nắm cháy. No rồi mà còn thòm thèm cái cơm gạo chiêm chanh giã dối, vừa thơm vừa ngậy. Bát đũa nhấc lên, đặt xuống. Múc thêm canh. Cạy cháy. Rót thêm tương. Cứ như tằm ăn rỗi ở trên cái mâm gỗ. Vui quá. Ngoài sân nắng làm nỏ những cọng rơm. Nắng vàng thêm đống thóc cạnh thềm. Đàn gà con theo mẹ tích tích ra nhặt thóc vãi. Một thằng gà trống kênh kiệu, no căng diều, gáy lên một tiếng thách thức, và con trâu thì đang lim dim mắt, roạt roạt nhai rơm. Đống rơm còn cả mùi đất ruộng hăng nồng say say, thơm thơm.

Đường cái làng cứ rầm rập bước chân của những người gánh lúa. Những xe cải tiến ổ bi mới cho dầu lăn lọc sọc trên đường gạch.

Bảy còn đang ngây người vì những cái tuy đã quen thuộc nhưng vẫn còn làm cho anh thấy rộn ràng yêu mến quê hương, thì ông Chanh đã đón lấy bát của anh:

- Tôi phải đơm cho bác bát này! Ăn thử một bát cơm có ngọn của nông dân xem sao nào! Cơm mới, tôi còn phải đánh vài bát nữa.

Khắp xóm, giờ này, nhà nào cũng đang bốc hơi thơm mùi cơm gạo mới của mùa gặt vừa bắt đầu.