Một “cây” thơ lạ mọc từ “những cuộc đời khổ cực, chịu đựng bất công quanh tôi” đang được cảnh tù đày “chăm bón”. Ăn toàn món độc chết người, thế mà cây lại nở ra rặt những hoa lành có sức cứu người! Những cái bản thảo viết trên lá gội, giá còn lấy một vài... (Thu Tứ)



Tố Hữu, “Ăn độc nở lành”




Những tháng cuối năm 1938, tôi đang học năm thứ nhất ban tú tài ở trường Quốc học Huế, thực chất để che giấu hoạt động chính trị. Đến đầu năm 1939, tôi được cử vào Thành ủy, phụ trách tuyên truyển và thanh niên (…)

Sáng sớm ngày 27 tháng 4 năm 1939, tôi đang ngủ mê mệt vì cả đêm hôm trước đi về Hương Thủy, chuẩn bị cho cuộc mít-tinh lớn ngày 1/5 thì mật thám ập vào phòng, ở nhà tôi đang làm gia sư trong xóm Chợ Cống. Tên mật thám Pháp đọc tên tôi và gằn giọng: “Mời ông dậy, ông bị bắt!” (…) Hồi đó phong trào dân chủ đang rất cao nên sau khi bị bắt, tôi không bị đánh đập tra tấn (…)

Chúng giam tôi trong lao Thừa Phủ, ở một xà-lim riêng. Đang được bay nhảy ngoài đời, bỗng nhiên bị nhốt vào một cái buồng chật hẹp, tối tăm, chỉ le lói một chút ánh sáng từ một lỗ nhỏ trên cao, tôi cảm thấy bức bối, cô đơn quá. Thế là nằm đêm không ngủ được, tôi lẩm nhẩm làm bài “Tâm tư trong tù”:

Cô đơn thay là cảnh thân tù
Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực
Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức
Ở ngoài kia, vui sướng biết bao nhiêu!
Nghe chim reo trong gió mạnh lên triều
Nghe vội vã tiếng dơi chiều đập cánh
Nghe lạc ngựa rùng chân bên giếng lạnh
Dưới đường xa, nghe tiếng guốc đi về…
(…)

Bị giam được hơn hai tháng, đến ngày 14 tháng 7 tôi thấy lính dẫn vào phòng một người rắn rỏi, nước da nâu, mắt sáng, mặt vuông chữ điền. Tôi nhận ngay ra anh Vịnh (tức là anh Nguyễn Chí Thanh) mà tôi đã gặp một lần ở một làng quê. Tôi hỏi anh: “Vì sao nó bắt anh?”. Anh thủng thẳng: “Chịu! Chắc mình đòi giảm sưu thuế nên nó bắt thôi” (…) Buổi đầu gặp nhau, cứ nói qua quít thế, tin nhau thế nào được mà bàn việc bí mật. Khi mới vào tù, tôi thấy anh rất ít nói, không có vẻ gì hăng hái đấu tranh. Tôi nghĩ: anh này mình phải từ từ mà giúp giác ngộ (…) Cho đến một hôm, bên ngoài giới thiệu anh là Bí thư Tỉnh ủy (…) Lúc đó tôi mới biết anh là cấp trên của mình. Tôi vừa buồn cười vừa ngượng, và cũng thấy rõ đức tính kín đáo và trầm tĩnh của anh (…) Trưa nào cũng nghe anh hát những câu hò đồng quê man mác như: “Hết mùa toóc rã rơm khô / Bạn về quê bạn, biết nơi mô mà tìm”. Tôi viết tặng anh bài “Nhớ đồng”:

Gì sâu bằng những trưa thương nhớ
Hiu quạnh bên trong một tiếng hò
Đâu những ngày xưa tôi nhớ tôi
Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời
Vẩn vơ theo mãi vòng quanh quẩn
Muốn thoát, than ôi, bước chẳng rời

Rồi một hôm nào, tôi thấy tôi
Nhẹ nhàng như con chim cà lơi
Say đồng hương nắng, vui ca hát
Trên chín tầng cao, bát ngát trời…

Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh
Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi!


Tâm trạng ấy của anh cũng chính là tâm trạng của tôi. Thỉnh thoảng nghe anh ngâm bài ấy, tôi rất xúc động (…)

Chúng tôi được đưa ra xét xử ở tòa án Nam triều. Quan tòa là tuần phủ, vốn là một vị “khoa bảng”, xem ra cũng không “gắt gao” lắm khi buộc tội. Ông bắt đầu hỏi tôi trước:

- Tại sao anh làm cộng sản?

Tôi rướn người lên, nói to:

- Tôi đấu tranh cho dân tộc, dân chủ, dân sinh, thế là có tội à? Tôi chưa hiểu chủ nghĩa cộng sản thì “làm cộng sản” sao được? Nhưng cộng sản thương nước, thương dân thì có gì là xấu?

(…) Quan tòa lên giọng xách mé:

- Cộng sản gì các anh? Cộng sản cơm!

Tôi đốp ngay:

- Dân đói thì đòi cơm, có gì là xấu? Các quan đã có nhiều thịt, rượu…

Vị chánh án xua tay:

- Ở đây không được nói láo!

Mọi người cười ồ. Tôi càng hăng:

- Các ông bắt tôi vì lẽ gì?

Quan tòa đáp:

- Vì chứa sách báo cộng sản…

Tôi liền “cãi” lại:

- Sách báo cộng sản là từ nước Pháp sang, thế thì tòa kết tội cả chính phủ Pháp sao?

Đến lúc này thì vị quan tòa đỏ mặt, đập tay xuống bàn, quát to:

- Im! Tòa kết án anh hai năm tù! Cả mấy anh kia cũng thế!

Phiên tòa thế là kết thúc (…) Theo lệ trong tù, những người đã lãnh án ở chung trong một phòng rộng. Chúng tôi cùng nhau hoạt động (…) Tôi được phân công tổ chức cho anh em học chính trị, văn hóa (…) dạy cho anh em một số bài hát cách mạng (…) và cả những bài hát binh vận:

Dậy, dậy, dậy, anh em binh lính
Liệu làm sao, toan tính sao đây?
Để quân cướp nước xéo giày
Để quân bán nước đọa đày ta sao?
Đoàn kết lại, nào nào đứng dậy
Anh em ta cứu lấy đời ta.


Có anh lính nghe xong, nói vọng vào phòng, giọng cảm động và như muốn hỏi: “Ừ, cũng biết rứa, mà làm sao bây giờ?”. Cứ tuyên truyền thế mà ba bốn tháng sau, gần hết trại lính đều tỏ cảm tình, giúp mua báo hàng ngày, cả thuốc lá, bánh kẹo cho anh em ta. Và về sau họ đều ngả theo Cách mạng, tham gia khởi nghĩa tháng Tám (…)

Tôi may có thú say mê làm thơ, phần nhiều về đêm, nằm trong cảnh cùm xai (xai là tấm ván có lỗ khoét tròn để cùm chân), lẩm nhẩm từng câu chữ, sửa đi sửa lại thành bài. Tối hôm sau ăn cơm xong, đọc cho anh em nghe. Bài “Khi con tu hú…” cũng làm trong cảnh “cá chậu chim lồng” ấy:

Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng hè ôi!
Ngột làm sao, chết uất thôi!
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu”.


Nhiều bài thơ được gửi ra ngoài cho các báo, bằng cách viết trên lá gội non với mũi kim nhọn, nét chữ ra màu đen rất rõ. Mỗi bài phải dùng cả một cành có dăm bảy lá tươi. Những cành lá ấy gọi là “cành thơ” được đưa cho mấy anh thường phạm tốt, đi làm cỏ-vê mang ra ngoài, trao cho người liên lạc của ta theo địa điểm định sẵn (…)

Vào tù mới biết thế nào là đói. Sáng ăn một tô cháo gạo chiêm đá – một thứ gạo đỏ rất cứng. Những người thầu thường bỏ thêm vôi vào cho nhừ hạt gạo. Trưa và chiều được một bát cơm với cá mục. Tối nào cũng đói, nhất là ở tuổi mười chín đôi mươi như tôi.

Về vệ sinh trong tù thì khỏi nói. Không có nước tắm. Thỉnh thoảng cai ngục lùa chúng tôi ra giếng một thoáng chỉ kịp dội vài gáo gọi là tắm. Khi tôi còn ở xà-lim biệt giam, mọi người gọi tôi là “Một Lon”. Gọi vậy vì tôi đã sử dụng một vỏ lon sữa bò rất hiệu quả. Khi được ra ngoài, tôi lấy đầy lon nước. Khi quá khát thì nhấp một ngụm. Khi bẩn quá thì “tắm”. Tắm bằng cách xấp nước cho ướt tay rồi xoa lên người, kỳ cho ra ghét, phủi đi. Khi hết nước thì lon dùng để đái. Thậm chí đau bụng thì đi tiêu vào đó luôn, rồi lấy cái lá tươi đậy lại (lá hái lúc được ra ngoài?) (…) Chính cái đói, cái khổ đó cũng làm tôi hiểu thêm cái khổ của người nghèo.


(Tố Hữu,
Nhớ lại một thời, nxb. Hội Nhà Văn, 2000. Nhan đề phần trích tạm đặt.)