Đánh một, được hai! Chỉ đánh có Cao Bằng, mà được cả Lạng Sơn!

Chiến dịch Biên Giới bắt đầu khó khăn, nhưng chấm dứt thành công ngoài dự kiến. Nhờ đâu?

“Chiến thắng của ta rất lớn nhưng phải chăng là do một loạt sai lầm của quân địch. Chúng chủ quan, quá coi thường lực lượng ta, khi thất bại thì chúng quá hoảng hốt”.

Phải chăng sai lầm bi thảm của Pháp khởi sự với quyết định rút khỏi thị xã Cao Bằng sau khi Đông Khê thất thủ? Địch đã quyết định bỏ Cao Bằng từ trước, nhưng trong tình hình mới có lẽ đã nên cho quân Sác-tông tạm thời ở lại cố thủ và “ném” xuống thêm một, hai tiểu đoàn dù… Nếu thế thì binh đoàn Lơ-pa-giơ không phải thành lập để đi vào rừng để bị tiêu diệt, mà số quân định dùng đi đón Sác-tông có thể chia ra bổ sung cho các lực lượng cố thủ ở Thất Khê, Na Sầm, Đồng Đăng... Tuy nếu Pháp làm thế thì chắc vẫn thua, nhưng sẽ gây được nhiều tổn thất cho quân ta hơn. Có lẽ bộ chỉ huy Pháp bị “ám” bởi cái quyết định bỏ. Nhưng nó quyết định thế là do đã bị quân ta đánh phá đến chịu không nổi, như trong “Tình chiến dịch” Nguyễn Tuân ghi: “Việc nó phải bán sới khỏi đường “liên bang” số 4 chỉ còn là một câu chuyện ngày giờ”.

Sai lầm chiến thuật tiếp đó được “bổ sung” sai lầm trong ước lượng quân số đối phương: làm gì có “18 tiểu đoàn chủ lực (…) đe dọa Lạng Sơn”! Xóa sổ hai binh đoàn Sác-tông và Lơ-pa-giơ cũng làm ta “tốn” đáng kể chứ. Có khi tình báo nó đã đếm nhầm cả dân công vũ trang!

Cái tâm lý “quá hoảng hốt” làm cho giặc bỗng hóa thành kẻ tặng quà hào phóng phi thường! Khắp nơi, “kho tàng của địch còn nguyên vẹn, (do) chúng sợ ta phát hiện nên không dám phá hủy trước khi rút”. “Quà” to nhất ở Lạng Sơn: “Theo tài liệu của Pháp thì Công-x-tăng đã để lại Lạng Sơn 1.500 tấn trang bị, 2.000 tấn quân nhu, 4.000 khẩu tiểu liên, 10.000 viên đạn pháo, 150 tấn thuốc nổ, ước tính đủ trang bị cho tám trung đoàn”. Nhiều thế vì quân nó đóng đâu cũng tích lũy cực dồi dào, mà đây hẳn là tổng kho của cả Khu biên thùy Đông Bắc. Đặc biệt, “số đạn pháo lấy được ở Lạng Sơn đã rất có ích cho ta sau này”. “Sau này” là trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đạn 105 ly của Công-x-tăng rồi sẽ được trút như mưa xuống đầu Đờ Cát-tơ-ri!

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Chiến dịch Biên Giới” (6)



Sau khi Lơ-pa-giơ và Sác-tông đầu hàng, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định chỉ để lại một bộ phận nhỏ thu dọn chiến trường, truy quét tàn binh địch, đại bộ phận nhanh chóng chuyển xuống bao vây Thất Khê và tiêu diệt một số đồn ở ngoại vi, triệt đường rút của quân địch về phía nam. Nhiệm vụ bao vây và tiến công Thất Khê được trao cho Đại đoàn 308 và hai trung đoàn 174, 209.

Ngày 7 tháng 10, Các-păng-chi-ê (Tổng chỉ huy quân Pháp) được Công-x-tăng (chỉ huy Khu Biên thùy Đông Bắc) báo cáo Thất Khê đang bị đe dọa, cần tăng viện ngay một tiểu đoàn dù. Ngày 8 tháng 10, Các-păng-chi-ê ném tiểu đoàn 3 dù xuống Thất Khê (…)

Ngày 9 tháng 10, tiểu đoàn 79 của trung đoàn 102 tiêu diệt đồn Bản Ne, phía bắc Thất Khê 5 ki-lô-mét. Buổi tối, cầu Bản Trại trên đường số 4, phía nam Thất Khê 6 ki-lô-mét bị đánh sập.

Quân của La Bôm rút về cùng với tiểu đoàn dù vừa tăng viện đưa quân số địch tại Thất Khê lên 1500 người (…) Các-păng-chi-ê (…) ra lệnh cho La Bôm chỉ huy tất cả lực lượng rút ngay khỏi Thất Khê. Công-x-tăng đưa một tiểu đoàn lê-dương từ Lạng Sơn lên Na Sầm đón (…)

Ngày 9 tháng 10, Bác và tôi xuống thăm trung đoàn 88, đơn vị đã bắt được Lơ-pa-giơ ở Lũng Phầy (…) Hôm sau, được báo cáo quân Pháp đã rút khỏi Thất Khê (…) Bác quay trở về sở chỉ huy, tôi đi cùng bộ đội vào Thất Khê.

Kho tàng của địch còn nguyên vẹn, chứng tỏ chúng sợ ta phát hiện nên không dám phá hủy trước khi rút (…) Tôi vào sở chỉ huy (…) Tài liệu mật vất bừa bãi khắp nơi (…)

Ba tiểu đoàn của 308, một tiểu đoàn của 209 và toàn trung đoàn 174 đã được lệnh truy kích địch về phía Na Sầm. Khi đó chúng ta chưa biết trong ngày quân địch đã dừng lại nhiều giờ ở cầu Bản Trại mới bị phá, để lỡ một cơ hội tiêu diệt sinh lực địch.

Quân của La Bôm đã dồn lại ở bờ bắc sông Kỳ Cùng. Công binh địch chỉ có 6 chiếc xuồng nên tổ chức vượt sông rất chậm. Những đơn vị lê-dương đi trước, cùng quân đồn trú (ở Thất Khê) sau khi qua sông chỉ còn nghĩ làm sao đi cho nhanh về phía nam. Tiểu đoàn dù 3 mới tăng viện (…) bị rớt lại phía sau khá xa. 9 giờ tối, chúng mới tới Đèo Khách. Binh lính trong đồn ở đây đã bỏ chạy theo La Bôm, cứ điểm này đang do quân ta làm chủ. Bị bộ đội chặn đánh, địch chạy vào rừng, lang thang suốt đêm dưới trời mưa như trút. Ngày hôm sau, chúng đi tiếp tới đồn Lũng Vài thì các chiến sĩ 174 đã chờ ở đó. Cả tiểu đoàn, một lần nữa lại lao vào rừng. Nhưng lần này chúng không thoát vì đây là chiến trường quen thuộc của 174. Chỉ có hai sĩ quan và ba tên lính tiểu đoàn 3 dù chạy về tới Đồng Đăng.

Ngày 13 tháng 10, quân địch rút khỏi Na Sầm.

Ngày 17 tháng 10, địch bỏ Đồng Đăng.

Bốn giờ sáng ngày 18 tháng 10, địch bắt đầu rút quân khỏi thị xã Lạng Sơn. Điều này nằm ngoài dự kiến của chúng ta. (Bây giờ ta biết) bộ chỉ huy Pháp chưa bao giờ tính đến chuyện này. Thị xã Lạng Sơn là một bộ phận quan trọng trong hình chữ nhật lệch của kế hoạch Rơ-ve, tuyến phòng ngự cơ bản để bảo vệ đồng bằng Bắc bộ. Binh lính địch ở đây gồm 6 tiểu đoàn cùng với một số đơn vị thiết giáp, pháo binh. Thị xã Lạng Sơn có địa hình hiểm trở không kém thị xã Cao Bằng, lại dễ tăng viện từ đồng bằng lên khi bị tiến công.

Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh (…) truy kích (…) Nhưng (…) không kịp vì tình hình chuyển biến quá nhanh (…)

Thảm họa ở Cao Bằng tiếp đến việc tiểu đoàn 3 dù bị tiêu diệt đã khiến cho Công-x-tăng mất hết tinh thần. Là người trực tiếp chỉ huy cuộc hành binh Tê-re-dơ, Công-x-tăng đã nghe những tiếng kêu cứu tuyệt vọng của Lơ-pa-giơ và Sác-tông. Y biết rõ những cuộc điều binh cực kỳ mau lẹ của ta, và khả năng giáng những đòn sấm sét của “quân đoàn tác chiến Việt Minh” mới được tổ chức. Y cho rằng 18 tiểu đoàn chủ lực của đối phương trên đà chiến thắng, đang đe dọa Lạng Sơn. Công-x-tăng đã đề nghị với Các-păng-chi-ê cho toàn bộ lực lượng của Khu Biên thùy Đông Bắc rút lui khi còn có thời gian. Bức điện báo cáo của Công-x-tăng đã khiến Các-păng-chi-ê nhận xét: “Những tin tức mà chúng ta nhận được đêm thứ bảy và sáng chủ nhật thật kinh hoàng… Đã có sự đột khởi của quân địch ở vùng Lạng Giai, trên quốc lộ 1. Đường số 4 và đường số 1 đã bị phong tỏa, người của chúng ta ở Lạng Sơn đang bị nhốt cùng với tất cả pháo binh và những đại đội vận tải, có nguy cơ sa vào bẫy chuột…”. Chiều ngày 16 tháng 10, Các-păng-chi-ê bàn bạc với Pi-nhông và đi tới quyết định cho Công-x-tăng rút khỏi Lạng Sơn từ sáng ngày 17 (…)

Ngày 20 tháng 10, địch rút khỏi Lộc Bình và Đình Lập. Đình Lập là vị trí bảo vệ cho vùng bờ biển Tiên Yên.

Ngày 23 tháng 10, địch rút khỏi An Châu.

Có tin thị xã Móng Cái nằm ở mút đường số 4 bên bờ biển cũng chuẩn bị di tản.

Chỉ trong mười ngày, từ ngày 13 đến ngày 23 tháng 10 năm 1950, địch đã rút khỏi phòng tuyến dài 100 ki-lô-mét trên đường số 4 (…) tới sát Tiên Yên (…)

Một vùng rộng lớn ở Đông Bắc không còn quân giặc (…) Lúa chín vàng trên cánh đồng Thất Khê. Bộ đội giúp dân gặt lúa, cắt dây thép gai, gỡ mìn. Bản làng yên vui, nhộn nhịp tiếng chày giã gạo, những cô gái Tày gánh lúa từ đồng về bước chân thoăn thoắt (…)

Tôi thấy cần tranh thủ thời gian đi xem những vị trí địch trên đường số 4 (…)

Tại Đông Khê, tôi nhận thấy một công trình phòng ngự bằng cụm cứ điểm gây cho bộ đội những khó khăn lớn hơn rất nhiều so với đánh một cứ điểm riêng lẻ cùng quân số (…)

Vị trí địch ở Đồng Đăng gây nhiều ấn tượng với tôi nhất. Công sự ở đây kiên cố hơn ở Đông Khê và Thất Khê nhiều. Hệ thống hỏa lực rất chặt chẽ. Tôi tự hỏi: Vì sao một vị trí như thế này mà địch lại bỏ? Nếu chúng cố thủ ở đây thì bộ đội ta sẽ gặp không ít khó khăn.

Thị xã Lạng Sơn cũng như thành phố Hải Phòng là trong số những nơi bị quân Pháp chiếm đóng đầu tiên trên miền Bắc (…)

Địch vội vã bỏ chạy khỏi Lạng Sơn để lại nhiều kho tàng nguyên vẹn (…) Theo tài liệu của Pháp thì Công-x-tăng đã để lại Lạng Sơn: “1.500 tấn trang bị, 2.000 tấn quân nhu, 4.000 khẩu tiểu liên, 10.000 viên đạn pháo, 150 tấn thuốc nổ, ước tính đủ trang bị cho tám trung đoàn đối phương”.

Tôi nhắc hậu cần đặc biệt chú ý thu thập và bảo quản đạn pháo, chúng ta hiện rất thiếu, và bạn cũng không có nhiều để viện trợ cho ta. Số đạn pháo lấy được ở Lạng Sơn đã rất có ích cho ta sau này. Tôi cũng nói với ủy ban tiếp quản duy trì những công sự phòng thủ đề phòng địch trở lại.

Thăm Lạng Sơn xong, tôi quay lại Cao Bằng để kịp chuẩn bị hội nghị tổng kết. Dọc đường cứ tự hỏi: Vì sao quân Pháp vội vã rút lui? Chiến thắng của ta rất lớn nhưng phải chăng là do một loạt sai lầm của quân địch. Chúng chủ quan, quá coi thường lực lượng ta, khi thất bại thì chúng quá hoảng hốt.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Đường tới Điện Biên Phủ in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 666-673)