Tưởng tượng “đường đường một đấng” “đội trời đạp đất” lừng lững bước lên lầu, ngồi lù lù giữa lầu, rồi không nhìn thẳng, mà… liếc! “Hai bên cùng liếc hai lòng cùng ưa”… “Con mắt em liếc như là dao cau”. Còn “con mắt anh liếc” thì “như là gươm…”, gươm gì nhỉ? Đây Nguyễn Du kể theo một phong tục Việt Nam mà hẳn chính cụ đã ngày thanh niên nhiều lần thực hành với các gái làng trong những dịp hát giao duyên, chứ ở bên Tàu chưa chắc có tục “liếc”. Từ Hải liếc Kiều xong, rồi không như lệ thường, không chịu “trăng gió vật vờ”, “vào trước ra sau”, mà hỏi ngay “… có không?” rất dõng dạc, rồi đề nghị Kiều theo “anh hùng” mà bỏ “chậu” bỏ “lồng”. Kiều đáp rất khéo: Em chả dám kén đâu! Nhưng mà em có chọn đấy! Từ Hải vui lòng, bảo lại gần xem “anh” cho kỹ xem thế nào. Thì xem. Rõ ràng tướng mạo “vua” đây! Cho em nhờ nhé, đến hết trăm năm thôi! “Chuẩn vua” hỉ hả “khen cho con mắt tinh đời”, và hứa sẽ cho chung hưởng mọi thứ khi lên ngai. Thế là xong, Tú Bà đành chịu mất một “sao”. Kiều bỏ lầu hồng, lên lầu long phụng.

(Thu Tứ)



Nguyễn Du, Truyện Kiều (câu 2165-2212)



Lần thâu gió mát trăng thanh, (2165)
Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi.
Râu hùm hàm én mày ngài,
Vai năm tấc rộng thân mười thước cao.
Ðường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài. (2170)
Ðội trời đạp đất ở đời,
Họ Từ tên Hải vốn người Việt Ðông.
Giang hồ quen thú vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo.
Qua chơi nghe tiếng nàng Kiều, (2175)
Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng.
Thiếp danh đưa đến lầu hồng,
Hai bên cùng liếc hai lòng cùng ưa.
Từ rằng: “Tâm phúc tương cờ,
Phải người trăng gió vật vờ hay sao? (2180)
Bấy lâu nghe tiếng má đào,
Mắt xanh chẳng để ai vào có không?
Một đời được mấy anh hùng,
Bõ chi cá chậu chim lồng mà chơi!”.
Nàng rằng: “Người dạy quá lời, (2185)
Thân này còn dám xem ai làm thường!
Chút riêng chọn đá thử vàng,
Biết đâu mà gởi can trường vào đâu?
Còn như vào trước ra sau,
Ai cho kén chọn vàng thau tại mình!”. (2190)
Từ rằng: “Lời nói hữu tình,
Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên quân.
Lại đây xem lại cho gần,
Phỏng tin được một vài phần hay không?”.
Thưa rằng: “Lượng cả bao dong, (2195)
Tấn Dương được thấy mây rồng có phen.
Rộng thương cỏ nội hoa hèn,
Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau!”.
Nghe lời, vừa ý gật đầu,
Cười rằng: “Tri kỷ trước sau mấy người? (2200)
Khen cho con mắt tinh đời,
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già!
Một lời đã biết đến ta,
Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau!”.
Hai bên ý hợp tâm đầu, (2205)
Khi thân chẳng lọ là cầu mới thân!
Ngỏ lời nói với băng nhân,
Tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn.
Buồng riêng sửa chốn thanh nhàn,
Đặt giường thất bảo vây màn bát tiên.(2210)
Trai anh hùng gái thuyền quyên,
Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng.


(
Truyện Kiều, nxb. Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1973)