“Bạn bè muôn năm!”




Khác hẳn giặc xâm lược từ phương bắc xưa kia, giặc xâm lược từ phương tây sử dụng những vũ khí và phương tiện chiến tranh có chất lượng cao vòi vọi so với những gì kháng chiến Việt Nam có thể tự sản xuất. Để mong đánh Pháp đánh Mỹ thành công, ta cần có “bạn” cung cấp cho ta trang bị hiện đại như của đối phương. Bạn trước tiên là Liên Xô, nhưng để hầu hết những thứ Liên Xô cho có thể đến tay ta, ta cần sự hợp tác của bạn nữa là Trung Quốc. Ngoài việc cho mượn đường, bạn Trung Quốc còn tự viện trợ cho ta không ít vũ khí và nhất là hàng quân nhu.

Hai bạn cộng sản giúp Việt Nam đều là trong chiến lược đối đầu với phía tư bản. Do chiến lược có thể thay đổi, và do riêng bạn Trung Quốc lại có một thèm thuồng truyền kiếp đối với lãnh thổ ta, tình hình quan hệ với hai bạn có thể biến động lớn.

Trong hồi ký chiến tranh của các cán bộ cao cấp, tướng lĩnh ta có một số dòng tuy ít nhưng cho thấy được thật nhiều về những biến động quan hệ cùng phản ứng của phía Việt Nam.

*

Trong Nhớ lại một thời, Tố Hữu ghi: “Từ năm 1972, do điều kiện tình hình thế giới lúc đó, ta phải giữ bí mật với Trung Quốc và Liên Xô. Bởi vậy, khi ta giành toàn thắng, các bạn không khỏi bất ngờ”.(1)

Tình hình thế giới lúc đó thế nào?

Đầu năm 1969, Ních-xơn lên cầm quyền ở Mỹ. Tổng thống Ních-xơn nhận thấy Mỹ nên thừa cơ hội Liên Xô và Trung Quốc đang mâu thuẫn trầm trọng (tới mức xảy ra xung đột ở biên giới) mà tạo ra một cái thế Tam Quốc để lấy Trung Quốc phụ mình kiềm chế Liên Xô. Gia dĩ, từ khá lâu Ních-xơn đã chú ý đến cái thị trường một tỉ người Tàu. Cuộc đổi mới đối ngoại “sáng tạo” chính thức mở đầu với chuyến công du lịch sử qua Bắc Kinh. Đúng như Nixon dự đoán, do sợ khả năng ra đời của một liên minh Mỹ - Trung Quốc, ba tháng sau Liên Xô bằng lòng ký với Mỹ hai hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược rất quan trọng.

Việc Mỹ thay đổi quan hệ với hai bạn ta tất nhiên có thể ảnh hưởng quan trọng đến mức độ hai bạn giúp ta đánh Mỹ. Ních-xơn đã đặt ra và bắt đầu thực hiện một kế hoạch vận dụng tình hình quan hệ lớn mới để giải quyết vấn đề Việt Nam. Trong sách Ních-xơn in năm 1985, kế hoạch ấy được trình bày thật rõ ràng: “Từ lâu tôi đã nghĩ rằng muốn có hòa bình ở Việt Nam ta cần sự hợp tác của Liên Xô và Trung Quốc. Tuy Mở Cửa (với Trung Quốc) và Giảm Căng (với Liên Xô) tự thân là mục đích, tôi đồng thời cũng xem chúng là phương tiện để chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Tối thiểu, Hà Nội sẽ bớt tự tin khi thấy Hoa-thịnh-đốn thương lượng với Mạc-tư-khoa và Bắc Kinh. Tốt đẹp nhất là, nếu hai cường quốc cộng sản quyết định họ có quyền lợi lớn hơn ở nơi khác, Hà Nội sẽ bị buộc phải hướng về một giải pháp chính trị mà ta có thể chấp nhận được”.(2)

Tình hình thế giới lúc đó là như vậy, Việt Nam làm sao đây?

Tất nhiên không thể cản trở Tổng thống Mỹ chơi cái trò của ông ta. Cũng không mong thuyết phục Liên Xô và Trung Quốc đừng thay lòng đổi dạ. Việt Nam chỉ có thể làm hai điều này. Thứ nhất là nỗ lực cao độ hơn nữa để toàn thắng càng sớm càng tốt. Thứ hai là, do bạn bây giờ đi đêm với địch, cho bạn vào… đêm luôn về những kế hoạch quân sự của mình.


*

Giữa Liên Xô và Trung Quốc thì Trung Quốc, do được hưởng nhiều lợi trong sách lược đối ngoại mới của Ních-xơn và do nuôi tham vọng bành trướng ở Đông Nam Á, là “bạn” dễ bị Mỹ lôi cuốn giảm viện cho Việt Nam hơn.

Vốn dĩ, quan hệ Việt – Trung đã bắt đầu xuống cấp từ trước đó rồi. Trong một cuộc họp của Bộ Chính trị không biết vào năm nào, khi bàn tới việc Trung Quốc đề nghị viện trợ một số xe tải cho đường Trường Sơn với điều kiện kèm lái xe của họ, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã phát biểu cực kỳ gay gắt: “Chừng nào tôi còn ngồi đây, thì tôi không cho một kẻ nào nghĩ trong đầu rằng có thể cướp được đất nước Việt Nam này”.(3) (Dĩ nhiên là lời nhấn mạnh, chứ có ai cản được ai nghĩ trong đầu! Thậm chí ngay cả khi “kẻ nào” trắng trợn ra tay cướp Hoàng Sa năm 1974, cái hoàn cảnh đất nước vẫn còn đang bị chia hai và cái ưu tiên tuyệt đối phải dành cho việc thống nhất làm cho ta cũng đành chịu không làm gì được.)

Nghe Mỹ thuyết, Trung Quốc ưng lắm, nhưng không làm theo ý muốn của Mỹ ngay. Vì muốn duy trì một cái thế trong cuộc thương lượng chiến lược với Mỹ đang còn ở giai đoạn sơ khai. Cũng vì lo ngại Liên Xô sẽ chiếm được vị trí quá mạnh ở một nơi rất quan trọng đối với mình.

Từ nhiệt tình giúp Việt Nam đánh Mỹ, Trung Quốc đã chuyển sang muốn giữ Việt Nam ít nhất tạm không thống nhất, nhưng do bị giằng co, trên thực tế chưa tiến hành thay đổi đáng kể. Thì Việt Nam đã sắp sửa thống nhất đến nơi! Bị bất ngờ, “bạn” toan manh động!

*

Cuối hồi ký Đại thắng mùa xuân (in năm 1977) của Đại tướng Văn Tiến Dũng, có lời ghi lấp lửng: (Ngày 30-4-1975) Giữa lúc cả cái “triều đình” cuối cùng của chế độ do Mỹ dựng lên ngồi trong “Dinh Độc Lập” thì cửa phòng mở. Họ đứng cả dậy, tưởng là Quân Giải phóng tới. Người bước vào là tên tướng (Pháp) Va-nuy-xem. Tên này (…) ngăn việc đem cuộn băng ghi âm (lệnh đầu hàng) của “tổng thống” ngụy đi phát thanh. Rồi (…) bày kế chặn cuộc tổng công kích của ta vào Sài Gòn. Mưu ma chước quỷ của Va-nuy-xem thật là nực cười, hành động thật là thô bạo, trắng trợn, nói nhiều ra chưa tiện (…) nhưng (nếu thực hiện) cũng không giúp được ngụy quyền đảo ngược tình thế”.(4) Cựu thù Pháp định giở trò gì đây? Mà tại sao chưa tiện nói ra? Mà lại khôi hài và tuyệt vọng?

Cũng về sự việc này, có một lời ghi khác, rõ hơn hẳn: “Viên tướng Pháp Phờ-răng-xoa Va-nuy-xem đội lốt ký giả hối hả vào (“Dinh Độc Lập”) xin gặp tướng Minh (…) “Hãy rút về Cần Thơ, cố thủ Vùng 4 Chiến thuật, chỉ vài ngày nữa thôi thì Trung Quốc sẽ áp đặt giải pháp trung lập hóa Miền Nam””.(5)

À, hóa ra là… “bạn” ấy. Va-nuy-xem chỉ đi làm công tác liên lạc. Phải rồi, vào năm 1977 Trung Quốc vẫn chính thức là bạn ta, nêu tên quả có bất tiện.

Ý đồ của “bạn” như thế nghiêm trọng tột bực, do đâu mà lại bị xem là mang nặng tính hài bi? Do cái sự kiện lãnh đạo ta đã tiên đoán khả năng Trung Quốc có thể gây áp lực quân sự nhằm khiến ta phải bỏ dở Chiến dịch Hồ Chí Minh và đã cho bố trí lực lượng để vừa chống trả hiệu quả xâm lược từ phương bắc vừa vẫn duy trì được khí thế giông bão của cuộc hành quân nam tiến vào thẳng “Dinh Độc Lập”.

Kể ra, tuy không thể thành công, “mưu ma chước quỷ” nếu được thực hiện sẽ làm cho ngày vui non sông thống nhất của dân tộc Việt Nam bị mất đi ít nhiều yên ổn. Như xảy ra, nó đã lập tức bị Dương Văn Minh bác bỏ: “Hết Tây đến Mỹ, chẳng lẽ bây giờ còn đi làm tay sai cho Tàu nữa sao!”.(5)

(Lời gan ruột của “tổng thống” cuối cùng của “Việt Nam Cộng hòa” súc tích lạ. Chỉ có mười bảy chữ mà nói lên được trọn vẹn cái sự thực xấu xí về bản chất của cả “VNCH” lẫn “Quốc gia Việt Nam” trước nó!)

*

Nhưng căn cứ vào đâu mà nói phía ta đã tiên đoán Trung Quốc có thể gây rắc rối vào phút chót?

Hồi ký Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chép: Chiều ngày 20 và trọn ngày 21 tháng 7 năm 1974, trong cuộc trao đổi ý kiến với các chỉ huy quân sự để chuẩn bị cho cuộc họp sắp tới của Bộ Chính trị, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn “nêu rõ (…) Đông Dương là (…) một vùng chiến lược mà nhiều cường quốc, kể cả một số nước lớn ở châu Á, có tham vọng tranh giành ảnh hưởng (…) Một khi Mỹ thua, phải rút quân, nhiều nước sợ Việt Nam thắng và mạnh lên (…) (Ta) cần nghiên cứu cách đánh như thế nào để thắng to, thắng nhanh, khiến Mỹ không kịp trở tay, các nước khác khó lòng can thiệp”.(6) “Một số nước lớn ở châu Á” với “nhiều nước” với “các nước khác”, thực ra là duy nhất một thôi: Trung Quốc! Chắc chắn là Bí thư thứ nhất đã nêu đích danh, chẳng qua khi viết hồi ký Đại tướng chọn thay nó bằng mấy chữ mơ hồ cho hợp với nguyên tắc đối ngoại. Bí thư thứ nhất từ lâu rất quan ngại về “bạn” này, nay nhắc nhở mọi người rằng sau bao nhiêu năm tích cực ủng hộ ta thống nhất đất nước, trong giai đoạn sắp tới bạn có thể sẽ tích cực làm ngược lại!

Ta đoán “bạn” có thể giở trò, vậy ta đã chuẩn bị đối phó ra sao?

Vẫn hồi ký Đại tướng, chỗ ghi về việc bố trí quân chủ lực để chuẩn bị triển khai Chiến dịch Hồ Chí Minh có chứa một chi tiết bất thường được nhắc tới đến hai lần (vào thời điểm chật ních những việc quan trọng): “Ngày 18 tháng 3 (năm 1975) (…) Tôi ra lệnh cho Quân đoàn 1 kiểm tra mọi mặt chuẩn bị lên đường chiến đấu, để lại Sư đoàn 308 sẵn sàng ứng phó với tình huống địch phản ứng quân sự đối với Miền Bắc (…) Việc sử dụng Sư đoàn 308 ở lại Miền Bắc làm nhiệm vụ dự bị chiến lược có gây thắc mắc trong hàng ngũ các chiến sĩ Quân Tiên Phong. Ngày 26 tháng 3, đồng chí Hoàng Kim, Chính ủy Sư đoàn, lên Bộ đề đạt nguyện vọng của Sư đoàn xin được đi chiến đấu. Hiểu rõ tâm trạng của anh em 308, tôi thân mật căn dặn: “Sư đoàn đang làm một nhiệm vụ hết sức quan trọng (…) Hãy chuẩn bị thật tốt để sẵn sàng hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì khi Tổ quốc cần đến. Sư đoàn 308 đang phụ trách một hướng trọng yếu của trận quyết chiến chiến lược đó””.(7) Quân Tiên Phong không được tham dự Chiến dịch Hồ Chí Minh mà phải tiếp tục ở lại Miền Bắc “chuẩn bị thật tốt” để “ứng phó với tình huống…”. Tình huống lạ lùng gì đây? Hiển nhiên sử dụng 308 là để đối phó với xâm lược bằng bộ binh, mà dùng bộ binh đánh Miền Bắc thì ngay cả Ních-xơn vào lúc có tư thế chính trị mạnh mẽ nhất chắc chắn cũng không nghĩ tới, huống gì Pho chỉ là tổng thống tạm quyền cực kỳ yếu ớt. Trong nghị quyết của Bộ Chính trị cuối phiên họp kéo dài từ ngày 18-12-1974 đến 8-1-1975 có câu: “Ta vẫn đề phòng khả năng Mỹ có thể can thiệp bằng không quân, hải quân”.(8) Vào thời điểm ấy, lục quân Mỹ đã không được nhắc đến, mà càng về sau thì khả năng Mỹ có thể can thiệp càng giảm. Vậy thì “địch” trong mệnh lệnh ngày 18-3-1975 của Đại tướng là ai, tưởng khó thể nhầm!

*

Âm mưu đen tối của “bạn” về cuối cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc Việt Nam còn có một mục tiêu khác mà lãnh đạo ta cũng đã tiên đoán và chuẩn bị đối phó.

Sách biên niên sự kiện của Bộ tham mưu Hải quân ghi: “Ngày 9-4-1975 (…) Quân ủy Trung ương điện cho Bộ tư lệnh tiền phương quân chủng Hải quân đặt tại Đà Nẵng: “Có tin đối phương chuẩn bị rút khỏi các đảo ở Trường Sa. Kiểm tra lại ngay và chỉ thị cho lực lượng hành động kịp thời theo phương án đã định. Nếu để chậm, có thể quân đội nước ngoài chiếm trước, vì hiện nay một số nước ngoài đang có ý đồ xâm chiếm””.(9) Trong “một số”, dĩ nhiên Trung Quốc có ý đồ to tát nhất. Hải quân Việt Nam đã thi hành mệnh lệnh và thu hồi các đảo Trường Sa từ tay quân đội của chính quyền Sài Gòn trước khi bất cứ nước ngoài nào kịp thừa cơ hội…

*

Bạn bè chán thế, có nên từ giờ thôi kết bạn không nhỉ?

Ấy, chớ có chán và chớ có thôi!

Trước tiên, nên nhớ rằng tuy bạn Trung Quốc nuôi ý đồ xấu đối với ta nhưng rút cuộc một phần chính nhờ có bạn giúp mà ta mới làm nên đại sự là giành lại độc lập và thống nhất đất nước. Bạn bè được việc thế, đáng kết quá đi chứ.

Hướng về tương lai, kết bạn vẫn hết sức đáng. Có thể ta sẽ lập được một hình thức liên minh nào đó với một số bạn mới, khiến kẻ xâm lược tiềm năng cảm thấy ngần ngại, e dè. Tối thiểu, ta sẽ có nguồn cung cấp vũ khí hiện đại để nâng cấp khả năng tự vệ của mình. Bạn vốn là thù to kia sản xuất nhiều hàng tốt đang mong bán cho ta lắm đấy. Nhưng bạn này không từ bỏ tham vọng bành trướng đế quốc ý thức hệ, ta cần cân nhắc rất kỹ trước khi mua. Hiện nay, ngoài “bạn hiền” Nga luôn sẵn sàng cung cấp hàng “chất” với giá phải chăng, Do-thái, Ấn-độ, Nhật cũng đều có sản phẩm ưu việt, lại không chực can thiệp vào nội bộ nước khác…

Thực ra Việt Nam hiện nay không có thù chính thức. Cả thế giới đều là bạn, dù giữa bạn nào đó và ta còn tồn tại vấn đề chưa giải quyết thì đôi bên cũng vẫn là bạn. Vừa bạn bè vui vẻ, ta vừa luôn “chuẩn bị thật tốt để sẵn sàng” ứng phó với mọi tình huống thật xấu!



Thu Tứ
Tháng 6-2016
Sửa tháng 4-2019




















__________
(1) Tố Hữu,
Nhớ lại một thời, nxb. Hội Nhà Văn, 2000. In đỏ đậm do người trích.
(2) Richard Nixon,
No more Vietnams, nxb. Arbor House, Mỹ, 1985.
(3) Trang
vi.wikipedia.org.
(4), (8) Văn Tiến Dũng,
Đại thắng mùa Xuân, nxb. Quân Đội Nhân Dân, 1977.
(5) Nguyễn Hữu Thái, Trần Tuyết Hoa v.v.,
Sài Gòn sự kiện và đối thoại, nxb. Thế Giới, 2015. Lời DVM là lời với người thân cận sau khi nghe Va-nuy-xem trình bày.
(6), (7) Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2006.
(9) Nguyễn Văn Đấu, Dương Thảo, Đặng Văn Tới,
Bộ Tham mưu Hải quân - Biên niên sự kiện (1959-2004), nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2004.