Lúa chín, sóng lúa rập rờn, cả cánh đồng “khô sáng, ròn rã, vàng tươi”, thế mà “xa vắng quá, trơ lạ quá”! Hóa ra, chỉ thiếu đi có cái “nét” người hoạt động quen thuộc, cả một bức tranh vĩ đại đổi hẳn ấn tượng gây nơi người xem. “Tề” là ngụy quyền. “Hội tề” là hàng ngũ tề. “Làng tề” là làng nằm trong vòng kiểm soát của giặc, có tề giúp đỡ giặc. Tuy dân làng tề rất nhiều người đầy cảm tình với kháng chiến, vào làng là việc rất nguy hiểm, có cơ sở thật tin cậy mới dám vào. Nguyễn đi “nghiên cứu” chuyến này, hơi hồi hộp; bù lại, được thấy rõ thêm “cái tha thiết (của đa số nhân dân) đối với giải phóng”. Một trong những trò dã man nhất giặc Pháp đã giở ra trên đất nước ta là thả quân đi hiếp dâm. Nghĩ đến bao nhiêu mặt mũi vênh váo, bao nhiêu lời lẽ trịch thượng xưng văn minh, ưu việt, mà tởm. Về bọn tề, tội của chúng đối với dân tộc có nhiều mức. Vì lợi ích cho cuộc kháng chiến, những trường hợp tội nhẹ nhiều khi được nhà nước Việt Nam xử rất khoan hồng.

(Thu Tứ)



“Một đêm vào tề”

Nguyễn Tuân




Đặt chân lên chợ Đ., mắt tôi còn cay vì những đêm không ngủ. Trong cái chen chúc giữa phiên chợ đông, có tiếng quen nói nhỏ vào tai tôi: “Có muốn nghiên cứu về làng tề không?”. Nhận rõ anh bạn, tôi kéo ngay anh ra một quán vắng. Anh hẹn chỗ gặp, ngày gặp, để cùng vào tề.

*

Cái phố Văn Trai. Cái hành lang của cám dỗ lừa phỉnh, dò xét ngầm, của bất trắc, xót thương và ăn xổi ở thì. Lòng phố là một cái mặt đê; nhà thì chống cột tre vào đít mà nghển lên, bám vào rìa đê chầu hẳn ra lòng phố, cái nọ nhìn chõ sang cái kia và cái nào cũng y như cái nào. Mặt hàng, nào bật lửa, lược hóa học, mực bút máy, dép Con Nhạn, dây dù, túi dù, nón nỉ và ít thuốc sốt cảm Âu Mỹ. Mình có cảm tưởng là một số lớn cửa hàng gầy mỏng này chỉ là trạm liên lạc cho nhiều thứ việc khả nghi. Những xóm tre bao quanh phố này có thể là những kho hàng lậu đang chờ dịp chọc vòng vây công an cảnh giới. Cái cửa hàng này rất có thể là chỗ liên lạc thông tin của Phòng Nhì Hà Nội. Cái cửa hàng kia có thể là chỗ hẹn hò của bọn rủ người “dinh tê”. Nó còn là những gì nữa? Giặc mà thọc một mũi dùi vào đây thì, phải biết, cháy nhà ra mặt chuột, còn khối sự lạ. Tôi phải lượn phố Văn Trai này ba lượt để chờ anh bạn đưa mình vào đất tề.

Bên kia cống Đồng Quan, một dẫy xe tay nối càng tôm vào nhau như đám cưới thời Tiền Kháng Chiến. Những người phu xe này có hẳn chuyên tâm vào việc kéo xe hay là đang làm nhiều việc nó khác hẳn cái việc kéo xe? Chuông nhà thờ làng Trứ đổ hồi. Ruộng lúa chín đang rưng rưng hạt lệ thóc, nhuộm vàng thêm hoàng hôn vùng giáp địch.

Cuộc khai hội buổi tối hôm ấy của cán bộ phụ trách vùng tề náo nhiệt. Nhiều khuôn mặt thanh niên sáng sủa và quả cảm. Anh Cả, anh Hai, anh Năm… Đặt kế hoạch, phân công, giải thích, tiếng anh Cả luôn luôn “anh em có còn thắc mắc điều gì nữa không?”. Tôi nhận một tấm giấy căn cước bằng chữ Pháp có dấu của một lý trưởng và của một tên đồn Tây. Cả đêm, tôi thao thức với cái tên mới của tôi, và hút rất nhiều thuốc lá để tập suy nghĩ và xử sự theo với tấm thẻ tít mới.

*

Khúc sông có đò, rồi đến khúc sông không có đò. Đồng lúa chín bao la trong ánh sáng sớm, không một bóng người gặt. Sông không đò, ruộng chín không người gặt. Đất tề bắt đầu. Chúng tôi lặng lẽ đi hàng một. “Ta vào làng này”. Tôi theo anh dẫn đường, rẽ vào một cái làng không có chó, không có gà gáy trưa, nghĩa là không có con người. Ngõ đầy lá tre khô, tua tủa cành rào. Ao đầy bèo. Đầu ông Phật chùa làng, giặc chém rơi dưới bệ sen. Trên một tường gạch, còn ghi rõ mấy dòng kể tội quân Pháp ngày ấy tháng ấy về làng giết bao nhiêu người, đốt bao nhiêu nhà, cướp bao nhiêu trâu bò, và cuối cùng là “Chúng ta phải trả thù”.

Phía đồng Khúc Thủy có tiếng súng nổ. Đồng lúa chín tắt tiếng đạn, lại càng thăm thẳm hơn. Đồng chín không bóng dáng lom khom của dân gặt trông cô quạnh bằng mấy mươi cái vắng vẻ của rừng. Trong gió hanh, trên đất khô, sóng lúa thầm thì về thảm kịch của vùng bị địch kiểm soát. Ở đây khô sáng, ròn rã, vàng tươi. Nhưng tôi thấy thèm nhớ cái ẩm ướt tranh sáng tranh tối của rừng Việt Bắc với những điệp khúc chim bắt cô trói cột. Ở đây xa vắng quá, trơ lạ quá.

Một tiếng nổ phát ra từ một xóm lẻ giữa đồng quạnh. Anh liên lạc chậm bước: “Đừng có đứng lại, cứ vừa đi vừa nói. Có thấy chúng nó hành quân thì đừng có chạy. Mặc kệ nó. Hễ ngơ ngác lấm lét chạy là nó bắn”. Được một quãng, bỗng thấy anh đứng lại, chăm chú nhìn ra xa: “Này anh, anh nhìn kỹ hộ tôi xem có phải mấy đám người đi trên đê xa kia đang rẽ ngoặt lại không? Mấy bọn ấy họ vượt mình từ chỗ bờ sông buổi sớm ấy mà”. Tôi nhìn kỹ vào giữa đồng không mông quạnh, cũng không hiểu là họ đang đi tiếp hay là những đầu rắn ấy thấy vướng, đã chùn lại và rẽ ngang lùi về.

- Thế sao hở anh?

- Nếu những đám người kia họ chùn lại, tức là gần đấy có biến và ở phía này, chúng ta rẽ ngang đi thôi. Phải tinh ý thế, nó đỡ cho mình gặp chúng nó ở giữa đường. Thẻ của anh thuộc về làng tề trên, nó gặp anh ở đây là đủ lôi thôi rồi.

- Bây giờ…?

- Bây giờ mình rảo bước lên. Rẽ luôn vào làng tề kia. Có gì ở ngay trong làng có nhân dân giúp đỡ thì hơn vu vơ giữa đồng.

Vừa rồi chỉ là cách quá phòng xa. Nhưng mặc dầu vậy, chúng tôi cũng tới được địa điểm trước giờ định. Vài trẻ em đang loay hoay phía bờ ao lôi cái thuyền thúng lên. Tây không hay sục sạo các làng vào giờ này. Những chiếc thuyền thúng được vớt lên để đi vớt bèo và hái cái rau cho bữa cơm chiều. Rồi gần mờ sáng thì lại dìm đi.

Đồng chí dẫn đường hỏi đến tên bất cứ một người nào, là cả làng tề bảo là đi vắng cả. Anh dẫn đường tủm tỉm, rồi nói thầm riêng. Ra vì có tôi là người lạ.

*

Bữa cơm chiều, tôi ăn rất no. Tối nay phải thức và đi luôn cả đêm. Bà chủ nhà đưa tăm, chép miệng, thèm cái đời sống ngoài vùng tự do: “Có bị tầu bay khủng bố ngày mấy lượt cũng còn là cứ sướng hơn trong này, các anh ạ. Mâm và nồi này là vừa mới vớt ở dưới ao lên đấy chứ. Cơm sáng ăn vào lúc còn tối đất, xong một cái là dìm tất cả xuống ao. Ấy chậm giấu đi từ mờ sáng, chúng kéo vào là mất hết”. Người con trai kể thêm cho biết rằng bình dân học vụ ở vùng tề này khác hẳn ngoài vùng tự do. Nay lại dạy vào buổi ban ngày. Tối, nó không cho đèn đóm. Nó trông thấy có ánh lửa hay có đứa nào báo lên bốt là nó hạch hỏi, tra xét, phạt và dọa khủng bố. “Mà bây giờ chúng nó lại cấm đóng cổng làng. Trước kia thì chúng nó bắt đóng cổng cho kỹ. Cả cổng nhà riêng, ngày đêm giờ đều phải bỏ trống. Để cho nó tiện việc kiểm soát. Hễ đóng, nó bảo là để che chở cho cán bộ ngoài ta”.

Tôi sang nhà khác. Đến mỗi chỗ, đồng chí dẫn đường đều giới thiệu tôi là “đi thăm đồng bào”. Mấy em nhỏ linh lợi như các em liên lạc, chào tôi đi qua nhà bên: “Bao giờ anh lại vào thăm chúng em nữa? Lần sau vào, anh cho chúng em nhiều tranh ảnh kháng chiến và bài hát nhé!”. Tôi nghĩ đến một ngày vùng tề đây được giải phóng, các em này sẽ thi hát với những em ngoài vùng tự do.

Tôi đi thăm đồng bào nhiều nhà. Ông cụ ấy đưa ra cổng, còn quyến luyến: “Các anh vào liên lạc với đồng bào trong này, thật là quý hóa quá. Chúng tôi vẫn trông ngóng ở ngoài ấy. Khổ lắm các anh ạ. Đêm ngủ không đẫy giấc. Ngày hai buổi chỉ bận bịu vì nghe ngóng xem nó có kéo qua làng không. Canh tư gà gáy là bắt đầu lo rồi. Chó cắn là giật mình. Có một hồi làng phải góp tiền thuê chung hai người gác. Mỗi người hai trăm rưởi một tháng: một người đầu làng, một người cuối làng. Bỏ nhà kéo ra vùng tự do, thì nó đến đốt nhà. Ở lại, thì đồng bào các nơi ngờ vực, khinh bỉ”. Tôi an ủi ông cụ rằng trái lại, vùng ngoài đang cảm thông với những gian khổ của vùng trong này.

Ông cụ bên cạnh nhà là một người phải lên vị trí Pháp nhiều nhất. Ông quắc thước, chất phác. Ông nói to: “Chính vùng tề chúng tôi còn mong Pháp chóng thua, mong chờ gấp vạn ngoài vùng tự do ấy chứ lại. Chỉ có tiêu diệt vị trí của nó trên kia đi thì chúng tôi mới ăn ra ăn, ngủ ra ngủ được. Chẳng nhẽ đùn cho thanh niên. Cứ vài ngày, tôi lại phải khăn áo lên bốt nó làm lập-bô”. Ông cụ kể nỗi khổ nhục của người tuổi tác đất tề và lúc thuật lại câu chuyện khủng bố làng dưới, cụ nhắm mắt lại: “… con gái nó hiếp chết, bấy giờ nó mới đi sục phụ lão. Để đánh trâu bò về bốt nó. Đã thấm thía chưa, các anh! Yếu rên, không đưa trâu đi được thì đòm một phát”. Cụ thuật lại cái buổi sớm ấy nó vít làng, nút các ngõ, đốt xóm như thế nào. Tôi liên tưởng đến những vụ “tổng lùng” ở trong Bình Trị Thiên.

*

Đình làng đông đủ thanh niên và người đứng tuổi. Tôi kể chuyện vùng tự do cho anh em nghe. Họ vui thích, chăm chú. Vào tề, càng thấy rõ cái tha thiết đối với giải phóng. “Chúng tôi còn tiếp tục đi thăm những làng khác”. “Các anh về thăm luôn nhé!”.

Anh dẫn đường lội đồng sâu tài như người bắn vịt trời. Bùn ngập đầu gối mà bước rất đều, rút bàn chân lên không một tiếng ọc nước của hơi lỗ bùn.

Cái chùa vắng V.T. rợn rợn như chùa trong truyện quái hiệp. Boong! Boong! Boong! Tiếng chuông tục lụy của chiều tề.

Dưới nhà tổ, đĩa dầu chập chờn. Có ba bóng đàn bà đang xõa tóc và đưa độn tóc cho ba bóng đen khác. Đây là một cuộc xét giấy. Dân quân và tự vệ làng nghi ba người đi đêm này và giữ lại. Đêm này đất tề có việc: phá tề trừ gian.

*

Sân đình lách cách những tiếng nòng súng, lưỡi lê, đại đao va chạm. Từng tiểu đội dân quân du kích, tự vệ, biệt động đội, cả nữ du kích xã, nhận thêm lựu đạn, nhận ám hiệu, tín hiệu và khẩu hiệu. Xong rồi, đều xuất phát đi quét tề. Một người nói nhỏ: “Chuyến này tôi xin áp giải Hội Tề về hậu phương, nhân tiện sẽ ra chơi chợ cũng thích, chỉ phải cái khổ nhất là đoạn đường về. Ngại lắm. Mình quyến luyến với hậu phương, lúc bứt ra về, rồi nhớ lắm. Chuyến trước cũng ra ngoài ấy tôi định không quay lại đây, định liều cho nó đốt nhà đấy”.

*

Đêm ấy, không tối trời lắm. Tôi ngồi ở bờ đường nhựa chờ nghe những hồi moóc-chê của đồn Pháp câu ra, sau những luồng đạn quấy rối của bộ đội đã bố trí sẵn để yểm hộ cho đêm tổng phá ngụy quyền…

Gần sáng, sáu bảy chục Hội Tề đã tập trung ở gần một cái am vắng. Họ sặc mùi rượu, nối đuôi hàng một, qua cầu tre, bước cao thấp. Họ được đưa về hậu phương ít ngày. Có người trùm chăn, có người khoác chiếu. Họ thì thào: “… Chính quyền âm dương!!”. Họ suýt soa: “Bữa nọ, con lão Hàn lại kiếm được một mẻ to. Bị chính phủ ta bao vây kinh tế, hắn liền đút tiền cho Tây đồn giả vờ đi càn quét mấy làng giáp giới vùng tự do. Đồn cảnh giới phải lưu vong. Thế là hắn theo đuôi đám càn quét ấy mà đưa hàng ra lọt”. Họ thở dài, vừa đi vừa ngủ. Nhìn cái sao mai đang lên phía đông, có người kêu là pháo hiệu của đồn Pháp. Trông dãy tường hoa ngôi đình trắng lốp bên sông lạnh, có người lại cho là Tây chiếu đèn pha.


Tháng chạp 48