“Khen cho cái tai tinh thơ” của cụ đồ nho Quảng Bình! Cả hai nghĩa của bút danh Tố Hữu đều “Hay lắm!” (TT)



Tố Hữu, “Khí phách và trong trắng”




Ở Huế năm 1929 đã lác đác có truyền đơn (…)

Năm 1930, phong trào cộng sản rộ lên khắp nơi, rung động cả thành phố Huế. Một hôm, trong lớp tôi, thầy giáo Ước người Nghệ đang đứng trên bục giảng bài thì lính mật thám ập vào. Chúng xích tay thầy, lôi xềnh xệch ra ngoài và ra lệnh đóng cửa trường lại (…) Bọn tôi bị nhốt đến chiều tối mới được thả (…) Tôi kể lại chuyện cho mẹ nghe. Bà sợ lắm. Đêm ấy (…) ngoài đường vọng vào tiếng giày đinh của từng đám lính khố xanh đi tuần. Sau này, vào một đêm đầu xuân năm 1955, khi những hiểm nguy thời hoạt động bí mật, những gian truân của cuộc kháng chiến chống Pháp đã lùi lại phía sau, được thả bộ trên bờ Hồ Gươm rực rỡ ánh đèn, tôi bỗng thấy nhớ quê hương da diết, nhớ mẹ, nhớ cả cái đêm nặng nề đã in dấu ấn vào tuổi thơ. Tôi viết bài “Quê mẹ”:

Ôi những đêm xưa tối mịt mùng
Con nằm bên mẹ, ấm tròn lưng
Ngoài hiên nghe tiếng giày đi rỏn
Mẹ bấm con im: chúng nó lùng…
(…)

Năm 1935 (…) phong trào Mặt trận Bình dân Pháp lên cao, lập được chính phủ mới (…) Ở nước ta, Mặt trận Dân chủ do Đảng ta khởi xướng, hoạt động ngày càng sôi nổi. Thành phố Huế cũng bừng lên không khí rất rầm rộ. Cùng nhiều đồng chí ở các nhà tù được trả lại tự do, các đồng chí Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu ở Côn Đảo về lãnh đạo phong trào (…) Tôi được cán bộ của Đảng tiếp xúc tuyên truyền. Mười lăm tuổi được kết nạp vào Đoàn thanh niên Cộng sản (…) Tháng 3-1937 (…) tôi là bí thư Đoàn thanh niên Dân chủ thành phố Huế, là một trong những người lãnh đạo phong trào học sinh ở trường Quốc học. Vì vậy, tôi bị đuổi ra khỏi nội trú, bị cắt học bổng, phải tự kiếm sống mà học. Thế là tôi bắt đầu đi làm gia sư ở một xóm gần Đập Đá (…) Anh Phan Đăng Lưu lúc đó là Ủy viên Trung ương Đảng được phân công hoạt động công khai, làm chủ bút tờ báo Dân của Đảng (…) Anh là người (…) hướng tôi vào dòng thơ cách mạng (…) Bài thơ đầu tiên tôi viết cho báo là bài “Mồ côi”, vì đó là thân phận của tôi. Cha đi xa chẳng tin tức gì, mẹ mất khi tôi còn nhỏ (…) Rồi sau đó là những bài thơ về những cuộc đời khổ cực, chịu đựng bất công quanh tôi. Chẳng đâu xa, mà ngay trong cái xóm Chợ Cống bé nhỏ nơi tôi sống. Mọi cảnh đều thực, sẵn có sự đồng cảm của tôi, chỉ cần thêm vần điệu là thành thơ (…) Trong nhà tôi làm gia sư có một chú bé tên là Quýt, làm đứa ở, kém tôi dăm bảy tuổi. Hôm chú đến, gầy gò, xác xơ. Cùng cảnh mồ côi, chúng tôi rất dễ thân nhau. Tôi viết bài “Tương tri”:

Anh đã biết rằng em
Sống rày đây mai đó
Trong bụi đường sương gió
Bên xó chợ chân thềm
Chiều hôm nay gió lạnh
Đẩy em tới buồng anh
Em ơi nghèo không bánh
Anh chỉ có chút tình…


Nhưng chỉ mấy tháng sau, Quýt bị đuổi. Trong nỗi bất bình với nhà chủ và niềm thương cảm Quýt, tôi viết “Đi đi em” (…) Sau này, khi tôi bị giam ở nhà lao Thừa Phủ, Quýt đi bán lạc rang, dành dụm mua được một chiếc quần đùi, em mang vào nhà lao cho tôi. Hai anh em đứng hai bên song sắt nhìn nhau mà rơi nước mắt (…) Do tinh thần hăng hái hoạt động tuyên truyền trong thanh niên, và có thể do những bài thơ được đăng trên báo Dân, báo Thế giới (ở Hà Nội), tôi được kết nạp vào Đảng tháng 4 năm 1937 (…)

Trong phong trào chính trị, trước mắt tôi nổi lên những tấm gương sáng như Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu (…) Cuối năm 1938 anh Nguyễn Chí Diểu qua đời. Đám tang anh trở thành một cuộc biểu tình hàng vạn người lặng lẽ đi qua các đường phố lớn với những băng mang các dòng chữ “Vô cùng thương tiếc anh Nguyễn Chí Diểu, chiến sĩ cách mạng vì nước, vì dân”. Bọn cảnh sát đành đứng xem, không dám đàn áp. Anh Lê Duẩn thì không xuất hiện công khai, bề ngoài là một chủ hiệu sách bình thường, song chúng tôi đều hiểu anh là người lãnh đạo cao nhất của Xứ ủy. Hồi đó chúng tôi chưa biết rõ về các anh nhưng điều chắc chắn các anh là những mẫu mực về phẩm chất, đạo đức cách mạng, tiêu biểu cho lý tưởng cộng sản (…)

Cũng thời kỳ này có một danh nhân yêu nước mà cuộc đời hoạt động và những bài văn thơ cổ động sôi nổi của ông được mọi người hết sức tôn kính. Đó là cụ Phan Bội Châu. Cụ bị thực dân Pháp giam lỏng ở Huế. Trong ngôi nhà tranh vách đất của cụ, trên tường có treo ba tấm ảnh: Tôn Văn, Găng-đi và Lê-nin, ba nhân vật lịch sử mà cụ kính trọng. Cụ thường xuống ở trong một chiếc thuyền con ở Bến Ngự, nên người ta gọi một cách trìu mến cụ là “Ông già Bến Ngự”. Cụ tiếp mọi người đến thăm nhà và lúc nào cũng ra tận ngõ để đón và tiễn, kể cả những thanh niên mà cụ rất yêu quý, xem họ là tương lai của dân tộc (…)

Giữa năm 1938, sau khi đỗ thành chung, tôi sang Lào thăm anh tôi. Trong dịp này tôi viết bài “Lao Bảo”. Sang Lào, tôi gặp một cụ đồ nho người Quảng Bình (…) Nghe thơ tôi, cụ hỏi: “Cậu có bút danh chưa?”. “Dạ, cháu đã là gì đâu mà có bút danh”, tôi lễ phép đáp. Ông già cười: “Không, cậu là nhà thơ đấy, có khí phách rồi! Tôi đặt cho cậu một bút danh nhé!”. Rồi nghĩ hồi lâu, cụ nói: “Tôi cho cậu hai chữ “Tố Hữu””. Tôi dè dặt: “Thưa cụ, cháu không hiểu biết về chữ nho. Xin cụ cắt nghĩa cho hai chữ ấy”. Cụ giải thích: “(Dẫn điển tích về Khổng Tử và Hạng Thác) Tố Hữu là sẵn có. (Tôi chọn) để chỉ cái khí phách tiềm ẩn trong người cậu”. Tôi nói: “Cám ơn cụ. Cháu không dám nhận hai chữ ấy”. Tuy nhiên nghĩ một lát, tôi lại nói: “Thưa cụ, cháu không biết chữ Hán, nhưng hai chữ cụ cho cháu xin được hiểu với nghĩa khác: Tố là trong trắng, Hữu là bạn. Tố Hữu nghĩa là người bạn trong trắng, có được không ạ?”. Cụ vỗ đùi, vui vẻ: “Hay lắm! Nghĩa này khiêm nhường hơn”. Từ đó tôi cắt nghĩa bút danh của mình như vậy và tôi cố gắng sống như vậy.


(Tố Hữu,
Nhớ lại một thời, nxb. Hội Nhà Văn, 2000. Nhan đề phần trích tạm đặt.)