Tại Cốc Xá, binh đoàn Lơ-pa-giơ chỉ còn hai tiểu đoàn thêm một số tàn binh từ Khau Luông. Bên ta cũng chỉ có ba tiểu đoàn, vì phần lớn lực lượng phải tập trung quanh 477. Quân số chênh lệch không đáng kể, tại sao ta thắng? Nếu địch cố thủ trong các hang đá, giữa “khu phòng thủ với hỏa lực nhiều tầng”, thì khó đánh lắm. Nhưng địch không thể chọn cố thủ, vì đạn dược lương thực chắn chắn sắp hết rồi mà máy bay tiếp tế thì không dễ dàng chút nào. Lơ-pa-giơ chỉ có cách làm nhiệm vụ được giao là qua 477 đón Sác-tông. Ở lại hang, chết chậm nhưng chết chắc và chết hết. Xông ra, chết ngay gần hết, số còn lại mang thân tàn tới 477 để làm quân Sác-tông mất tinh thần!

Tại 477, “Sau bốn ngày hành quân, Sác-tông mới tới điểm hẹn, dù sao với binh lực hầu như nguyên vẹn”. Thiết tưởng chỉ “binh” còn nguyên vẹn, chứ “lực” thì giảm nhiều. Vì “Sác-tông buộc phải bỏ lại pháo, đạn đại bác, và toàn bộ xe cộ trên đường số 4”. Và vì sau đó, “Sác-tông phải bỏ đường mòn, đi vòng trên những đỉnh núi”: đi thế thì người cần nhẹ lắm, lại phải bỏ nữa! Xuất phát trang bị nặng, tới điểm hẹn là khinh binh! Địch bây giờ: hỏa lực yếu hẳn, di chuyển vất vả làm kiệt sức, lại thêm tinh thần thấp vì đang bỏ chạy và sẽ thấp hơn nữa khi biết viện binh đã bị tiêu diệt! Trong khi đó, bộ đội ta tuy cũng thiếu ngủ, rất mệt, nhưng chịu đựng đã quen (đến gạo ăn còn phải chạy đi lấy!), tinh thần thì “phấn chấn vì đang ở thế thắng (…) khao khát lập công”. Kết quả: 6 giờ sáng ta tiến công 477, tuy có máy bay yểm trợ chỉ đến 4 giờ chiều binh đoàn Sạc-tông đã nối gót binh đoàn Lơ-pa-giơ đi vào hư vô.

Về chiến lợi phẩm, ngoài những thứ thu trên đường đi của giặc và tại chiến trường, ta còn cả một kho tàng ở thị xã Cao Bằng. Bởi Các-păng-chi-ê đã ra lệnh cho Sác-tông “không được mang theo đồ lề cồng kềnh, phải đi thật nhanh”! Không mang theo và cũng không dám phá hủy vì sợ quân ta biết sắp rút, địch đành để lại cho ta bồi dưỡng!

Xóa sổ hai binh đoàn, thu vô số chiến lợi phẩm. Sướng quá!!!

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Chiến dịch Biên Giới” (5)



Binh đoàn Sác-tông rời thị xã Cao Bằng vào lúc 5 giờ 30 sáng ngày 3 tháng 10 năm 1950.

(…) Theo kế hoạch (của Các-păng-chi-ê), chỉ sau một đêm hành quân, Sác-tông sẽ gặp Lơ-pa-giơ cách Cao Bằng 35km, rồi cùng kéo về Thất Khê. Nhưng Sác-tông đã thực hiện cuộc rút quân theo ý của mình.

Sác-tông rất lo những trận phục kích dọc đường số 4 hiểm trở, từ lâu những đoàn quân xa Pháp không dám đi lại. Để phòng ngừa mọi bất trắc, Sác-tông đưa một tiểu đoàn đi trước chiếm những mỏm núi cao, sục sạo hai bên ven đường tạo một hành lang an toàn cho cả binh đoàn vượt qua từng chặng theo kiểu sâu đo. Với kiểu hành quân này, cả ngày đầu đoàn quân chỉ đi được 17 ki-lô-mét.

Sáng ngày 4 tháng 10, Sác-tông nhận được điện của Công-x-tăng ra lệnh bỏ ngay đường số 4, chuyển sang đường mòn Quang Liệt ở phía tây, và chiều ngày 4, phải có mặt ở Lũng Phầy (…) Sác-tông buộc phải bỏ lại pháo, đạn đại bác, và toàn bộ xe cộ trên đường số 4. Con đường mòn rõ nét trên bản đồ nhưng từ lâu không có người qua lại, nhiều quãng đã bị cây cối phủ kín. Binh lính phải phát cây mở đường, nên binh đoàn tiến rất chậm. Công-x-tăng liên tục thúc giục, nhưng ngày hôm đó đoàn quân chỉ đi được thêm 7 ki-lô-mét.

Ngày 5 tháng 10, Sác-tông tìm mãi trên bản đồ không ra cái đèo dẫn tới thung lũng Quang Liệt. Đội hình đã kéo rất dài. Vừa tới Khâu Né, phía tây Đông Khê, thì chạm bộ đội ta. Một bộ phận của trung đoàn 209 đã kịp có mặt để làm chậm bước tiến của địch, lập tức nổ súng. Sác-tông phải bỏ đường mòn, đi vòng trên những đỉnh núi tới Tân Bể. Ở đây quân địch lại vấp phải trận địa của đại đội Tô Văn, trung đoàn 88. Một lần nữa, Sác-tông phải tìm đường vòng đi tiếp. Buổi chiều, tiểu đoàn 3 Ta-bo đi đầu, tới Nà Lạn. Binh đoàn chỉ đi thêm được 6 ki-lô-mét, với cái đuôi còn ở mãi Pò La.

Ngày 6 tháng 10, tiểu đoàn 3 Ta-bo bắt đầu đặt chân lên dãy núi 477, địa điểm hội quân (…)

Sau bốn ngày hành quân, Sác-tông mới tới điểm hẹn, dù sao với binh lực hầu như nguyên vẹn. Nhưng Lơ-pa-giơ đâu? Sao y không có mặt ở đây đón mình? Sác-tông không biết cách đó hai ngày, ngay khi tới Cốc Xá, Lơ-pa-giơ đã ra lệnh cho tiểu đoàn 1 dù tới chiếm 477, nhưng tiểu đoàn này không thể vượt qua một bộ phận của tiểu đoàn 18 chặn đường chúng bằng trung liên và lựu đạn, buộc phải quay lại Cốc Xá. Và cũng đã hai ngày nay, binh đoàn Lơ-pa-giơ bị bao vây chặt tại dãy núi đá vôi này. Năm giờ chiều ngày 6 tháng 10, lần đầu Sác-tông bắt được liên lạc vô tuyến điện với Lơ-pa-giơ, người sẽ chỉ huy chung hai binh đoàn khi đã hội quân. Sác-tông tưởng mình sắp thoát nạn. Nhưng người đang bị nguy khốn lúc này lại chính là Lơ-pa-giơ! Lơ-pa-giơ nói với Sác-tông: “Hãy chờ tôi ở 477 và 533!”.

Chúng ta nhận định: Lực lượng địch tuy còn đông nhưng tinh thần rất sa sút (…) Bộ đội ta tuy đã vận động đánh địch liên tục sáu ngày đêm, cũng thiếu ngủ, rất mệt mỏi, nhưng tinh thần phấn chấn vì đang ở thế thắng, nhiều đơn vị, chiến sĩ còn chưa có cơ hội gặp địch, khao khát lập công. Thời tiết đang chuyển xấu, mưa và sương mù nhiều hạn chế hoạt động không quân địch, có lợi cho ta (…)

Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định chuyển phần lớn lực lượng sang bao vây địch ở 477, để lại một bộ phận ở Cốc Xá làm nhiệm vụ nhanh chóng kết liễu số phận của binh đoàn Lơ-pa-giơ (đã bị tổn thất nặng ở Khâu Luông) (…)

Bác viết một lá thư ngắn gửi bộ đội: “Hiện nay tình hình rất có lợi cho ta. Vậy các chiến sĩ phải quyết tâm tiêu diệt địch cho kỳ hết để giành lấy toàn thắng” (…)

Cốc Xá cách tây nam Đông Khê 6 ki-lô-mét, là một khu vực địa hình rất hiểm trở, có thung lũng, lòng chảo với núi đá vôi dốc đứng bao quanh. Hai tiểu đoàn của Lơ-pa-giơ cùng bộ phận tàn binh từ Khâu Luông lấy một số hang làm nơi trú ẩn, và lợi dụng những hẻm núi, mỏm đá bố trí một khu phòng thủ với hỏa lực nhiều tầng. Từ dãy núi đá vôi đi xuống thung lũng Cốc Xá chỉ có một con đường duy nhất nằm giữa hẻm núi giống như hình lưỡi kiếm. Đầu con đường là điểm cao 765. Ngày 3 tháng 10, Lơ-pa-giơ đã dừng chân ở đây, nhưng khi tiếp tục di chuyển không biết tại sao y không để lại một lực lượng giữ điểm cao này. Một bộ phận của 308 đã nhanh chóng chiếm 765 bít kín con đường chạy xuống thung lũng.

Những đơn vị của 308 và trung đoàn 209 đã từ đường số 4 đổ về Cốc Xá. Với tinh thần sớm có mặt ở trận địa, nhiều chiến sĩ cứ nhắm hướng máy bay địch đang thả dù tiếp tế rồi phát bụi, chặt cây mở đường mà đi. Các trung đoàn trưởng thấy đơn vị nào, chiến sĩ nào tới là xếp vào đội hình chiến đấu ngay. Ba cánh quân đã nhanh chóng hình thành siết chặt vòng vây chung quanh Cốc Xá.

Sau khi phần lớn lực lượng chuyển sang vùng điểm cao 477, ở Cốc Xá chỉ còn lại ba tiểu đoàn do trung đoàn trưởng Hồng Sơn chỉ huy.

Hồng Sơn quyết định dùng tiểu đoàn 11 tiến công chính diện cắt đứt con đường độc đạo dẫn sang 477, tiểu đoàn 154 của 209 đánh xuống từ hướng bắc. Riêng tiểu đoàn 89 của 36, do tiểu đoàn trưởng Sơn Mã chỉ huy, sẽ cho một đại đội leo qua những đỉnh núi đánh từ trên xuống vào đúng khu trung tâm của địch. Tối ngày 5 các tiểu đoàn chiếm lĩnh trận địa, và sẽ nổ súng lúc 5 giờ sáng ngày hôm sau.

Chính đêm đó, Lơ-pa-giơ quyết định bỏ tất cả thương binh lại Cốc Xá với hai bác sĩ, toàn bộ lực lượng mở một con đường máu tiến sang 477.

Suốt đêm ngày 5 tháng 10, tiểu đoàn 1 dù bốn lần mở đường tiến ra đều bị tiểu đoàn 11 ta đánh bật trở lại, thương vong rất nhiều.

Sáng ngày 6, lợi dụng sương mù còn dày đặc, tiểu đoàn dù lại dẫn đầu cả binh đoàn đi trên con đường nhỏ hẹp gồ ghề từ các hang tiến xuống thung lũng. Bất thần phía trước từ trong sương mù, đạn trung liên và lựu đạn trút tung về phía chúng. Cả đoàn quân bị đẩy lui. Tiểu đoàn 11 của ta tiến tới nhưng không thể phát triển nhanh vì đường hẹp và quân địch nấp sau những mỏm đá bắn ra dữ dội.

Phía trong bỗng xuất hiện những chớp lửa rồi những tiếng nổ. Đại đội 395 của tiểu đoàn 89 đã từ trên đỉnh núi liên tiếp lao những trái đạn cối 60 và lựu đạn xuống giữa đội hình tiểu đoàn 1 Ta-bo đang tập trung đông đặc bên dưới. Quân địch trở nên cực kỳ rối loạn. Lính Ma-rốc bỏ hàng ngũ chạy ra nắm dây leo và bám những búi cây bên vách đá phía bắc tụt xuống thung lũng. Tiểu đoàn 154 của ta đang chờ chúng ở đây!

Lơ-pa-giơ ra lệnh cho tất cả chạy về phía trước, trên con đường độc đạo mà tiểu đoàn 11 của ta đang tiến. Hơn mười khẩu trung liên của tiểu đoàn 11 nhả đạn liên hồi. Địch chết và bị thương rất nhiều, nhưng vẫn không ngừng lao ra vì phía trong còn ghê rợn hơn. Lơ-pa-giơ cũng trà trộn trong số quân cùng đường này.

Buổi trưa, những binh lính sống sót của binh đoàn Lơ-pa-giơ lần lượt đến 477 trong tình trạng thê thảm (…)

Cũng từ 6 giờ sáng ngày 6 tháng 10, tất cả các vị trí của Sác-tông tại 477 đều bị tiến công.

477 là một dãy núi đất gồm 5 mỏm nằm cách Cốc Xá 3 ki-lô-mét về phía tây và cách Thất Khê 20 ki-lô-mét về phía tây bắc. Ở đây có con đường đi về Bản Ca xuôi xuống Thất Khê.

Hai đại đội của ta nhanh chóng làm chủ ba mỏm núi, trong đó có điểm cao 500 nằm trên con đường chạy về Thất Khê, hy vọng cuối cùng của cả Sác-tông và Lơ-pa-giơ. Sác-tông đốc thúc binh lính với sự yểm trợ của 6 máy bay khu trục, cố giành lại những điểm cao đã mất, nhưng tới trưa, chỉ chiếm được hai mỏm, riêng điểm cao 500 vẫn nằm trong tay đại đội 261 của tiểu đoàn 18. Sác-tông đang bối rối thì đám tàn quân của Lơ-pa-giơ từ Cốc Xá kéo sang, mang tới cho binh lính ở đây nỗi khiếp đảm. Tiểu đoàn 1 dù lừng danh cùng với cả binh đoàn Lơ-pa-giơ đã coi như bị xóa sổ!

Sác-tông đề nghị Lạng Sơn cho nhảy dù ngay xuống Bản Ca một tiểu đoàn để mở đường về Thất Khê. Nhưng Công-x-tăng chỉ nhắc đi nhắc lại lối thoát duy nhất lúc này là luồn rừng đi về phía tây, rồi lợi dụng đêm tối lao nhanh xuống phía nam, tới cho được Na Cao, nơi Đờ La-bôm (De Labaume) đang chờ. Sáng hôm đó, Công-x-tăng đã vét được 4 đại đội trao cho viên quan tư La-bôm chỉ huy, với mệnh lệnh đi về phía tây Lũng Phầy tới điểm cao 515 và Na Cao bảo vệ sườn cho đoàn quân rút lui. Y biết ném một tiểu đoàn dù xuống Bản Ca lúc này chỉ là nướng quân vô ích!

Bốn giờ chiều, điểm cao 477 bỗng trở nên rối loạn. Binh lính tiểu đoàn 3 Ta-bo tưởng đối phương sắp tiến công, tự động bỏ vị trí chạy về đồi Yên Ngựa, nơi có tiểu đoàn 3 lê-dương.

Sác-tông biết tình hình đã trở nên tuyệt vọng. Bây giờ chỉ nên tự cứu. Y thu thập khoảng vài trăm binh lính lặng lẽ rời 477, đi luồn rừng để tránh những vị trí của ta. Với lực lượng này, y hy vọng khi cần có thể mở một con đường máu chạy về Na Cao. Nhưng khi y quay lại nhìn thì phần lớn binh lính đã bỏ trốn. Sác-tông cùng với những sĩ quan tham mưu và một số binh lính còn lại tiếp tục đi. Nhưng tới đâu y cũng thấy có người, phần lớn là những anh cấp dưỡng, những chị dân công. Một số có mang súng. Một cô dân công chợt nhìn thấy dấu giày. Cô gọi các anh cấp dưỡng và đề nghị giơ cơm nắm lên gọi hàng. Nhưng hai anh cầm súng lao về phía nghi có địch. Một loạt đạn bắn ra. Hai anh cấp dưỡng lùi lại, gọi những người khác tới vừa dàn trận bao vây, vừa chạy đi báo bộ đội.

Nghe tiếng súng nổ, một tiểu đội của đại đội 263, tiểu đoàn 18 của 102 đang phối thuộc với trung đoàn 88 ở Bản Ca vội vã lao tới, đánh thốc vào. Chợt nghe có người nói tiếng Việt lơ lớ: “Đừng bắn nữa! Chúng tôi xin hàng”. Một viên sĩ quan đeo kính trắng nhô ra khỏi gốc cây, giơ cao hai tay trên đầu, nói:

- Trong đó có “Ông Năm”!

- Lơ-pa-giơ phải không?

- Thưa ông, không. Ông Sác-tông.

Khi bộ đội ta chạy lên thì thấy vũ khí, đạn dược đã xếp đống. Sạc-tông đứng giữa những viên sĩ quan, mặt vàng, đôi môi khô trắng. Y nói:

- Chúng tôi không muốn đổ máu vô ích. Tôi bị thương.

Trong số những người bị bắt có cả Hai Thu, viên tỉnh trưởng Cao Bằng.

Từ 13 giờ, Lơ-pa-giơ mất liên lạc vô tuyến điện với Sác-tông. Y tập hợp chỉ huy các tiểu đoàn, tuyên bố chờ khi trời tối, từng người hãy tìm cách chạy về Thất Khê. Lơ-pa-giơ chọn một số tùy tùng cùng đi với mình. Khi trời sáng, Lơ-pa-giơ chọn cách đi trên những đỉnh núi cho dễ thoát thân. Cứ mỗi nửa giờ, y lại liên lạc với Đờ La-bôm. Lơ-pa-giơ đã lọt qua “cái đó” của ta ở Bản Ca. Sáng ngày 8, nhìn trên bản đồ, y chỉ còn cách La-bôm vài ki-lô-mét. Tiếng súng của quân La-bôm rất gần. Nhưng giữa lúc đó thì tên ngụy binh mang điện đài biến mất. Y đoán nó đã nộp mình cho đối phương, và tai họa sắp ập tới. Bỗng chung quanh có tiếng người lao xao. Những tên lính Ta-bo nhớn nhác nhìn nhau. Một viên sĩ quan liên lạc leo lên cây quan sát, rồi hốt hoảng tụt xuống nói: “Bị vây rồi, địch rất đông!”.

Lơ-pa-giơ nói:

- Đánh mở đường sang 515!

Nhưng tất cả sĩ quan và binh lính đi theo y không ai nhúc nhích. Y nghĩ “Thế là hết”.

Đại đội trưởng Trần Đăng Khiêm, chỉ huy đại đội 41 của 36, đang đứng bên một hàng binh Pháp, hướng dẫn cho y gọi các sĩ quan và binh lính Pháp đang lẩn trốn trong khu rừng ấy ra hàng, thì nhìn thấy một viên sĩ quan Pháp nhô ra, khum tay làm loa, nói to:

- Chúng tôi muốn gặp ông chỉ huy!

- Hãy xuống đây. – Đại đội trưởng Khiêm đáp.

Viên sĩ quan đi xuống. Y đeo lon đại úy. Y giơ tay chào, rồi đưa cho anh một quyển sổ:

- Thưa ông, đây là sổ nhân sự của binh đoàn Baya, và đề nghị ông nhận sự đầu hàng của đại tá Lơ-pa-giơ.

Đại đội trưởng Khiêm cùng mấy chiến sĩ theo viên đại úy đi lên rừng. Anh nói với Lơ-pa-giơ:

- Tôi chấp nhận sự đầu hàng của đại tá Lơ-pa-giơ. Tất cả bỏ vũ khí!

Lơ-pa-giơ đưa nộp khẩu súng ngắn và nói:

- Tôi và các người của tôi ở đây, từ giờ dưới quyền chỉ huy của ông. Ông đại úy ạ, tôi tin rằng ông sẽ được thăng chức thiếu tá.(1)

- Ông Sác-tông và cơ quan chỉ huy đã đầu hàng chúng tôi từ chiều hôm qua.

Lơ-pa-giơ quay lại nhìn các sĩ quan Pháp, thở dài rồi nói:

- Sác-tông lại gặp chúng ta ở nơi mà chúng ta không muốn tới!

Sáng ngày 8 tháng 10, cả hai binh đoàn Lơ-pa-giơ và Sác-tông đã hoàn toàn bị xóa sổ.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Đường tới Điện Biên Phủ in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 659-665)







__________
(1) Chắc là viên đại úy Pháp hỏi dò sao đó rồi đoán cấp bậc của đại đội trưởng Khiêm mà báo cáo với Lơ-pa-giơ. (TT)