“Điểu minh giản”

của Vương Duy




Trăng lên chứ có phải thợ săn lên đâu mà chim núi giật mình thế nhỉ? Hay không phải nó giật mình, nó hót rồi lại hót chẳng qua do thích chí? Bao nhiêu thi sĩ thơ trăng, sao chim lại không hót trăng?...

Nguyên văn

Nhân nhàn quế hoa lạc
Dạ tĩnh xuân sơn không
Nguyệt xuất kinh sơn điểu
Thời minh tại giản trung.


Dịch nghĩa

Người nhàn, hoa mộc rụng
Đêm yên tĩnh, non xuân vắng vẻ
Trăng lên làm chim trên núi giật mình
Chốc chốc phát tiếng kêu trong khe núi.

Dịch thơ

Bản 1:

Người thảnh thơi, hoa nhẹ rơi
Ðêm xuân thanh vắng, non phơi mơ màng
Trăng lên chim chóc bàng hoàng
Hót thôi lại hót, rộn ràng dưới khe…


Bản 2:

Đêm thanh cảnh vắng người nhàn
Non xuân lất phất đôi hàng quế hoa
Trở khuya bóng nguyệt vừa nhô
Dưới khe thảng thốt chim lo gọi bầy!


Bản 3:

Đêm xuân núi vắng việc không
Ra sân lững thững xem bông ngắm trời
Đầu non mới nhú nguyệt ngời
Đáy khe chim chóc rụng rời kêu vang!


Bản 4:

Người nhàn hoa mộc rơi
Đêm lặng non xuân vắng
Trăng lên vàng như nắng
Chim hoảng kêu dưới khe.


Bản dịch thơ khác

Người nhàn hoa quế nhẹ rơi
Ðêm xuân lặng ngắt trái đồi vắng tanh
Trăng lên, chim núi giật mình
Tiếng kêu thủng thẳng đưa quanh khe đồi.
(Ngô Tất Tố)



Thu Tứ














____________
Tên bài nghĩa là “Khe núi có chim kêu”.