“Các chiến sĩ rời những dãy lán lợp lá chuối đã khô héo trong rừng sâu, cầm vũ khí nối nhau chạy trên những con đường mòn đổ ra đường số 4…”. Đây chính là “những người yếu mệt” không đi lấy gạo được. Giặc tới làm họ vụt “mạnh khỏe” trở lại! “Pháo binh ta bắn chế áp (…) bắn dồn dập”. Nên nhớ pháo binh ta vẫn chỉ gồm chủ yếu là “sơn pháo, súng cối”.

Nó lên được đỉnh núi cao (tại sao ta không bố trí lực lượng đóng giữ không cho nó lên?) và có máy bay yểm trợ, nhưng cũng chỉ hơn một ngày một đêm là phải rút chạy.

“Sác-tông đã rời thị xã Cao Bằng được 36 giờ! Sau này, hỏi đồng chí cán bộ được trao nhiệm vụ phụ trách tổ điện đài, mới biết ta bị địch đánh lừa! Suốt các đêm 3 và 4, đèn điện ở thị xã vẫn sáng, điện đài của địch tiếp tục hoạt động bình thường”. Ta bố trí quan sát thế nào mà không phát hiện được cả một binh đoàn địch đang đi qua?!

Nó rút êm, nhưng cũng chỉ để chết ồn ào!

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Chiến dịch Biên Giới” (4)







Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh: “Tập trung lực lượng tiêu diệt toàn bộ quân địch tiến lên Đông Khê, trọng điểm tiêu diệt từ Đông Khê tới Keo Ái. Trung đoàn 209 không cho địch chiếm lại Đông Khê. Trung đoàn 88 chặn địch ở Keo Ái không cho chúng rút về. Trung đoàn 36 chiếm dãy điểm cao Khâu Luông khống chế cả khu vực nằm trên đường số 4 ở phía nam Đông Khê. Trung đoàn 102 là lực lượng dự bị chiến dịch”.

Toàn mặt trận không khí trở nên sôi động và hào hùng. Các chiến sĩ rời những dãy lán lợp lá chuối đã khô héo trong rừng sâu, cầm vũ khí nối nhau chạy trên những con đường mòn đổ ra đường số 4 đang bị máy bay địch hốt hoảng nã súng ngăn chặn. Từ những kho, trạm quân lương, bộ đội đi lấy gạo lũ lượt chạy suốt đêm trở về vị trí, vội cầm lấy súng đạn rồi đuổi theo đơn vị đã xuất kích. Có những cán bộ, chiến sĩ bị thương vì máy bay địch, băng bó xong lại cầm súng đi tiếp.

Chiều ngày 1 tháng 10, sau khi tiểu đoàn dù số 1 bị chặn đứng trước Đông Khê, Lơ-pa-giơ đã ra lệnh ngừng tiến công, đưa quân chiếm những điểm cao ở phía nam Đông Khê, nghỉ lại qua đêm đợi trời sáng. Những vị trí đóng quân của địch kéo dài trên 10 ki-lô-mét dọc đường số 4, từ Đông Khê xuôi về phía nam qua Khâu Luông, Nà Pá, Trọc Ngà tới Lũng Phầy.

Sáng ngày 2 tháng 10, Lơ-pa-giơ dùng hai tiểu đoàn tiến công Đông Khê. Một tiểu đoàn Ta-bo chiếm được những mỏm núi phía tây và cứ điểm bảo vệ sân bay Đông Khê, rồi bị 209 chặn lại. Tiểu đoàn dù cũng bị chặn đứng trên dãy núi đá phía nam (…)

14 giờ 30, máy bay truyền xuống cho Lơ-pa-giơ mệnh lệnh của Công-x-tăng: Phải đưa lực lượng về phía Nậm Nàng, bắc Đông Khê 15 ki-lô-mét, để đón binh đoàn Sác-tông, rồi cùng rút về. Khi hai binh đoàn gặp nhau, Lơ-pa-giơ sẽ chỉ huy chung.

Lúc này Lơ-pa-giơ mới biết rõ mục đích chủ yếu của cuộc hành binh Tê-re-dơ (Thérèse) là đón quân bỏ Cao Bằng. Y ra lệnh ngừng tiến công Đông Khê, nhưng bố trí tiểu đoàn dù và tiểu đoàn Ta-bo ở lại duy trì sức ép ở Đông Khê để chia bớt quân ta. Hai tiểu đoàn này đồng thời có nhiệm vụ từ những điểm cao chiếm được dọc đường số 4 chuẩn bị bảo vệ lực lượng sắp rút về. Lơ-pa-giơ sẽ trực tiếp dẫn hai tiểu đoàn vòng sang tây Đông Khê, đi lên phía bắc đón Sác-tông. Theo kế hoạch, cánh quân của Lơ-pa-giơ phải có mặt trước, ở Quang Liệt, đúng trưa ngày 3 tháng 10 năm 1950.

Bộ phận tin kỹ thuật của ta theo dõi sát những cuộc liên lạc của địch qua vô tuyến điện. Trong tình hình gấp gáp, phần lớn những trao đổi của địch đều không dùng mật mã.

Buổi chiều, một trung đội pháo binh được thả dù xuống Nà Pá cho Lơ-pa-giơ. Những chiếc “Hổ Mang Chúa” (King Cobra) cổ dài lồng lộn trút bom xuống con đường đèo đá cạnh Bản Xiển ngăn chặn bộ đội ta tiến ra đường số 4.

Chúng ta đã dự kiến nếu địch dùng viện binh để chiếm lại Đông Khê, ta và địch sẽ phải tranh giành quyền kiểm soát những điểm cao ở phía nam nằm dọc đường số 4, chủ yếu là những núi Khâu Luông và Trọc Ngà. Khâu Luông (có nghĩa là núi lớn) cao nhất khu vực, gồm nhiều mỏm nối tiếp, chạy từ phía đông ra tới đường thì cao lên đột ngột. Địa hình núi rất phức tạp, chỗ cây cối rậm rạp, chỗ cỏ tranh cao lút đầu người. Riêng bốn mỏm cao nhất chụm vào nhau ngay bên đường số 4 khống chế cả một khu vực rộng lớn. Trọc Ngà ở lui về phía nam Khâu Luông, chân núi nhiều cây cối, đỉnh núi rất tròn, trọc lốc, chỉ có bốn cây thông, trông xa như cái đầu hói. Núi này tuy nhỏ hơn nhưng lại án ngữ con đường xuất kích của bộ đội ta tập trung ở phía đông đường số 4. Đầu chiến dịch, một số đơn vị của 308 đã trú quân dưới chân núi Trọc Ngà và bố trí đánh quân dù trên đỉnh Khâu Luông nên đã làm quen với địa hình hai núi này.

16 giờ ngày 2 tháng 10 năm 1950, cuộc tiến công của 308 bắt đầu. Số người đi lấy gạo vẫn chưa về, các tiểu đoàn được tổ chức lại thành những đại đội kiên quyết vượt qua đoạn đường mòn đang bị máy bay địch ngăn chặn để tiến ra đường số 4. Tiểu đoàn trưởng Hùng Sinh trong tay chỉ có một đại đội, quyết định cho các chiến sĩ ngụy trang thật kỹ, bí mật đến sát quân địch ở Trọc Ngà. Quân địch cũng bí mật phòng ngự trên núi. Không gian hoàn toàn im ắng, chỉ nghe tiếng chim kêu. Những loạt lựu đạn, tiểu liên bất thần nổ. Trước sự xuất hiện đột ngột của chiến sĩ ta, quân địch đông gấp đôi hoảng loạn tháo chạy lên đỉnh núi. Bộ đội ta đuổi theo, trong thời gian ngắn một trung đội của 29 đã có mặt trên đỉnh Trọc Ngà. Quân địch bị dồn xuống phía dưới. Vừa lúc đó phía bên kia núi cũng rộ lên tiếng lựu đạn và tiểu liên. Tiểu đoàn 18 đã kịp thời đánh lên phối hợp. Viên quan ba chỉ huy lực lượng địch tử trận, lực lượng địch ở Trọc Ngà bị loại khỏi vòng chiến đấu, một số tên sống sót tháo chạy về Khâu Luông. 17 giờ, trận đánh kết thúc.

18 giờ, trung đoàn 36 bắt đầu tiến công Khâu Luông. Pháo binh ta bắn chế áp quân địch đóng trên hai mỏm núi cao nhất cho bộ đội xung phong. Lực lượng tiến công là hai tiểu đoàn 80 và 84, đã được rút gọn thành hai đại đội. Những đơn vị của 36 từ trung du mới lên, lần đầu chiến đấu ở địa hình rừng núi, 84 đi lạc đường nên chỉ có 80 tiến đánh một trong hai mỏm núi. Tiểu đoàn Ta-bo đóng tại đây lợi dụng thế cao đối phó quyết liệt. Từ chiều tới nửa đêm, 80 tổ chức ba đợt xung phong đều bị quân địch đẩy lui.

Sáng ngày 3 tháng 10, Lơ-pa-giơ ra lệnh cho viên quan tư Đen-crốt chỉ huy những lực lượng ở lại bảo vệ Nà Pá, Khâu Luông và điểm cao 615. Lơ-pa-giơ đi trước với một tiểu đoàn (…) về phía tây đường số 4. Tiểu đoàn Ta-bo đóng ở sân bay Đông Khê dựa vào sự yểm trợ của khu trục rút ra khỏi sân bay đi theo. Chúng lập tức bị 209 truy kích. Sau 10 giờ hành quân, Lơ-pa-giơ chỉ đi được cách Nà Pá 5 ki-lô-mét.

6 giờ sáng ngày 3 tháng 10, tiểu đoàn 80 lại tiếp tục tiến công mỏm núi cao nhất ở Khâu Luông. Pháo ta bắn dồn dập dọn đường cho bộ đội xung phong. Sườn núi dốc ngược, cỏ tranh rất trơn (…) Trận địa sặc sụa mùi bom đạn (…) ngổn ngang xác người (…) Đến trưa, 80 bị tiêu hao và mệt mỏi, được lệnh rút lui. Tiểu đoàn Ta-bo vẫn còn bám lại trên bốn mỏm núi nhưng mất dần sức chiến đấu.

Những cán bộ, chiến sĩ đi lấy gạo đã trở về. Đội hình các đơn vị của 308 lại đầy đủ.

15 giờ, bộ đội ta tiếp tục tiến công Khâu Luông. Sơn pháo, súng cối, các cỡ đạn liên thanh của ta cùng nổ dồn dập. Tiếng kèn xung phong lại nổi lên. Hai tiểu đoàn 11 và 84 đồng thời đánh lên hai mỏm núi. Tiểu đoàn dù của địch đã từ Đông Khê rút về tăng cường cho tiểu đoàn Ta-bo ở Khâu Luông ra sức chống cự. Nhân lúc trời trong, máy bay địch ném bom và bắn phá liên tục, giúp đẩy lùi cuộc tiến công của ta.

17 giờ 30, vừa tắt tiếng máy bay địch, pháo ta lại dồn dập trút lửa xuống tất cả trận địa địch. Trời tối, tiếng kèn xung phong lại nổi lên. Những đợt xung phong hết sức quyết liệt. Chớp lửa đạn rần rật trên các đỉnh núi. Không còn phân biệt được âm thanh các loại đạn. Bọn lính lê-dương la hét bằng đủ thứ tiếng. Lần này, tiểu đoàn 84 chiếm được mỏm núi cao nhất, khống chế được quân địch ở ba mỏm còn lại.

Tiều đoàn dù và tiểu đoàn Ta-bo bị thiệt hại nặng sau một ngày chiến đấu. Khâu Luông đứng trước nguy cơ bị tràn ngập. Đen-crốt đề nghị với Lơ-pa-giơ cho toàn bộ lực lượng rút chạy về Lũng Phầy trước khi quá muộn. Lơ-pa-giơ không dám quyết định, chuyển đề nghị này về Lạng Sơn. Công-x-tăng buộc phải chấp thuận với điều kiện Lơ-pa-giơ vẫn phải hoàn tất nhiệm vụ đón binh đoàn Sác-tông rút về an toàn (!).

Nửa đêm, tiểu đoàn Ta-bo còn khoảng một đại đội, bắt đầu rời Khâu Luông. Tới Trọc Ngà, chúng bị những loạt đạn của các chiến sĩ quân báo ta từ trong rừng bắn ra. Tưởng rơi vào ổ phục kích, những tên lính Ta-bo nổ súng loạn xạ rồi chạy quay lại với tiểu đoàn dù đi phía sau. Viên quan tư chỉ huy tiểu đoàn dù quyết định đưa tất cả, cùng với những cáng thương binh, luồn rừng đi về điểm cao 765, nơi Lơ-pa-giơ đang trú quân. Mỗi giờ chúng chỉ đi được vài trăm mét. Một giờ chiều chúng mới tới điểm cao 765, kiệt sức vì đói, khát và ba ngày chưa được ngủ.

Trước thất bại của các tiểu đoàn dù và Ta-bo trong ngày 3 tháng 10, Lơ-pa-giơ quyết định không đi tiếp lên phía bắc, mà chỉ đưa toàn bộ lực lượng do mình chỉ huy nhích dần về phía Cốc Xá, gần điểm hội quân (mới) là dãy điểm cao 477, nơi có con đường chạy về Thất Khê.

14 giờ, Lơ-pa-giơ ra lệnh hành quân. Đêm 4 tháng 10, binh đoàn đến vùng rừng núi Cốc Xá trong tình trạng rệu rã. Tiểu đoàn dù bị rớt lại, phải hành quân thâu đêm, mãi đến trưa hôm sau mới tới Cốc Xá.

Qua tin tức thu thập được của địch, chúng ta đã biết Sác-tông sẽ rút khỏi thị xã Cao Bằng. Từ đầu chiến dịch, cơ quan tham mưu đã bố trí một tổ điện đài nằm gần thị xã theo dõi mọi động tĩnh của địch. Nhưng vẫn chưa có tin tức từ Cao Bằng. Tôi rất sốt ruột. Trưa ngày 4 tháng 10 năm 1950, bỗng nhận được báo cáo của bộ đội địa phương Cao Bằng qua điện thoại: Sáng ngày 3 tháng 10, Sác-tông đã đưa quân rút về phía nam, đến cây số 21 chúng bỏ đường số 4 đi theo đường rừng! Tính ra Sác-tông đã rời thị xã Cao Bằng được 36 giờ! Sau này, hỏi đồng chí cán bộ được trao nhiệm vụ phụ trách tổ điện đài, mới biết ta bị địch đánh lừa! Suốt các đêm 3 và 4, đèn điện ở thị xã vẫn sáng, điện đài của địch tiếp tục hoạt động bình thường. Bộ đội địa phương trông thấy quân địch rút trên đường số 4, nhưng không có điện đài, phải về trạm bưu điện báo tin nên chậm thời gian.

Bộ chỉ huy lập tức ra lệnh cho trung đoàn 209 cấp tốc hành quân lên Quang Liệt làm chậm bước tiến của cánh quân Sác-tông, và hạ lệnh cho Đại đoàn 308 tranh thủ tiêu diệt cánh quân Lơ-pa-giơ đã dồn cả vào Cốc Xá trước khi cánh quân Sác-tông về tới nơi. Tiêu diệt Lơ-pa-giơ xong, sẽ chuyển sang tiêu diệt Sác-tông.

Cũng lúc này, trinh sát kỹ thuật của Bộ báo cáo tin tức thu được qua vô tuyến điện: Sác-tông và Lơ-pa-giơ hẹn gặp nhau ở “phía tây núi đá vôi” trên điểm cao 477.

Chúng tôi chụm đầu trên bản đồ. “Núi đá vôi” chắc là Cốc Xá rồi! Còn 477? Nó đây rồi! Rất gần Cốc Xá, và đúng là ở phía tây.

Tôi gọi điện cho đồng chí Hồng Sơn, trung đoàn trưởng 36. Trung đoàn này hiện đã có mặt ở Khâu Luông.

- Anh đang ở đâu đấy?

- Thưa anh, tôi đang ở 765, trước Cốc Xá.

- Chỗ anh có nhìn thấy điểm cao 477 không?

- Đứng ở đây có thể nhìn thấy nhiều điểm cao chung quanh. Nhưng báo cáo anh, tôi không đem theo bản đồ.

- Nhìn trong bản đồ thì 477 nằm ở phía tây Cốc Xá, khoảng 3 ki-lô-mét…

- Phía đó có một dãy núi đất, chân núi có đường mòn đi về Thất Khê.

- Như vậy là đúng rồi. Anh quan sát kỹ địa hình rồi báo cáo với tôi ngay.

Lát sau, Hồng Sơn cho biết dãy núi đó trên đỉnh toàn cỏ tranh, nhìn từ xa giống như núi trọc, nhưng ở chân núi có rất nhiều cây to và rậm.

Bộ chỉ huy chỉ thị tiếp cho 308: “Ngăn không cho Lơ-pa-giơ từ Cốc Xá sang 477 để hội quân với Sác-tông”.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Đường tới Điện Biên Phủ in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 654-658)