Từ pông-tông lên hoa




Thú thật, lần đầu nghe nói tới các nhà giàn DK1, chúng tôi cứ tưởng DK là viết tắt của “dầu khí”. Hóa ra, mỗi nhà giàn là một “trạm dịch vụ kinh tế khoa học kỹ thuật”. Gọi vậy thôi, chứ cung cấp những dịch vụ dân sự không phải là lý do đích thực khiến trạm ra đời. Đứng rải rác trên một diện tích khoảng 60.000km2 cách đất liền từ 250 đến 350 hải lý, DK1 cơ bản là một hệ thống cột mốc khẳng định chủ quyền kinh tế của ta trên vùng thềm lục địa phía nam Tổ quốc.

Ta cần phải khẳng định chủ quyền vì năm 1988, sau khi tiến hành xâm lược ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã cho một số tàu tiến sâu vào vùng biển này.

*

Trong số nhà giàn xây sớm, có những cái không tồn tại nổi trong điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt.

“Tháng 12-1990, một cơn bão lớn với gió cấp 12 đã giật sập nhà giàn DK1/3 làm ba chiến sĩ hy sinh. Các nhà giàn DK1/4, DK1/6 cũng bị bão giật sập nhưng may mắn không thiệt hại về người (…) Ngày 12-12-1998, một cơn bão với gió trên cấp 12 quét qua (khiến) nhà giàn Phúc Nguyên 2A (…) sập (…) ba người hy sinh”.(1)

Thế nào là gió cấp 12?

Đó là gió tốc độ từ 118 đến 133 km/giờ, gây sóng có độ cao trung bình 14m. Gió và sóng này có thể đánh đắm những tàu biển có trọng tải lớn.(2)

Tưởng tượng giàn đã bị xô nghiêng hẳn về một bên, tất cả mái và vách và gần hết sàn đã bị giật bay tung, các chiến sĩ mỗi người đang bám vào một cái gì đó lung lay, cùng nhìn xuống… địa ngục đang hối hả dựng lên những con sóng khổng lồ cao năm tầng lầu lừng lững đua nhau chạy tới đập vào cái kiến trúc tả tơi, rệu rạo, trên đó có tí hon mình! Đứng trên “đầu sóng ngọn gió” ban đêm chắc là sợ hơn ban ngày, vì biển đêm màu đen. Tuy trời tối, lại giông tố mù mịt, nhưng chắc cũng vẫn có những nguồn sáng tự nhiên nào đó giúp ta chốc chốc “được” thoáng thấy màn kịch kinh khủng đang diễn!...

Ngày 26 tháng 4 năm 2016, tàu kiểm ngư KN-490 thả neo gần nhà giàn DK1/18 xây trên bãi cạn Phúc Tần không xa nơi nhà giàn DK1/3 đã sập trong cơn bão lớn hơn một phần tư thế kỷ trước.

Lễ tưởng niệm các liệt sĩ được tổ chức trên sân đáp trực thăng của tàu, với hình thức giống hệt như hôm ở gần Đá Cô Lin.(3) Tuy “hung thủ” khác nhau, nhưng các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đều đã hy sinh cho cùng một mục đích là khẳng định chủ quyền quốc gia trên lãnh thổ lãnh hải của Tổ quốc mình.

Trên mặt biển lặng như chưa từng bao giờ sóng gió, bập bềnh một bàn thờ nghi ngút khói, một quốc huy kết bằng hoa và một luồng những đóa hoa mà đoàn công tác từng người đã thả xuống theo…

*

Lễ xong, đoàn đi thăm nhà giàn.

Ca-nô băng băng rẽ sóng, chẳng mấy chốc trông đã rõ cánh sao trên lá quốc kỳ phần phật tít đầu cột cờ dựng trên mái nhà. Tới gần, mới cảm nhận đúng cái chiều cao chắc hơn 20m tính từ mặt biển. Nếu phần chìm cũng chừng ấy thì đây là một kiến trúc cao đến mười mấy tầng lầu!

Ca-nô cập sát chỗ có một cái thang sắt đen sì dựng đứng. Trèo lên mép xuồng, hai tay vừa với bám lấy một thanh ngang của thang, chưa kịp cất chân đặt lên một thanh ngang khác bên dưới, thì sóng đã làm xuồng tụt xuống và rời khỏi thang! Thực ra không tụt và rời bao nhiêu đâu, vì mũi dép rọ vẫn còn chạm mép xuồng, nhưng đủ để cho cảm thấy thân người chợt căng ra như đang đu sào ngang và óc cũng căng vì sợ nếu “tình hình” cứ tiếp tục thì dép sẽ đạp lên… không khí và ngay sau đó thân hình sẽ chuyển động quả lắc mà đập luôn đôi ống chân vào thang! May quá, sóng lại chuyển nâng xuồng lên và đưa sát vào. “Lên ngay, chú ơi!”. Cả tay lẫn chân giờ đã trên thang, trèo. Đầu thang, có hai chiến sĩ đang cúi khom đưa tay cho nắm. Tí ti rắc rối làm thấm thía tại sao mùa biển động không ai dám từ ca-nô trèo lên thang mà phải nhờ người trên giàn thả dây xuống kéo (đang lủng lẳng ở đầu dây mà gió lớn, cũng khiếp!).

Mới lên tới trạm nghỉ thứ nhất thôi, còn mấy chặng nữa nhưng từ đây được bước trên thứ thang độ dốc phải chăng và có tay vịn. Chưa lên tiếp vội, hẵng loanh quanh trên cái diện tích lưới sắt độ mươi mét vuông này mà ngắm nghía chân giàn. Toàn những ống thép rất to, ngay dưới bụng nhà sơn trắng, xuống thấp hơn sơn xanh lá cây. Những chỗ được chọn xây giàn tuy gọi là “bãi cạn” nhưng có thể sâu đến 25 mét, không biết đây thế nào mà tuy nước biển trong veo, chỉ thấy được một chút phần chìm của các ống, rồi thì thăm thẳm xanh. Lởn vởn vài bóng cá... Trở lại chỗ đầu cầu thang, kìa, trên một ống sắt dựng đứng đầu bịt chỉ vừa vặn đặt đôi giày, một chiến sĩ Hải quân đang đứng hiên ngang, hai tay hai lá cờ, cúi nhìn xuống mặt biển dưới xa mà phất phất ra hiệu cho ca-nô, sao giữ thăng bằng được giỏi thế nhỉ, nhỡ gió mạnh một cái!

*

Tiếp tục lên, qua một dạng tầng phụ hình như dùng làm kho, bếp v.v., thì đến tầng chính. Học ở một thành viên đoàn từng trải được đôi thuật ngữ nhà giàn. Cái trạm nghỉ ở đầu thang dựng đứng là “bến xuồng”, còn đây là “tổ chim”, nơi các chiến sĩ làm chỗ tránh nắng mưa. Thăm nhanh, thấy tổ tuy chưa thật tiện nghi hiện đại, nhưng vẫn rất “ấm”.

Trưởng đoàn công tác bắt đầu có đôi lời. Lắng nghe, biết ở một số nơi ta đã xây nhà giàn mới lớn và vững chãi hơn nhiều ngay bên cạnh nhà giàn cũ, với cầu nối hai bên được thiết kế để nếu cũ có sập thì cũng không ảnh hưởng gì đến mới. Khi xảy ra bão lớn, các chiến sĩ ở bên cũ sẽ qua cầu vào tạm trú bên mới cho an toàn. Chợt nhớ có lần thấy trên Mạng cái ảnh là lạ: hai nhà giàn cái lớn mới tinh to gấp đôi cái bé cũ kỹ với ở giữa là một chiếc cầu sơn trắng, thì ra là thế.

*

Trèo hết chặng thang chót, lên đến “nóc tổ”. Bằng phẳng, đường kính chắc khoảng mười mấy mét, chính giữa là một bãi đáp trực thăng. Đây làm chỗ đứng quan sát biển, nơi tập thể dục, hóng mát, ngắm trăng sao, trải chiếu nằm ngủ, đều tuyệt vời. Ban đêm lên, dùng sóng Viettel tỉ tê tâm sự với thương nhớ nghìn trùng, cuộc đời tình cảm lính “cột mốc khơi” cũng đâu đến nỗi nào... Chung quanh bãi đáp thấy đặt nhiều tấm pin mặt trời, có cả cột điện gió nhưng bé tí so với cột trên đảo. Ở rìa mái thấy một số ô gỗ ô nhựa trồng rau xanh. “Không đủ ăn đâu, các anh ơi”. Trông thì biết, chừng ấy diện tích mà “toàn quân” ăn thoải mái thì chẳng mấy bữa sẽ được nhịn thực vật tươi hơi lâu. Lúc nãy có thành viên đề nghị đoàn nhịn ăn rau một ngày để lấy số rau nhịn làm quà thêm cho các chiến sĩ. Về nước ngọt, tình hình trên nhà giàn chắc cũng căng hơn nơi các đảo chìm...

*

Đọc lời kể của một người đi trước rất thạo, mới biết đã có ba thế hệ nhà giàn.

Thế hệ thứ nhất ra đời rất vội vàng như một “giải pháp tình thế”: có nhà cửa gì đâu, chỉ là lều bạt trên những cái pông-tông thả neo xuống đáy bãi cạn.(4) “Thứ nhất cải tiến” thì có khung nhà, với chân được gắn vào “đế” là pông-tông bơm đầy bê-tông cho chìm xuống làm một thứ neo.

Thế hệ thứ hai có bốn chân bằng ống thép đóng xuống nền san hô, một ví dụ là nhà giàn 18 mà đoàn công tác đang viếng.

Thế hệ thứ ba chính là cái mới và lớn hơn trong những cặp đôi nhà giàn vừa được nhắc đến lúc nãy. “Nhìn từ xa (…) như một bông hoa hướng dương vàng rực đội nước vươn lên trời xanh. Càng đến gần, những ô cửa, những lan can, những bậc thang lên xuống v.v. hiện ra (khiến ta có) cảm giác (đang trông thấy) một khách sạn hiện đại lộng lẫy giữa không trung (…) Thế hệ nhà giàn thứ ba có sáu chân cọc, có ba tầng nhà (…) sơn (…) vàng và trắng (làm gam màu chính) tô điểm thêm màu xanh”!(5) Nghe tả, ước được đi thăm một… tòa hướng dương quá! Không biết hiện nay ta đã xây được bao nhiêu cái. Hẳn ưu tiên xây ở những nơi mà nhà giàn cũ bị đánh giá là tương đối kém vững chãi nhất.

Từ pông-tông lên “khách sạn hiện đại” đẹp như hoa là từ “vực” lên “trời”. Nhưng ngay cả ở những nhà giàn thuộc thế hệ thứ hai như DK1/18 đây thì điều kiện vật chất cũng đã cải thiện không biết bao nhiêu so với thời nhà giàn mới khai sinh.

Khắp nơi, đất nước đang được xây dựng lại “đàng hoàng, to đẹp” hẳn lên, lại có kẻ láng giềng hùng hổ đòi vẽ lại ranh giới biển, những cột mốc chủ quyền độc đáo của ta phải “lên đời” thật ấn tượng như thế mới được chứ!



Thu Tứ
Thăm nhà giàn DK1/18 ngày 26-4-2016
Viết tháng 5-2016

















___________
(1) Theo trang
vi.wikipedia.org.
(2) Theo trang
vnbaolut.com.
(3) Xem bài “Đá Cô Lin”.
(4) Pông-tông
(ponton) là một thứ phao làm bằng kim khí, nhiều cái kết lại thì thành cầu phao, dùng trong chiến tranh ở những chỗ không có cầu cố định.
(5) Sương Nguyệt Minh, “Nhà giàn DK1 hiên ngang giữa thềm lục địa”.