Gió Lào làm xác “tôi” khô, “khí người ráo kiệt”, nhưng chẳng mảy may giảm độ ẩm của tâm hồn “tôi”. Bất kể đang “chạy vụt” đi tắm giếng, hay tắm xong chạy về, hay thơ thẩn bên trường Quốc học, nhà ga, hay “đi sâu mãi vào khu phố (đã thành) đống vụn của vữa hồ khô ngào với ngói gạch sắt gỗ”, hay “nằm đờ trên đất”, “thiêm thiếp” trên gối , lúc nào “tôi” cũng vẫn cảm mọi thứ xung quanh cực kỳ tinh tế y như thường. Ờ, mà gió Lào dữ dội thổi khô hết thảy mọi vật ẩm, sao lại còn để cho cái thứ chất lỏng đen sánh kia cứ chảy đều từ ruột bút của một người ra nhỉ? Chắc là muốn được người ấy truyền thần chân dung mình. Trên bức tranh lời vẽ gió, nổi bật lên là những “cánh phượng tuôn chảy (rồi hóa thành) son khô quắt” và nhất là cái “toa xe lửa (...) cá nhà táng” với “đàn bướm trắng (...) ma trơi”. Cảnh thật mà kỳ ảo như trong mơ! (Thu Tứ)



“Gió Lào”

Nguyễn Tuân




Đoàn kịch kháng chiến chúng tôi lưu động biểu diễn qua ít vùng thôn, xã hai tỉnh Thanh, Nghệ - xuất phát rời Vinh giữa hôm duyệt binh hành lễ Lao động Quốc tế - nay lại lộn về Vinh. Lúc đi thành phố nguyên vẹn (…) Nay trở về (…) Chỉ có mở tự điển ra mà tra hai chữ tiêu thổ ta không sao thấy được hình ảnh dữ dội cụ thể. Phải đứng hẳn lên đống vụn của vữa hồ khô ngào với ngói gạch sắt gỗ lim ngổn ngang trên một diện tích mười mấy cây số vuông đây, mới thấu rõ được đến chỗ đáo để của cái danh từ (…)

Đoàn chúng tôi đóng lại gần chùa Diệc nghỉ ít ngày lấy sức để mai mốt đi tiếp lên Nam Đàn, một phần ba đoàn viên nếu không run bắn lên vì sốt rét thì cũng lả ra vì gió Lào. Tháng tư âm lịch, gió Lào đêm ngày nối tiếp kêu gào như động vật bị cắt họng. Có lúc gió rống lên như đàn chó già sủa bóng. Bị lục địa xua rượt từ Trường Sơn thốc ra bể Đông, gió chạy một chiều rất nhanh rất bạo qua một cái tỉnh vắng rộng. Gió cứ một điệu ù ù thổi từ đất ra biển, không một phút nào ngoảnh cổ lại. Cái điều ác hại nhất là gió lại nóng hơn cả nắng lóe, bực bội hơn cả mùa hè. Đất ùn chướng lũy, uất lên với nhiệt độ gió Lào, mất dần từng chút sinh ướt mịn nhuyễn của bản thể, cho đến mực không toát lấy được một giọt mồ hôi. Trên gạch nung, rêu chết dần. Không một chút bịn rịn với hoang tàn nhớn nở mãi lên. Bụi cát không tích tắc nào nghỉ bay. Trưng mắt quanh mình, trời đất quấy tro nóng. Áp lực không khí đè mình xuống, cấu nghẹt cuống hô hấp. Khí trời ong óng, khí người ráo kiệt. Chao ôi còn thứ giống đực giống cái nào dám nghĩ đến nhau lúc gió Lào đang về này! Tiếng thương nhau mà kêu lên bây giờ chỉ là một giọng khản cổ đẩy ra khỏi hầu rất khó mà qua được cổ họng. Thật chỉ là một nỗi khát nước vô cùng tận. Nói thêm về cái buồn rợn của gió đang cấp bức lên đường, đang chui bừa qua những dẫy phố gạch không một cái nào còn cửa mà ngăn mà đóng, một anh bạn diễn viên kể lại rằng thường niên trong vùng Quảng Trị, xưa kia có những người mẹ hễ thấy gió Lào nổi về là ôm chầm lấy con mình mà khóc, khóc như con chết, khóc như gào thi với gió độc. Gió từ nẻo lưng đèo ùa về đưa tiếng khóc đàn bà qua những cồn cát trắng, trắng đến mức ngao ngán, qua những rú truông cằn trên đó còn phất phơ cái ú ớ mê tín ma Hời. Nay ở đây, gió Lào rên ngàn (?) thêm nữa cái đau thương của chiếm đóng quằn quại trong hãm hiếp bắn chém. Ôi gió Lào ơi, tôi muốn đưa cả cho gió những ngày đầy hẹn ước của đời tôi, để gió đừng rên kêu trong một buổi, chỉ một buổi thôi! Tôi quăng hết quần áo, nằm đờ trên đất. Chập chờn, gió Lào thổi cả vào giấc mộng khô ướt đã mấy lần mồ hôi. Tôi chồm đứng dậy, muốn phá trùng vây của lưới lửa. Gió phả cát rang vào khắp da tôi, gió Lào lại ùa thốc cả một khối lửa lên lưng lên mặt và dội vào gáy. Tôi muốn ôm lấy đầu tôi, nhưng lớp tóc dài khô cứng chớm dựng như bàn chải lông thép đặt ngửa. Tôi tìm chỗ trống, tôi chạy đi trốn vào những nơi có nước. Trông cái thành cổ bị phá bóc hết gạch, tường đất đứt như đê sạt, tôi thấy cái hào cạn mà đâm sợ. Lòng hào nẻ ra tựa mặt ruộng cửu hạn. Dưới ba thước ta, còn đào thấy cá rô chết khô. Ý niệm của tôi về thiên đường lúc này là một lỗ giếng đào. Tôi chạy vụt sang cái giếng láng giềng, cả người chỉ còn một mảnh khố vải tắm. Tôi chạy trong phố như là vẫn chạy trên bãi bể ngày xưa. Thông trường Quốc học cũ rền rỉ dưới gió Lào. Tôi múc nhanh gầu nước. Nhưng gầu nào cũng có kiến. Kiến trốn nắng, đào tổ tìm mát trong lòng đất, đã đi nhầm vào dòng mạch nước ngầm và lềnh bềnh ứa trôi ra kẽ hốc giếng đào. Chạy sang cái giếng khác thì nước vàng sặc tanh một mùi gỉ sắt chảy theo mép gầu, nước chát xít một vị nhựa cây. Tôi chạy về nhà, chưa chi mà khố đã ráo, tóc lại bợp như bàn chải. Một vài anh em đang trùm chăn lên cơn cách nhật. Thấy người nằm run dưới lớp chăn đắp, tôi cũng muốn bệnh cũ trong người tái phát lại. Tôi muốn viết một bức thư gửi về Bắc. Cây bút máy mới đi xin mực, ruột ống mực đã ráo cạn. Lòng nhớ cũ muốn vợi rỏ mà cái nước mắt hồi kẽ chốc lát gió Lào đã chùi ráo ngay cho rồi. Một đợt gió vấp qua nhiều hồi tường khểnh sứt so le.

Tầu bay ù ù trên đầu. Trống báo động nhen thêm bầu khí nực. Trống đổ gần quá. Đấy là trống của bóp Công an, bàn giấy đặt ngay trên cái toa xe lửa ngoài kia, ở một đầu toa thõng xuống chiếc trống cái sơn sơn. Thì gió Lào lại cưỡi lên tiếng trống báo động, hấp tấp lên đường. Cây lớn cây nhỏ đổ vẹo về một hướng, tiễn đưa gió Lào, chằn cả ra bể. Cổ thụ lá to lá tròn, hay cây mới lớn lên lá mảnh lá dài cây nào cũng thành ra phong cầm của gió Lào, vi vu một trời dương liễu, reo như giữa cát bờ. Bên trường Quốc học chỉ còn có móng chân tường, hoa phượng đỏ rực những vụ nghỉ hè xưa đang nhỏ nhiều giọt huyết. Cái chói gắt của bầu khí lam trong nỏ làm bật nẩy lên cái tươi gắt của cánh phượng tuôn chảy trong vòng lửa lựu. Lam gắt và hồng rực bổ túc lẫn cho nhau trong chói lòa. Người ta mù quáng vì ánh sáng màu sắc mùa nghiệt đang được âm gió Lào dàn mãi lên và phổ rộng mãi đi. Cánh phượng chưa lìa hẳn cành mẹ mà đã khô rồi. Gió Lào gạt những son khô quắt vào bên lối nhựa, vào góc sân bộn, tiếng ròn tan như một chạp hết năm lùa vỏ hạt dẻ rang. Một đàn hươu trắng xập xòe trên cái tang chói thắm của son phượng (?). Không rõ từ đâu hiện ra cánh bướm do dự trên đầu mình, bay không mỏi và cả đàn lấp lánh bóng loáng giống hệt những mảnh đuy-ra phi cơ. Đàn bướm dò dẫm đặt chân lên lưng gió Lào. Nhưng gió trơn và lấn mạnh quá, đàn bướm trắng liền nhào vào một toa xe lửa chỉ còn vẻn vẹn có khung hoa sắt nằm tênh hênh bên đống đá trước kia thuộc đường thiết lộ. Toa xe giống hệt một cái nhà táng lớn khung nan bằng loại kim chưa phất giấy mã. Không, cái toa hỏng ấy là một con cá nhà táng, ai đã khéo gỡ hết thịt, cả bộ xương còn lại không gẫy lệch một cái nào. Đàn bướm trắng luồn uốn trong bụng cá nhấp nhánh mở khép như ma trơi giữa ban ngày thăm thẳm gió nắng. Hội bướm đã bị gió Lào đốt chết gần hết. Cứ bay như thế mà chết khô dần. Rụng từ giữa trời xuống nền đá củ đậu đường xe lửa. Hình như ai giận dữ gì đem xé ngấu nghiến một tấm thư giấy trắng nào mà ném vứt ra bấy nhiêu mảnh nhỏ vụn rải rác. Cánh bướm bệch nằm thở trên cánh phượng tía nẫu.

Mép những con đường chính bị xẻ sâu xuống thành giao thông hào, trong đó sót lại những đoạn ống gang dẫn nước sặc sụa mùi hóa chất thuốc lọc nước bốc mùi tanh-ki-dốt bệnh viện. Bên những giao thông hào ngẫu nhiên này, nhiều cột bê-tông gẫy gục gập đầu xuống. Bãi rộng ngã ba ngã tư phố, nhiều chỗ mọc ngược lên những tà-vẹt sắt hỏa xa nó là trụ cột của hầm tác chiến nay mai. Cái máy nước vô duyên vòi đã khô gỉ biến thành cái giá gác xe đạp của anh em công binh đang triệt hạ những nhà to gần đây. Chuột rủ nhau từng đôi một bò qua phố, liên lạc bên này phố khểnh với dãy đối diện lồi lõm so le. Nhiều mảnh tường chính diện bơ vơ trên gạch gỗ rời rụng, đã trở nên những hộp thư đáng nhớ đáng yêu. Thư viết bằng than đen, gạch đỏ, phấn trắng. Có nơi ghi: “Nhà này tự ý phá lấy”. Nét chữ đá thảo đã nói được lên cái hãnh diện của người tự tay mình hủy cơ nghiệp mình mà đi ra rất gọn. Cái dòng chữ này riêng tôi còn thấy cảm động hơn nhiều khẩu hiệu địch vận chi chít trên tường lở. Tôi đi sâu mãi vào khu phố. Tỉnh không còn có lấy một cánh cửa sổ gỗ sơn nào cho gió Lào đưa đẩy trên cái hoang dại liên tiếp cho nó đỡ buồn tay. Gió Lào làm cho nhiều bóng râm cây bên đường hóa ra thừa. Mãi đến chiều tối chuông Chùa Diệc thu không vẫn chẳng tắt nổi nắng cháy và gió lửa của một ngày. Cái bể nước hình tròn nhà ga Vinh bằng bê-tông cốt sắt chênh vênh đã lìa rơi cạnh xưởng ga hoàng hôn, trông xa giống hệt một khối thực phẩm đóng hộp.

Gió Lào về chiều, về tối càng thổi thốc lửa lên những ngôi sao đúng hẹn. Tôi thiêm thiếp lấy từng súc vải ka-ki bài trí làm gối kê đầu nặng. Gió Lào cứ thế này mà thổi đều thì đến nghỉ lưu động mất. Mỗi tấm cánh gà vải căng này gặp gió Lào lên một cánh buồm bị dồn ra khơi đây. Đèn lửa nào, âm nhạc nào, tiếng nói vở kịch nào chống lại được với thử thách (…)


Khu IV
Hè năm 1947