Thật, biết không nên làm là dễ hơn không làm. Đọc những “mây trôi mấy chốc”, “tri thùy thị”, “năng kỷ hà?”, “hội công danh (…) cũng là”, ai chẳng tưởng con người ấy “nợ tang bồng” tuy mới trả quấy quá nhưng đã vượt được thế nhân mà coi như xong, tưởng “cái hình hài” ấy đã dứt được mơ ước “áo xiêm” thường tình, thế mà không phải, rút cuộc là không phải...

Giá Cao Bá Quát đừng làm giặc Châu Chấu, cứ thảnh thơi đánh giấc, thức dậy khề khà mấy “chén hoàng hoa”, ngồi nghe gió hiu hiu thổi, rồi làm nhiều nhiều thơ, thì lãi cho cả ông lẫn hậu thế bao nhiêu!

(Thu Tứ)



Cao Bá Quát, “Thanh nhàn là lãi”




“Xử thế nhược đại mộng,
Hồ vi lao kỳ sinh”.

Kiếp phù sinh vinh nhục, nhục vinh,
Liếc mắt đám mây trôi mấy chốc.

Con tạo vật bắt đeo râu tóc,
Nợ tang bồng phải trả mới là trai.
Mảnh áo xiêm buộc lấy cái hình hài,
Ngoài nghìn dặm chửa chồn chân ngựa ký.

Hiền ngu thiên tải tri thùy thị,
Phú quý bách niên năng kỷ hà?

Hội công danh lớn nhỏ cũng là,
Thôi mặn nhạt đã trải qua mùi thế.

Tìm thú cũ hỏi thăm sơn thủy,
Chén hoàng hoa ngồi lắng ngọn thu phong.
Thảnh thơi một giấc bắc song.
văn hóa Việt Nam, văn học Việt Nam, van hoa Viet Nam, van hoc Viet Nam


(
Tuyển tập thơ ca trù, nxb. Văn Học, VN, 1987)





__________________
Chú thích của sách:
(1) “Ðời là giấc mộng lớn, nhọc thân mà làm gì!” (thơ Lý Bạch).
(2) Ngựa hay, ngày đi ngàn dặm.
(3) Nghìn năm biết ai hiền, ai ngu?
Giàu sang trăm năm được mấy nỗi?
(4) Nâng chén rượu cúc, lắng nghe gió thu thổi: ý thơ cổ, muốn bỏ quan về.
(5) Cửa sổ hướng bắc.