Sơ hở: “Ngày 25-9-1950, Bộ chỉ huy chiến dịch (ra lệnh) gấp rút chuẩn bị bộ đội, chuẩn bị chiến trường để khi có điều kiện thì tập trung tiêu diệt Thất Khê (…) Một điều chúng tôi không lường trước là cán bộ, chiến sĩ nhận được lệnh mới hầu như quên nhiệm vụ tiếp tục chờ đánh viện (…) Đại đoàn 308 (…) cho hai phần ba quân số (đi) lấy gạo”.

Kết quả: “Toàn bộ binh đoàn Lơ-pa-giơ (…) luồn rừng êm ả vượt qua trận địa phục kích (bị bỏ trống) của 308!”.

Có điều này lạ, là “Ta (đã) bố trí lực lượng trinh sát chung quanh Thất Khê” và “Đại đoàn 308 (đã) đưa một số cán bộ cấp trưởng đi nghiên cứu chiến trường Thất Khê”, thế mà khi địch rời căn cứ dường như lại không có ai biết! Hay là có người biết, nhưng thiếu phương tiện để cấp báo cho Bộ chỉ huy?

Dù sao, ngạc nhiên lớn nhất được dành cho phía địch:

“Các-păng-chi-ê đã tính toán một cách rất đơn giản (…) chưa hề có một binh đoàn tác chiến nào của quân Pháp bị Việt Minh tiến công. Hai binh đoàn với những tiểu đoàn thiện chiến nhất trong quân đội viễn chinh, được sự yểm trợ của không quân, sẽ khiến cho bộ đội Việt Minh phải lẩn tránh như mọi khi”.

Tổng chỉ huy quân Pháp không ngờ lần này “bộ đội Việt Minh” sẽ không “lẩn tránh như mọi khi” mà sẽ chính diện đối đầu và tiêu diệt không phải chỉ một mà cả “hai binh đoàn với những tiểu đoàn thiện chiến nhất trong quân đội viễn chinh, được sự yểm trợ của không quân”!

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Chiến dịch Biên Giới” (3)







Hai ngày sau khi Đông Khê giải phóng, địch tăng cường bằng đường không lên Cao Bằng một tiểu đoàn lê-dương và ném xuống Thất Khê một tiểu đoàn dù.

Chúng tôi cho rằng vì trận Đông Khê kéo dài, địch biết ta tập trung chủ lực trên chiến trường Đông Bắc, nếu muốn chiếm lại Đông Khê, không thể chỉ sử dụng quân dù như hồi tháng Năm. Ta dự kiến địch sẽ đưa bộ binh từ Thất Khê lên theo đường số 4 và đường Pò Mã – Bố Bạch, phối hợp với quân dù nhảy thẳng xuống Đông Khê và vùng phụ cận. Lực lượng đi theo đường bộ có thể từ hai đến ba tiểu đoàn. Lực lượng dù có thể là một tiểu đoàn.

Các đơn vị tham gia chiến dịch được chia làm hai bộ phận. Bộ phận đánh quân dù gồm hai trung đoàn 174 và 209, ém quân ngay tại Đông Khê. Bộ phận đánh bộ binh địch gồm cả ba trung đoàn 36, 88, 102 của 308 chưa tác chiến, hãy còn đầy sinh lực. Đại đoàn 308 sẽ cơ động trong khu tam giác Lũng Chà – Bình Xiển – Nà Pá, chuẩn bị tiêu diệt địch tại Nà Pá, Lũng Phầy, Khâu Luông.

Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho lực lượng vũ trang địa phương tạm ngưng mọi hoạt động phá đường, phục kích, quấy rối trong khu vực từ Lạng Sơn lên Thất Khê để cho địch lên.

Ta bố trí lực lượng trinh sát chung quanh Thất Khê và Cao Bằng. Bộ phận trinh sát kỹ thuật Ban 2 có nhiệm vụ bám sát các làn sóng vô tuyến điện của địch, kịp thời báo cáo với Bộ chỉ huy mọi dấu hiệu điều động lực lượng.

Những ngày chờ đợi căng thẳng. Một hôm có tin ba tiểu đoàn địch vừa ra khỏi Thất Khê đi về hướng Đông Khê. Tôi điện gấp cho anh Vương Thừa Vũ, Đại đoàn trưởng 308. Anh Vũ lập tức trao nhiệm vụ cho anh Cao Văn Khánh, Đại đoàn phó, đưa ba tiểu đoàn đi đón lõng quân địch. Sau đó mới biết là hoang báo.

Cả tuần rồi, mà chưa thấy địch thực sự điều quân. Hậu cần thông báo nếu thời gian chờ đợi kéo dài, sẽ không đủ gạo và muối cho bộ đội. Anh Trần Minh Tước, Ủy viên Ban Cung cấp chiến dịch nói với Bộ chỉ huy: “Lương thực chưa phải cạn kiệt, đồng bào còn nhiều ngô, nhưng khó huy động vì nằm rải rác mỗi nhà một ít ở những nơi xa, đường rất khó đi”. Một dấu hiệu đáng lo ngại là bộ đội chờ địch nằm lâu trong rừng ẩm thấp, nhiều muỗi vắt, sức khỏe giảm sút, nhiều người yếu mệt (…)

Ngày 25 tháng 9 năm 1950, Bộ chỉ huy chiến dịch ra mệnh lệnh số 5: gấp rút chuẩn bị bộ đội, chuẩn bị chiến trường để khi có điều kiện thì tập trung tiêu diệt Thất Khê. Cùng với mệnh lệnh là quyết định thành lập Mặt trận Thất Khê do anh Vương Thừa Vũ làm Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy, các anh Cao Văn Khánh, Lê Trọng Tấn làm Chỉ huy phó, anh Trần Độ làm Phó chính ủy. Thời gian hoạt động bắt đầu từ ngày 1 tháng 10 năm 1950 (…)

Trung đoàn 174 bắt đầu hành quân xuống phía nam (để đánh lạc hướng quân địch). Cùng lúc, Đại đoàn 308 đưa một số cán bộ cấp trưởng đi nghiên cứu chiến trường Thất Khê, và cho hai phần ba quân số tới Thủy Khẩu lấy gạo chuẩn bị cho nhiệm vụ mới.

Một điều chúng tôi không lường trước là cán bộ, chiến sĩ nhận được lệnh mới hầu như quên nhiệm vụ tiếp tục chờ đánh viện, mà chỉ nghĩ tới việc sắp đánh Thất Khê. Các đơn vị của Đại đoàn 308 chỉ còn lại tại chỗ những người yếu mệt làm nhiệm vụ trông coi vũ khí.

Không ai ngờ toàn bộ binh đoàn Lơ-pa-giơ (Lepage) đang luồn rừng êm ả vượt qua trận địa phục kích của 308!

(…)

Sự kiện mà người Pháp gọi là “thảm họa Cao Bằng” (…) ngày nay (…) đã có điều kiện nhìn rõ (…)

Hội đồng Quốc phòng Pháp đã có quyết định rút khỏi (thị xã) Cao Bằng và Đông Khê trước đó hơn một năm. Nhưng những người chỉ huy quân viễn chinh ở Đông Dương không thi hành, vì thấy không có gì đe dọa (…) Nhưng bắt đầu từ tháng 7 năm 1950, vấn đề này được xem xét lại (…)

Ngày 2 tháng 9 năm 1950, Cao ủy Pi-nhông (Pignon) và Tổng chỉ huy Các-păng-chi-ê dứt khoát thi hành quyết định bỏ Cao Bằng, Đông Khê, và định sẽ bù lại bằng cách chiếm Thái Nguyên.

Ngày 16 tháng 9 năm 1950, Các-păng-chi-ê ra mật lệnh rút (…)

Cũng chính ngày hôm đó bộ đội ta tiến công Đông Khê.

Đại tá Công-x-tăng (Constans), chỉ huy Khu Biên thùy Đông Bắc, yêu cầu lập tức đưa một tiểu đoàn dù tới giải tỏa cho Đông Khê. Người chỉ huy quân dù cho đó là quá nguy hiểm, vì tại Đông Khê chỉ có một khu vực nhảy dù duy nhất đã được sử dụng vào hồi cuối tháng 5 (năm 1950), yếu tố bất ngờ không còn. Tướng Mác-săng (Marchand), quyền chỉ huy Bắc bộ (thay A-lét-xăng-đri về Pháp nghỉ phép) đành cho đưa một tiểu đoàn dù tới Thất Khê

Ngày 18 tháng 9, giữa lúc Tổng chỉ huy Các-păng-chi-ê đang có mặt ở Lạng Sơn thì nhận được tin Đông Khê thất thủ. Các-păng-chi-ê càng quyết tâm thi hành kế hoạch rút (…)

Các-păng-chi-ê (…) chỉ thị (…) Trước khi rút, tăng cường cho thị xã Cao Bằng một tiểu đoàn Ta-bo (Tabor) (…) Công-x-tăng sẽ đưa binh đoàn Lơ-pa-giơ từ Thất Khê lên đón cánh quân của Sác-tông (Charton) từ thị xã Cao Bằng rút về. Cánh quân Cao Bằng không được mang theo đồ lề cồng kềnh, phải đi thật nhanh để gặp cánh quân của Lơ-pa-giơ, tốt nhất là sau chặng hành quân đêm đầu tiên (…)

Sau đó, Các-păng-chi-ê lên ngay thị xã Cao Bằng, cho Sác-tông biết sẽ được tăng cường tiểu đoàn 3 Ta-bo bằng đường không (…) không hề đả động tới kế hoạch rút (…) (Ý Tổng chỉ huy là) việc rút khỏi Cao Bằng chỉ được thông báo cho những người thực hiện vào phút chót (…)

Các-păng-chi-ê đã tính toán một cách rất đơn giản (…) chưa hề có một binh đoàn tác chiến nào của quân Pháp bị Việt Minh tiến công. Hai binh đoàn với những tiểu đoàn thiện chiến nhất trong quân đội viễn chinh, được sự yểm trợ của không quân, sẽ khiến cho bộ đội Việt Minh phải lẩn tránh như mọi khi. “Và nếu ông ta có nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ bí mật cùng yêu cầu bất ngờ và nhanh chóng của cuộc hành binh, thì đó không phải do đã linh cảm khả năng một thảm họa mà chỉ nhằm tránh những thiệt hại không cần thiết”(1) (…)

Binh đoàn của Lơ-pa-giơ (…) gồm 3 tiểu đoàn Bắc Phi tại Lạng Sơn, sau khi tới Thất Khê được bồ sung thêm tiểu đoàn dù đã nhảy xuống đó ngày 20 tháng 9 (…)

Ngày 30 tháng 9, Lơ-pa-giơ được lệnh của Công-x-tăng đưa binh đoàn từ Thất Khê tiến lên Đông Khê (…) 13 giờ, Lơ-pa-giơ cho binh đoàn hành quân (…) với tiểu đoàn dù làm nhiệm vụ mở đường. Địch tiến rất thận trọng (…) đi suốt đêm. Sau 28 giờ (…) vượt được chặng đường 28 ki-lô-mét từ Thất Khê đến Đông Khê. Dọc đường, chúng không gặp chút kháng cự nào vì cả trận địa dài 10 ki-lô-mét của 308 đã bị bỏ trống.

Tối ngày 1 tháng 10, anh Lê Trọng Tấn khẩn cấp báo cáo với Bộ chỉ huy chiến dịch, rất đông quân địch đã xuất hiện trước Đông Khê. Địch gồm lính dù và lính Bắc Phi. Trung đoàn 209 đã nổ súng đánh địch.

Tôi (chỉ thị) “Ngăn địch lại, chờ 308 đến hợp vây để tiêu diệt” (…) Tôi gọi điện thoại ngay cho anh Vương Thừa Vũ: “Đồng chí có biết địch vừa đi qua trận địa của 308 không?”. “Báo cáo anh (…) Bộ tư lệnh đại đoàn xin nhận khuyết điểm”. “Các đồng chí dồn mỗi tiểu đoàn thành một đại đội, chỉ định người chỉ huy, cho anh em tiến về phía Đông Khê đánh địch ngay. Đồng thời cử người chạy đi các nơi gọi cán bộ đi nghiên cứu Thất Khê và bộ đội đi lấy gạo quay về. Có bao nhiêu lực lượng, đánh bấy nhiêu. Không cho địch quay trở lại Thất Khê. Chú ý những điểm cao xung quanh Đông Khê, đặc biệt là Cốc Xá và Khâu Luông. Nếu không vào được Đông Khê, có thể địch sẽ trú quân tại đây. Không được bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt địch!”. “Xin chấp hành mệnh lệnh. Nội nhật ngày mai, đại đoàn sẽ nổ súng”.

Bộ chỉ huy chiến dịch nhận định (…) Việc địch đưa quân lên Đông Khê có thể nhằm mục đích: hoặc muốn giành lại Đông Khê, hoặc lên đón quân từ thị xã Cao Bằng rút về. Dù ý định của địch như thế nào, chúng điều quân lên Đông Khê là hoàn toàn có lợi cho ta. Thời cơ tiêu diệt sinh lực địch đã đến. Ta cần hình thành nhanh chóng thế bao vây để làm cho được công việc này.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Đường tới Điện Biên Phủ in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 648-654)





_________
(1) Yves Gras,
La guerre d’Indochine, 1992.