“Chưa có trận đánh nào được chuẩn bị kỹ lưỡng như lần này”.

Thế mà: “Một bộ phận của trung đoàn 209 hành quân lạc, nên trung đoàn không kịp bố trí trận địa tiến công (…) Từ pháo đài ở đồn to, địch bắn dữ dội vào đội hình tiến công của 174. Tôi bắt đầu lo. Vì hướng đông nam (giao cho 209) chưa hoạt động nên quân địch có thể dồn toàn bộ sức mạnh đối phó với 174. Trận đánh kéo dài giữa ban ngày. Địch có công sự vững chắc và được máy bay yểm hộ. Ta đang lâm vào thế bất lợi”.

Đi lạc không phải là rắc rối duy nhất đã xảy ra. Bộ đội ta còn tỏ ra chưa đủ kinh nghiệm về một số “chiến thuật, kỹ thuật, đặc biệt là về quan hệ hợp đồng chiến đấu giữa các mũi xung kích, giữa bộ binh với pháo binh”.

Tuy vậy, nhờ hết sức nhanh chóng rút kinh nghiệm và nhờ “nhiều gương chiến đấu cực kỳ dũng cảm”, rút cuộc “Trận Đông Khê đã toàn thắng”. Với “thương vong của ta lớn hơn dự kiến” và “(thời gian đánh) kéo dài tới 52 giờ”.

Suốt 52 giờ “dằng dặc” của trận đánh “phải thắng”, “Bác ngồi trên đài quan sát (…) tỏ vẻ xúc động khi có tin vui từ mặt trận báo về. Khi trận đánh gặp trắc trở, Người bình thản để cán bộ chỉ huy giải quyết công việc”. Trước khi đánh, có lời động viên thích hợp. Trong khi đánh, có thái độ thích hợp. Sau một chiến thắng, có lời khen ngợi thích hợp”. Vì thế, “Sự có mặt của Bác là một nhân tố quan trọng cho thành công của chiến dịch”.

(Những phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến dịch Biên Giới, chúng tôi bàn riêng ở chỗ khác.)

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Chiến dịch Biên Giới” (2)







Hai ngày 25 và 26 tháng 8 năm 1950, Đảng ủy Mặt trận triệu tập hội nghị cán bộ từ cấp trung đoàn trở lên (…) Ban chỉ huy Mặt trận Đông Khê được chỉ định gồm các đồng chí: Hoàng Văn Thái, Chỉ huy trưởng, Lê Liêm, Chính ủy, Lê Trọng Tấn, Chỉ huy phó.

Lực lượng đánh Đông Khê gồm hai trung đoàn: 174 và 209.

Nhiệm vụ đánh viện trao cho Đại đoàn 308.

Thời điểm các đơn vị vào vị trí tập kết là ngày 14 tháng 9 năm 1950.

Sau khi trao nhiệm vụ cho các đơn vị, tôi nói thêm:

- Tiêu diệt Thất Khê xong (sau khi đã tiêu diệt Đông Khê), bộ đội nghỉ ngơi, chỉnh đốn từ 10 đến 15 ngày sẽ lên đánh Cao Bằng. Nếu sau khi tiêu diệt Đông Khê, địch bỏ Cao Bằng thì ta tập trung lực lượng tiêu diệt địch rút chạy (…)

*

Ngày 9 tháng 9 năm 1950, Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch triệu tập cán bộ chỉ huy từ trung đoàn trở lên thông qua kế hoạch đánh Đông Khê lần cuối.

Chưa có trận đánh nào được chuẩn bị kỹ lưỡng như lần này (…) Trung đoàn 174 chiến thắng ở Đông Khê lần trước được chọn làm đơn vị chủ công. Phối hợp tác chiến là trung đoàn 209 (…) Ta còn điều thêm những đội súng không giật giỏi của Đại đoàn 308 sang tăng cường cho các mũi xung kích.

Sắp hết giờ làm việc buổi sáng thì được tin Bác đã tới Tả Phày Tử.

Tôi thúc ngựa phóng nhanh trên con đường lầy lội tới nơi Bác đang chờ.

Bác gầy và đen sau một tuần lễ đi đường (…) Tôi mời Bác về sở chỉ huy (…)

Buổi trưa, tôi báo cáo với Bác quyết tâm của Bộ chỉ huy chiến dịch: mở đầu bằng tiêu diệt Đông Khê, tiếp theo là diệt quân viện, đánh Thất Khê, cuối cùng là tập trung lực lượng giải phóng thị xã Cao Bằng (…)

Hội nghị làm việc sang ngày thứ hai. Buổi chiều, không khí sôi nổi hẳn lên khi Bác xuất hiện với chiếc áo bộ đội bạc màu. Sự có mặt hoàn toàn bất ngờ của Bác nói lên tầm quan trọng đặc biệt của chiến dịch.

Bác nói:

- Bộ chỉ huy chiến dịch nói là các chú họp lần cuối cùng để chuẩn bị trận đánh (…) Trong quân sự phải kiên quyết và bạo dạn. Bạo dạn, dũng cảm không phải là liều (…) Thời gian lúc này vô cùng quý báu, cần tranh thủ (…) chuẩn bị chiến đấu cho đầy đủ. Chỉ có chuẩn bị đầy đủ thì mới giành được chiến thắng lớn mà đỡ tổn xương máu chiến sĩ (…)

Đêm hôm đó, hướng phối hợp Tây Bắc bắt đầu nổ súng. Trung đoàn 165 đánh đồn Bắc Hà, Lào Cai (…)

Ngày 13 tháng 9, sở chỉ huy tiền phương của chiến dịch di chuyển về Nà Lạn, cách Đông Khê 10 ki-lô-mét theo đường chim bay (…)

Những ngày đi chiến dịch đem lại cho Bác một niềm vui rất lớn.

Đó là khi trời vừa rạng sáng, Bác đi ngang một bản nhỏ, thấy nhiều cô dân công ngồi dựa lưng vào nhau ngủ trên những thửa ruộng bậc thang. Bác hỏi một cô đang nhóm lửa thổi cơm sáng: “Các cô ngủ cả đêm ngoài trời ư?”. Cô gái đáp: “Nhà dân chật chỉ đủ chỗ chứa lương thực cho khỏi ướt. Chúng cháu ngủ ngoài đồng càng vui!”.

Đó là cảnh hàng vạn đồng bào, đủ các dân tộc, từ những bản làng heo hút trong rừng sâu, trên núi cao, từ vùng địch hậu trung du lên, người nối người với những bó đuốc tạo thành những con rồng lửa trong đêm sương giá, trườn qua những vùng núi đá tai mèo tải đạn, tải gạo cho bộ đội.

Từ những năm (…) đồng bào còn chìm đắm trong kiếp nô lệ, Nguyễn Ái Quốc đã nhìn thấy (…) chân lý: “Có dân là có tất cả” (…)

Sau trận Đông Khê, những ngày chờ địch, Bác nói: “Dân mình ghê thật! (…) Người ta tính sau ba trăm năm bị đô hộ thì một dân tộc sẽ bị đồng hóa. Giao Chỉ bị đô hộ một ngàn năm! (…) Bên trên thay đổi gì thì thay, dưới thôn, làng vẫn thế! Vẫn đền miếu thờ phụng Hai Bà Trưng, Bà Triệu… Lần này sẽ có một trận như Chi Lăng!...”.

Sự có mặt của Bác là một nhân tố quan trọng cho thành công của chiến dịch.

*

Đêm 15 tháng 9 năm 1950, các mũi tiến công của ta bí mật tiếp cận đồn địch (…)

Sáng ngày 16, Bác và tôi dậy sớm đi lên đồi quan sát mới bố trí trên một mỏm núi liền với bản Nà Lạn (…) Từ đây có thể theo dõi tình hình chung của trận đánh qua ống nhòm (…)

Đúng 6 giờ, pháo 75 của ta bắt đầu nổ nhắm vào đồn chính (…)

Giờ đầu, địch chưa kịp phản ứng trước đòn tiến công bất ngờ.

Ban chỉ huy Đông Khê báo cáo về, ở hướng bắc và đông bắc, trung đoàn 174 đã chiếm lĩnh đầu cầu. 9 giờ, 174 chiếm đồi Yên Ngựa. 10 giờ 30, chiếm tiếp Phìa Khóa. Địch chưa phản kích. Nhưng vẫn chưa có báo cáo của trung đoàn 209 ở phía đông nam.

Máy bay địch xuất hiện. Từ đài quan sát nhìn rõ 6 chiếc Hellcat lồng lộn trên bầu trời, nối nhau lao xuống bắn phá. Quân địch trong vị trí đã trấn tĩnh. Từ pháo đài ở đồn to, địch bắn dữ dội vào đội hình tiến công của 174. Tôi bắt đầu lo. Vì hướng đông nam chưa hoạt động nên quân địch có thể dồn toàn bộ sức mạnh đối phó với 174. Trận đánh kéo dài giữa ban ngày. Địch có công sự vững chắc và được máy bay yểm hộ. Ta đang lâm vào thế bất lợi. Tôi đã nhắc anh Thái ra lệnh cho 209 đánh mạnh ở phía đông nam, nhưng hướng này vẫn im ắng.

Buổi trưa, anh Thái báo cáo: Một bộ phận của trung đoàn 209 hành quân lạc, nên trung đoàn không kịp bố trí trận địa tiến công. Đề nghị tạm ngưng trận đánh, chấn chỉnh đội hình ở phía đông nam, chờ khi trời tối, cả hai mũi sẽ cùng phối hợp tiến công giải quyết vị trí địch.

Mặc dù chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng trận đánh ngay từ những giờ đầu đã có sự trục trặc. Tôi chấp nhận đề nghị.

Bác ngồi trên đài quan sát (…) tỏ vẻ xúc động khi có tin vui từ mặt trận báo về. Khi trận đánh gặp trắc trở, Người bình thản để cán bộ chỉ huy giải quyết công việc (…)

Những trận công kiên kéo dài thường gây nhiều thương vong. Không khí sở chỉ huy có chiều căng thẳng. Một cán bộ muốn Bác yên lòng, nói với người đứng bên:

- Tối nay, chỉ cần hai tiếng là giải quyết xong.

Bác quay lại nói nhẹ nhàng:

- Chú đừng chủ quan.

Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt suốt đêm ngày 16. Địch dồn sức đối phó với hướng tây bắc. 4 giờ sáng ngày 17, trung đoàn 174 mới chiếm thêm Cặm Phầy. Ở phía nam, trung đoàn 209 cũng chỉ chiếm được Phủ Thiện, Nhà cũ và Trường học thì vấp phải những hỏa điểm ngầm và hỏa lực súng cối bắn chặn phải dừng lại. Cả hai mũi đều không phát triển được nữa.

Bác nhấn mạnh: “Dù khó khăn thế nào, trận đầu cũng phải thắng”.

Bộ chỉ huy chiến dịch chỉ thị cho ban chỉ huy Đông Khê: “Lệnh cho hai trung đoàn chấn chỉnh lại bộ đội, rút kinh nghiệm để khắc phục những thiếu sót về chiến thuật, kỹ thuật, đặc biệt là về quan hệ hợp đồng chiến đấu giữa các mũi xung kích, giữa bộ binh với pháo binh. Cần dứt điểm trong đêm 17 tháng 9.

Trung đoàn trưởng 174 Đặng Văn Việt đề nghị Bộ cho chuyển hướng đột phá qua phía đông pháo đài, bỏ hướng bắc vì địch tập trung đối phó, và chỉ thị cho 209 đánh một mũi từ phía nam lên, một mũi vào phía sau lưng pháo đài. Đề nghị của đơn vị chủ công được chấp thuận.

8 giờ 30 ngày 17 tháng 9, đồng chí Hoàng Văn Thái ra lệnh tổng công kích. Sau khi pháo binh chế áp các mục tiêu, một mũi tiến công của 174 chiếm đầu cầu phía đông pháo đài, mũi ở phía bắc (phục hồi sau khi đã bỏ?) chiếm Nhà thương, thọc sâu đến lô-cốt số 7 thì bắt liên lạc được với một tiểu đoàn của 209, cùng phối hợp đánh vào sau lưng pháo đài. Bộ binh các hướng phối hợp nhịp nhàng cùng tiến công vào đồn lớn.

Đã xuất hiện nhiều gương chiến đấu cực kỳ dũng cảm (…) La Văn Cầu (…) Trần Cừ (…) Chị Đinh Thị Dậu, dân công hỏa tuyến, dầm mình trong lửa đạn, cõng thương binh từ trận địa về nơi an toàn. Chị đã đưa 7 thương binh ra khỏi đồn địch. Chị Triệu Thị Soi, một cô gái Nùng vốn rất sợ máu, làm nhiệm vụ chuyển đạn ra trận địa pháo, khi trở về đã dùng thắt lưng lụa buộc thương binh nặng trên lưng, vượt những dốc núi đá cheo leo. Máu chiến sĩ ta đổ khiến chị xót xa, quên cả sợ.




4 giờ 30 ngày 18 tháng 9 năm 1950, bộ đội ta đánh vào sở chỉ huy Đông Khê, bắt sống chỉ huy trưởng và các sĩ quan tham mưu. 10 giờ, trận đánh kết thúc.

Trận Đông Khê đã toàn thắng. Địch chết và bị bắt hơn 300 tên. Một số chạy thoát về Thất Khê. Ta thu toàn bộ vũ khí nặng.

Số thương vong của ta lớn hơn dự kiến. Trận đánh phải kéo dài tới 52 giờ.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Đường tới Điện Biên Phủ in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 637-647)