Nếu “anh ta” hoàn cảnh khá giả, thì liệu có “thương yêu chăm sóc bộ đội” thế không nhỉ? Chắc vẫn biếu quà, có khi hơn cả bánh chưng, và vẫn mời “đập cửa”, nhưng không phải với cùng độ nồng nhiệt. Chữ “đồng chí” thốt ra, chắc nghe ngập ngừng. Hễ đằng khá đằng còn khó, là mọi thứ tình đều dễ phai. (TT)



Vũ Lăng, “Tấm bánh chưng đồng chí”




Vượt qua sông Thao, đèn xe hỏng. Bảy giờ ba mươi phút rồi, nếu không chữa được đèn thì hết đi đêm nay. Dắt xe vào thị xã Phú Thọ. Đêm lạnh đói, chưa biết ăn ở đâu (…) Gió từ sông Thao lùa vào trong phố. Phố vắng, mấy hàng cơm phở còn chong đèn (…) Chữa xe đã. Chẳng có hiệu nào có bóng để thay. Dắt xe lên phố trên, gặp một bóng người đi bên hè, mình hỏi thăm. Anh ta niềm nở (…) Trao đổi mấy câu, biết mình chưa cơm nước gì anh ta kêu: “Tám giờ tối rồi, thế thì đói chết! Phố trên này không có hàng cơm đâu, đồng chí phải quay lại phố dưới thôi!”. Mình ngỏ ý chữa xe trước (vì) còn phải đi suốt đêm nay. Anh ta chép miệng: “Đời cán bộ vất vả thật. Tôi biết vì tôi trước cũng đi công tác”. Đi đến một câu chuyện cảm động:

Anh là một viên chức xung phong xin ra khỏi biên chế đi tăng gia để đỡ gánh nặng cho Chính phủ (anh nhắc lại câu “xung phong” rất tự hào). Gia đình anh có hai vợ chồng và sáu đứa con. Từ Hà Giang dắt díu về với một số vốn nhỏ đã dành dụm được, chưa kịp làm ăn gì thì cả gia đình cứ thay phiên nhau ốm. Không hôm nào trong nhà không có ba người đắp chăn rên. Chút vốn cứ vơi dần. May có hai đứa con gái đã lớn cũng chịu khó chợ búa, lần hồi rau cháo cũng được bữa đói bữa no.

Giọng anh cất cao lên: “Bây giờ mới là lúc thử lửa. Cái đói khổ của mình đã thấm vào đâu với bộ đội. Tôi nhất định không ngã lòng. Mấy hôm nay cuốc đất khỏe lắm”. Rồi anh cười khẽ hạ thấp giọng xuống: “Thế mà mấy hôm Tết mình cũng bị dày vò ghê quá. Lũ trẻ nheo nhóc, thạp gạo vét trơ đáy ra rồi. Vợ ốm nằm liệt giường, hai đứa con lớn đêm đêm vẫn phải vượt sông Thao để đi buôn chuối ở Hưng Hóa. Thấy nhà hàng xóm có bánh chưng, mấy đứa trẻ thèm mà không dám nói, nhưng trông mắt chúng nó lấp láy nhìn những tấm lá dong ướt còn dính ít hạt nếp xanh trong vứt ở đầu hè thì biết… Hôm qua tôi gặp thằng bạn thân cũ hóa ra ở gần đây. Cậu này trước kia tôi cũng đã từng giúp đỡ nhiều. Cậu ấy nói chiều nay sang ăn cơm. Tôi nể, vả lại cũng muốn gặp bạn để tâm sự cho khuây khỏa nên nhận lời. Đợi sẩm tối mới dám đi vì mình rách mướp quá. Lâu không gặp cậu ấy, chẳng biết cậu ấy hồi này thế nào nên mình cũng sợ ngượng. Ăn cơm cũng không vui mấy, nghĩ đến vợ con ở nhà. Câu chuyện cũng chiếu lệ, tình bạn cũng đã phai rồi, cậu ấy lại có vợ buôn bán khá giả nữa. Cơm xong cậu ấy ấn vào tay mình cái bánh chưng bảo mang về cho con. Mình đã toan không nhận. Một chiếc bánh chưng! Đời mình đã bao giờ nhận quà Tết như thế đâu! Ngày xưa, ừ ngày xưa, với những thằng bạn nghèo, có bao giờ mình sỗ sàng như thế, mình giúp đỡ một cách kín đáo, chỉ sợ chúng nó tủi. Hôm nay mình cũng thấy tủi thật, nhưng cũng cứ nhận. Mình ấn cái tự ái vào trong lòng, lũ trẻ thấy tấm bánh này chắc thích lắm, có biết đâu đến nỗi buồn của bố… Ra đến đường thì gặp đồng chí đấy! Đồng chí tha lỗi cho nhé, tự dưng lôi câu chuyện buồn của mình ra! Uống có một chén rượu con vào mà ba hoa thế đấy”.

Mình cảm động an ủi anh ta mấy câu. Lời nói của mình nồng nhiệt, không hời hợt.

(…) Gần tới phố trên, anh ta đứng lại, chỉ về phía một mái tranh nhỏ khuất trong đám cây: “Nhà tôi trong kia không rộng lắm, nhưng thêm một người nữa cũng không chật là bao. Nếu đồng chí không chữa được xe, xin mời đến chỗ tôi. Cứ tự nhiên, đập cửa lúc nào cũng được”. Rồi anh ta rút trong túi áo ra tấm bánh chưng: “Đồng chí cầm tạm chiếc bánh này ăn cho đỡ đói. Tối nay ở đây chưa chắc đã có nhà nào dọn hàng. Quay xuống phố dưới thì xa mà lại mệt. Đây là lòng thành của tôi, đồng chí vui lòng nhận cho”.

Mình từ chối mãi mới được. Anh ta ấn chiếc bánh vào túi. Mình nói rõ sự cảm động của mình về cử chỉ của anh ta, cử chỉ của đồng bào thương yêu chăm sóc bộ đội. Anh ta cười bắt tay mình: “Đồng chí hãy còn khách sáo đấy. Thôi đồng chí đi vậy nhé! Nếu cần cứ quay lại, tôi cứ dẹp sẵn một chỗ đấy!”. Mình dắt xe đi, tưởng tượng đến mấy đứa trẻ con anh ta mắt sáng lên khi thấy bố giơ chiếc bánh chưng ra. Cái Tết của chúng nó đấy. Giản dị biết chừng nào, cái Tết của lũ trẻ nhà nghèo! Và những thằng lính chúng mình lại càng thấy rõ nhiệm vụ.


(Nhật ký của Thượng tướng Vũ Lăng, in trong
Thượng tướng Vũ Lăng – Từ một quyết tử quân, nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2005)