Cả một quá trình chuyển biến tâm lý đã kết thúc hết sức tốt đẹp! Khi “tôi” ngỏ ý muốn tòng quân, “tía tôi” có lời “chí tình”: (...) Nghĩa là tía thấy “dốc” cao, sợ con mình trèo tuột. Nhưng “con” “dứt khoát một tiếng với tía, tui nói được là đi được!”. “Tui” bắt đầu trèo, trời ơi, té ra cái dốc nó cao quá xá thiệt: (...) “Tôi” đã lo le tuột dốc, may nhờ gặp cán bộ tiểu đội Ba Lưu hết lòng động viên, luôn làm gương và rồi lại ra ơn cứu mạng, nên “lần lần khá hơn”. Tới cái đêm ấy, khi chứng kiến ân nhân tử trận, thì tôi bay vù một hơi lên tận đỉnh dốc, chiến đấu anh dũng tới nỗi được kết nạp Đảng ngay trong đồn giặc, “giữa tiếng súng và lựu đạn”! Câu chuyện cho thấy trong hoàn cảnh kháng chiến đầy gian khổ, người cán bộ giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Để mong hiệu quả, công tác chính trị không thể làm chỉ bằng lời nói suông, mà phải cả bằng hành động gương mẫu cụ thể. Biết bao nhiêu gương sáng ngời, mới có Đại Thắng Mùa Xuân! (Thu Tứ)



Lê Vĩnh Hòa, “Vượt dốc”




Tiếng kêu hú rượt nhau chạy qua một cách vội vã trên vòm trời đen tối. Ánh lửa màu đỏ sẫm bắt đầu chớp liên tiếp trên mặt đất, soi rõ những thân cau trắng toát mỏng manh đứng sau mí vườn. Rồi bóng tối trở lại và tiếng nổ chát chúa nổi dồn dập. Miểng và đất văng lên bay ào ào. Sau cùng, chỉ còn dội những tiếng lịch bịch muộn màng.

Lá trên cây run nhè nhẹ. Một trái gì rớt tỏm xuống nước như một con cá giựt mình quẫy mạnh. Dưới hàng trâm bầu những mảnh trăng lờ mờ lay động. Đôi ba tiếng càu nhàu. Rồi đêm yên lặng trở lại trong bầu không khí nặc nồng mùi diêm sinh bị đốt cháy.

Nhưng, không phải chỉ có thế. Chinh nghe thoang thoảng đâu đây có mùi hoa cau mới nở. Mùi hương mong manh thoắt đến như một niềm vui không hẹn trước rồi lại thoắt đi ngay. Chinh ngửa mặt hít thêm mấy cái, mỉm cười vu vơ một mình.

Những đêm gần đây, xong phiên gác của mình, tiểu đội phó Chinh thường đi một vòng quanh các chỗ ngủ của anh em rồi về ngồi cạnh mùng mình thức thêm một chút.

Đơn vị đã bắt đầu đi trên những vùng đồng bằng chưa quen thuộc, lạ cảnh, lạ người, lạ cách ngủ, cách ăn. Ở đây, ngày đêm lúc nào cũng có thể bị pháo địch bất chợt câu ngay vào giữa đội hình. Ban đêm có những vầng sáng màu xanh lợt hiện lên ở chân trời, rải đều đặn thành hình vòng cung, đó là những vị trí địch. Súng trong các đồn gọi nhau, trả lời nhau đùng ặc, nghe gần lắm. Phi cơ trinh sát thường xuyên bay ngang bay dọc, lượn vòng, nghiêng cánh dòm ngó. Đêm “Mô-hốc” từng cặp đảo ì ầm rà sát ngọn cây. Pháo sáng lơ lửng bốn phía trời. Ăn cơm từ lúc còn chập choạng. Ngày gần như phải thường trực bên công sự. Công sự đào liên miên, hết tuyến này sang tuyến khác. Tối, treo mùng ngủ rải rác.

Ở đây vắng đồng bào, nhà cửa xiêu đổ, cây vườn vàng úa. Chinh nghĩ tới xã mình. Ngày anh đi, còn yên lắm. Không biết bây giờ bom đạn ra thế nào?

Có ánh lửa bật quẹt. Mùi khói thuốc thơm phảng phất. “Đêm nay Hùng lại không ngủ”. Chinh nghĩ thầm, đẩy khẩu súng vào mùng, khom mình chui theo và nói nhỏ sang mùng bên cạnh:

- Ngủ không được sao, Hùng? Đào công sự mệt lắm hả?

Tiếng trả lời tỉnh táo:

- Không mệt gì lắm. Pháo nó bắn hoài, khó ngủ quá.

- Ngủ không được ngồi dậy nói chuyện chơi một lát đi.

- Anh đổi gác lâu rồi sao cũng chưa ngủ?

Hùng ngồi dậy. Đốm lửa trên đầu điếu thuốc lóe sáng, soi lờ mờ khuôn mặt tròn tròn bầu bĩnh, cặp mắt hơi to và mớ tóc rũ lòa xòa chấm lông mày của cậu tân binh.

Chinh vấn thuốc, trả lời:

- Ngồi lắng nghe động tĩnh thêm một lát, sợ đồng chí mới đổi gác còn lừ nhừ chưa được tỉnh. Nè, Hùng, mấy đêm nay sao cậu ít ngủ quá vậy, nhớ má rồi hả?

Hùng lấy tấm vải đắp trùm lên lưng, miệng ngậm điếu thuốc, trả lời lúng túng:

- Nhớ.

Cậu ta im lặng một lát, kẹp điếu thuốc giữa hai ngón tay suy nghĩ, rồi nói tiếp:

- Nhưng tôi không bỏ đơn vị đâu, anh đừng sợ. Anh Út nè, hồi anh mới xa nhà, anh nhớ dữ không?

Chinh nhìn Hùng qua hai lớp mùng chỉ thấy một mảng đen, hình như Hùng đang cúi đầu.

- Tôi không nghĩ cậu bỏ đơn vị đâu Hùng. Không chừng cậu cũng có nghĩ qua loa tới chuyện đó, nhưng rồi xua nó đi ngay được. Không phải tôi đoán ẩu hoặc nói nịnh cậu đâu. Chẳng qua, “Suy bụng ta, ra bụng người”, hồi mới tới đơn vị, tôi không bằng một góc của cậu bây giờ, thế mà vẫn đeo theo được và lần hồi tiến lên. Hoàn cảnh của gia đình tôi có lẽ cũng giống như của Hùng. Tôi lớn lên ở vùng giải phóng sâu, lớn lên chưa hề thấy mặt thằng Mỹ, thằng địa chủ ác ôn, thằng tề, thằng ngụy nào hết. Lâu lâu mới bị máy bay tới bỏ bom một lần. Suốt năm làm ăn khỏe ru. Bởi vậy mà so với trang bạn đồng tuổi, tôi đi tòng quân sau chót hết…

Hùng quay đầu nhìn sang mùng Chinh, ngơ ngác, không hiểu vì sao đang nói Chinh bỗng nín lặng rồi cất tiếng cười. Cậu làm sao biết được người tiểu đội phó đang hồi tưởng hình ảnh cậu út Chinh hồi đó.

*

Một đêm cách đây gần hai năm…

Cậu út Chinh ưỡn lưng ngáp dài, vắt áo lên vai, cầm cái leng đứng bần thần nghe tiếng chân bì bõm dưới lầy. Trời tối và mưa lâm râm. Gần hai giờ khuya rồi. Mắt nặng như có đeo hai cục đá, Chinh dần dừ, chắt lưỡi, bước ra sau nhà kêu với theo:

- Bạn nào đó, nói giùm với anh ba Lưu, cho hay sao tôi phát ớn lạnh khó chịu quá, đêm nay không đào công sự được nghe.

- Chinh hả? Ờ được rồi.

Tiếng trả lời văng vẳng.

Yên chí, Chinh giăng mùng, chui vô, kéo chăn hai thước trùm kín đầu ấm bỉm. Vậy mà không ngủ được! Sao hồi nãy ngồi dưới xuồng nhướng mắt không lên, kỳ thiệt!

Chinh uốn lưng cho xương kêu răng rắc. Toàn thân mỏi mê rã rời. Chèo xuồng mệt quá! Chèo gì một phiên tới chín, mười cây số mới đổi một lần. Mà đâu phải lơ mơ được. Ra sức lực bạt, mồ hôi rớt đồm độp mà lệnh chuyển cứ tới tấp: “Bê Hai ráng bám sát cự ly, Sáu Phổ”, “Bê Hai quyết không để đứt đuôi, Sáu Phổ”, “Bê Hai…”.

Hành quân thì liên miên, chiều nay hành quân, chiều mai hành quân. Mệt lính thấy mồ! Không chịu thông cảm, mỗi lần đi là mỗi lần khó, dọn đồ xuống, đem đồ lên, kéo xuồng đi giấu. Nhưng rầu nhất là cái nạn đào công sự. Không biết cha nào đề ra cái khẩu hiệu thiệt ngặt: “Công sự chưa xong, quyết không đi ngủ”. Nửa đêm gà gáy, phần buồn ngủ, phần bù mắt cắn, phần ngâm nước lạnh, phần trời tối không thấy đường. Vậy mà sáng mới mở mắt ra là cán bộ trung đội, cán bộ đại đội đi kiểm tra. Người lấy cây thọt xuống đáy hầm, người đạp chưn lên nắp nhún nhún rồi phê bình góp ý đủ thứ. Nào bề sâu không đủ thước, bề dày của nắp còn hụt mấy phân, ngụy trang sơ sài không đảm bảo. Đảm bảo cái khỉ khô gì? Hổm rày đào cả chục cái công sự rồi mà đã nhảy xuống lần nào đâu?

Rồi tới cái nạn thằng cha Lưu, cán bộ tiểu đội nữa. Mở miệng ra thì cứ là chiến tranh với ác liệt, tư tưởng với tác phong. Tới phiên trực nhựt, lỡ nấu cơm sống có một chút mà chiều hội ý, chả phê bình nào không quán triệt tinh thần “chồm lên, xóc tới” trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, nào ý thức phục vụ còn nhiều thiếu sót, nào tác phong qua loa đại khái, không sâu không sát. Trời mưa, củi ướt, khói cay muốn xé con mắt, chụm được nồi cơm sôi là may, còn ở đó mà sâu sát. Thằng cha, sao mà câu mâu quá trời! Thằng chả phải biết hồi út Chinh ở nhà, cơm ba bữa có má nấu sẵn cho ăn. Bữa nào đi phát về dòm qua mâm cơm thấy không hấp dẫn, Chinh còn không thèm ăn, bỏ qua nhà cậu Tám bán tiệm, khui cá mòi, xì yểu ăn thả cửa. Ăn rồi bỏ chén cho mấy chị rửa. Tối lại, mùng có mấy chị giăng sẵn, đi chơi đã rồi về ngủ, tới trưa trờ trưa trật, khỏi ai kêu dậy đi kiểm tra công sự hay kiểm tra lá thắt vòng ngụy trang như bây giờ đâu. Bộ thằng chả tưởng ở nhà út Chinh không có cơm ăn sao? Ăn cơm còn sướng hơn ở đây nữa, nhưng vì thích bộ đội, út Chinh mới đi theo đó chớ!

Cha, nhắc lại hồi còn ở nhà. Chinh mê nhứt là súng có gắn lưỡi lê sáng giới, coi biết đã! Mỗi lần tập, nghe hô một tiếng, là cả hàng đánh lê lên cái rắc, thiệt ăn rập. Hô một tiếng nhảy một bước. Hô một tiếng nữa, nhảy một bước nữa. Xốc cà xôm cà xôm tới trước rồi đâm cái rẹt, cái thiệt ngon! phải có thằng Mỹ to bằng cái bồ lúa đứng đó, nó cũng chết mẹ nó!

Chinh còn khoái cái nữa là quần áo bộ đội may bằng vải thường thôi, thua thứ pô-pơ-đlin-xít may bi-gia-ma của Chinh. Vậy mà họ “ăng-tơ-nuy” vô rồi, bộ đội đầu đội nón bọc lưới, vai mang súng, lưng giắt ngụy trang, coi sao mạnh thấu trời. Người nào người nấy mặt mày sáng rỡ. Hèn chi con gái trong xóm đứa nào đi ngang qua nhà có bộ đội đóng, nó cũng giả bộ làm mặt nghiêm, mắt dòm trân trân tới trước mà hai cái chân thì đi lúm túm lúm túm mất tự nhiên, hai tay giâu giấu, cái đầu nghiêng ngóng nghe coi có ai bàn tán đến mình không. Qua khỏi rồi, còn lén quay lại liếc liếc dòm vô nhà cười mím chi! Rồi tụi nó còn bày đặt chép chuyền lời ca, hát li ri với nhau: “… Anh đi đâu / Chiến đấu hay thao trường / Ơ anh bộ đội! Em đi tìm anh…”. Ái chà chà! Tưởng gì khó, chớ chuyện đi bộ đội thì Chinh lại không đi nổi sao? Đừng khi thằng này, bây giờ không chịu tìm, chừng út Chinh đi rồi sợ e khó tìm đa!

Nói vậy chớ, nếu chỉ vì bấy nhiêu đó thì Chinh cũng chưa đi bộ đội. Chinh còn tức nhiều chuyện khác nữa.

Bộ đội đóng trong xóm có một lần mà sau đó hễ mỗi lần rầy Chinh chuyện gì, má với mấy chị cứ nói Chinh không bằng cái lông chưn của mấy đứa bộ đội. Rồi kể ra cả dò cả dọc, đủ chuyện. Dòm tới bếp thì nhắc chuyện bộ đội kho cá, nấu canh chua, quét bếp gọn gàng hơn con gái. Ngó ra sân thì kể chuyện họ làm cỏ, bồi lộ, phát liếp, sửa cầu. Ôi thôi, mỗi người nói một câu, càng nghe càng nhức óc. Bộ thằng Chinh này bỏ rồi, hết xài được hay sao? Chưa chắc mà!

Còn tía của Chinh ít chú ý tới chuyện bếp núc tủn mủn, lại hay trầm trồ khen họ đánh trận này trận nọ. Theo ý ổng, ở nhà ai muốn nói sao thì nói, nghe vậy hay vậy, chớ chưa tin ai lớn gan hơn ai. Phải ra trận cầm cây súng như bộ đội trước làn tên mũi đạn mà dám xốc tới, lấy thân mình đền nợ nước, như vậy mới thiệt là kẻ anh hùng, dù còn nhỏ tuổi đáng con cháu, ông vẫn kính phục như thường.

Chinh nghe ông đề cao cỡ trang bạn mình hoài, không dằn nổi lòng tự ái. Có một lần đỏ mặt tía tai, vùng đứng dậy nói:

- Tui nói thiệt với tía. Thằng út Chinh này không làm thì thôi. Chớ đã làm, đã quyết đi bộ đội thì nhứt định không để thua ai đâu!

- Thôi, thôi con! Đừng nói sớm, tía e sợ phạm vô câu “Năng thuyết bất năng hành”. Phàm muốn biết con người có thể làm được việc lớn hay không là ta coi từ việc nhỏ. Tao liếc sơ qua, coi nội cái chuyện ăn ở, chịu cực chịu khổ của mấy đứa bộ đội là tao đủ biết nó đánh giặc ra sao rồi. Còn mày thì tình tía con, mặc dầu, nói ra tao cũng sợ mích lòng, mày…

- Tía đừng nói khích! Tui hồi giờ chưa từng bể giặc chạy ra thành mà…

- Ối thôi, còn nói gì tới chuyện đó. Mày là con tao, con nông dân từng kháng chiến chín năm, nói tới chuyện bể giặc, nghe sao phải. Chí tình, tao muốn cho mày đi bộ đội lâu rồi mà thấy chưa chắc ăn, trong bụng còn nan phân lắm, chưa dám mở miệng. Mày sung sướng quen thân, gặt có lúc một ngày không rồi một công mà tối thì cứ đòi tiền, đòi “bồi dưỡng”. Than van rêm mình. Đi bộ đội, tao sợ nửa chừng mày bỏ cuộc trở về thì xấu tới tao. Mày đi mày phải hứa…

- Dứt khoát một tiếng với tía, tui nói được là đi được!

*

Một loạt pháo nổ rất gần. Có tiếng cành cây gãy. Chinh ngừng nói, bật quẹt đốt thuốc.

Trăng sắp mọc. Một góc trời hừng màu vàng hực. Những vầng sáng xanh yếu ớt đã bị xóa mờ. Rặng cây hiện lên thành một bệt dài cứng ngắc như tấm bìa màu đen nổi rõ trên màu trời đó. Mặt đất vẫn còn tối, nhưng nền trời rất sáng. Có một nỗi vui mơ hồ nào tỏa lên, như báo trước một cái gì rộn rã sắp xuất hiện.

Hùng khoanh tay trên hai đầu gối, im lặng và không cử động.

Chinh không nhìn Hùng, ngửa mặt nói tiếp:

- Tôi vô bộ đội theo kiểu như vậy đó. Nói cho đúng cũng không phải chỉ vì mê hình thức của bộ đội hay vì sĩ diện cá nhân mà tôi tòng quân đâu. Lớn lên trong cách mạng, được dự mít-tinh, họp bạn thanh niên, học tập chủ trương, nghe tin đài mình, xem văn công biểu diễn, chính tôi cũng có tham gia trong đội ca múa ấp, sâu xa trong thâm tâm tôi cũng biết thù Mỹ, biết thương cách mạng, nhưng nói chung còn hời hợt quá. Tôi tưởng làm cách mạng cũng dễ ợt thôi. Chừng vô đơn vị, chưa nói tới chuyện đánh giặc, chỉ nội cái cực là tôi đủ ngán rồi! Ăn thì khi cũng có cá có thịt, mà khi thì chỉ có tương với muối ớt, dừa kho, rau luộc. Vậy mà hành quân, công tác, học tập, đào công sự thì cứ đều đều. Nghĩ tới lúc ở nhà sung sướng, đôi khi tôi cũng có ý muốn xin về. Nhưng chợt nhớ tới câu “Năng thuyết bất năng hành” của tía tôi, nhớ tới cảnh gia đình, chòm xóm trịnh trọng tiễn tôi đi giết giặc, tôi đâm ra ngại ngùng. Ba-lô, đồ lục quân còn mới ràng ràng, khăn thêu còn thơm mùi dầu “Con Sóc”, giặc thì chưa mó được sợi lông chưn nào của nó, vậy mà trở về, mặt mũi nào ở đời được nữa. Lúc đó, tôi bèo nhèo ít ăn ít ngủ, Ba Lưu xăn văn xó vó lo cho tôi. Anh ta tuy hay cự nự nhưng thật tình, chuyện gì ảnh cũng làm nhiều hơn tôi. Tôi không đào công sự thì ảnh đào rộng đề phòng cho tôi chui ké. Hành quân tôi không chèo thì ảnh chèo. Hết giờ học, tôi nằm chỏng cẳng ngủ khò thì ảnh đi mò cá. Sáng ra, tôi kêu nhức đầu, không thèm ăn, thì ảnh lui cui nấu cháo cho tôi ăn, kiếm sả nấu nước cho tôi xông. Tối tối, ảnh trải chiếu nằm kề, thuật chuyện hồi tự vệ hương thôn trong vùng ảnh, chuyện gia đình chòm xóm ảnh, chuyện thảm sát Bàu Hang cho tôi nghe. Ba ảnh bị giết trong trận đó. Lúc đó, ảnh đã theo làm liên lạc trong “cứ” rất cực khổ.

Tai nghe Ba Lưu nói mà trí tôi cứ nghĩ tới chuyện mình, đầu óc chập chờn, thấy về thì dở mà ở cũng không được vui…

Lần thứ nhứt dự trận chống càn, tôi ở chung công sự với Ba Lưu. Nổ loạt đầu, địch cách hai mươi thước. Tôi làm được đâu ba viên thì nghe hô xung phong rần trời, bên cạnh tôi. Ba Lưu vừa nổ súng vừa hét dặn tôi: “Út! Nắm lấy thắt lưng địch mà…”. Ngó ngoái lại thì chả đã nhảy lên, chạy ào ào tới trước rồi! Tôi cũng bò lên, chạy theo, nhưng mà tía má ơi! Ở dưới công sự thì thiệt ấm, mà chừng chạy lên trên ruộng rồi thấy bốn bề trống lỏng, nghe đạn bay chíu chíu phát dùn mình! Trên đầu thì trực thăng, phía trái, phía phải nó bắn lụp cụp như bằm thịt cúng đình, tôi chạy mươi thước, da gà nổi lên, giò cẳng quíu lại không bước nổi nữa. Dòm đằng trước chỉ thấy lính địch nằm ngửa nằm nghiêng tứ tung. Anh em đang rượt tụi còn sống chạy xa tít mù. Máy bay đảo theo rền rền mà không bắn được. Tôi còn lầng quầng, tiến thoái lưỡng nan thì hai ba chiếc máy bay gì cứ nhè chỗ tôi đứng mà chúi xuống bắn kịch liệt. Tôi chạy xà vòng, hết đường trở về công sự. Đạn bay chóng mặt. Rồi tôi không còn hay gì nữa. Cây súng cũng văng đâu mất. Đến lúc có cảm giác nóng, mở mắt ra thì bốn bên lửa đỏ đang cháy rần rần. Tôi không biết bị thương chỗ nào mà tay chưn giở lên không nổi.

Lúc tôi yên trí hết còn phương gì sống được nữa thì bỗng có ai ôm xốc tôi lên, mang chạy đi. Khi tỉnh dậy thấy mình đang ngồi tựa lưng vô vách công sự, kề bên có một người tóc tai quăn quíu, mặt mày lọ lem, nhăn hàm răng trắng xát ra cười. Thấy có cái răng nanh lòi xỉ, mới biết là Ba Lưu! Tôi nắm tay anh, ứa nước mắt, hối hận nhiều bề. Vì tôi nhát nhúa, không dám “chồm lên xốc tới” bám địch mà đánh như anh nói, mà Ba Lưu mới phải liều vô lửa cứu tôi như vầy.

Sau trận đánh đó Ba Lưu được kết nạp vào Đảng. Còn tôi, tôi chỉ được vào quân y thôi! Nhưng tôi lần lần khá hơn. Tôi được vào Đoàn và luôn luôn theo sát Ba Lưu trong tổ thọc sâu cho đến khi anh ấy đánh trận công kiên cuối cùng.

Đêm đó mở đột phá khẩu, Ba Lưu dẫn chúng tôi vượt lên tiền duyên. Cửa mở không được tốt, ba lần rào kẽm gai phía trong còn nguyên. Chúng tôi càn lên lùng nhùng mất khá nhiều thì giờ. Tới sát đồn, Ba Lưu nhảy lên chiếm tường, khẩu tiểu liên chĩa thằng xuống phía trong, chưa kịp bóp cò thì bị giữa ngực một loạt tôm-xông. Anh ngã vật ra ngoài. Toàn thân tôi rực nóng. Lỗ tai nổ răng rắc! Tôi kêu lên: Trả thù cho Ba Lưu! Giỏ lựu đạn trên vai tôi bỗng dưng nhẹ lửng. Vượt tường đồn, tôi chạy ngay vào bên trong mà đập tơi bời. Tôi đánh ụ đề kháng, đánh nhà công sở, đánh qua lô-cốt ba, đang chạy ào ào thì được lệnh ban chỉ huy gọi về. Trong bóng tối của lô-cốt một, giữa tiếng súng và lựu đạn, thủ pháo ầm vang, đồng chí bí thư chi bộ tuyên bố kết nạp tôi vào Đảng trước mặt đồng chí Đảng ủy tiểu đoàn. Tôi bật khóc, biết rằng tôi được vinh dự như đêm nay là nhờ Ba Lưu, nhưng Ba Lưu không còn nữa. Tôi chạy ra ngoài tiếp tục đánh. Có tiếng đồng chí Đảng ủy kêu theo: “Chinh! Đồng chí Chinh! Dũng cảm nhưng phải khéo léo. Không được chủ quan! Không được liều lĩnh!” (…)

*

Trăng soi lốm đốm trên mặt đất. Bóng lá cây in trên làm vách mùng biến thành một bức màn hoa lung linh nhè nhẹ. Mấy cây đại bác giờ cũng ngủ mê rồi. Bầu trời hoàn toàn yên tĩnh, như cả đến chiến tranh cũng tạm ngừng trong giây lát giữa lúc trăng lên.

Chinh thôi nói. Hùng đốt điếu thuốc nữa, kiên nhẫn chờ đợi. Cuối cùng Chinh lại cất tiếng.

Toàn đồn địch đã giải quyết xong, tôi xách súng trở ra (…) bỗng dưng bơ phờ ngơ ngẩn. Ba Lưu đã hy sinh rồi! Những phút chạy ngang dọc tung lựu đạn và nổ súng vào các lỗ châu mai đã làm tôi bớt đau đớn, nhưng bây giờ… Khẩu súng, nhìn xuống tôi mới biết đó là một khẩu súng địch. Khi vô, tôi chỉ có giỏ lựu đạn, cướp được nó lúc nào không nhớ (…)

Ngoài tường, Ba Lưu đã được đặt nằm ngay ngắn chờ khiêng về xuồng. Ánh lửa trong đồn qua lỗ châu mai rọi lên mặt anh một hình vuông đỏ. Tôi không hiểu vì sao lúc sống anh hay cau có rầy rà, mà bây giờ mặt anh lại bình thản một cách vui vẻ đến như vậy. Có một vuông khăn trắng buộc ngang cổ tay Ba Lưu. Dưới tên anh là hàng chữ nhỏ: “Nguyễn Thị Thùy Mai”, đều thêu bằng chỉ đỏ. Chính giữa vuông khăn là câu: “Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của Đảng” viết bằng mực nguyên tử. Cầm vuông khăn trong tay, tôi nhớ tới những ngày tôi mới vào đơn vị và những ý nghĩ đầu tiên không tốt về Ba Lưu. Bây giờ tôi ngồi đây mà anh thì nằm đó, vĩnh viễn xa tôi, không được chứng kiến ngày vui của đời tôi. Tôi biết rằng từ đây tôi đã có một mối liên hệ máu thịt với đơn vị (…)

Chinh bỗng khoát mùng bước ra ngoài, vươn vai rồi cúi xuống lấy khẩu súng nói:

- Thôi ngủ một lát đi Hùng. Trời cũng sắp sáng rồi.

Anh lửng thửng đi về tuyến công sự. Tiểu đội hình như đã thức cả, nói chuyện rì rầm.

Hùng hất miếng vải đắp choàng trên lưng, chui ra ngoài mùng đứng dậy. Gió thổi mát, mát lạnh, thật dễ chịu. Hùng tưởng như mình vừa mới được thở không khí này lần đầu.

Gà gáy đâu xa xa.

Bếp dã chiến đã lập lòe lửa đỏ.


Tháng 10-1966