“Đá Cô Lin”




Buổi trưa hôm ấy trời mưa. Nghe nói Trường Sa năm ngoái hạn hán, có nơi suốt “mùa mưa” không rơi một giọt nước nào. Vậy đây có thể là cơn trút nước đầu tiên sau không biết bao nhiêu tháng biển “khô”. Mưa xong, mặt biển vốn liên tục nhấp nhô trở nên gần như phẳng lì, nhìn ra xa thấy mênh mang một màu trắng sáng…

Xế chiều thì đến Đá Cô Lin. Cũng như những Đá (còn gọi là “đảo chìm”) khác, đây chỉ là một chút đất cát nhô lên giữa một rạn san hô khá rộng. Nước biển trên rạn màu xanh ngọc tươi tắn hiền dịu tương phản hẳn với màu xanh đen sa sầm dữ dội khắp xung quanh. Dĩ nhiên cũng vẫn chính là một thứ nước trong veo mặn chát ấy thôi, chẳng qua độ sâu của đáy biển tô nên những màu sắc khác nhau thế. Tưởng tượng ngồi trên máy bay mà nhìn xuống, kia giữa nền đại dương rất sẫm bỗng nổi bật lên một cái đĩa hình dạng kỳ lạ, tráng men ngọc, có “tim” trăng trắng, giữa tim là một “cục” vuông vuông. Trở lại nhìn từ boong tàu vừa thả neo ngay ngoài rìa rạn san hô, cục vuông ấy hiện rõ ra là một cái đồn tiền tiêu vách quét màu vôi quen thuộc, trên nóc đồn phấp phới một lá cờ đỏ thắm rực rỡ vàng tươi cánh sao…

Tàu đến đây rồi, Đá ơi! “Toàn tàu tập trung, thả xuồng!”. Xuồng tiếp xuồng băng băng chạy về phía Đá, những quốc kỳ tung bay trên biển theo nhau tiến gần mãi quốc kỳ đang tung bay trên Đá.

Cập bến. Những bàn tay đồng bào từ đất liền Tổ quốc và cả từ những đất không phải là Tổ quốc, có nơi rất xa xôi, giơ ra siết thật chặt những bàn tay chiến sĩ.

*

“Bình thường thôi, những bàn tay… / Mà sao khi nắm lại cay mắt cười! / Bắt tay lính đảo bồi hồi…”.(1)

Cô Lin không phải là Đá đầu tiên mà tàu ghé thăm. Cô Lin trông cũng tương tự mấy Đá đã ghé trước. Nhưng chắc quả thực ở đây tay bắt có chặt hơn, mặt có mừng hơn, lòng bồi hồi hơn ở những nơi khác. Vì “Nó” gần lắm. Nó như chỉ độ vài trăm mét ngoài rìa bên kia của rạn san hô ta thôi!

Gạc Ma vốn cũng là Đá, nhưng đã hóa Đảo hẳn rồi. Đảo to, với đủ thứ công trình xây dựng ngoại khổ: hai tòa nhà hình như đến 8, 9 tầng, một ngọn hải đăng cao vút, một tháp viễn thông cao xấp xỉ hải đăng, hai kiến trúc gì mỗi cái đội một quả cầu sơn trắng trên đầu v.v. Không biết tình trạng rạn san hô quanh Gạc Ma thế nào mà thấy có một chiến hạm lớn và một tàu tiếp tế còn lớn hơn đang đậu sát bờ. Cách bờ có lẽ chừng nửa hải lý, một chiến hạm lớn thứ hai bất động án ngữ…

Mặc kệ “Ma”. Trên Đá Cô Lin bé nhỏ chiều nay, chiến sĩ và văn công và đồng bào ngồi sát bên nhau cứ say sưa “Hát mãi khúc quân hành”, ca mãi “Khúc quân ca Trường Sa”, cất vang lên mãi “Tổ quốc gọi tên mình”... Làm gì có nơi nào khác mà nhạc yêu nước gây được nhiều xúc động nơi lòng người đến thế!

*

Mặt trời sắp lặn xuống biển.

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa được tổ chức ở sân đáp trực thăng trên tàu.

“Hồn tử sĩ” cất lên. Tiêu binh từng bước tiến vào vị trí hai bên bàn thờ.

Trưởng đoàn công tác kể lại chuyện xảy ra ở Gạc Ma gần ba mươi năm trước. Không nghe một tiếng khóc nào cả, nhưng nhìn về phía trước mình thấy có những đôi vai hơi rung động. Cả đoàn cúi đầu mặc niệm, rồi từng người lĩnh hương lên cắm vào lư. Cắm hương xong, được trao một nhánh cúc vàng. Trở về chỗ, mới bắt đầu ngọ ngoạy nghiêng ngó chút ít, thì tình cờ gặp ngay đôi mắt đỏ hoe của một cô văn công…

Bàn thờ được đưa xuống biển, ở phía đuôi tàu. Mọi người thả theo xuống những nhánh cúc vàng. Bàn thờ bập bềnh trôi xa, hương vẫn tiếp tục cháy nghi ngút, khói trắng nổi bật trên nền biển xanh thật đậm, đằng sau là cả một luồng những đốm vàng trôi theo. Biển hoàng hôn vẫn rất lặng.

Trong lúc trên tàu cử hành lễ, trên Đá Cô Lin các chiến sĩ cũng ra đứng trông về phía tàu mà hành lễ theo.

Trở xuống khoang, lục đọc lại mấy câu trong tập thơ được một thành viên của đoàn tặng: “Kiều bào thăm đảo Trường Sa / Nhớ người chiến sĩ xông pha năm nào / Người con đất Việt tự hào / Kiên cường chiến đấu năm nào tại đây / Hăm lăm năm trước nơi này / Các anh ngã xuống lòng đầy quyết tâm / Gạc Ma biển đảo xa xăm / Xác thân nằm lại âm thầm biển khơi…”. Đọc nữa: “(...) / Các anh nằm lại biển xanh / Vì dân vì nước các anh quên mình / (…) / Máu hồng nhuộm thắm biển xanh / Quê hương ghi nhớ công anh muôn đời”.(2) Thơ mộc mạc, nghe có chân tình.

Lại lộn trở lên boong. Chiều đã tím. Cô Lin đã bật đèn. Trong tranh tối tranh sáng, quốc kỳ vẫn phấp phới.

*

Ở những Đá trước, tàu thăm xong đi ngay. Nhưng ở Cô Lin, tàu neo lại đến mờ sáng hôm sau. Thế mới hợp tình. Tàu là một biểu tượng của hậu phương đất liền xa tít trong kia. Tàu đã ra tận đây, phải chia sẻ với Đá một đêm tiền tuyến biển khơi chứ.

Đêm nay mười sáu, trăng tròn vành vạnh, mỗi lúc ra khỏi mây thì cả vùng biển lại sáng lên rất dịu dàng. Lên tầng cao nhất đứng nhìn xuống, thấy dưới biển có một vệt trăng phản chiếu từ chân trời chạy về phía mình, càng gần càng rộng, trắng mơ hồ, lăn tăn gợn sóng. Ở nơi nào khác, cái đêm trăng biển với gió mơn man này tha hồ gợi bao nhiêu cảm xúc lãng mạn…

Bây giờ mà vào đài chỉ huy mượn cặp ống nhòm, chắc trông thấy được hình dáng các chiến sĩ Cô Lin đang làm nhiệm vụ ở những vị trí canh gác, thấy cả những quân khuyển chiều nay bơi lội vui đùa quanh bờ Đá cũng đang cùng hướng ra biển mà dỏng tai nghe ngóng... Vẫn hay Cô Lin tự thân làm sao có thể chống lại được thứ vũ lực rất ghê gớm mà đối phương chắc chắn sẽ sử dụng. Nhưng Cô Lin có một mình đâu trong cuộc đấu tranh gìn giữ lãnh thổ lãnh hải thiêng liêng này. Đằng sau Đá bé nhỏ là cả một dân tộc lừng danh yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì nước, chiến đấu kiên cường, dũng cảm, được lãnh đạo tài ba, đã từng bao nhiêu lần đánh bại những kẻ xâm lược khổng lồ. Theo đà kinh tế tăng trưởng, tổ chức phòng thủ biển đảo đã được liên tục nâng cấp: Trường Sa bây giờ là pháo đài kiên cố được yểm hộ hùng hậu từ trên không, từ ngang mặt biển, và cả từ dưới mặt biển. Tuy vũ lực của đối phương đã mấp mé mức siêu cường, nhưng mọi hành động xâm lược chắc chắn sẽ phải trả một giá rất đắt.

*

Trăng giờ ở ngay trên đỉnh đầu. Giữa bàng bạc trải rộng đến vô cùng khắp xung quanh, thấy cái con tàu mình đang đứng trên boong đây sao mà bé thế!

Lại nhớ thơ của người bạn cựu chiến binh mới quen: “Biển cả mênh mông xem nơi ấy là nhà / Đêm chốt tiền tiêu tựa lưng vào ghềnh đá / Năm tháng miệt mài ngày đêm nghe sóng vỗ / Người lính tự hào cầm súng giữ đảo xa…”(3), của thành viên một đoàn viếng Trường Sa không biết năm nào: “Những người lính gác biển, hình dáng các anh như tạc vào biển trời nét hùng ca…”(4). Và nhớ “Tiếng biển” ngẫu nhiên cất lên từ ngay Khánh Hòa mới chỉ vài tuần lễ trước: “Bao la trời biển bao la / Trường Sơn níu đảo. Đảo xa đảo gần / Cát còn bịn rịn dấu chân / Còn sông nhớ biển mỗi lần về non / Con đi chân cứng đá mòn / Để cho biển mặn vẫn còn vẹn nguyên / Linh thiêng hồn biển linh thiêng / Tráng ca của biển nối liền ngàn sau…”.(5)

“Hào”, “hùng”, “tráng”. Quả thực, hiện nay không có nơi nào trên Tổ quốc xứng với những cái từ ấy hơn là nơi “đầu sóng ngọn gió” này.



Thu Tứ
Thăm Đá Cô Lin ngày 22-4-2016
Viết đầu tháng 5-2016















_______
(1) Thơ Thu Nguyệt.
(2) Tác giả là Thái Bá Y, nguyên bộ đội “đánh Pốt”, nay là kiều bào ở Cam Pu Chia. Anh Y làm bài thơ này sau chuyến thăm Trường Sa năm 2013.
(3) TBY.
(4) Thơ Trần Minh Hợp.
(5) Thơ Trần Vạn Giã, đăng trên
Tuần Báo Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh, số ra ngày 31-3-2016.