Sông, mấy ai đò một chuyến từ “đầu” tới “cuối”. Trời, chỉ lấy mắt nhìn từ “chân” này tới “chân” kia đã thấy mỏi, nói gì đi. Ấy thế mà những bèo cứ “hàng nối hàng” dạt mải miết, những mây cứ đám nối đám trôi mải miết...

Dưới “tràng giang” chỉ thuyền với... củi, thỉnh thoảng “cồn nhỏ (...) đìu hiu”. Trên bờ chỉ... bờ với bãi, lâu lâu một “bến cô liêu”, mãi mãi “không cầu”. Tiếng sinh hoạt nhân gian nghe mơ hồ xa vẳng, cánh chim in trên “lớp lớp mây cao” trông sao nhỏ thế. Cảnh đã buồn, “nắng xuống, trời lên” lại là lúc buồn, khéo chọn ngồi đò đúng nơi đúng lúc, trách sao “sầu chót vót”!

Sầu thường làm nhớ. Nhớ nhất cái gì ngược hẳn với “cái” ở đây. Cho nên “không khói hoàng hôn cũng”...

(Thu Tứ)



Huy Cận, “Tràng giang”




Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Ðâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sầu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ; bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.