Chiến tranh. Tổn thất. Chịu đựng. Nhưng ngay giữa lúc chiến tranh ác liệt nhất, vẫn có những “nửa” này may mắn gặp đúng “nửa” kia của mình.

“Lương xuống ngõ, đứng đợi. Khi Tuyến ra đến nơi, anh thấy hình như Tuyến trông hơi lạ. Cô đã tết một bím tóc dài buông xuống bên vai và mặc cái áo cánh vải hoa, nom cổ cao thon hẳn lên và dáng người mềm mại hẳn.

Họ đi bên nhau (…) cùng im lặng, hình như cảm thấy từ lúc (…) này, có một cái gì trong đời họ đã khác đi (…) Họ đi dưới những hàng cây cao, qua hết đường này đến đường khác, khẽ nói chuyện với nhau rồi lại im lặng từng lúc lâu, cùng bỡ ngỡ vì một niềm vui mới lạ và êm dịu (…)

Lương ngoảnh sang. Gương mặt Tuyến tắm trong ánh trăng dịu dàng cũng đang quay lại anh, đôi mắt thăm thẳm nhìn anh như muốn cười, như muốn khóc. Lương xôn xao hết cả trong người, anh cầm lấy bàn tay Tuyến thấy cả bàn tay ấy đang run rẩy. Lương gọi thì thào:

- Tuyến!

- Anh…

Tuyến trả lời rất khẽ như sắp tắt thở và giấu khuôn mặt nóng bừng vào bên vai Lương”.

“Dù đạn bom man rợ thét gào, tình yêu vẫn đẹp sao, cuộc đời vẫn đẹp sao…”.

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, Mặt trận trên cao (9)



- Lương ơi, mặc áo vào, chính ủy gọi dây nói bảo cậu lên gấp.

Khải đưa Lương ra cổng, có vẻ băn khoăn, làm cho Lương ngờ ngợ cảm thấy có chuyện gì không bình thường.

- Có việc gì đấy, anh Khải?

Anh chính trị viên nắm cánh tay Lương:

- Cậu có tin gia đình.

Khi bước vào phòng làm việc của chính ủy, trống ngực Lương bỗng đập mạnh. Anh Vỹ ngẩng mái đầu hoa râm, bảo Lương ngồi và nói:

- Đơn vị vừa nhận được bức điện này gửi cho đồng chí.

Lương đỡ tờ giấy, ghé đến ánh đèn.

“Gửi đơn vị hòm thư số X…

Xin báo tin cho đồng chí Lê Lương, chị Lê Anh Đào bị thương nặng trong một trận chiến đấu chống máy bay giặc, đã được đưa về bệnh viện Hà Nội. Nếu có thể, anh Lương xin phép về ngay. Tuyến”.

Anh Vỹ đứng dậy, đến bên Lương.

- Cậu về đại đội báo cáo việc này với anh Kiến. Chốc nữa, chúng tôi họp xong, có xe con của đồng chí phái viên trên Tổng cục Chính trị về Hà Nội đấy. Cậu được nghỉ hai ngày, đến sáu giờ chiều ngày kia cần có mặt ở đơn vị.

Đưa Lương ra cửa, anh Vỹ dặn thêm:

- Nếu có gì bất thường thì đánh điện cho tôi. Đơn vị gửi cho cô Đào mấy hộp sữa, cậu cho tôi gửi lời hỏi thăm và chúc cô chóng khỏe. Thôi về mà thu xếp ngay đi cho kịp.

Suốt dọc đường, Lương bồn chồn, nhiều khi quên cả nói chuyện với đồng chí phái viên cấp trên. Bức điện nằm trong túi ngực anh như nóng bỏng. Đào bị thương thế nào? Sao nó vừa viết thư cho mình kia mà! Có lúc Lương bỗng thắt ruột, nghẹn ngào cảm thấy Đào nguy mất. Không biết anh về có kịp không! Lương bàng hoàng, tưởng chừng bây giờ mới hiểu ra rằng anh có người em gái quý báu, thân yêu đến chừng nào! Rồi Lương lại hy vọng. Chẳng lẽ nào, không, chắc Đào không việc gì đâu! Về Hà Nội có đủ thầy đủ thuốc, dù bị thương nặng, nhưng rồi Đào sẽ được chữa khỏi. Lương tự trách mình sao lúc em nó bình thường thì anh chẳng chú ý săn sóc gì nó cả. Ngay đến viết thư cho nó, cũng lười nữa! “Mình thật là tồi tệ. Nào có giúp gì được cho em nó đâu! Đào tha lỗi cho anh!”. Tội nghiệp, lúc này chồng nó lại ở xa quá. Lại còn thằng bé con mới khổ chứ! Lương nao hết ruột gan.

Con đường nhựa ban đêm vẫn hoạt động tấp nập. Những đoàn ô-tô vận tải, những đoàn xe đạp, xe bò, xe ngựa ngược xuôi không ngớt. Có những lúc đèn pha ô-tô chiếu vào từng đoàn dài toàn những nam nữ thanh niên đeo ba-lô, đội mũ lưới có gài lá cây, bước đi rộn rịch dưới những hàng phi lao hai bên đường. Xe chạy chầm chậm qua, Lương nghe rõ tiếng họ nói chuyện, cười đùa râm ran.

Dọc đường xe phải dừng lại mấy lần. Một lần thì phía trước họ, máy bay địch thả pháo sáng. Một lần súng cao xạ bắn. Một lần, Lương chú ý nhất, họ gặp một đoàn xe kéo tên lửa, mỗi xe như hấp háy hai con mắt nửa nhắm nửa mở, lừng lững đen sì chạy qua.

Về đến Hà Nội đã quá nửa đêm. Các đường phố đã vắng vẻ, nhưng vẫn loảng xoảng tiếng xe xích kéo pháo chạy ở xa. Đồng chí phái viên cho xe đưa Lương đến tận ngã tư đầu ô.

Khi dắt xe đạp vào cái ngõ khúc khuỷu vắng lặng, trong ngực Lương lại nôn nao tất cả. Không biết Tuyến có nhà không hay đi làm ca đêm? Trời ơi, nếu nhỡ Đào nó làm sao…

Lương đẩy cánh cổng vào cái sân tối om, rồi bấm đèn pin vào trong nhà, rón rén lên cầu thang. Anh đến gõ mấy tiếng vào cửa phòng của Tuyến, rồi đứng đợi trong bóng tối.

- Ai thế?

Tuyến ở nhà rồi!

- Cô Tuyến, tôi đây!

- Anh Lương!

Tiếng Tuyến reo khẽ. Trong buồng bật đèn, có tiếng loạt soạt rồi tiếng chân bước vội. Cánh cửa mở ra, Tuyến chân dẫm đất, đứng né sang một bên.

- Anh Lương! May quá!

Bước vào căn buồng nhỏ bây giờ đã quen, Lương thấy ngay trong cái màn trắng hé mở, bé Sơn đang ngủ say. Anh bỏ ba-lô xuống, đặt ở một góc buồng, rồi đến bên cái bàn nhỏ trước cửa sổ. Tuyến vuốt mấy sợi tóc trước trán, nhấc cái phích nước định pha ấm chè.

- Thôi, cô ạ, Đào thế nào, cô?

- Mổ xong rồi, đã gắp được mảnh bom ở phổi. Tối nay Đào còn sốt, mệt nhiều, nhưng lúc em về thì đã ngủ được. Em cũng vừa ở nhà thương về được một lúc, mới đi nằm.

- Tôi mới được thư cô ấy kể chuyện địch nó ném bom! Thật không ngờ!

- Đấy là trận tuần trước anh ạ. Em cũng được thư của Đào, mới hai hôm. Đêm ấy, gần sáng nghe đập cửa thình thình, lúc em dậy mở cửa thì thấy anh Hải cùng làm việc ở chỗ Đào bế thằng cháu Sơn, em rụng rời hết cả người. Sau đến lúc anh Hải bảo Đào bị thương, đã đưa về đến bệnh viện Giám thế là em để anh ấy với thằng cháu ở nhà, cứ thế đạp xe hộc tốc đến, nhưng chỉ được đứng ngoài thập thò nhìn vào, lúc ấy người ta đang mổ cho Đào rồi! Đến sáng thì Đào còn nằm mê mệt, chưa biết gì cả, em phải đi làm. May có anh Hải trông thằng cháu Sơn hộ cả ngày, chiều em ở xưởng về vào thăm, thì Đào nó đã nhận được em nhưng mà nó chỉ mở mắt, không nói gì cả. Em ở trong nhà thương đến tối phải về cho anh Hải ra tàu về Kiều Sơn. Tội nghiệp thằng cháu Sơn ngoan quá, nhớ mẹ quá mà chỉ dám khóc một tí thôi! Em dỗ cho cháu ngủ, chín giờ lại vào thì Đào nó đã ngủ được, nghe ông bác sĩ bảo là mổ tốt, nhờ truyền được nhiều máu cho nên Đào cũng đỡ mệt.

- Bây giờ vào thăm có được không nhỉ?

- Thôi để sớm mai vào anh ạ. Lúc em về thì Đào vẫn ngủ. Anh có đói không, em đặt cho anh tí cháo nhé.

- Thôi cô Tuyến ạ, tôi có đói gì đâu.

Lương đứng dậy tới bên giường, cúi nhìn cháu Sơn đang ngủ trong màn. Nó nằm nghiêng, hai tay vẫn ôm một con hươu bằng cao-su, đôi môi nhỏ thỉnh thoảng lại mút mút, hai mi mắt khẽ động đậy như là nó đang nằm mê thấy cái gì.

Tuyến cũng khẽ bước đến bên.

- Rầy quá, nhà trẻ ở xưởng em sơ tán cả rồi, mai em đi làm có lẽ phải gửi bà Đán bên này trông hộ.

- Bà dữ tính bên hàng xóm ấy à?

Tuyến thoáng mỉm cười.

- Bà ấy lắm nhời thế nhưng tốt bụng anh ạ. Em định đem cháu về quê gửi thày đẻ em, nhưng lại muốn giữ cháu ít ngày đã.

- Thế thì cô nên đưa cháu về gửi hai bác bên nhà là hơn. Nếu là việc dăm bảy hôm thì giữ cháu tạm ở đây cũng được, nhưng Đào có lẽ còn phải nằm viện hàng tháng, vả lại báo động ngày mấy lượt thế này, rồi cô lo về cháu, không làm ăn gì được. Đây về chỗ hai bác có xa không?

- Có hơn ba chục cây… Làng em ở ngay trong Ứng Hòa, Đào đã về chơi mấy lần. Thày đẻ em cũng rỗi, nhà chỉ có hai cụ với thằng em em, có cháu về rồi các cụ chẳng cho cháu đi nữa đâu!

- Sáng mai cô đi làm cứ để tôi trông cháu, tôi cho nó vào với mẹ nó một lúc. Rồi chiều thì ta đạp xe cho cháu về trong Ứng Hòa.

- Anh cứ để cháu ở đây một hai hôm đã. Ngày kia em đổi ca, nghỉ luôn hai buổi, sẽ đưa cháu về cũng được.

Một tiếng chuông đồng hồ reo đánh boong ở một nhà bên. Họ cùng im lặng nghe tiếng chuông ngân dài trong đêm khuya.

- Thôi anh đi nghỉ kẻo mệt.

Lương ra cởi ba-lô, lấy đồ ngủ.

- Trời nóng này, có lẽ ra ngoài sân gác mà hóa hay.

- Ấy đừng anh ạ, nằm ngoài sương dễ cảm lắm.

Lương trải miếng bạt xuống sàn, cạnh cửa ra sân gác rồi mắc màn.

- Tôi đã có chỗ quen đây rồi.

*

Sáng ngày Lương tỉnh dậy thì Tuyến đã đi làm. Cái giường ở góc buồng vẫn bỏ màn, thằng cháu Sơn vẫn ngủ yên. Lương ra sân gác rửa mặt thấy trên bếp còn đượm than đang sôi lích dích một xoong cháo. Còn một niêu đất vùi trong tro nóng nữa. Mở nắp ra, hơi cơm nếp bốc lên thơm ngậy.

Thành ra Tuyến hôm nay phải dậy sớm quá. Mình ngủ thế nào mà không biết gì cả.

Khi cháu Sơn thức giấc, nó ngồi nhỏm dậy trong màn, nhìn quanh. Thấy Lương, nó mếu phụng phịu và gọi: “Mẹ… mẹ đâu rồi…”. Nhưng nó vẫn để cho Lương bế lên, đem ra sân rửa ráy.

- À, bác đây mà, cháu Sơn quên rồi à? Bây giờ cháu Sơn ăn cháo nhé, rồi bác bế cháu vào với mẹ. Cháo cô Tuyến nấu cho Sơn đấy.

- Cô Tiến đi nhà máy.

- Ờ, đúng rồi, cháu tôi giỏi nhỉ.

Lương bón cho cháu ăn, anh thấy nó gầy hơn và ngơ ngác hẳn đi. Đứa bé cứ vừa ăn vừa mở to mắt nhìn Lương, hình như nó cũng hiểu là bây giờ nó không được làm nũng như với mẹ nó nữa.

- Nào bây giờ bác cháu ta vào thăm mẹ Sơn nào.

Lương bế cháu lên, nó vòng hai tay ôm lấy cổ anh. Lương nao nao trong lòng hôn vào hai bàn tay nhỏ bé.

Buổi sáng, các đường phố chen chúc của Hà Nội vẫn lũ lượt người đi làm. Nhiều công nhân đeo súng trường sau lưng mà đạp xe vội vã. Người ta vẫn kiên nhẫn xếp hàng ở các quầy bán gạo, các cửa hàng ăn sáng, các lán than, củi. Từng dãy dài những ô-tô vận tải sơn bóng loáng đỗ nối đuôi nhau dưới các hàng cây sấu, cây xà cừ. Những chiếc xe com-măng-ca bụi bặm vừa đi suốt đêm về tới nơi, rung những cành lá cắm lòe xòe, chạy vội len lỏi giữa hàng nghìn xe đạp qua lại như mắc cửi.

Khi bế cháu Sơn bước qua cái cổng bệnh viện, Lương không còn biết đi đường nào giữa cái sân rộng lổn nhổn những ụ, những hầm tránh máy bay. Anh đón một chị y tá, hỏi thăm. Chị y tá nhìn anh bộ đội trẻ bế đứa bé với vẻ ái ngại rồi đi trước dẫn anh đến một khu nhà dài hai tầng.

- Anh vào chỗ trực ban hỏi xem chị ấy nằm phòng nào. Cháu lên mấy rồi?

- Cám ơn chị. Kìa Sơn, cô hỏi cháu lên mấy rồi?

- Lên ba.

- À, cháu tôi ngoan quá.

Một cô hộ lý mới trạc mười bảy mười tám tuổi đưa Lương đến phòng Đào nằm. Cô nói khẽ:

- Hình như chị ấy còn ngủ. Anh đưa cháu đây em. Để cháu ngoài này hơn.

Giường của Đào ở gần cửa kính mở ra hiên. Gian phòng rộng, toàn những người mới qua giải phẫu còn nằm mê mệt, chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng rên ở góc này, góc khác. Lương rón rén bước đến bên chiếc giường sắt vẫn buông màn. Đào đang ngủ, hai mắt nhắm nghiền không động, mặt nhợt nhạt. Lương ghé nhìn cái bảng nhiệt độ trên đầu giường, đường bút chì đỏ tuy đang đi xuống dần nhưng vẫn chạy gãy khúc ở quãng giữa hai cái vạch ba mươi tám, ba mươi chín độ.

Lương trở ra ngoài hiên. Cô hộ lý bảo anh:

- Đêm hôm qua, chị Đào ngủ được.

- Hình như cô ấy vẫn sốt.

- Bác sĩ bảo bây giờ còn phải đề phòng biến chứng sau khi mổ, nhưng chị ấy thế là khá rồi đấy. Anh ngồi chơi với cháu ngoài này, chắc chị ấy cũng sắp dậy.

Lương bế thằng Sơn ra sân, đến ngồi ở một bồn hoa nhỏ, cho cháu được chạy chơi. Chốc anh lại vào hiên, ghé nhìn qua cửa kính. Hình như Đào vừa động đậy trong giường. Lương đẩy cửa nhẹ, bước vào. Đào đang rên khẽ. Lương đến bên giường. Đào đã quay đầu ra và đang đưa tay vén góc màn. Lương cúi xuống đỡ cho em, vắt màn lên. Hai mắt Đào ánh lên mừng rỡ. Đào thều thào:

- Anh đấy à?

Lương gật đầu.

- Anh vừa về đêm qua.

Đào nhắm mắt lại, đôi môi khẽ động một cách khó nhọc. Đào lại mở mắt ngước nhìn như muốn tìm ai.

- Cô có cần gì không? Tôi cho thằng cháu Sơn đến thăm cô đấy. Cháu nó chơi ở ngoài kia.

- Anh gọi hộ em cô hộ lý…

Lương sang phòng trực tìm cô hộ lý trẻ ban nãy. Trong lúc cô lúi húi ở giường Đào, anh ra sân tìm thằng Sơn. Nó đã bò lom khom rình một con chuồn chuồn đang rung đôi cánh vờn trên một bụi cỏ.

- Ôi chà, cháu tôi đi rửa tay sạch, còn vào thăm mẹ chứ!

Lương bế cháu đi tìm một vòi nước. Khi anh trở vào phòng thì Đào đã rửa mặt xong, mấy sợi tóc đen còn xâm xấp nước trên trán, trông Đào đỡ xanh xao được một ít. Thằng Sơn vừa thấy mẹ là nó sà xuống, nó cứ ôm mặt mẹ nó mà hôn lấy hôn để… Đào rờ bàn tay trên tóc nó, cuối đuôi mắt bỗng rơi xuống một giọt nước mắt.

- Sơn im ngoan, cho mẹ đỡ mệt nhá.

Lương ôm cháu vào lòng. Đào mỉm miệng cười yếu ớt, hỏi:

- Cháu nó có quấy anh không?

- Con giai ai lại quấy, Sơn nhỉ. Cháu tôi giỏi lắm. Cô cứ yên tâm. Cô Tuyến đã bàn với tôi, mai thì cho cháu về trong Ứng Hòa với ông cụ bà cụ cô ấy. Còn về chú Nhơn thì chốc nữa tôi sẽ điện báo tin. Cô nghe trong người thế nào? Có đỡ không?

Đào gật đầu và lại nhắm mắt nằm im một lúc.

Cô hộ lý đã bưng một cốc sữa vào, ngồi đổ cho Đào từng thìa con một.

- Chị Đào hôm nay vui nhé. Chị cố ăn đi cho chóng khỏe rồi về với cháu. Chị có cần gì cứ bấm chuông gọi em chứ đừng dậy. Bác sĩ cấm ngặt đấy. Chị phải nằm thật im.

Ăn xong được cốc sữa, khi cô hộ lý đi khỏi, Đào chìa tay nắm lấy tay thằng Sơn và khẽ hỏi:

- Anh chắc lại phải đi ngay.

- Tôi còn được nghỉ cả ngày, mai về. Các anh em ở chỗ tôi đều hỏi thăm cô. Anh Vỹ chính ủy lại gửi cho mấy hộp sữa.

- Anh nhớ cám ơn hộ em. Đang lúc này mà anh được về…

Đào ngước mắt nhìn Lương:

- Anh thấy Tuyến nó thế nào?

- Cô ấy người tốt lắm, tốt thật!

Đào nằm im mấy giây, bỗng lại mỉm miệng, đôi mắt lóng lánh.

- Thế mà chúng nó vẫn chẳng làm gì nổi. Cái đập nước vẫn nguyên… Anh ạ, anh đừng đánh điện, nhà em lo… để rồi viết thư sau.

Chừng như nói liền mấy câu đã mệt, Đào nhắm mắt lại. Mồ hôi lấm tấm trên trán, cô mím môi nén tiếng rên muốn bật ra vì chỗ mổ lại vừa cắn đau nhói. Lát sau, Đào lại thiếp đi.

*

Lương ở trong nhà thương đến trưa. Về đến căn gác của Tuyến, thằng cháu Sơn đã đói quá, may còn ít cơm nếp để lại từ sáng, anh cho cháu ăn tạm rồi vội ra sân gác, vo gạo thổi cơm. Xong được bữa ăn, anh đặt cháu trên giường, quạt cho nó ngủ rồi cũng trải bạt nằm ngả lưng và ngủ lúc nào không biết.

Tiếng còi hú và những tiếng nổ rung tường nhà, đánh thức anh dậy. Lương bổ choàng ra sân nhìn lên. Trên đỉnh đầu giữa trời chói lóa, lơ lửng một đám mây tròn da cam và một vệt trắng dài lằng ngoằng. Vẫn có tiếng máy bay ù ù. Lúc này Lương đã nhận ra trên cao tít tắp có hai sợi khói nhỏ như hai sợi chỉ đang kéo dài ra rất nhanh: tụi địch đang chạy chí chết. Đằng trước rồi bên cạnh chúng nó hiện ra một, hai, ba cụm trắng tròn, một sợi khói như gãy xuống, rơi ngoằn ngoèo rồi biến mất.

Tiếng pháo bắn lại dội liên hồi. Trên vùng trời ngoại ô, từng cụm những điểm khói đạn mọc ra mỗi lúc một nhiều. Lương đã thấy một tốp Con Ma xám đen đang nghiêng ngả bên trên những mái nhà, những lùm cây nhấp nhô phía xa. Một cột bụi khói vàng sạm vừa bốc lên. Lẫn trong những tiếng súng, tiếng máy bay địch, bỗng rít lên tiếng vo vo quen thuộc. Lương ngoái đầu lại, vừa kịp thấy một chiếc Mích trắng vụt qua trên một khoảng trời giữa hai nóc nhà. Anh lại nhìn về phía địch vừa ném bom. Tiếng súng đã im, trên khoảng chân trời vẩn lên những làn khói đạn đang tan, bỗng loang loáng những vệt trắng của mấy chiếc Mích lao nhanh rồi biến mất.

Mấy phút sau, còi u u báo yên. Lương trở vào. Thằng cháu Sơn vẫn nắm tay ngủ. Cái gian buồng nhỏ lần này như trở thành nhà của anh thật! Từ bây giờ mỗi khi bay lên cao qua Hà Nội thì Lương biết rằng ở bên dưới, giữa biển mái nhà chen chúc, có gian buồng này… Lương nhìn mấy cái áo cánh, áo sơ-mi nhỏ nhắn treo lộn xộn trên mắc, thấy chúng có cái gì làm cho ở đây thành một cái nhà, chứ không phải chỉ là một khoảng không gian giữa bốn bức tường để cho người ta có chỗ ở…

Mấy chiếc Mích đã trở về, đang lượn một vòng chung quanh Hà Nội. Lương đứng lên lại ngồi xuống, quanh ra quanh vào, anh bỗng nhận thấy là mình đang mong Tuyến về.

Khi nghe tiếng bước nhanh lên cầu thang, Lương vội ra mở cửa. Tuyến bỏ khẩu súng trường sau vai, đặt tựa ở góc tường.

- Lúc nãy tên lửa ta bắn máy bay của nó, anh có thấy không?

- Thấy rõ lắm. Thằng ấy chắc là một thằng trinh sát.

Trông Tuyến mặc bộ quần áo xanh thợ máy, có cái gì rắn rỏi mà vẫn có duyên, rất ưa mắt. Tuyến lột cái mũ cát-két vải, ném lên mắc.

- Đào sáng nay thế nào, anh?

- Cô ấy vẫn sốt, nhưng ngủ được khá và đã ăn được tí sữa. Hai mẹ con gặp nhau mừng lắm.

- Trưa nay hai bác cháu chẳng có gì ăn.

- Có chứ. Thôi bây giờ cô ở nhà với cháu, tôi lại đằng nhà cậu Toản đưa hộ cậu ấy bức thư rồi còn vào bệnh viện.

- Vâng, độ năm giờ anh về, cho em vào với Đào một lúc.

*

Buổi tối, trời có trăng. Cơm nước xong, khi cháu Sơn đã ngủ, Lương bảo:

- Ta đi chơi phố một lúc đi.

- Vâng, anh cứ xuống nhà. Em sang bà Đán một tí để gửi cháu, nhỡ có báo động.

Lương xuống ngõ, đứng đợi. Khi Tuyến ra đến nơi, anh thấy hình như Tuyến trông hơi lạ. Cô đã tết một bím tóc dài buông xuống bên vai và mặc cái áo cánh vải hoa, nom cổ cao thon hẳn lên và dáng người mềm mại hẳn.

Họ đi bên nhau, cả hai cùng im lặng, hình như cảm thấy từ lúc họ đi sánh vai bên cạnh nhau thế này, có một cái gì trong đời họ đã khác đi.

Phố Hà Nội ban đêm vẫn thắp đèn, nhưng thỉnh thoảng lại có một khu cắt điện, chỉ có ánh trăng dãi lốm đốm trên đường. Họ đi dưới những hàng cây cao, qua hết đường này đến đường khác, khẽ nói chuyện với nhau rồi lại im lặng từng lúc lâu, cùng bỡ ngỡ vì một niềm vui mới lạ và êm dịu. Đôi lúc, Lương bỗng có cảm tưởng như một cái biển rộng mênh mông đang ở dưới những bước chân anh.

- Làng em ở ven sông Đáy, có đầm sen mát lắm, bao giờ Đào được ra viện em phải lôi nó về nghỉ một vài tuần thì nó mới khỏe hẳn được.

- Gia đình tôi thì mất quê từ lâu rồi. Bây giờ chỉ còn nhớ dạo chúng tôi còn bé, nhà ờ cái ngõ cuối phố Hàng Đậu, cái ngõ chỉ lắm nước cống nhưng ngày ấy tôi lại thích vày lắm, cứ lê la thả thuyền giấy cả ngày. Nhà ở ngay bên chỗ một công-ty họ cho thuê xe kéo, tôi còn nhớ nó là một cái sân xi-măng rộng, ba phía là nhà lụp sụp, còn một phía là dãy tường thấp có hàng rào sắt. Mỗi người phu đến thuê xe cứ đứng ngay giữa sân mà lột quần áo của mình ra, mặc bộ quần áo thô nhuộm chàm vào, ở lưng áo có một vòng tròn trắng, trên in số. Trong ngõ có hai ba hàng cơm, khách hàng hầu hết là anh em phu xe, đêm khuya đến hai ba giờ sáng vẫn còn anh em phu đến ngồi ăn ở mấy cái ghế dài, chung quanh ngọn đèn treo lù mù. Và trong hãng xe lại có sòng bạc của nhà chủ nữa, ban đêm cứ nghe tiếng xào xạc ở sau cái dãy tường rào sắt ấy, lắm đêm nghe những tiếng đánh đấm huỳnh huỵch, chẳng ngày nào là không thấy cảnh bọn cai xe chửi đánh những người phu về trả xe mà nộp không đủ tiền. Mà lạ, sao hình như ngày ấy hay gặp người điên, ở cái ngõ ấy cũng có một người đàn bà điên, bấy giờ tôi bé quá cũng chẳng hiểu gì, cứ thấy chị ta xõa tóc, quần áo rách rưới mà lại thắt những mảnh vải xanh đỏ, tay cầm cành cây vừa đi vừa nói lảm nhảm, là tôi chạy theo cùng với từng đàn trẻ con trong ngõ, nhiều hôm tôi lẽo đẽo đi theo chị ta tít lên tận dốc Hàng Than, ra bờ sông. Kể chuyện trong ngõ ấy thì còn lắm lắm…

Tuyến vẫn im lặng đi bên Lương và nghe anh kể chuyện, thỉnh thoảng cô ngoảnh sang nhìn anh rồi lại quay đi, đầu hơi cúi xuống, tay mân mê cái bím tóc bên vai. Chung quanh hai người, ánh trăng lúc này như sáng hơn, quang rộng hơn. Họ đã ra tới bờ sông Hồng. Phía xa, ngay sát bên con đê cao, khu nhà máy xay đang chạy máy ầm ì, hắt lên trời một vùng bụi sáng trưng. Đi trên đường đê, họ nghe rõ tiếng sóng nước vỗ lõm bõm. Nước đã ngập hết dưới bãi, chỉ còn nổi lên từng dẫy những mái nhà gianh.

- Tệ thật! Nước to quá!

- Thế là nước đã rút bớt đấy anh ạ. Bây giờ anh lên phía cột đồng hồ hay là mé nhà máy nước đá thì còn lủng củng toàn những thứ đồ đạc của đồng bào các xóm dưới bãi người ta chạy vội lên mặt đê mấy hôm trước.

Hai người đi một quãng trên mặt đê rồi lại xuống con đường phố chạy dài vắng vẻ, theo dọc bờ sông. Họ bước thong thả dưới một hàng cây gạo lâu đời, những thân cây to hàng mấy ôm đứng thẳng tắp, cành lá vượt lên khỏi những khối nhà đồ sộ tắt đèn im lìm.

Tuyến bỗng đứng lại.

- Cái máy bay hôm nọ kìa!

Bên kia sông, một chụm mấy đốm đèn xanh đỏ đang chuyển động trên khoảng trời sáng trăng mờ mờ. Tiếng máy bay ù ù dội sang lẫn với một tiếng còi xe lửa huýt dài phía cầu Long Biên.

Lương ngoảnh sang. Gương mặt Tuyến tắm trong ánh trăng dịu dàng cũng đang quay lại anh, đôi mắt thăm thẳm nhìn anh như muốn cười, như muốn khóc. Lương xôn xao hết cả trong người, anh cầm lấy bàn tay Tuyến thấy cả bàn tay ấy đang run rẩy. Lương gọi thì thào:

- Tuyến!

- Anh…

Tuyến trả lời rất khẽ như sắp tắt thở và giấu khuôn mặt nóng bừng vào bên vai Lương.

Dưới gốc cây cao, họ đứng im không dám nói gì nữa. Không biết họ đứng như thế bao lâu. Một chiếc ô-tô chạy qua làm cho họ như tỉnh lại. Hai người rẽ về trong phố. Lương ngoái đầu nhìn lại bờ sông, mấy chấm đèn xanh đỏ của chiếc máy bay đang từ từ bay sang và đi qua trên hàng cây gạo chạy dài um tùm cả một vùng trên nền trời.