“Bác nói (…) chỉ được thắng không được thua”, “Tôi cảm thấy có điều gì chưa ổn” về kế hoạch đánh, nghĩ tới nghĩ lui, rồi xin thay đổi kế hoạch.(1) Lý do thấy cần thay đổi là “Chiến thắng đòi hỏi sự táo bạo. Nhưng nó không chấp nhận bất cứ hành động phiêu lưu nào”. Mấy năm sau, ở Điện Biên Phủ diễn biến này sẽ lặp lại. Có thể chắc chắn là cả hai lần quyết định thay đổi vào phút chót của Đại tướng đều đúng. Và quyết định đúng của Đại tướng nó lại nhắc ta quyết định đúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi chọn Đại tướng làm Tổng tư lệnh. Nếu Hồ Chủ tịch đã chọn một… Trương Phi, thì đại sự đã hỏng bét rồi!

“Bác sẽ đi chiến dịch”. Đứng đầu nước, sáu mươi tuổi, mà đi chiến dịch. Thua là phải lắm, giặc ơi!

(Thu Tứ)

(1) Kế hoạch đánh thị xã Cao Bằng là do tập thể (Tổng quân ủy) đề xuất và cấp trên (Thường vụ) chấp thuận, chứ “Trong tư tưởng của tôi từ trước, điểm đột phá trên chiến trường này phải là Đông Khê”. Còn ở Điện Biên Phủ thì “Đánh nhanh, thắng nhanh” là chủ trương của Bộ chỉ huy tiền phương trước khi Đại tướng lên tới nơi.



Võ Nguyên Giáp, “Chiến dịch Biên Giới” (1)



Cuối tháng Bảy (năm 1950) (…)

Tôi sang (…) Tân Trào chào Bác trước khi lên đường. Đây là chiến dịch lớn đầu tiên của quân đội ta. Bác đã bàn trong Thường vụ lần này Bác sẽ đi chiến dịch (…) Bác hẹn cuối tháng Tám hoặc đầu tháng Chín sẽ có mặt ở Cao Bằng.

Khi chia tay, Bác nói:

- Chiến dịch này hết sức quan trọng, chỉ được thắng không được thua!

*

(…) Dọc đường, nghĩ về nhiệm vụ, tôi cảm thấy có điều gì chưa ổn. Mục tiêu đặt ra cho chiến dịch có vượt quá sức của bộ đội ta hiện nay không? Ta có thể huy động đủ lương thực cho một số lượng rất lớn bộ đội, dân công trong một chiến dịch dài ngày không?

Lực lượng ta trong chiến dịch gồm 5 trung đoàn chủ lực của Bộ, đều là những đơn vị được thử thách qua nhiều chiến dịch, 3 tiểu đoàn chủ lực của Liên khu Việt Bắc và những đơn vị vũ trang của hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Có thể nói ta đã tập trung những vốn quý vào trận đánh sắp tới. Quân địch ở Khu Biên thùy Đông Bắc có số lượng xấp xỉ với bộ đội chủ lực ta, phần lớn là lính Âu Phi thiện chiến. Khi chiến dịch nổ ra, lực lượng địch có khả năng lên tới trên 20 tiểu đoàn.

Nhìn chung, ta không có ưu thế về quân số, và địch có những vũ khí, phương tiện chiến tranh ưu việt hơn ta rất nhiều.

Địch chỉ có một nhược điểm lớn mà ta có thể khai thác, đó là toàn bộ binh lực, hỏa lực của chúng đều phân tán ra ở những vị trí cô lập cách nhau hàng chục ki-lô-mét, rải thành tuyến dài hàng trăm ki-lô-mét giữa vùng rừng núi hiểm trở, khó bề ứng cứu lẫn nhau vì điều kiện đường sá cũng như thời tiết. Ta chỉ có khả năng giành thắng lợi nếu biết khoét sâu vào nhược điểm của địch, và khai thác tối đa tính năng cơ động của bộ đội chủ lực ta.

Lấy thị xã Cao Bằng làm điểm đột phá để mở đầu chiến dịch có phải là sự lựa chọn đúng không?

(…) Nếu đánh thắng (…) ảnh hưởng chính trị sẽ rất lớn. Nhưng bộ đội ta chưa hề đánh một vị trí có tới 2 tiểu đoàn Âu Phi đóng giữ! Thị xã Cao Bằng nằm giữa hai con sông và có ngôi thành cổ rất vững chắc. Đánh thị xã sẽ thực sự là một trận công kiên lớn mà chúng ta còn chưa có kinh nghiệm.

Trong tư tưởng của tôi từ trước, điểm đột phá trên chiến trường này phải là Đông Khê. Ở đây địch đóng một tiểu đoàn, nằm trong khả năng tiêu diệt của bộ đội ta. Mất Đông Khê, thị xã Cao Bằng sẽ trở nên hoàn toàn cô lập. Địch nhất định phải chiếm lại Đông Khê. Bộ đội ta sẽ dựa địa hình rừng núi mà tiêu diệt bộ binh địch (…)

Mặc dù công tác chuẩn bị giải phóng thị xã Cao Bằng đã được triển khai, nhưng tôi vẫn rất phân vân (…)

Chiều ngày 3 tháng 8 năm 1950, tôi tới Quảng Uyên, một vùng nhiều núi đá nhỏ giống như một vịnh Hạ Long trên cạn. Sở chỉ huy chiến dịch nằm ở bản Tả Phày Nưa không xa đường cái nhưng vẫn kín đáo (…)

Tôi gặp anh Hoàng Văn Thái và anh Trần Đăng Ninh để nắm tình hình (…)

Tinh thần phục vụ chiến dịch của đồng bào dân tộc hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn rất cao. Việc vận chuyển lương thực, đạn dược phải qua nhiều con đường nhỏ hẹp, hiểm trở, nhiều dốc cao, suối sâu, lại lầy lội, sụt lở vì đang mùa mưa, và luôn luôn bị đại bác, máy bay địch bắn phá. Vừa qua, đại đội dân công của Bắc Sơn khi vượt đường số 4 bị máy bay địch phát hiện, oanh tạc làm chết và bị thương 71 người. Đại đội dừng lại một ngày mai táng các liệt sĩ, cấp cứu người bị thương, rồi lại lên đường tiếp tục chuyển gạo tới Pò Mã (…)

Chập tối, củi chụm trên bếp nhà sàn vừa bén lửa thì các anh, chị lãnh đạo tỉnh tới. Toàn những đồng chí trung kiên của chiến khu Cao – Bắc – Lạng trước đây. Gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng. Lần nào gặp lại các đồng chí cũ tôi cũng cảm thấy ấm lòng (…)

*

Sáng ngày 5 tháng 8 năm 1950, đoàn nghiên cứu thực địa lên đường rất sớm. Sương mù dày đặc. Chúng tôi phóng ngựa trên con đường đá chưa có người qua lại (…) Mặt trời đứng bóng, chúng tôi tới đèo Mã Phục (…) Đồng chí Quốc Trung, trưởng đài quan sát, đã đứng đón. Chúng tôi để ngựa lại, bỏ đường cái, bắt đầu đi theo đường rừng (…) mãi nửa buổi chiều mới tới một đỉnh núi ở ngoại vi thị xã Cao Bằng. Đài quan sát đặt tại đây với một kính viễn vọng có bội số quang học lớn. Trưởng đài nhắc mọi người chú ý ngụy trang, không đi lại, không đứng lố nhố, vì ngọn núi này nằm ngay cạnh sân bay, trong vòng lượn của máy bay. Tiểu đội cảnh vệ nhanh chóng bố trí cảnh giới.

Tôi tới vị trí quan sát nhìn xuống phía dưới chỉ thấy một biển sương mù. Tôi hỏi trưởng đài:

- Từ đây tới thị xã bao xa?

- Báo cáo anh, khoảng 1.000 mét theo đường chim bay (…)

Bỗng nghe tiếng hát và tiếng đàn từ đâu vọng lại (…) Quốc Trung nói: “Đó là tiếng máy hát ở một đồn tiền tiêu”. Người chiến sĩ đứng gác máy quan sát bỗng quay lại nói: “Trời bắt đầu có gió to. Sắp nhìn thấy thị xã”.

Tôi trở lại vị trí (…) Sương mù phía dưới đang trôi đi. Thung lũng hiện ra với những mỏm đồi đỏ loét, rồi vệt sáng lấp lánh ánh vàng của một con sông. Một người nói: “Sông Bằng Giang!”.

Cả thị xã đã hiển hiện trước mắt (…)

Hai con sông Bằng và sông Hiến như đôi cánh tay ôm vòng lấy ba mặt thị xã. Những đường phố hầu như nguyên vẹn (…) Nổi bật lên ở một góc thị xã là tòa thành cũ, bộ đội thường gọi là pháo đài, có tường cao và dày bao bọc (…) Có một hệ thống những đồn tiền tiêu địch đã xây dựng trên những quả đồi bao quanh thị xã. Màu đỏ ối của những vị trí này và những hàng rào dây thép gai như đập vào mắt. Tôi lần lượt đếm được 15 vị trí (…) Con đường số 4 nằm quanh co bên sườn núi (…)

Tôi lần lượt quan sát từng vị trí, hỏi kỹ số lượng và thành phần binh lính, cách bố phòng, những con đường bộ đội có thể tiến vào, thử hình dung những khó khăn mà các mũi sẽ gặp trên thực địa, và nghĩ xem có thể vượt qua bằng cách nào.

Tôi đã hiểu vì sao bộ chỉ huy Pháp chưa chịu rút quân khỏi Cao Bằng (…)

Trời bắt đầu mưa lâm thâm. Xuống tới lưng chừng núi thì mưa như trút (…) Không còn nhìn thấy lối đi. Chúng tôi mỗi người cài lên mũ một mảnh tre mục để người đi sau nhận ra người đi trước qua những đốm sáng lân tinh (…) Chúng tôi bì bõm hết lội suối lại lội bùn suốt đêm trong rừng (…)

Cùng thời gian này, chỉ huy trưởng các trung đoàn cũng đi quan sát thực địa (…)

Qua chuyến đi (…) tôi càng nhận thấy không thể chọn thị xã Cao Bằng làm điểm đột phá cho chiến dịch. Quân địch ở đây không quá đông, nhưng địa hình (…) cho chúng cái thế (…) “Một người giữ ải, muôn người khó vượt qua”. Đánh Cao Bằng sẽ phải giải quyết một loạt vấn đề chiến thuật mà bộ đội ta còn ít kinh nghiệm. Phải tổ chức vượt sông ngay tại trận địa. Nhiều khả năng phải đánh cả ban ngày, đánh dài ngày. Phải đối phó với quân dù, hỏa lực máy bay, đại bác trên những địa hình trống trải. Phải tiêu diệt những công trình phòng ngự rất kiên cố trong khi quân ta hầu như chưa có vũ khí nặng (…)

Trước đây ta dự kiến tiến công thị xã Cao Bằng sẽ có điều kiện đánh quân viện để giành một thắng lợi lớn. Nhưng lúc này, tôi thấy ít có khả năng địch đưa viện binh lớn lên theo đường bộ. Đoạn đường từ Thất Khê lên đây đã trở thành quá nguy hiểm đối với quân địch. Những tháng qua, ở đây chỉ nhận được tiếp tế bằng máy bay (…) Như vậy, trong trường hợp ta uy hiếp mạnh, có nhiều khả năng địch sẽ hy sinh quân đồn trú và rút những lực lượng ở Đông Khê, Thất Khê về Lạng Sơn một cách an toàn trong khi hầu hết chủ lực ta đang tập trung để giải quyết thị xã!

Đánh thị xã Cao Bằng sẽ khó bảo đảm yêu cầu “trận đầu phải thắng”. Và nếu đánh thắng, cũng khó tránh khỏi tổn thất lớn trong khi chỉ tiêu diệt được một bộ phận nhỏ quân địch: 2 tiểu đoàn!

Mục tiêu của chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch và giải phóng tỉnh Cao Bằng. Làm cách nào để đạt được mục tiêu này?

Tôi nghĩ cách mở đầu chiến dịch tốt nhất vẫn là đánh Đông Khê. Đông Khê là cứ điểm quan trọng nối liền Thất Khê với Cao Bằng. Cứ điểm Đông Khê mặc dù đã được củng cố, vẫn nằm trong khả năng tiêu diệt của bộ đội ta. Mất Đông Khê, địch hoặc sẽ phải chiếm lại, hoặc sẽ phải rút khỏi Cao Bằng. Ta sẽ có điều kiện đánh địch ngoài công sự. Nếu địch không chiếm lại Đông Khê, ta sẽ đánh tiếp Thất Khê. Cuối cùng, ta sẽ chấn chỉnh lực lượng quay lên giải phóng thị xã. Khi đã mất cả Đông Khê và Thất Khê, tinh thần quân địch sẽ khác, đánh địch sẽ thuận lợi hơn hiện nay nhiều. Tùy tình hình, không nhất định phải giải phóng thị xã Cao Bằng bằng một số trận công kiên, mà cũng có thể bao vây buộc quân địch đầu hàng.

Tôi quyết định nêu vấn đề này trong cuộc hội ý Đảng ủy Mặt trận ngày hôm sau. Đảng ủy đều nhận thấy (…) nên chuyển sang đánh Đông Khê. Nhưng có ý kiến: “Thường vụ đã quyết định đánh thị xã, mọi công tác chuẩn bị về tham mưu, hậu cần đã hướng cả về đó, nếu bây giờ thay đổi, chiến dịch sẽ bị chậm lại”.

Tôi kết thúc cuộc hội ý:

- Thường vụ quyết định mục tiêu chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch quan trọng, giải phóng tỉnh Cao Bằng để mở thông biên giới. Chủ trương mở đầu chiến dịch bằng đánh thị xã Cao Bằng là do Tổng quân ủy đề xuất. Nếu thấy như vậy không bảo đảm đạt mục tiêu chiến dịch, ta cần báo cáo để xin quyết định mới của Thường vụ. Trong khi chờ đợi, mọi công tác chuẩn bị vẫn tiếp tục.

(…)

Ngày 15 tháng 8, tôi nhận được điện của Bác chấp thuận chuyển hướng chiến dịch sang Đông Khê.

(…)

Tôi biết quyết định này không chỉ đảo lộn công tác chuẩn bị đã triển khai rất vất vả thời gian qua, mà còn làm mất đi hào hứng của nhiều người muốn được tham gia vào trận đánh đầu tiên giải phóng một thị xã. Nhưng không thể khác. Chiến thắng đòi hỏi sự táo bạo. Nhưng nó không chấp nhận bất cứ hành động phiêu lưu nào.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Đường tới Điện Biên Phủ in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 626-637)