Thời tiết, phong cảnh: “Trời khô nắng hanh. Núi trọc, núi hói (…) đồi (…) như sóng bể cứng sững đông đặc lại”. Bộ đội: “…nhễ nhại mồ hôi, mặt đỏ dừ (…) khiêng từng mảnh Voi lên dốc (…) Đêm (…) hành quân (…) luồn rừng men mép vực sâu”.

Đi vất vả vô cùng, và khi đến nơi thì rất có thể sẽ ở lại luôn, không bao giờ về nữa, thế mà lòng người đi đang “bùng bùng”: “Chúng tôi như những bó củi nỏ chờ lửa. Từ trước chưa bốc cháy hoặc có cháy thì cũng lem nhem thôi. Nay…”. Ngọn lửa ái quốc bốc cao ngùn ngụt dọc đường số 4 mấy tháng đầu năm 1950 đã được một người cầm bút hay đi theo những người cầm súng ghi lại thật rõ ràng.

Người ấy lại có thói quen thi thoảng chen vào giữa vô số dòng nội dung chính, những câu ghi ngoài đề: “Nhiều buổi làm việc (…) quên không hạ cửa, mây lững thững đi vào nhà (…) Có “ai” chịu khó xua đuổi những “con” mây tọc mạch suồng sã ấy thì là những lửa củi rừng”. Đọc bút ký kháng chiến của Nguyễn Tuân, ngoài cái vui thấy mình như cũng đang đi theo chiến sĩ ra chiến trường, ta còn được nhắc nhớ rằng dân tộc Việt Nam đã sinh ra bao nhiêu đứa con nghệ sĩ nhậy cảm tuyệt vời. Năm xưa những “con mây suồng sã” có ngờ đâu là đã bay luôn vào lòng một người ngồi làm việc trong nhà, để rồi được người ấy cho bay tiếp vào trang văn của mình mà còn mãi cùng với tất cả những hình ảnh không thể nào quên của một thời chinh chiến…
(Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Tình chiến dịch” (1)




Đầu năm 1950 (…)

Nhiều buổi làm việc (…) quên không hạ cửa, mây lững thững đi vào nhà, tụ lại thành bóng nước, trước sự thản nhiên của mọi người. Có “ai” chịu khó xua đuổi những “con” mây tọc mạch suồng sã ấy thì là những lửa củi rừng (…)

Các đơn vị nhộn nhịp sửa soạn vượt đường. Đường số 4 (…)

Ngày hành quân đầu tiên, đơn vị khinh binh vừa di chuyển vừa học tập. Bài học sớm này là vấn đề vận động phục kích. Từ trên xa truyền xuống, ra bài. Lá đầy người, nối sát nhau hàng một, đoàn quân nói choang choang trên đường rừng loằng ngoằng. Anh đi trước tôi kẹp mạnh súng, nghiêng cái đầu xuống phía tôi: “Các cán bộ tiểu đội thảo luận. Truyền xuống”. Tôi là một cái vòng giữa của dây truyền, tôi nghiêng đầu nói với anh đi dưới: “Các cán bộ tiểu đội thảo luận. Truyền xuống”. Câu nói cứ xuống, xuống mãi. Nhiều phụ nữ Thổ, Nùng ngừng tay liềm dưới ruộng lúa chín nhìn lên cái dây lá tươi chuyển động, nghểnh tai và cười. “Các đội viên nêu kinh nghiệm. Truyền xuống”. Tôi giật mình, truyền xuống. Lại cứ thế mãi mãi cho đến lúc dừng cả lại bắc bếp bên suối ăn cơm sớm.

Các đồng chí gần tôi đang nêu to kinh nghiệm bỗng nín tiếng, thở hụt hơi. Cái dốc ấy nặng quá.

Chiều trong thung lũng, các bếp trung đội, đại đội bốc khói lam, phảng phất một chút nhớ nhà. Dân chúng thưa. Đạn 105 ở vị trí nó thỉnh thoảng vẫn rơi ở chỗ mặt ruộng quanh nhà sàn. Họ bỏ đi hết, trừ một vài gia đình người Thái Bình, lên đây đã lâu, sống với nghề hàng sáo và buôn muối tận phố Bình Gia. Nhà sàn xiêu vẹo. Bộ đội dù là đi qua, cũng tổ chức ngay đời sống. Về việc vệ sinh, Hội đồng Binh sĩ đã cắm sẵn những cái biển con đề: “Cấm không ai được Vĩnh Thụy ra đây”. Trên mặt ruộng lớm chởm gốc rạ cũ, súng đạn, ba-lô, sọt gánh để ngổn ngang. Nó như một bãi sắp dựng lều xiếc. Nó như một cảnh chợ chiều vang vang tiếng nói. Buổi tối anh chính trị viên tiểu đoàn tìm chúng tôi để cùng đặt kế hoạch vận động văn nghệ trong toàn thể đơn vị. Chúng tôi thảo luận về tiến trình biểu cho công tác văn nghệ lúc ở bên này đường và lúc sang hẳn bên kia đường số 4. Dưới mặt sàn, quanh bếp lửa, anh đại đội trưởng thảo luận với cán bộ trung đội về vấn đề bộ binh tích cực giúp đỡ pháo binh, tức là vấn đề vác hộ Voi ngày mai vượt các dốc cao dãy núi hói. Cán bộ bao giờ cũng thức khuya hơn đội viên. Ngọn đèn lù mù mãi bên cuốn sổ công tác của anh đại đội trưởng. Ở một gian nhà sàn đầu xóm, vẫn le lói một ánh đèn nữa. Tôi biết đấy là chỗ B.C.H. Và anh tiểu đoàn phó đang tính toán nhiều trên bản đồ xanh lè của công binh. Anh phải đặt mệnh lệnh hành quân. Tuổi anh ít, nhưng mặt anh già câng. Có lẽ anh già trước tuổi vì cứ cúi mãi xuống bản đồ. Lúc tôi mở mắt dậy thì còn tối lắm, đĩa bát lách cách trên bếp sàn. Ăn sớm, hành quân sớm. Tôi tung bạt, sà xuống ăn ngay. Tôi cũng đã quen với cái tác phong ăn cơm ba bốn giờ sáng không cần súc miệng.

Trời khô nắng hanh. Núi trọc, núi hói. Dốc cao. Lính nhễ nhại mồ hôi, mặt đỏ dừ. Thân đạp, chân tỳ, lá chắn, bánh xe, nòng máng, ống chụp, nặng ôi là nặng. Bộ binh luân phiên nhau ghé vai khiêng từng mảnh Voi lên dốc. Một anh họa sĩ trong đoàn văn nghệ đi chiến dịch vẽ nhanh những tờ tranh hoạt họa đưa cho các đồng chí chuyền tay nhau xem cho nó tươi quãng núi trọc nắng gắt. Ba bốn anh nhạc sĩ, mang đàn chạy lên trước, ngồi vắt vẻo trên đỉnh núi, dưới gốc cây đánh đàn để động viên cuộc rước pháo lên dốc. Người lính khiêng nặng hạ đòn khiêng bộ phận ca-nông lên những nạng đem theo chống như ba-toong. Anh lau mồ hôi đứng nghỉ nghe đàn, tủm tỉm: “Văn nghệ có khác. Tươi đấy các anh ạ”. Buổi chiều ngày thứ hai, rừng nứa trú quân nổ bôm bốp như tiếng đốt nương. Không, tiếng chặt nứa chặt tre làm lán ngủ đêm nay đấy. Buổi tối, tôi gối đầu lên một bị đầy nhật ký vừa thu ở các đơn vị sau buổi sinh hoạt lửa trại phổ biến ý thức làm văn nghệ cho anh em đội viên. Nhớ lúc bế mạc lễ phát động văn nghệ trong tiểu đoàn, lời anh chính trị viên của đại đội (mà tôi đi theo?) nhiều thanh niên tính nhất: “Chúng tôi như những bó củi nỏ chờ lửa. Từ trước chưa bốc cháy hoặc có cháy thì cũng lem nhem thôi. Nay…”. Dễ mến quá. Ánh sáng ngày thứ ba cuộc hành quân rọi trên những mái lán lợp bằng các thứ lá bóng loáng sương đêm thu. Chốc nữa, sang ngang sông Kỳ Cùng. Và lặn mặt trời thì vượt đường số 4. Mọi người nô nức. Hàng nghìn người vượt một lúc.

Tối nay ta luồn vào nách đồn nó, luồn vào giữa khe các cứ điểm chuỗi của nó (…) Qua khỏi sông Kỳ Cùng là cả vùng đều tề (…) bờ bên kia là đất địch, sinh hoạt không được to tiếng. Hỏa lực bắn chéo của hai đồn ỷ giốc của nó đã lấy cỡ sẵn trên các quãng đường nhựa (…) Cảnh khô, đất đỏ, đồi uốn lưng nhấp nhô như sóng bể cứng sững đông đặc lại. Một vài vọng tiêu dân quân, nền lay lứt ít gốc củi cháy từ đêm qua. Bộ phận ái hộ voi đã cuốc sẵn những bực cho pháo binh lên dốc và chọn riêng một cái dốc cho voi xuống bè. Ăn cơm nắm trên một cái núi trọc không có tí suối nào. Một vài đội viên tỏ cảm tình chân thật, bứt cho chúng tôi ít quả me nhấm cho đỡ khát. Nghển người lên, chúng tôi thấy rõ lá cờ tam tài ở dãy núi đằng kia (…)

Nhá nhem nhiều băng đạn nổ vu vơ ở các phía vị trí địch. Cứ bám sát ba-lô nhau mà tiến dần ra đường cái. Nhiều khi ở trên dừng lại mình không nhìn thấy. Thế là dập vào nhau như dồn toa tàu (…) Gần nửa đêm, chúng tôi ộc ra đường số 4 (…) Mặt đường nhựa còn hâm hấp cái nắng ban ngày. Mùi ét-xăng mùi ma-dút của công-voa nó còn vương vít trên cây, trên cỏ mép đường và xốc mạnh vào mũi. Mấy anh đại đội trưởng bố trí ở đây bắt tay tôi, cười nói thỏa thuê, mỗi anh khoác cái chăn xám, đi lại như bóng người đổi gác. Có anh lại còn cho tôi một mẩu đường phèn để nhấm cho đỡ mệt. Đêm nay hành quân đến hẳn sáng bạch nhật mới tới gần biên giới kia đấy. Rừng bên kia đường. Tối như bưng mắt. Tất cả đều đi bằng tai. Cứ nghe tiếng thở của người trước mà bám riết. Cứ nghe tiếng lá ngụy trang khô giòn từ hôm qua nó kêu lạt sạt trên lưng người trước mà bám miết. Những giờ luồn rừng men mép vực sâu, lại là lúc buồn ngủ như khâu lấy mắt. Góc các ngã ba rừng, vẫn có người gác, có những cái đầu ngóc ra ngoài đống chăn bềnh bệch hỏi sẽ: “Đơn vị nào?”. Chỗ ngã ba này tới đồn nó chỉ độ hai cây. Dưới đất, chốc chốc lại thấy có rất nhiều kim đồng hồ xanh lè. Một vài anh gài những lá nứa mục có chất lân tinh ấy lên ba-lô người trước để dễ bước theo. Vai cứ muốn xuôi thõng xuống. Bây giờ tôi mới sực nhớ đến cái túi dết da đựng đến ba bốn chục cuốn sổ tay nhật ký của các đơn vị đưa đọc để yêu cầu nêu ưu khuyết điểm văn nghệ quân đội! Lấp ló trong màn sương ánh đèn cứ điểm Pháp. Gà anh cấp dưỡng lên tiếng gáy để có những tiếng truyền xuống: “Bóp đi, bóp đi”. Sáng bạch nhật gần ra khỏi cửa rừng. Nghỉ và thay lá ngụy trang mới. Cửa rừng lao xao tiếng bẻ cành bứt lá và rộng quang hẳn đi.

Đơn vị đánh quen các mặt trận có khác. Họ đánh vận động chiến, công đồn đã có truyền thống. Sau khi phổ biến kế hoạch đánh đồn Na Han, anh đội viên đại đội nào cũng thử lửa cả rồi, họ phớt tỉnh đều. Chỉ có cán bộ là vẫn thận trọng, nhắc nhở: “Không chủ quan khinh địch”. Bộ đội tản mạn vào rừng, mỗi người vác về một cây tre dài để dựng lán và làm thang xung kích vượt rào công đồn, làm cáng thương binh tử sĩ, làm sọt công sự. Tôi đi qua dẫy lán mới dựng lẩn vào cây núi. Trông như những dẫy chợ, chia ra thành từng sít-tăng bày hàng. Anh đội viên xung kích đùa: “Hàng hôm nay chưa có gì anh ạ. Mai nhổ xong Na Han, có thứ hàng gì không cháy là sẽ đem bày hết ra đây. Cái kho quần áo nó mà không bị đạn lửa mình đốt thì quần áo lấy về bày ở đây cũng thừa một cái chợ trời”. Tối, sinh hoạt thầm không đốt lửa trại, vì cách nó chỉ có một quả núi và một quãng rừng con. Tôi đứng giữa vòng bộ đội ngồi xếp vòng tròn, cạnh tôi là một cái đèn bão, giảng nốt cho anh em về cách ghi xúc cảm vào nhật ký và nhân dịp đánh đồn này, tập viết ký sự để cho vào bích báo tường thuật trận Na Han. Nhà sàn nào cũng có đơn vị sinh hoạt. Chỗ này Hội đồng Binh sĩ thảo luận về chi tiết kỷ luật thu dọn chiến trường trong đồn cháy ngày mai. Chỗ kia anh chính trị viên đại đội đang dặn anh em thế nào là cái máy vô tuyến điện, nó có dây bọc cao-su, nó có bóng đèn xanh đỏ con con, hễ thấy thì phải lấy và giữ gìn cho kỳ được nguyên vẹn, nó còn quý hơn cả các thứ súng máy. Nhà sàn ban chỉ huy lạch tạch máy chữ mổ quá khuya và liên lạc lên thang xuống thang tới tấp.

Tối hôm sau, giải quyết đồn. Chỉ có không đầy nửa giờ đồn cháy ra than, than hồng rừng rực đến bạch nhật ngày khác. Tôi đã không muốn vào đồn bốc lửa một tí nào vì tôi ngán cái mùi đồn cháy đã ngửi mấy lần rồi. Nó hôi khắm một cách phức tạp. Khói vải bạt cao-su, bựa đồ hộp, mỡ bò, mỡ giặc đang bị hỏa thiêu cứ phả vào mặt vào mũi, quyện lấy xống áo mình. Nhưng sau cùng tôi cũng leo dốc lên để so đọ thực địa tan hoang với cảnh đồ yếu đồ nghiên cứu hôm trước…