“Vì chiến tranh nhân dân đã triển khai rộng khắp vùng bị tạm chiếm, địch phải lo bảo đảm an toàn hậu phương”, nên không còn nhiều quân “cơ động chiến lược”.

Tuy lực lượng cơ động chiến lược của ta đông hơn, nhưng “vẫn đơn thuần là bộ binh, trang bị còn rất yếu kém, phương tiện di chuyển vẫn là đôi chân”. Ta phải có pháo binh, phòng không, phải được trang bị tốt hơn, phải di chuyển bằng cả “bốn bánh” nữa, thì mới mong thắng. Ngoại viện chờ mãi nay đang đợi bên kia biên giới. Cần lập tức mở rộng cửa cho nó vào!

Tại sao bỏ Tây Bắc quay sang Đông Bắc? Vì đó là cửa rộng hơn.

“Tôi biết là có rất nhiều thử thách…”. Nhưng đánh giặc ở Đông Bắc, kháng chiến cũng có một thuận lợi quan trọng là sự ủng hộ hết sức nhiệt tình của đông đảo đồng bào các dân tộc ít người.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Hè 1950: tình hình và quyết định”



Mùa hè năm 1950 (…) từ đây những biến cố lớn trên chiến trường bắt đầu diễn ra dồn dập hơn (…)

Điều gây căng thẳng lúc này (…) là khó khăn gay gắt về mặt lương thực. Những tỉnh miền núi ít đất trồng trọt, dân cư thưa thớt. Từ ngày kháng chiến phải đón nhận (…) đồng bào từ miền xuôi và trung du tản cư lên (…) Bộ đội tập trung về Việt Bắc mỗi năm mỗi đông (…) Cư dân miền núi lại phải tham gia mọi công tác chính quyền, đoàn thể, đi bộ đội, đi dân công (…) Số người không sản xuất nông nghiệp quá nhiều (…) Gạo, muối phải trông cậy vào miền xuôi.

Địch biết rõ điều này. Từ giữa năm 1949, chúng đẩy mạnh bao vây chặt chẽ ta về (…) lương thực, đặc biệt là gạo và muối. Chúng thực hiện chủ trương đốt sạch, phá sạch trong những cuộc càn, dùng máy bay đánh phá những đập nước, pháo binh, xe lội nước cản trở việc sản xuất (…)

Nhìn bữa ăn của bộ đội, cán bộ thật đau lòng (…)

Quân Pháp đã mở phạm vi chiếm đóng ra phần lớn các tỉnh đồng bằng Nam bộ, đồng bằng Bắc bộ (…) tại Trung bộ (…) làm chủ vùng đồng bằng từ Quảng Bình tới Quảng Nam (…) vẫn chiếm những tỉnh địa đầu trên biên giới phía bắc, từ Lai Châu, Lào Cao đến Cao Bằng, Lạng Sơn, Hải Ninh. Địch đã vơ vét được thêm từ chính quốc 13 tiểu đoàn (…) bắt lính ở vùng tạm chiếm (…) đưa quân số lên 180.000 người (…) với hỏa lực áp đảo và phương tiện cơ động nhanh, vẫn hoàn toàn làm chủ vùng trời, vùng biển, khống chế chiến trường ban ngày, và có thể mở những cuộc hành binh lớn bất cứ lúc nào vào vùng tự do của ta. Tuy nhiên, vì chiến tranh nhân dân đã triển khai rộng khắp vùng bị tạm chiếm, quân địch phải lo bảo đảm an toàn hậu phương, nên chúng chỉ có 12 tiểu đoàn cơ động chiến lược trong tổng số 124 tiểu đoàn. Ba phần tư lực lượng cơ động của địch được tổ chức thành 3 binh đoàn bố trí trên chiến trường Bắc bộ.

Chúng ta vẫn làm chủ vững chắc vùng căn cứ địa Việt Bắc, ba tỉnh tự do Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, vùng đồng bằng Liên khu Năm gồm các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Lực lượng bộ đội trên cả nước đã lên tới khoảng 166.000 người, trong đó có 45.000 quân địa phương. Dân quân du kích ước lượng trên 2 triệu người. Bắc bộ là chiến trường chính, khối chủ lực cơ động chiến lược đã sớm hình thành ở đây. Bộ Tổng tư lệnh có 30 tiểu đoàn trực thuộc (…) Về tổng số quân, ta không thua kém địch nhiều (166.000 / 180.000), lại có một lực lượng cơ động chiến lược đông hơn. Tuy nhiên, quân đội ta vẫn đơn thuần là bộ binh, trang bị còn rất yếu kém, phương tiện di chuyển vẫn là đôi chân, mọi thứ vũ khí, kể cả sơn pháo, đều nằm trên vai chiến sĩ (…)

Đầu năm 1950, Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở chiến dịch Tây Bắc (Lê Hồng Phong I) nhằm khai thông biên giới ở hướng Lào Cai (…) (Chiến dịch không thành công) phải tạm ngừng. Hạ tuần tháng tư (…) quyết định chuẩn bị (…) để tiếp tục (…) vào tháng sáu (…)

Sau khi đi Trung Quốc và Liên Xô về, Bác trao đổi trong Thường vụ nên chuyển hướng từ giải phóng Lào Cai sang Cao Bằng. Ngay từ cuối năm 1940, khi mới về nước, Bác đã đặc biệt chú ý tới vị trí chiến lược của tỉnh này (…) Cao Bằng là đầu mối những trục đường chiến lược cực kỳ quan trọng: đường số 4 chạy dọc biên thùy đông bắc tới miền duyên hải vịnh Bắc bộ, dọc đường có 3 cửa khẩu thông sang Trung Quốc; đường số 3 nối liền với Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Nội. Địa thế hầu hết là núi rừng hiểm trở trùng điệp. Người dân được thử thách, tôi luyện từ ngày thành lập Việt Minh, qua những năm kháng chiến (…)

Cao Bằng (…) là nơi có tỉ lệ quân Âu Phi cao và thuộc loại tinh nhuệ nhất Đông Dương. Binh lực địch gồm 11 tiểu đoàn và 9 đại đội bộ binh, 4 đại đội cơ giới, 4 đại đội công binh. Công trình phòng ngự ở đây rất vững chắc. So với hướng tây bắc, thì địch ở đông bắc mạnh hơn rất nhiều.

Đầu tháng 7 năm 1950, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định chuyển hướng chiến dịch từ tây bắc sang đông bắc, tập trung chủ yếu vào khu vực Cao Bằng – Lạng Sơn (…)

Ngày 25 tháng 7 (…) thành lập Đảng ủy Mặt trận Biên giới và Bộ chỉ huy chiến dịch. Tôi (…) làm Bí thư Đảng ủy và Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy chiến dịch (…) Anh Hoàng Văn Thái là Tham mưu trưởng, anh Lê Liêm là Chủ nhiệm Chính trị, anh Trần Đăng Ninh là Chủ nhiệm Cung cấp của chiến dịch.

Không khí cơ quan hết sức nhộn nhịp. Mọi người nô nức chuẩn bị nhanh chóng lên đường (…)

Tôi biết là có rất nhiều thử thách đang đợi ở phía trước.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Đường tới Điện Biên Phủ in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 619-623)