Khoảng năm 44, 45 thế kỷ trước, có một thi sĩ “chân quê” lưu lạc phố phường một hôm “sực tỉnh sầu đô thị”, “đã về đây rất vội vàng”. “Đây” là “xóm Dừa”. Trên “lối đỏ như son tới xóm”, thi sĩ “trầm tư” nhiều với “hạt mưa thưa”:

“Sao chẳng về đây múc nước sông (…)
Sao chẳng về đây bắt bướm vàng (…)
Sao chẳng về đây có bạn hiền (…)
Sao chẳng về đây lựa tứ thơ (…)
Sao chẳng về đây nỡ lạc loài (…)
Sao chẳng về đây? Chẳng ở đây?”.

Sáu bảy mươi năm sau, có một thi sĩ khác “con của ruộng nương”, sau khi “tha hương (…) bạc đầu” cũng “về lại (…) nguồn xưa”, vừa bước về vừa “trầm tư với cỏ bên đường”. “Máu chảy về tim” này không tự hỏi sôi nổi, mà rủ rỉ “thì thôi (…) tôi là”, nghe hiền “như thóc với khoai”.

Bao lâu nữa thì tuy “sông còn ôm bãi”, “ong còn hút mật”, “bóng dừa cao” vẫn còn đó, nhưng chẳng còn một người Việt Nam nào muốn “về ngồi dưới” mà “nghe hồn của ca dao”?!...
(Thu Tứ)



“Với cỏ bên đường”

Trần Vạn Giã




Thì thôi về lại cố hương
Tôi là con của ruộng nương quê nhà
Sông còn ôm bãi chiều xa
Ong còn hút mật hoa cà vườn sau

Tha hương tôi đã bạc đầu
Chuyện đời muôn thuở nông sâu là thường
Trầm tư với cỏ bên đường
Níu chân tôi chạm hạt sương thuở nào

Về ngồi dưới bóng dừa cao
Ngồi nghe hồn của ca dao êm đềm
Ai ơi máu chảy về tim
Thơ tôi dân dã đi tìm nguồn xưa.