Đã già yếu, mà tự mang ba-lô “hành quân như bộ đội” để vượt “những chặng đường dài (…) qua rừng núi”. Đường không chỉ rất dài và khó đi, mà còn nguy hiểm. Trong lịch sử ta, chưa từng có một quốc trưởng nào như vậy. Trong lịch sử thế giới, hình như cũng chưa từng có.

“Bác ngồi trầm ngâm”… Điều kiện họ đưa ra là như thế đó. Không chấp nhận thì không có viện trợ, thì kháng chiến không thể thành công. Phải chấp nhận thôi. Đuổi được giặc rồi, sai sẽ sửa. Chứ cứ để nước nằm trong tay giặc, thì đúng mà chi!!! Hơn nữa, cũng cần động viên cho nông dân tiếp tục hăng say tham gia cuộc chiến đấu còn đầy khó khăn.

Quá độ trong cải cách ruộng đất là một phần của cái giá đã trả cho độc lập.
(Thu Tứ)



“Chuyến công du lịch sử”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp




Đầu năm 1950, Bác ra nước ngoài.

(…) Kháng chiến đang chuyển qua một khúc ngoặt mới. Ta cần (…) tranh thủ sự giúp đỡ (…)

Đây là một chuyến đi bí mật. Quân Pháp vẫn đóng dọc biên giới. Bên nước bạn, tàn quân Tưởng còn có mặt ở nhiều nơi tại Hoa Nam. Sẽ có những chặng đường dài phải đi bộ qua rừng núi (…)

Bác đã bước sang tuổi sáu mươi. Thời gian qua, Bác lại hay yếu mệt (…)

- Chú chuẩn bị cho tôi một chiếc ba-lô. Đồ dùng của ai người nấy mang. Tất cả đều hành quân như bộ đội.

(…)

Thượng tuần tháng Tư, được tin Bác từ nước ngoài trở về, sắp tới cơ quan Bộ Tổng tư lệnh. Chúng tôi ra đón Bác ở cửa rừng. Bác rất nghiêm trong việc giữ bí mật. Đồng chí phó văn phòng Tổng Chính ủy được cử đi về phía cây số 31 đường Thái Nguyên – Bắc Kạn, báo tin trước với Bác. Sợ Bác quên mặt anh Cương mới về Bộ công tác, tôi nói chị Hà đi cùng. Gần tới Quán Vuông thì nhìn thấy Bác đang rảo bước. Những người trong đoàn, kẻ trước người sau rải rác, như những khách bộ hành tình cờ cùng chung đường. Bác nhận ra ngay anh Cương. Bác nói nhỏ: “Chú đi một quãng nữa rồi quay trở lại, để cô Hà đi cùng tôi”.

Trang phục Bác vẫn như ngày ra đi. Người Bác hơi gầy sau hơn ba tháng công du. Bác ở lại cơ quan Bộ một hôm. Bác nói chuyện vắn tắt với chúng tôi về tình hình đi làm việc ở Trung Quốc, Liên Xô. Hôm sau, Bác về sớm để nắm tình hình và chuẩn bị họp Thường vụ.

Bác đã đến Bắc Kinh, rồi đi luôn sang Mát-xcơ-va. Nhờ chuyến đi này, các lãnh tụ của hai đảng bạn hiểu ta hơn, và đều hứa sẽ chi viện cho kháng chiến Việt Nam.

*

Sang Trung Quốc, lần đầu Bác gặp Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông. Chủ tịch Mao Trạch Đông cảm động khi nghe Bác nói về cuộc kháng chiến gian khổ và anh dũng của nhân dân ta (…)

Qua Liên Xô, Bác gặp đồng chí X-ta-lin (…) Trước đây, Liên Xô không hiểu rõ nội tình cách mạng Việt Nam. Sau khi nghe Bác trình bày tình hình, X-ta-lin đã đồng ý với đường lối chiến lược, sách lược của Đảng ta trong những năm qua (…)

Buổi tối, khi xung quanh đã yên tĩnh, Bác ngồi trầm ngâm rồi nói với chúng tôi:

- Liên Xô phê bình ta chậm làm cách mạng thổ địa. Đồng chí X-ta-lin trỏ hai chiếc ghế rồi hỏi mình: “Ghế này là ghế của nông dân, ghế này là của địa chủ, người cách mạng Việt Nam ngồi ghế nào?”. Tới đây, chúng ta phải làm cách mạng ruộng đất. Trung Quốc hứa sẽ giúp ta kinh nghiệm về phát động quần chúng tiến hành cải cách ruộng đất.

(…)

Về sự chi viện của bạn, Bác cho biết trước mắt Liên Xô cho ta một trung đoàn pháo cao xạ 37 ly, một số xe vận tải Mô-lô-tô-va, và thuốc quân y; Trung Quốc sẽ trang bị vũ khí cho một số đại đoàn bộ binh và một đơn vị pháo binh, sẽ vận chuyển hàng viện trợ của Liên Xô cho ta (…)

Mấy ngày sau, tại cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, trong không khí phấn khởi chung, sau khi thông báo nhiệt tình giúp đỡ ta của Liên Xô và Trung Quốc, Bác khẳng định: “Tổng phản công sẽ là một giai đoạn lâu dài. Rồi đây, có sự chi viện của Liên Xô và Trung Quốc, ta sẽ đỡ khó khăn hơn, nhưng giành được thắng lợi là phải do sự nỗ lực của chính bản thân ta”.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây. Nhan đề phần trích tạm đặt.)