“Mình (đeo bị đeo túi đeo ba-lô) cưỡi lên mình mà đều bước qua núi sông đẫm mùi thuốc súng” chỉ có không quá “bốn mươi cây số một ngày”! Trong ba mươi năm kháng chiến, không biết bao nhiêu người Việt Nam đã thành lực sĩ điền kinh ngoại hạng. Năm nay 2018, cái “môn thể thao của công dân” hết sức phổ biến “một thời” ấy đã hoàn toàn khuất “bóng” thôi “vang” từ lâu lắm rồi. Ta đã quên hẳn đi bộ, người người hễ cứ ra khỏi cửa là thót ngay lên hoặc chui vào trong lòng một cỗ máy chạy rất nhanh chở rất khỏe. Tất nhiên “cái nón lá cổ điển” dùng che mưa che nắng, luôn tiện phơi áo, đã vào bảo tàng văn hóa dân tộc. “Cuộc sống luôn luôn đổi chỗ (…) rũ luôn đi bao nhiêu là thứ tình cảm (…) tủn mủn (…) Đi bao giờ cũng vui”. Đi bộ mà không phải là đi đi về về quanh năm suốt tháng chỉ một con đường, nó vừa khỏe chân, tốt tim mạch, lại vừa sạch lòng, thảo nào sau ngày Đờ Cát bị bắt sống ở Điện Biên Phủ, Nguyễn vẫn còn thể thao đều đều suốt hàng mười mấy năm nữa!

(Thu Tứ)



“Đường vui”

Nguyễn Tuân




Sau Toàn Quốc Kháng Chiến, trong vô số hình ảnh quanh ta thì hình ảnh con đường, những con đường, đập mạnh vào mắt ta (…) nhiều nhất (…)

Kháng Chiến năm thứ ba (…) Đi bộ thành một môn thể thao của công dân (…) nếu không cần đi miết cho kịp ngày giờ của buổi khai hội, nếu chưa cần tới ngay một địa điểm nào, tội gì mà đi quá bốn mươi cây số một ngày. Ai muốn đi cho xa, hãy khá dè dặt sức ngựa. Thứ nhất ngựa đây lại vẫn chỉ là mình, mình cưỡi lên mình mà đều bước qua núi sông đẫm mùi thuốc súng. Dọc đường hãy (…) từ chối nhiều cám dỗ của hàng quán phố phường. Nhiều đồ vật phơi bày giữa cảnh nhem nhuốc khói lửa chiến sự, đã chèo kéo ta bỏ chúng vào bị vào túi vào ba-lô. Nhưng hãy coi chừng, hỡi anh bạn định đi nhiều đi lâu! Chẳng cần lâu đâu, chỉ một quãng đường nữa thôi, mấy thước vải phin, mấy mẩu xà-phòng, và vài cái chế tạo phẩm xanh đỏ nhấp nhánh kia sẽ cho ta thấy rõ cái liên lụy của đèo bòng. Trên mỗi thước đường trường, rồi chúng sẽ đè lên thịt ta gò cật ta xuống, thít mạnh vào giò ta (…) buộc ta bỏ neo ta ở một cái trạm dở dang nào (…) nằm lại mà nhìn những bạn đồng hành ca hát lên đường tiếp. Đối với sách (…) chúng ta rất nên dè dặt nghiêm khắc (…) không nên quá gắn bó (…) đem theo (…) (Thay sách bằng) những mẩu chuyện nhỏ của người bạn ta bắt gặp trên con đường, thốt lên giữa hai ngụm nước bốc khói thuốc lào (…) (Bạn và ta trò chuyện rồi) cho nhau một mẩu dây buộc, vài viên thuốc phòng thân, một mảnh báo cũ, một nụ cười tin yêu (…) Và cái người bạn đường trung thành với mình (…) là đôi dép cũ (…) đã thuộc rõ tất cả nết mười ngón chân ta, ít làm cho ta đau khổ như những đôi dép mới sắm (…) Nhưng mà đã có người lo xa tập xéo lấm dẫm gai dẫm sỏi. Đến một chặng trường kỳ nào đây, dép rồi cũng có khi thiếu. Xéo lấm trên cỏ rừng cỏ nội ta thấy bàn chân thật thà hơn.

(…) Bạn ơi, ta lên dốc cho chắc bước cho đều bước, ta xuống dốc cho ròn cho dẻo. Rừng mai rừng trúc, chậm lại mà thấm lấy phong quang của cảnh sắc quê hương. Chỗ nào là núi đất rừng nứa, ta nhanh bước lên, muỗi vắt nhiều lắm đấy. Suối trong mời ta tắm vò giặt phơi quần áo trên những tảng đá của tranh thủy mặc Tàu. Rồi vừa đi vừa phơi luôn quần áo trên lưng mình trên đầu mình, ta hãy dành một phút mà mặc niệm người thợ giặt cũ. Hà hà, cái nón lá cổ điển ấy (…) đã giúp mình được nhiều việc hơn là cái mũ Tây (…) Cuộc sống luôn luôn đổi chỗ lại còn tước khỏi đời chúng ta những cái tủ đứng bằng gỗ và theo cái tủ, chúng ta cũng rũ luôn đi bao nhiêu là thứ tình cảm bít khóa ẩm mốc tủn mủn. Người bộ hành trở nên hồn nhiên, nhiều khi tìm hạnh phúc ở một miếng đường phên, một quả trứng tươi, một trái cà chua sống, một tấm bánh lá, một đùm muối trắng. Ăn cho đủ, ngủ cho đều (…)

Vui biết bao nhiêu, khi mình dừng bước vào một buổi sớm phiên chợ. Người, hơi người, tiếng người. Cứ đông người là đủ thích rồi. No mắt, no tai, no ngón tay. Bỏ lại sau mình cái màu nâu của miền xuôi, bây giờ chúng ta hể hả với những màu lam thâm thúy đon đả của quần áo Việt Bắc. Cái tai lôi thôi quen tính được sung sướng với những thanh âm của một từ ngữ ngây thơ bật vang lên giữa một cái chợ xanh um (…)

Đi bao giờ cũng vui.

Chỉ những lúc ngừng mới là hết thú. Những buổi đằng đẵng ngóng anh giao thông khi mình phải bắt liên lạc ngang, ngồi nhìn mưa rừng và nhổ từng cánh cỏ may ống quần, biết để vào đâu cho hết nỗi bồn chồn! Trên lối mòn ngoặt vào nẻo rừng già, xa hút một giọng chim Bắt Cô Trói Cột.


Ba Bể - Khe Khao
Một mùa hè kháng chiến