Có đọc những dòng này mới biết tại sao “mình” rồi sẽ nổi tiếng là một vị tướng đã cao tuổi mà mỗi chiến dịch vẫn trèo lên tận đỉnh núi để tự quan sát trận địa cho thật “tỉ mỉ”. Trên cho “mình” đi học “trong lúc này”, là e “mình” đã quẩn. Sinh mệnh của “bao nhiêu tuổi hai mươi” phải giao cho những bộ óc hoàn toàn sáng suốt. (TT)



Vũ Lăng, “Lo lắng nhớ thương”




Ngày 30 tháng 1 năm 1952

Vừa đúng năm năm trời ở trung đoàn qua bao nhiêu thăng trầm của đơn vị. Mình trưởng thành với những trận chiến đấu, với những hy sinh không đòi hỏi của bao nhiêu tuổi hai mươi “một đi không trở về”, “mắt nhắm miệng cười tươi”. Tâm hồn mình ở trung đoàn với tất cả cái gì tha thiết nhất. Được tin đi học, mình không thoải mái chút nào, nhất là trong lúc này ở mặt trận, chẳng bao giờ mình nghĩ tới điều đó. Qua hai trận đánh không thành công, mọi người đều khổ sở. Lần đầu tiên vấp đau như thế.

“… Trận đánh không thành công có phải do kỹ thuật của bộ đội kém không? Không phải. Có phải vì các cán bộ và chiến sĩ của trung đoàn kém phần anh dũng không? Cũng không phải. Chỉ vì các đồng chí trong Bộ chỉ huy ỷ vào cái tài năng cá nhân mình, chủ quan, thiếu tỉ mỉ…”.

Lời phê bình đanh thép của đồng chí Võ Nguyên Giáp luôn luôn vang lên trong đầu óc mình. Mấy hôm ở mặt trận, mình không buồn, trái lại hăng hái phấn khởi vì những lời phê bình đó. Cái trách nhiệm của mình, của những “thằng” cán bộ trước Đảng, trước nhân dân, trước bộ đội về sự thất bại vừa qua của trung đoàn, trách nhiệm đó mình không trốn tránh.

Phải đánh thắng để xây dựng lại đơn vị. Phải làm cho đơn vị mình phấn khởi lên! Những lúc bộ đội đi bố trí, những khi tiếng đại bác nổ rền trên trận địa, mình nghiến răng lại và tự nhủ như thế. Nghĩ đến Phúc Ánh, Việt Dũng, Khánh và tất cả các anh em khác đã ngã xuống từ đầu chiến dịch đến giờ, đầu mình nóng bừng lên. Mấy hôm bố trí, mình cứ phải giải thích động viên anh em phải kiên nhẫn đợi, nhưng thực ra trong bụng sốt ruột tợn. Đứng trên ngọn núi 370 nhìn xuống Hòa Bình thấy lũ giặc đi lại, chuẩn bị mà sốt tiết. “Trước hay sau thì chúng mày cũng chết, chi bằng cứ đi trước cho nó được việc, sớm sủa có hơn không?”. Nó không đi vội, thi gan với mình và đã mấy đêm mình không ngủ, vùng dậy, khoác chăn ngồi bên đống lửa, nghĩ đến nó, đến Phúc Ánh. Hôm qua, chúng nó chuyển sang Hòa Bình nhiều. Toán quân đến đánh chúng nó bị chặn đánh ở Đồi Dụ, không tiến được. Phân tích, phán đoán xem bao giờ chúng nó sẽ rút. Nghĩ đến lúc đơn vị mình sẽ xuất kích cứ rối cả người, hình dung cả những cảnh địch chạy rối loạn, tan nát giữa trận địa hỏa lực của mình như vũ bão dập quét chúng nó từ Pheo đến Bến Ngọc...

Thế mà mình lại phải đi học! Tin điện đến làm mình lặng đi ngơ ngác, Nghĩa là mình rời mặt trận này trước lũ giặc đương ngắc ngoải, nghĩa là mình không được trút căm thù lên đầu chúng một cách cụ thể, nghĩa là mình phải rời cái đơn vị thân yêu này, nghĩa là… Trong đầu mình cứ ngổn ngang như thế, đến nỗi ông Khánh nhận thấy ngay thái độ của mình. Cả một ngày mình ngẩn ngơ. Buổi sáng mồng một Tết, ăn miếng bánh chưng ngậm ngùi nghĩ đến lúc ra đi, nghĩ đến cái tết phố Lu năm 1950 tang tóc… Cái tết này cũng thế, nhưng còn đau đớn gấp bội, Phúc Ánh ơi!

Hôm nay đi ngược lại con đường trung đoàn đã hành quân qua. Ngày ấy lũ người chúng ta cười trong đêm lạnh, ôm nhau ngủ giữa hai chặng đường hành quân, thắm tình cảm đồng chí thương yêu nhau giữa cái ngày đói rét của bao nhiêu chiến dịch Thu Đông, tiếng chân rầm rập rung chuyển bờ sông Đà, chúng ta hớn hở đợi ngày nổ súng trên đầu giặc.

Trên con đường cũ hãy còn in vết giầy của chúng ta từ đầu mùa hạ năm ngoái, ít ngày nữa khi đơn vị quay trở về, sẽ vắng hẳn bao nhiêu người không còn in lại vết giầy?

Mình chầm chậm đạp xe. Hòa Bình xa quá rồi. Tu Vũ, Chẽ lùi lại đằng sau xơ xác. Những vết giầy đinh của giặc chạy loạn lên sau một trận thất điên bát đảo hãy còn hằn lên bãi cát. Những cây thập tự gỗ trên những nấm đất bên đường. Mùi hôi thối chết chóc còn vương trên lá cây ngọn cỏ. Tất cả gợi cho mình sự suy sụp tan vỡ của giặc, nhưng sao mình vẫn không thấy hả dạ chút nào? Mình vẫn còn thèm cái trận sắp tới. Chợt nhớ cái cảnh xác chúng nó nằm ngổn ngang trên đường số 6 sau một trận truy kích. Có một cái gì tức tối, khó thở khi mình nghĩ đến đường số 6? A Pheo! Phúc Ánh, Việt Dũng, Khánh, Lưu ơi! Chúng nó sắp chạy rồi, chúng nó bỏ Hòa Bình, bỏ Pheo đến nơi. Liệu chúng mình – những người còn lại – có đánh được dập đầu chúng nó ra, có lia, có quật chúng nó, hất chúng nó xuống những giao thông hào, đắp cho chúng nó những nấm mồ khổng lồ như trên biên giới? Mình thấy lo cho đơn vị không còn mạnh được như trước, mai kia địch chạy liệu có làm tròn được nhiệm vụ?

Nỗi lo lắng nhớ thương ám ảnh mình ghê quá! Giá có một bạn đồng hành cũng đỡ buồn, nếu còn Thuận! Ô hay mình không đạp xe được nữa. Đỗ xe lại nghỉ bên đường.

Vẫn nghĩ đến cái chết của Thuận. Cái chết nhanh quá, dễ quá! Máu Thuận rỏ cả lên lưng mình. Không kịp nói câu nào. Thuận chỉ còn sặc lên mấy cái vì máu sặc lên mũi, lên mồm. Mình không kịp đau đớn về cái chết của một đồng chí đã bảo vệ cho mình. Tiếng đạn vẫn nổ rển bên tai, đại bác nổ liên hồi như ngũ liên, máy bay rít trên đầu. Những bóng người lướt qua chỗ mình rất nhanh. Những chiếc cáng, những tiếng rên. Sương mù tan dần. Đường số 6 hằn lên vết xe tăng, hai bên bờ lau bị đốt trụi còn trơ lại những thân cây nửa đen nửa trắng như những đốt xương. Trái phá cày cả hai bên bờ đường. Máu vương trên rìa cỏ. Đại bác lại nổ liên hồi từng chập một, những bóng người vẫn lướt qua… “Ra hết chưa?”. Tiếng mình quát lên giữa những tràng liên thanh bắn theo. Quang Long đây rồi: “Anh em đã ra được cả”. “Rút lui phải đảm bảo mang hết thương binh tử sĩ, mang hết vũ khí ra”. Lệnh của đại đoàn vang lên, vang lên bên tai mình. Mình cúi đầu đi hai vai nặng trĩu. Những bóng người vẫn lướt qua mình rất nhanh. Liệu có thật đã mang ra được hết không? Quang Long mới xuống đơn vị có hoang mang trước tình thế gay go mà trả lời sai chăng? Mình bỗng như có một cái gì phản ứng, quay phắt đầu lại. Sương đã tan hết. Đồn Pheo vẫn sừng sững. Đạn liên thanh từ những ụ súng trên cao vẫn tóe ra loạn xạ. Căm chưa! Phải đập tan nó đi. Mình nghiến răng lại, muốn gầm lên. Thành chạy tới trước mặt mình hỗn hễn: “Anh em ra hết rồi, đang tiếp tục đi sau”. Đôi vai mình nhẹ đi một chút. Vượt qua một lưới lửa đại bác. Chúng nó bắn theo, rút lui khá chật vật. Gặp Dạ Bình: “Đại đội 213 vẫn chưa ra!”. Tiếng đạn lại réo lên dồn dập. Tiếng hô của giặc, tiếng quát của ta. Rõ ràng đại đội 213 vướng lại rồi. Tiếng Bình nói khẽ: “Vẫn đại đội 213 Chùa Cao đấy anh ạ!”. Mình rướn người lên ra lệnh cho Dụ. Một trung đội vượt qua trước mặt mình, tiến về phía súng nổ. Bóng Dụ khuất hẳn. Không bao giờ mình còn được trông thấy Dụ nữa.

Việt Phương, Dụ, Phúc Ánh, Cẩm Giàng – bốn đại đội trưởng của đơn vị mình trong chiến dịch Sông Thao năm 1949 – giờ chỉ còn lại Cẩm Giàng. Lủi thủi một mình trên con đường cũ, sao lúc này mình lại đi?

17 giờ suýt chết vì máy bay chúng nó quần. Thôi được. Tao hãy còn đây.


(Nhật ký của Thượng tướng Vũ Lăng, in trong
Thượng tướng Vũ Lăng – Từ một quyết tử quân, nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2005)