Màn đã mở thật xứng đáng! Nhưng ta còn phải thanh toán tên đế quốc lối cũ trước đã. Đánh máy bay đang đậu thật là sướng! Số máy bay bị phá hủy là gần một nửa lực lượng không quân vận tải Pháp ở Đông Dương. Hai mươi mốt năm sau, trong chiến tranh chống Mỹ, quân ta sẽ tập kích sân bay cực kỳ thắng lợi một lần nữa, lần này thanh toán gần trọn không quân của chính quyền Lon Nol! (Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Đụng độ đầu tiên với Mỹ”




Phong trào đấu tranh chính trị ở Nam bộ, đặc biệt ở Sài Gòn rất sôi nổi. Trước “giải pháp Bảo Đại” của thực dân Pháp, nhiều cuộc bãi công, bãi thị, bãi khóa của các tầng lớp nhân dân thành phố đã liên tiếp nổ ra. Cuộc tổng bãi công của 8 xí nghiệp lớn do Liên hiệp Công đoàn Sài Gòn tổ chức và cuộc tổng bãi khóa của học sinh, sinh viên nhiều trường vào những ngày cuối tháng 11 năm 1949 đã châm ngòi cho hàng loạt cuộc đấu tranh tiếp theo.

Cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên Sài Gòn ngày 9 tháng 1 năm 1950 đòi thả những người bị bắt đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Địch cho binh lính và cảnh sát đàn áp dã man, bắn chết học sinh Trần Văn Ơn, làm bị thương hàng chục người. Đám tang học sinh Trần Văn Ơn ngày 12 tháng 1, với khẩu hiệu:

“Chết vì Tổ quốc, chết cũng như sống;
Sống kiếp Việt gian, ô nhục muôn đời”

đã biến thành cuộc biểu dương lực lượng, thể hiện tinh thần đoàn kết đấu tranh của nhân dân và có tiếng vang lớn.

Nhiều nhân sĩ, trí thức, nhà báo, nhà tu hành, tiểu thương đã xuống đường. Công nhân của nhiều xưởng, nhiều hãng, viên chức của nhiều công sở đã tham gia. Hai đoàn đại biểu học sinh, sinh viên miền Bắc và miền Trung đã đi máy bay vào để kịp dự lễ tang. Các cửa hàng, các trường công và tư, một số công xưởng đóng cửa. Chợ búa không họp. Hơn nửa triệu người đã xuống đường đấu tranh. Chưa bao giờ Sài Gòn – Chợ Lớn có một cuộc tổng bãi công, bãi thị, bãi khóa rộng lớn như vậy.

Ngày 9 tháng 1 đã đi vào lịch sử và chính thức trở thành ngày đấu tranh của học sinh, sinh viên toàn quốc cho độc lập và thống nhất Tổ quốc.

Sự can thiệp trực tiếp của đế quốc Mỹ vào vấn đề Đông Dương ngày càng lộ rõ. Đại sứ Gơ-ríp-phin (Griffins) của Mỹ đến Sài Gòn. Hai chiến hạm của Mỹ cập bến cảng thành phố; một tàu sân bay chở 70 máy bay lởn vởn ngoài khơi Vũng Tàu để uy hiếp tinh thần đấu tranh của nhân dân ta.

Để kịp tỏ rõ ý chí của nhân dân ta chống Mỹ can thiệp, Khu úy Sài Gòn – Chợ Lớn chủ trương tiến hành một cuộc đấu tranh lớn. Biệt động Sài Gòn ném lựu đạn vào khách sạn Công-ti-năng-tan, nơi đại sứ Mỹ ở. Tối 18 tháng 3, giữa lúc Mỹ, Pháp mở tiệc trên tàu, các chiến sĩ của tiểu đoàn Quyết tử 950 đã bắn súng cối vào khu vực có chiến hạm Mỹ.

Ngày 19 tháng 3, hơn 30 vạn đồng bào Sài Gòn – Chợ Lớn đã xuống đường biểu tình; luật sư Nguyễn Hữu Thọ cùng một số nhân sĩ, trí thức yêu nước của thành phố dẫn đầu. Cờ đỏ sao vàng được quần chúng giương cao dọc theo các phố xá. Cờ Mỹ, cờ Pháp, cờ bù nhìn, ảnh Bảo Đại bị xé nát. Các khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Mỹ!”, “Đế quốc Mỹ cút đi!”, “Đả đảo bù nhìn Bảo Đại!”, “Hồ Chủ tịch muôn năm!” được quần chúng hô vang. Các đoàn biểu tình làm chủ trung tâm thành phố từ sáng đến trưa. Ngay đêm ấy, hai chiến hạm Mỹ không kèn, không trống rút khỏi bến cảng Sài Gòn.

Đây là cuộc đụng độ đầu tiên giữa nhân dân ta và đế quốc Mỹ. Với cuộc biểu tình này, đồng bào Sài Gòn – Chợ Lớn đã đi tiên phong trong phong trào chống Mỹ ở nước ta. Chính từ sự kiện lịch sử này, ngày 19 tháng 3 trở thành ngày toàn quốc chống Mỹ của nhân dân ta.

Ở Hà Nội, hưởng ứng chủ trương của Thành ủy, học sinh mở một đợt đấu tranh kéo dài một tuần lễ. Học sinh toàn thành phố tổ chức để tang các học sinh Sài Gòn đã hy sinh. Tại chùa Quán Sứ, sáng 20 tháng 1, đồng bào và học sinh tổ chức rất trọng thể lễ cầu siêu cho học sinh Trần Văn Ơn và các bạn. Đêm 18 tháng 1, các dũng sĩ Hà Nội tập kích sân bay Bạch Mai, phá 22 máy bay và đốt cháy 60 vạn lít xăng. Ngày 21 tháng 1, Bảo Đại và đại sứ Mỹ vừa đến Hà Nội, ta phá 15 trong số 42 trạm biến thế điện của toàn thành phố. Trong mấy ngày đầu tháng 3, ta còn phá 16 đầu tàu ở sở xe điện Thụy Khuê, phá một kho đạn lớn ở Đồn Thủy.

Phong trào đấu tranh của nhân dân các thành phố lớn Sài Gòn, Hà Nội là đòn tiến công mạnh mẽ đánh thẳng vào sào huyệt của địch. Nó làm cho kẻ thù khiếp sợ, lúng túng, làm cho nhân dân càng tin tưởng ở thắng lợi và quyết tâm đẩy mạnh kháng chiến.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006)