Tóm lại, không kể các tác phẩm thuộc loại “truyện”, về lịch sử nước mình người Việt có ba “cổ thư” còn lưu truyền, là Việt sử lược (khuyết danh, đời Trần), Ðại Việt sử ký toàn thư (Lê Hy, 1698) và Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Quốc sử quán nhà Nguyễn, 1884).

Về địa lý, ta có
An Nam chí lược (Lê Tắc, 1333, quyển 1), Dư địa chí (Nguyễn Trãi, 1435), Ô châu cận lục (Dương Văn An, đời Mạc) và Kiến văn tiểu lục cùng Phủ biên tạp lục (Lê Quý Ðôn, Lê mạt).

Bất kể sử hay địa, ta không có sách nào xưa hơn đời Trần.

(Thu Tứ)



Viện Sử học Việt Nam, “Thư tịch sử địa Việt Nam”




Sách chính sử của nước ta (...) Việt sử lược là bộ biên niên sử xưa nhất của nước ta còn truyền được đến nay. Nhưng sách này lại bị mất ở nước ta mà chỉ được giữ ở Trung Quốc (...) được thu vào Tứ khố toàn thư (...) không rõ tác giả là ai (...) Quyển Thượng chép vắn tắt về nguồn gốc nước ta (...) đến các triều đại tự chủ Ngô, Ðinh, Lê. Quyển Trung và quyển Hạ chép về nhà Nguyễn, tức nhà Lý (vì nhà Trần sau khi diệt nhà Lý đã đổi họ Lý làm họ Nguyễn). Sự chép nhà Lý thành nhà Nguyễn tỏ rằng sách này là do người đời Trần làm. Theo Lê Tắc, tác giả sách An Nam chí lược, thì trước đã từng có sách Việt chí do Trần Phổ soạn, rồi Lê Hưu (tức Lê Văn Hưu) đã sửa lại sách Việt chí ấy. Có thể ngờ rằng sách Việt chí ấy là sách Việt sử lược mà nguyên tên là Ðại Việt sử lược (theo “Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu”) (...) có lẽ (...) Lê Văn Hưu phát triển thành sách Ðại Việt sử ký.

Sách Ðại Việt sử ký (...) đã mất, chỉ còn một số lời bình luận (...) chép lại trong (...) Ðại Việt sử ký toàn thư là một tác phẩm ở thời Lê mạt. Sách này khởi đầu là do sách Sử ký toàn thư (15 quyển) của Ngô Sĩ Liên đời Hồng Ðức, căn cứ vào hai tác phẩm (...) của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên là Ðại Việt sử kýSử ký tục biên, nhưng có thêm vào một quyển “Ngoại kỷ” để chép những truyền thuyết về nguồn gốc (...) nước ta. Ngô Sĩ Liên hoàn thành sách ấy năm 1479 (...) năm 1698 (...) Lê Hy biên soạn (xong) (...) Ðại Việt sử ký toàn thư. “Ngoại kỷ” gồm 5 quyển, “Bản kỷ” gồm 19 quyển (...) Bản (...) lưu hành ngày nay là do Quốc tử giám đời Lê khắc in, bản in đã được chuyển vào Quốc sử quán nhà Nguyễn ở Huế.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục là do sử thần đời Nguyễn căn cứ vào sách Toàn thư mà biên soạn lại, chia làm “Tiền biên” gồm 5 quyển và “Chính biên” gồm 47 quyển (...) hoàn thành năm 1859 (...) hiệu đính từ năm 1871 đến năm 1878 (...) in năm 1884.

Ðó là ba nguồn tài liệu chính cho sự nghiên cứu lịch sử cũng như cho sự nghiên cứu địa lý học lịch sử về thời cổ.

(...) Tài liệu xưa nhất về địa lý học của nước ta hiện còn giữ được (...) quyển I của sách An Nam chí lược (...) viết (...) ở Trung Quốc năm 1333

(...) Chuyên thư về địa lý học (...) “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi (...) quyển VI của bộ Ức Trai dị tập (...) viết xong năm 1435

(...) Kiến văn tiểu lục (...) của Lê Quý Ðôn (...) quyển VI “Phong vực” (...) nhiều tài liệu chi tiết về ba trấn Sơn Tây, Hưng Hóa và Tuyên Quang

(...) Ô châu cận lục (...) Dương Văn An đời Mạc (...) chép về (...) từ Quảng Bình đến Quảng Nam

(...) Phủ biên tạp lục (...) của Lê Quý Ðôn (...) có những tài liệu quý về địa lý lịch sử miền Nam nước ta


(Lời dẫn của Viện Sử học Việt Nam in ở đầu sách
Ðất nước Việt Nam qua các đời của Ðào Duy Anh, nxb. Thuận Hóa, Huế, 1994. Nhan đề phần trích tạm đặt.)