“Một thoáng Hội...”




Hồi tiền chiến, khoảng đầu thập kỷ 1940, Nguyễn Tuân ghi: “Đêm đầu của tôi ở Phố, tôi ra ngắm bóng trăng thanh rọi xuống mặt sông Hội An (…) thực là một cái rừng cột thuyền buồm, mành ghe chi chít dây lèo buồm dây thừng. Bấy nhiêu nét đen sắc đều nhấp nhô lay động theo mực nước thủy triều đang dâng lên rất mạnh. Ánh trăng bị dầm tan trong lòng con sông (…) Sớm tinh mơ (…) Người ta đang gỡ những tấm cửa lùa để bày mặt hàng tạp hóa. Những tấm cửa lùa này lùa theo một chiều dọc! Nghênh ngang giữa phố Chùa Cầu (…) hai ba người khiêng một cái bàn độc, ở trên đó, nằm phủ phục một con lợn quay đã mất đầu và hai chân. Bọn người đi bán thịt lợn quay một cách ngộ nghĩnh như thế đã chui lọt vào một con đường kiệt. Từ con đường kiệt lại ló ra một thiếu phụ mặc áo lụa trắng, tay xách một cái soong to, mỗi lúc ngừng kéo hơi điếu thuốc lá Cẩm Lệ thì mồm lại rao: Ai ngầu mạc nạm không?” (“Cửa Đại”).

*

Năm 1999, hay 2000. Trời còn tối đất, lên xe ôm ở Đà Nẵng. Vào Phố còn “sớm tinh mơ”, mắt lom lom chực ngắm người rước lợn quay nằm bàn độc, tai nghểnh chực nghe “Ai ngầu mạc nạm…”, nhưng hình như cả lợn lẫn “ngầu” đều đã “trâm gãy bình rơi”. Xe ôm leo lên lề đường. Cháo gạo đỏ ăn với cá kho, khách ngồi nhiều mà không ai thốt nửa lời. Đang ngắm đông nghe lặng, trong góc mắt chợt xuất hiện một hoạt cảnh cũng hoàn toàn “đông lặng” khác. Đằng kia, một đoàn người vừa từ “con đường kiệt” nào đổ ra, ung dung tiến bước ngay giữa lòng đường. Đám tang. Con đường như chỉ vừa tay giăng, cỗ quan tài lù lù trôi qua, như suýt chạm vào những bát cháo! “Cát bụi” đưa lối cách bí ẩn để khách xa sau đó bỗng lọt vào một quán cà-phê có hàng cột gỗ đen bóng, sân gạch đỏ tươi và mái hiên lủng lẳng lồng chim. “Nồi” ung dung ngồi trên cốc, những giọt nâu sẫm rung rinh rún rẩy, mãi mới chịu từng giọt gieo xuống giữa “ngục” thủy tinh mờ hơi nước. Như lây nhẩn nha, trong ly đựng nước đá những viên đá già trong veo cũng bình tĩnh mòn. “Hạt bụi nào (…) đứng dậy…”. Đứng, đi, rồi thi thoảng được ngồi xuống thế này, “ôi (…) tuyệt vời”! Cũng khá tuyệt là nhạc Trịnh không lời, từng nốt thánh thót dặt dìu “gõ (…) không nguôi” vào Phố ban mai.

*

Tháng 10-2015. Lần gặp đầu tiên mười lăm năm trước còn vương chút thích thú, nên lòng có hơi náo nức khi tưởng đến ngày tái ngộ. Phố thêm tuổi mà lại trẻ ra, hiện đại, tiện nghi, nhiều khách sạn ba bốn sao, quán ăn quán uống lịch sự, tiệm hàng hóa cao cấp bóng lộn, tiệm may “nhanh như chớp”, du khách quốc tế nhởn nhơ đầy đường, sinh hoạt thật tưng bừng nhộn nhịp… Trời mưa lất phất, mua một chiếc áo mưa vàng trong như bong bóng, mặc mà đi một lúc thì nóng không chịu nổi, cởi biếu luôn một chị bán bánh xoài. Vừa đến Chùa Cầu. Vào thăm lại chó đá, khỉ đá. Tượng chó bình thường, tượng khỉ buồn. Lờ mờ nhớ bức tranh Từ Duy vẽ năm 1992, ngoảnh nhìn ra cái khung sáng ở đầu cầu, chực thấy mái ngói rêu phong và xe đạp lướt qua và gánh hàng rong hơi nhún nhảy, nhưng luồng mắt chỉ đụng phải lố nhố khách “ngoại” thắt bao du lịch trễ dưới rốn đang ngơ ngác bước vào. Thôi, nhường chỗ ngắm điêu khắc Nhật cổ cho đấy. Ra khỏi mái che được mươi bước, phải vội nghiêng đầu tránh một con chim cánh ni-lông sặc sỡ đang vỗ phành phạch lao vù tới! Máy bay có động cơ là dây cao-su xoắn, sáng tạo giỏi. Cũng giỏi không kém là chú hải cẩu nhựa vừa chớp chớp hai con mắt đèn xanh lè vừa đội quả bóng xoay tít trên chóp mũi vừa lạch bạch đi bằng vây, cứ độ non mét thì chúi đầu dí ngực xuống đất xoay tròn mấy vòng rồi lại lạch bạch đi theo hướng mới ngẫu nhiên. Đồ chơi của Chú Ba khéo quá, trông bắt muốn trở lại làm đứa trẻ con! Đi nữa, cứ nhập vào bao nhiêu là người ở đẩu đâu tới mà trẩy ven bờ con sông Hội An. Cái “rừng cột thuyền buồm” của “một thời” có còn “vang bóng” ở chỗ nào chăng? Gần đầu một cái cầu, thấy đỗ một cái thuyền be bé sơn phết mới toanh có treo tấm biển tự giới thiệu, à, ra nó được neo làm mô hình để nhắc đám “ghe bầu bụng chửa, mình to với những con mắt thao láo ở đầu mũi”, “những cái cơ nghiệp nổi” mà bảy tám chục năm trước một người lãng tử Đàng Ngoài vào đã trầm trồ… Phố bây giờ chắc ngày nào cũng vui như hội như thế này đấy nhỉ.

“Vui ngày chưa phỉ lại vui đêm”.(1) Đêm Hội mới lại càng hội. Ăn tối xong, đoàn kéo ra bờ sông, lại bờ sông. Đã tối mịt. Âm lịch 14 thì phải, trăng hẳn đẹp nhưng quên bẵng mất trăng, có khi đã thấy trăng mà cứ tưởng đèn! Hình như đêm nào ở đây cũng là một cuộc đấu đèn. Cũng có thể xem cả cái khu vực này đã biến thành một cái đèn cù khổng lồ với cơ man là hình người đang chuyển động liên tục bằng sức nóng của những cây nến to tướng vô hình. Đoàn hơn ba mươi thành viên đã rã vụn từ lúc nào, cứ hai ba người một tốp đi trộn lẫn vào đám đông. Bước càng lâu, mắt càng quen với các thứ nguồn sáng, thì lại càng chú ý nhiều đến những chiếc, những cụm đèn hoa đang trôi bập bềnh trên mặt sông và cả đang cháy hơi sốt ruột trên bờ sông chờ được mua để cũng xuống nước mà nhập bọn. Một em bé bán đèn mặc toàn hồng, ánh lửa của bao nhiêu chiếc hoa đăng hắt lên biến em thành một cái tượng bằng hồng lạp, tượng đang cười nhoẻn miệng thật dễ thương. Ơ, gì kia thế? Lửng lơ trước mặt, một thuyền tam bản với hàng mấy chục hoa đăng đủ màu sắc bày kín nửa sàn, với nơi mũi thuyền một đôi uyên ương ngồi sát bên nhau bốn tay bưng bốn chiếc nữa. Cảnh dàn dựng để hấp dẫn du khách của ban quản lý Phố hay sáng kiến dịch vụ cho những lứa đôi cao hứng? Dù sao, trông “cô dâu” mặt đẹp như hoa mặc áo đỏ rực, hai má cũng đỏ bừng có lẽ vì thẹn, mà bỗng ước được trẻ lại quá! Có tiếng hô bài chòi inh ỏi. Rảo bước lại xem, thấy ngay trước mặt đám bài chòi là một tiệm cà-phê Ý máy espresso i-nốc bóng loáng. Phố đúng là một cái điểm hẹn của kim cổ Đông Tây.

*

Thăm Hội An du khách tha hồ vui, và nếu là người Việt Nam thì lại còn được gợi nhắc đến chuyện xưa kia ở đây văn hóa của dân tộc này dân tộc nọ đã cưỡi thuyền buôn mà đổ bộ vào nước mình. Vừa vui miên man vừa nghĩ ngợi miên man, chẳng rất thú vị sao. Ghé Phố được có một ngày và một đêm, thật là tiếc quá.



Thu Tứ
Tháng 12-2015















__________
(1) Thơ Hồ Xuân Hương: “Yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày”.