Làm sao mà vào khoảng ấy Nguyễn Tuân lại ở núi Buôn Ma Thiêng? Thì do “Cuộc Nam tiến (…) Hội Văn hóa Cứu quốc tổ chức cho nhiều văn nghệ sĩ theo bộ đội vào mặt trận phía nam”.(1)

Chính xác là do lời Tố Hữu đề nghị trực tiếp với Nguyễn Tuân khi hai người gặp nhau lần đầu ở nhà hàng Thủy Tạ bờ Hồ Gươm: “... đến những vùng có chiến sự xem đồng bào và bộ đội mình chiến đấu như thế nào, tôi nghĩ rất nên”.(2)

Chiến trường Khu Năm có những nét riêng, bắt đầu với hình ảnh “voi đi tiếp tế (...) nối đuôi nhau (...) lừ lừ như tàu thủy”. Vào đến hẳn khu vực xảy ra chiến đấu, Nguyễn được thấy tận mắt một vật đã nghe “tiếng” khi máy bay Mỹ đánh Hà Nội thời Nhật chiếm. Ở đây nó mang tên mới ngộ nghĩnh: “heo”, “cá thu”. Nguyễn trông quả bom, bỡ ngỡ, rồi khi được trang bị món vũ khí hiện đại “bình dân” nhất thì hồi hộp: “Lần đầu tiên (…) tôi cầm (…) Máy móc quả nổ, tôi chưa biết tí gì”. May lựu đạn không có bao nhiêu máy móc và lần ấy người cầm còn rất lạ tay không cần phải sử dụng!

Đối với một người chưa chút nào quen thuộc với thực tế cách mạng, kháng chiến, chuyến đi này đã có giá trị cải tạo thật mạnh mẽ: “Mình hết sợ (...) rừng (...) hết nghi (...) lá (...) Và lại tin tưởng (…) nữa”. Có điều này cũng hay, là qua đoạn văn mở đầu ta thấy con người Nguyễn tuy đã mới rồi nhưng vẫn còn cảm tinh tế và diễn cảm đẹp đẽ y như cũ.
(Thu Tứ)

(1) “Nguyễn Tuân – người đi tìm cái đẹp”, nxb. Văn Học, 1997.
(2) Tố Hữu, hồi ký
Nhớ lại một thời, nxb. Hội Nhà Văn, 2000.



Nguyễn Tuân, “Khu V, cuối năm 1946”




1946, trước ngày Toàn quốc Kháng chiến một tháng. Ở Khu Năm. Núi Buôn Ma Thiêng. Ổ tác chiến ấy là một lườn núi. Giường nằm là những sàn kết bằng cành tươi ken lại cách mặt đất tám tấc. Ban ngày ở đây ngắn lắm. Khoảng chín mười giờ sáng mà sương mù chưa hết. Cảnh vật màu bàng bạc như trăng suông. Mười lăm, mười sáu giờ đã hết ngày. Buổi chiều ập xuống. Buổi tối lại đến nhanh hơn buổi chiều, phớt cả hoàng hôn. Mưa núi đêm dài đánh giọt giờ trên mái tranh. Sàn cây tươi rung lên vì cơn sốt của một số đội viên. Ánh sáng mai mái đẩy lần cây cỏ lại phía ổ. Bình minh rụt rè về. Tia sáng run lẩy bẩy như cũng vừa tỉnh một trận sốt cách nhật.

Chúng tôi lần ra bên suối. Cái nón sắt lấy của địch dùng được nhiều việc thật. Làm thau rửa mặt, ấm đun nước, làm xanh chảo xào rau. Bữa cơm sáng ăn với mắm ruốc và củ mài xào với lá tàu bay. Rồi đi thăm phòng tuyến. Giao thông hào ngoằn ngoèo trên một cây số, hầm tác chiến sâu rộng. Ụ súng lớn nhỏ chi chít. Sườn núi soai soải trước mặt, phạt trụi hết cây cỏ để khỏi vướng tầm mắt. Giây thép gai chằng các cọc trên một diện tích vài cây số vuông. Một đồng chí tình báo vừa đi công tác về, quẩy một bó nứa, đeo một túm ngô. Những mẩu chuyện đánh giặc kèm ngô nướng và vui đùa. Tin yêu và giản dị. Anh chỉ huy khen mấy luống cải vừa gieo bên suối: “Thôi ở lại đây, ăn tết cùng bộ đội. Tết này, cải tốt sẽ có ngồng. Đã mấy khi các anh cất công từ Bắc vô”. Anh chính trị viên thân mật báo cho biết là vợ con anh sẽ theo lên vùng núi để thả trâu bò. Cỏ vùng này đẹp như tuyết thảm nhung, gió chạy trên cỏ bao giờ mệt thì thôi. Thật là thuận tiện cho nghề chăn nuôi. “Đôi ba năm nữa, bộ đội tự túc lấy về vật chất”. Buổi tối ấy, chúng tôi được nghe kể chuyện một đội viên gác đêm tại phòng tuyến số 1 quá trong kia, bị hổ đến vờn ngay ở chòi gác. Anh cứ vững tay súng cắm lưỡi lê chĩa thẳng về phía hổ. Mãnh thú và người lính thôi miên lẫn nhau mấy tiếng đồng hồ.

*

Cờ màu đỏ, phơ phất trong thành phố không đẹp bằng bay tung nơi đồng nội, in cái đỏ gắt ấy xuống nền lá mạ ruộng cấy hoặc vào nền lũy tre xanh già. Cờ đỏ cắm ở mũi đò biểu tình, hàng trăm chiếc chụm đầu lại chỗ bến Thương Bạc cũ, soi bóng hồng xuống dòng nước xanh Hương Giang, thế mà còn thua cờ đỏ cắm trên bành voi ở trong rừng Bình Định.

Trên con đường số 19 nối với Tây Nguyên, voi đi tiếp tế bộ đội, ba bốn con nối đuôi nhau. Voi đi lừ lừ như tàu thủy, lá cờ trưng ra thêm khỏe mạnh và oai hùng. Mép bành, nhú lên cái đầu nòng súng máy và nhô lên cái mũ ca-lô. Anh em ngồi trên bành voi âu yếm gọi voi là “ông cán bộ”. Ông cán bộ số một dữ. Ông cán bộ số hai hiền.

*

Bến Định Quang (…) Những con đường mòn dẫn vào Suối Sen, thỉnh thoảng giặc vẫn về. Đồng lúa chín không bóng người gặt. Ban ngày đánh giặc, đồng bào tản đi hết. Chạng vạng tối mới lần về mà gặt vội (…) Lần đầu tiên tôi được biết đến cảm xúc tham gia chiến đấu bên cạnh bộ đội. Năm sáu anh em bộ đội đeo súng và lựu đạn cùng tôi nhanh bước về phía dốc Mun, men theo cột tre khô có mắc dây điện thoại mà đi. Nách lối tắt, chồm ra một cụ già run sợ hoảng hốt. Cụ ra hiệu là có Pháp đang đi gần đây. Bộ đội đưa mắt nhìn nhau, đứng lại gần một lều vắng và sửa soạn. Tôi còn đang lúng túng trong ý nghĩ, thì anh chính trị viên điềm đạm bảo một người đưa tôi một trái lựu đạn. Lần đầu tiên trong đời tôi, tôi cầm quả lựu đạn. Máy móc quả nổ, tôi chưa biết tí gì. Chờ đợi trong bụi khuất rậm lâu quá, bộ đội lại đứng dậy đi tiếp, thản nhiên: “Chúng nó lại đi con đường vòng khác rồi. Không thành tao ngộ chiến, giá có gặp lại có dịp đì đòm”. Đến chân dốc Mun. Dốc nặng quá, dựng như vách thành. Đến Eo Gió. Đông người đang gài bom, chôn địa lôi, và đắp thêm ụ súng. Bộ đội chờ địch ở Eo Gió. Ở đây bộ đội gọi bom là heo, là cá thu. Có những con cá thu nặng năm mươi cân, mình xanh biếc, lủng lẳng trong bụi cao. Anh đội viên giữ việc giật bom lúc nào cũng vui vẻ tự xưng là em và vuốt ve trái bom treo. Thành ra trái bom hóa ra hiền lành, dễ thương như bộ mặt hồn nhiên của anh. Thường xuyên đóng ở đây, có những anh em trên đầu chỉ vẻn vẹn mấy chùm lá khô để chống với tất cả gió đèo và mưa đêm rỉ rả. Tôi mượn chiếc viễn kính nhìn sang đồn địch chót vót trên đỉnh Chóp Xôi. Đấy là một vọng tiêu cao nhất của Pháp nhìn thấy được toàn cảnh hai đèo An Khê và Mang Giang. Đồn sừng sững, đường viền của kiến trúc thô bạo như cắt dán lên nền trời.

Tôi xuống núi gặp anh tiếp tế quảy gánh cơm nắm lên. Eo Gió kiêng lửa, sợ địch nhận ra khói bếp. Tính cái dốc, lúc lên mất một giờ, lúc xuống chỉ mười lăm phút, thân mình đồng chí cấp dưỡng quăng xuống cứ vèo vèo như lao cây.

*

(…) Núi Lá đang trổ hoa xương rồng. Sông Đà Rằng, mặt nước nhấp nhô những bụi rù rì. Rù rì là một thứ cây đồng bào vùng đây dùng để đun và cái đặc biệt nhất của rù rì là tươi mấy, xanh mấy cũng cứ cháy vù vù, lửa rất đều ngọn. Từ Cung Sơn, thuyền xuôi về Mật Hàn. Thuyền xuôi là thuyền bệnh đưa chiến sĩ về dưỡng nhàn đường dưới xuôi. Những thuyền ngược dòng nặng một khoang thuốc, một khoang chăn, một khoang đạn của quân nhu chở lên mặt trận. Cảnh sống chỗ Đồng Cam phảng phất một mùi trung cổ. Xe vận tải hai bò kéo. Cày ngoài ruộng cũng mắc hai bò. Chiếc cộ bánh đặc, đẽo bằng gỗ cà-tê. Chày giã gạo bằng gỗ sầm. Cái cối khoét trũng vào gỗ cây. Mỗi kỳ có mưa núi, nấm phan nấm mối mọc ngập rừng. Đồng bào hái về ăn tươi, nấu cháo thơm béo như thịt gà. Kỳ đói mùa trước, tạ gạo lên tới giá một nghìn chín trăm đồng. Cây hổ ngươi mọc rất nhiều hai bên lối đi. Đụng phải vó ngựa hành quân hoặc bước người ngược suối, cỏ trinh nữ khép mình lại, để cho sợi cỏ lông heo lẩn chui vào quần áo người qua. Cỏ lông heo chui rất nhanh vào thớ vải, nằm đấy mà gẫy đôi ra rồi đâm vào da. Cầy hương vùng rừng này, để nguyên cả túi xạ mà nấu. Cảnh ở đây buồn rộng quá, nếu không có lớp Bình Dân tối đến đỏ đèn dầu ma-dút trong một nếp nhà tranh bên đường cái.

Mình hết sợ bệnh tật của rừng thiêng, hết nghi ngờ bóng tối của vòm lá ngàn. Và lại tin tưởng vào thâm sơn bí hiểm nữa, khi ở đây có vang lên cái tiếng lớp học đánh vần tiếng Việt Nam yêu quý.


(Trích từ bài ký “Giữa hai xuân”. Nhan đề phần trích tạm đặt.)