Thất bại. Bao nhiêu gương chiến đấu anh dũng, có thành công cục bộ, tạm thời, nhưng rút cuộc kết quả chiến dịch là thất bại.

Thì cũng phải có “mẹ”, rồi mới có “con” được chứ. Điều quan trọng là con nhiều hơn mẹ, to hơn mẹ.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Tây Bắc còn gay go”



Thi hành chỉ thị của Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh mở chiến dịch Tây Bắc mang mật danh là Chiến dịch Lê Hồng Phong 1.

Mục đích của chiến dịch là tiêu diệt sinh lực địch, tiêu diệt một số vị trí, tối thiểu là làm tan rã các đơn vị lính ngụy, tối đa là giải phóng Lào Cai, mở thông đường liên lạc quốc tế. Hướng chính của chiến dịch là mặt Lào Cai, hướng phụ là mặt Điện Biên Phủ và Sầm Nưa, hướng nghi binh kiềm chế là Sơn La. Bộ chỉ huy chiến dịch gồm có anh Bằng Giang là chỉ huy trưởng, anh Song Hào là chính ủy, anh Cao Văn Khánh là chỉ huy phó (…)

Ở hướng chính, ta tiến công Phố Lu, một thị trấn có hai đại đội, được tổ chức phòng ngự vững chắc. Trận đánh có nhiều tình huống gay go, quyết liệt. Sau ba đợt chiến đấu kéo dài bốn ngày đêm, ta hoàn toàn làm chủ Phố Lu. Địch bị tiêu diệt, nhưng ta bị thương vong nhiều, có đại đội bị thiệt hại tới hai phần ba.

Sau chiến dịch, tôi nghe anh Vũ Yên, trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ Đô, báo cáo cụ thể trận phố Lu. Vị trí này là sở chỉ huy phân khu do một đại đội lính Pháp, một đại đội lính khố đỏ và 80 lính ngụy địa phương đóng giữ. Đây là vị trí quan trọng còn lại trên tuyến phòng thủ Sông Thao sau chiến dịch mùa hè năm trước (1949), án ngữ con đường tiến lên thị xã Lào Cai. Phố Lu là một thị trấn chưa phá hoại, với những đường phố, những ngôi nhà gạch một tầng, hai tầng còn nguyên vẹn. Địch đã đuổi tất cả dân chúng ra ngoài để xây dựng một đồn binh kiên cố. Quanh thị trấn có tường thành dày từ một đến hai mét. Bốn góc có lô-cốt vững chãi. Bao quanh phía ngoài là hàng rào dây thép gai và bãi mìn. Cạnh căn cứ là một sân bay dã chiến. Viên chỉ huy phân khu coi Phố Lu là một vị trí bất khả xâm phạm. Hai đợt tiến công đầu không thành, xung kích bị chặn trước hàng rào dây thép gai. Đợt thứ ba, ta rút kinh nghiệm, tập trung cả tiểu đoàn pháo về một hướng, bắn vỡ một góc tường, mở được cửa đột phá cho bộ đội xung phong. Chiến sĩ mang ba-dô-ca đi cùng chiến sĩ xung kích, tiêu diệt từng hỏa điểm. Các chiến sĩ pháo binh cũng đẩy pháo vào trong vị trí, ngắm bắn trực tiếp vào những ổ đề kháng. Viên chỉ huy đồn Phố Lu tử trận, để lại cuốn nhật ký có ghi dòng chữ: “Chao ôi! Kẻ thù của chúng ta có tinh thần của những người chiến thắng”.

Ở hướng thứ yếu, tình hình diễn biến phức tạp. Ta tiến công Nghĩa Đô ba lần đều không thành công. Địch đưa lực lượng từ Hà Nội lên ứng cứu cho Nghĩa Đô, nhưng ta vẫn bao vây uy hiếp mạnh, nên địch phải rút bỏ Nghĩa Đô. Sau đó, ta tiêu diệt vị trí Bản Lầu và tiến công một số vị trí khác.

Địch phải dùng quân nhảy dù tăng cường cho Lào Cai, chiếm lại Phố Lu và Nghĩa Đô. Nhận thấy địch đã củng cố phòng thủ, sức chiến đấu của bộ đội ta đã giảm sút, tiếp tế lương thực khó khăn, Bộ Tổng tư lệnh quyết định tạm ngừng chiến dịch. (Chiến dịch Lê Hồng Phong 1 bắt đầu ngày 7-2-1950, kết thúc ngày 7-3-1950 – GN)

Địch bị thiệt hại nặng và buộc phải phân tán quân nhảy dù là lực lượng cơ động chiến lược lên đối phó với cuộc tiến công của ta ở vùng rừng núi Tây Bắc, nhưng ta cũng bị tổn thất và chưa đạt mục đích chiến dịch. Cục diện chiến trường về căn bản chưa có gì thay đổi (...)


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 593-595)