Tại sao nước hồ Gươm xanh thế nhỉ? Ai chưa đứng bên hồ mà ngắm, chỉ xem ảnh, dám nghĩ ảnh đã bị “tô màu”!

“Làn cây ven hồ Gươm như làn mi”. Ấy là làn mi hạ rất thấp: quanh hồ có nhiều cây cổ thụ nghiêng hẳn ra phía nước, cành lá rậm rạp sà xuống sát mặt nước...

Liễu lác đác, “đứng một mình buông tóc trong gió”. Lộc vừng mùa thu rắc hoa đỏ xuống hồ, mùa xuân lại khoe lá vàng rực rỡ! Rồi cầu, rồi đền, trong đền là cả một không gian cây riêng…

Ai thăm “con mắt ai xanh biếc”, nhớ lên nhà hàng Hàm Cá Mập trông xuống, góc nhìn ở đấy khá là hay.
(Thu Tứ)



“Con mắt ai xanh biếc”

Tô Hoài




Hồ Gươm đượm vẻ đẹp gọn xinh, không dáng dấp mênh mang như Hồ Tây. Tưởng như một lúc nào đấy, đương giữa người người nô nức chen chân nơi đô hội, ở Hàng Giò, Hàng Khay ra, ở Hàng Ðào, Hàng Trống dốc xuống, hốt nhiên gặp một ánh nước thoáng như cái chớp mắt của con mắt ai xanh biếc. Hồ Gươm đấy. (tr. 168)

Có hôm quang trời bên tam quan đền Bà Kiệu, trông lên phía tây trên làn sóng mái nhà nhấp nhô phố Hàng Gai, Cầu Gỗ thấy in hình màu lam huyền của ngọn núi Ba Vì. (tr. 168)

Làn cây ven hồ Gươm như làn mi, như ai dướn đôi lông mày. Không thể nghĩ cái đầm nước tuyệt vời ấy lại vắng làn mi những rèm cây. (tr. 169)

Có phải cây hồ Gươm đã được trồng từ trong những chuyện cổ tích (...) ông lão đeo ống tranh cô tiên Giáng Kiều từ cầu Ðông đi xuống nghỉ chân bên hồ đặt một chiếc giành đất cây giống xuống đấy (...) những cây cổ thụ trên bờ hồ Gươm đều đã chào đời từ thế kỷ trước (...) bao nhiêu ông lão đeo ống tranh Giáng Kiều quẩy giành cây giống từ các cửa ô Chợ Dừa, ô Yên Hoa vào. Phong tục nước ta, tuổi già có thói quen quí hóa các cụ hay trồng cây cho đời sau. Mỗi cây hồ Gươm đều đến từ cổng đồng, cổng làng, bờ ao, mỗi cây đã đưa về một hình ảnh miền quê. (tr. 169-170)

Lệ liễu hồ Gươm không yêu kiều vì dặm liễu, dặm dài. Mà từ thuở nào nhỏ, liễu hồ Gươm chỉ lác đác. Những cây liễu đứng một mình buông tóc trong gió in bóng hồ điểm trang bức tranh hồ vào thu phẳng lặng, hoa lộc vừng đỏ hây rơi từng đám xuống mặt nước. (tr. 172)

Ở bên gốc đa chỗ đầu Tràng Thi trông sang xưa kia còn xanh um, rậm rạp những bụi mây, bụi song. Giữa thành phố mà hóa như trung du, người ta nhớ đôi quang gánh dưới mái tranh và những sợi dây mây phơi váy áo chăng qua mặt sân lát gạch Bát Tràng (...)

Không hiểu sao bên hồ Gươm ngày trước lại có một cây ô môi, giữa mùa hạ hoa nở như hoa đào (...) hồ Gươm hôm nay đương đơm xôi lên những chùm hoa bằng lăng tím rừng miền đông Nam bộ (...) những chiến sĩ trong cuộc chiến tranh vừa qua (...) đã đem những giống cây khắp quê hương về trồng ven hồ.

Cuối thế kỷ trước, khi người Pháp mới chiếm Hà Nội (...) Lịch sử đau thương quãng ấy đã sang trang rồi, nhưng còn dấu tích trong cây. Ấy là những cây gỗ tếch chỉ thấy ở rừng Thượng Lào, những cây cọ dại châu Phi, những cây hoa phượng vĩ quê tận Tân Ghi-Nê ngoài châu Ðại Dương, người Pháp đã đem từ các thuộc địa tới.

Cây quanh hồ Gươm tụ hội các thứ cây của làng nước - và của thời thế. (tr. 172-173)


(Tô Hoài,
Bút ký, nxb. Hội Nhà Văn, 2000)