“Tranh sơn mài” đẹp quá, “đàn chim lam líu tíu” ngộ nghĩnh quá. Thế là trên này được giải phóng trước đấy nhỉ. Bao giờ thì đến lượt đàn chim nâu được bay về đồng xuôi để lo gieo mạ và đàn chim sặc sỡ về phố phường để lao động lối phố, cho “đất” khỏi quên? Ờ mà dĩ nhiên nâu với màu nọ màu kia là khi còn ở dưới kia, chứ bây giờ những chim ấy đang diện các loại màu kháng chiến... Thế là “các chị Thổ” đoán nhầm về cái “anh” đang cùng ngồi trên đò gỗ qua con sông Thao với mình hôm nay. Nhưng tuy không phải là bộ đội, anh ấy đang ngắm núi non và lắng nghe các chị mà “rưng rưng một cái vui thấm thía” nó có gốc ở hành động của những người anh đã theo chân suốt bao nhiêu ngày… (Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Đời lại mấy mươi tuổi”




Theo người lính mà chứng kiến cái vui của những vùng vừa giải phóng, chúng ta mới thấy sống trong tranh đấu là một điều vinh dự cho xúc cảm mình. Chào cờ Việt Nam trong đồn Tây sân còn nóng hổi, đó là một khoái trá nghìn vàng cũng không mua được ở chỗ xa tiếng súng (…)

Theo người lính (…) chuyến vừa rồi tôi lớn hẳn lên (…) Cái gì đáng kể lại về sung sướng của chiến thắng buổi đi tìm tài liệu giữa đồn và quanh đồn bên sông Thao nhỉ? Bộ đội thu chiến lợi phẩm, vui lắm. Nhưng dân chúng trở về (…) lại còn rầm rì hể hả gấp mấy thế nữa (…) Từ khi Tây dựng đồn Đại Bục, đóng bẹt một cái đinh lớn bên hữu ngạn sông Thao, một năm rưỡi trời (…) Những lối mòn khép dần. Cỏ tranh mọc quá đầu người, cứa vào mặt người trinh sát (…) Sau một đêm (..) cuộc đời ở đây đã ngóc dậy, bật sáng lên (…) Cỏ tranh lại dẹt xuống dưới gót chân người trở về (…)

Tôi ở bên này sông, tôi chạy sang bên kia bờ. người dân quân chở đò bến Đại An, đã thuộc mặt tôi, cái túi dết tôi, vừa đủng đỉnh trên dòng Thao vừa tủm tỉm: “Anh bận nhỉ! Chúng em bây giờ đâm bạo ra và chỉ mong có nhiều dịp liên tiếp dẫn đường cho bộ đội. Sang ngang bên này, giờ không phải lấm lét nghe ngóng động tĩnh nữa. Bến đã về với đò rồi. Vài hôm nữa, lại cưới lại chợ, đi về như mắc cửi đấy anh ạ!”.

Một toán người xanh biếc, bước chân xuống chiếc đò gỗ. Gánh gồng kĩu kịt, thúng giỏ đầy ăm ắp thực phẩm quần áo. Lại xẻng cuốc nữa. Lại cả trâu lợn gà vịt cùng xuống đò. Các chị Thổ cười vang mặt sông: “Về Đại Bục mà. Ruộng bỏ vắng lâu quá rồi, bỏ hai ba vụ lúa rồi, không về mau mà làm lại thì đất nó quên mình đi. Các anh vừa nhổ hộ đi một cái đinh râu mọc ở mặt bên này đấy. Bao giờ chín lúa có cơm mới, các anh nhớ về cho đông mà ăn mừng cơm đoàn kết của các em nhé”. Bên người các chị, chằng chịt những dây xanh đỏ dệt toàn tơ, cái thì buộc xiêm, cái thì níu địu, cái thì buộc vỏ dao rừng. Dây ngũ sắc này, hôm nọ các chị phụ nữ huyện Trấn Yên đây cũng có gửi làm quà mừng bộ đội cùng với những tấm quạt nan viết khẩu hiệu. Có anh cán bộ, đã lấy cái dây thắm đó buộc vào chuôi súng lục thay cho dây dù đã quá tầm thường. Một chị Thổ khác ngặt nghẹo, nửa đùa nửa thực: “Chuyến này về, chúng em mà bắt được thằng Chánh Diện đi với Tây ấy thì nhất định chúng em phải ăn tươi thịt nó như nó đã mượn thế Tây đồn mà ăn thịt những trâu cướp của các em. Trâu bây giờ một nghìn một con. Chúng em nhớ lắm. Chạy đi xa nhưng chúng em có biên cả đấy. Chánh Diện nó đưa lên đồn Đại Phác mười chín con. Ở Đại Bục nó giết làm thịt mất mười con. Nó lại còn xui Tây ra lệnh cho chúng em phải cày ruộng trước ngày mùa để nó lấy trâu ăn thịt. Anh tính nó gớm như thế đấy”.

Đồng chí Trưởng ban Bình dân Học vụ chen vào: “Đây là những chị học trò của tôi chạy giặc và tôi đưa sang bên này sông. Vừa học tập vừa tăng gia tự túc ở vùng Yên Bái này đấy. Bình dân Học vụ cũng phải lưu vong, chả cứ gì Hành chính các anh ạ. Bây giờ thì tha hồ mà thắp đèn mà học vớ! Hết khóa này lại mở luôn khóa khác. Làm ruộng cho kịp mùa xong, những chị học trò này lại sẽ ép lấy dầu chẩu mà thắp ở lớp. Ui chà, lớp học sẽ dựng lại to đẹp hơn trước nhiều. Hôm nào bộ đội sang chào cờ khai mạc với xã Đại Đồng thôn Đại Thịnh đi”. Một chị bé thon áo chàm đẫm mồ hôi giơ một cái bu nan đang quạc quạc: một con vịt bầu “Mua ở chợ Uông đấy. Bảy chục. Để về ăn cơm đoàn kết với hàng xóm rồi là gieo mạ đây”. Đồng chí Trưởng ban B.D.H.V. nói rằng hôm đốt Đại Bục, đồng chí còn ở lại đến hôm sau xem cái bọn theo Tây kia che mặt xấu hổ và khóc lạy các đồng chí mình che chở cho. “Chúng nó lại gọi em là ông và dụt dè gọi là đồng chí nữa, có buồn cười không vớ! Tiếc quá, đêm ấy đồng chí lại về ngay bên này sông. Ở lại hôm sau mà vẽ cái mặt họ thì đẹp lắm đấy. A, lại còn cái đám thanh niên vẫn đi ba chui cho Pháp quanh vùng Nghĩa Lộ, cũng kéo về xin nộp súng cho chính phủ ta đấy. Trông nó xấu quá, đồng chí nè”. Anh cán bộ đứng tuổi rít mồi điếu can, nhổ bãi nước bọt xuống dòng nước sông. Tôi rưng rưng một cái vui thấm thía nhìn hạnh phúc trong đời sống tự do bàng bạc trên mặt sóng và gió đang lùa vào sâu ven bờ giải phóng (…) Tôi ngồi giữa một cái đò áo lam. Đầu các chỏm núi hai bên sông vươn lên cái màu đỏ những cây coỏng đang lung linh lá thắm. Một dòng lá thắm, một đàn chim lam. Thiên nhiên buổi đò ngang sớm mai thênh thang ấy được tô lục chuốt hồng từ bến tự do này qua bến giải phóng nọ. Hong hỏng như chờ coỏng nở. Đàn chim lam ấy líu ríu nhìn lá đỏ chỏm núi không chớp mắt. “Cây coỏng đỏ lá thì gieo mạ. Còn kịp cày cấy các anh ạ. Một năm, coỏng ra ba lần lá đỏ, mỗi lần xa nhau nửa tháng. Lần đầu, lá coỏng báo mình tra lúa mộ, cho hạt vào thúng. Lần thứ hai, tra lúa dé, quẩy mạ, chờ lúa tháng chín. Lần thứ ba, tra quẩy lúa lim, thứ lúa muộn gặt vào tháng mười”. Tôi lặng nghe bài học canh tác miền núi (…) Tôi đăm đăm nhìn coỏng đỏ ngọn núi xa vời. Nó cũng hơi giống cây bồ kếp rừng. Tây Bắc bôi những vệt son lòng trai lên một bức tranh sơn mài. Vẫn con chim lam ấy líu tíu lên lớp về thảo mộc Tây Bắc: “Cây coỏng đỏ lá bảo chúng em làm ruộng. Hết coỏng thì đến cây phách trổ hoa. Trông phách trổ màu nhạt hơn lá coỏng, chúng em lại làm đến đỗ. Hết mùa này qua mùa khác, làm việc luôn tay. Tháng một hái lá chàm về ruộm vải may áo ăn Tết. A này, gần đây quần áo các anh bạc rồi, các anh về đây, xã em sẽ ruộm lại áo quần cho bộ đội, bộ đội áo lam sẽ ở lại với vùng em không về nữa”. Tôi hỏi: “Kháng chiến thành công rồi các chị về Hà Nội chơi Tết Giải phóng Toàn quốc chứ?” – “Em muốn về lắm, nhưng đường dưới xuôi không có dốc, bước mỏi lắm. Và ít núi quá. Trên này lúc nào cũng không mất núi, thành ra đi thấy gần lắm”. Tôi trông theo những bóng áo chàm rẽ ngoặt vào lối cỏ Đồng Cau. Mười tám tháng nay, lối cỏ này mới lại có bóng người đàn bà không sợ hãi (…)