“Thế mạnh có thể chuyển thành lực mạnh” bằng “sự giúp đỡ vật chất của quốc tế”. Nhưng muốn nhận được sự giúp đỡ đó thì phải thông “những đường vận chuyển cơ giới từ Trung Quốc”.

Đông Bắc “là nơi địch có phòng tuyến rắn chắc nhất”, chắc vì có cảng biển giúp giặc dễ dàng đưa thêm quân và chở đồ tiếp tế tới mặt trận. Tây Bắc vốn cũng có “một hệ thống đồn bốt dày đặc”, lại là nơi Pháp làm tốt hơn cả cái việc dựng ngụy quyền dân tộc thiểu số, chủ yếu người Thái (xem trích đoạn “Phải chiếm lại Tây Bắc”), tuy nay đã trở nên tương đối “yếu và sơ hở” nhưng đánh vẫn gay go…

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Chuẩn bị tổng phản công”



Đầu năm 1950, Trung Quốc rồi Liên Xô, Mông Cổ, Triều Tiên, Tiệp Khắc, Cộng hòa Dân chủ Đức, Hung-ga-ri, Ru-ma-ni, Ba-lan, Bun-ga-ri, An-ba-ni chính thức công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước ta. Thắng lợi của cách mạng Trung Hoa mang lại cho cuộc kháng chiến của ta những thuận lợi to lớn. Vòng vây bên ngoài bị phá vỡ ở phía bắc. Bên kia biên giới là lục địa Trung Hoa, nối liền một dải với Liên Xô và các nước anh em.

Ban Thường vụ Trung ương triệu tập Hội nghị toàn quốc lần thứ ba, họp từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2 năm 1950 (…) Hội nghị nhận định (…) Hiện nay thế của ta mạnh hơn địch, lực của ta còn kém địch (…) Thế mạnh có thể chuyển thành lực mạnh. Ta phải tích cực (…) làm cho thế và lực của ta lớn mạnh hơn, để trong năm 1950 có thể chuyển sang tổng phản công.

Muốn chuyển sang tổng phản công, ta cần chiếm ưu thế quân sự trên chiến trường chính, trong khi ở các chiến trường khác, ta đủ sức kiềm chế địch. Ưu thế quân sự đó phải được giữ vững và phát triển để tiếp tục phản công cho đến toàn thắng (…)

Một nhiệm vụ quan trọng trước mắt là phải phá vỡ thế bao vây của quân Pháp ở biên giới phía Bắc, giải tỏa thế uy hiếp ở hai sườn căn cứ địa Việt Bắc.

Chúng ta đã có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Liên Xô và các nước anh em, nhưng con đường từ quốc tế vào nước ta chưa được khai thông. Pháp còn chiếm các thị xã Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cái, khống chế tất cả những đường vận chuyển cơ giới từ Trung Quốc. Tuy trong thực tế, với những đồn binh đóng rải rác, quân Pháp chưa bao giờ bịt kín được biên giới phía bắc, song những đường mòn xuyên rừng chỉ dùng được cho người đi bộ và đi ngựa không cho phép tiếp nhận dễ dàng và nhanh chóng sự giúp đỡ vật chất của quốc tế nay mai.

Đầu tháng 1, Ban Thường vụ Trung ương ra chỉ thị mở chiến dịch Tây Bắc và chuẩn bị chiến trường Đông Bắc. (…)

Tây Bắc là nơi (tương đối) yếu (…) và sơ hở (...) Đông Bắc là nơi địch có phòng tuyến rắn chắc nhất (…) Chúng ta cần phá vỡ phòng tuyến này (…) Nhưng cần có sự chuẩn bị chu đáo. Trong xuân hè này, ta tích cực chuẩn bị chiến trường ở Đông Bắc, nhưng tạm thời chưa đụng tới hệ thống đồn bốt của địch.


(Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hồi ký
Chiến đấu trong vòng vây in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006, tr. 592-593)