Đây lời một người dân: “Vì nước tôi vui lòng cho nó đi (…) Đêm hôm tôi còn kêu riêng nó ra nói dứt khoát là nếu nó về nhà mà không có giấy phép của đơn vị là tôi không nhìn tới nó nữa, làm như vậy là nó làm nhục cha nó, làm mất mặt mẹ nó”.

Đây lời một người mẹ: “Con đứt ruột đẻ ra. Bây giờ (…) thế nào cũng phải buồn ít ngày”. Vài ngày sau: “Tôi qua được rồi cậu Hai à! (…) Cậu đi đây đi đó khi nào có gặp đơn vị nhớ kiếm nó cho được, nhắn cho nó hay: tôi với mấy đứa em nó mạnh giỏi, sống no đủ, nó đừng lo nghĩ gì hết. Ráng đánh giặc cho giỏi là bà con dòng họ vui rồi. Nhớ nghe!”.

Đây “thư cậu Hai”: “Tôi không gặp thằng Nam của chị Bảy, nhưng tôi đã gặp rất nhiều thằng Nam khác (…) Những Giải phóng quân trẻ tuổi (…) đã chiến đấu anh dũng lạ thường. Cả nước ta, cả thế giới đều biết rõ điều đó. Khi nhìn (…) các đồng chí, tôi thấy lòng tự hào vô hạn. Vinh quang biết bao, những bà mẹ có được những người con như vậy. - Chị Bảy (...) tôi không gặp Nam. Nam đang ở miền đông. Chắc là trên con đường 13, con đường (…) mà sư đoàn bộ binh số 1 của Mỹ đang uy hiếp. Tôi đi cùng những đồng chí Nam của tôi ở miền tây, nghe được từng hơi thở tiếng ngáy, tiếng nói và giọng cười, tiếng chèo hành quân và tiếng vá đào công sự, tiếng đạn lên nòng và tiếng lê lắp vào đầu súng, tiếng hô xung phong và tiếng chân chạy trên rào bót (…) Tôi muốn gởi cho chị chút ít về những điều đó...”.

Đất nước độc lập và thống nhất là nhờ đã có vô số những mẹ và con như thế này. Đọc lời và lời, “thấy lòng tự hào vô hạn”. “Vinh quang biết bao”, Tổ quốc ta ơi.
(Thu Tứ)



Lê Vĩnh Hòa, “Trông ra tiền tuyến”




Mỗi lần hành quân tới một địa điểm mới, nếu không phải là đêm có nhiệm vụ tác chiến thì sau khi đào công sự, tắm rửa xong, dù trời khuya hay sớm thế nào cũng phải uống hết một ấm trà rồi mới đi ngủ, đó gần như là thói quen của tiểu đội 2. Quá chín giờ, không còn công tác gì mà chưa đi ngủ, như vậy kể ra thì cũng hơi vi phạm một chút về nội quy điều lịnh. Nhưng sau một chặng đường dài không ai được nói chuyện để giữ bí mật hành quân, tới chỗ nghỉ các cán bộ cũng hơi lờ đi để cho anh em được thức nán thêm một lát nói chuyện cho hả hơi. Cữ trà đó được tiến hành một cách êm ái trong góc bếp để tránh làm mất giấc ngủ của chủ nhà, và quanh bình trà đêm uống một cách vội vã, những câu chuyện được tuôn ra thường sôi nổi và hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Từ một con bướm trắng lọt vào chung trà đến tiếng kêu hốt hoảng của một con cúm núm sau đồng năn đều có thể là đầu đề của một câu chuyện nào đó, một kỷ niệm xa xôi về quê hương chẳng hạn. Rồi câu chuyện dẫn từ quê hương đến chiến trường, từ chiến trường vòng về một địa phương quen thuộc mà bộ đội thường đóng quân, về một bà má hay một cô gái bán hợp tác xã. Có thể câu chuyện sẽ quẹo một cách bất thường qua hướng Long Điền để nói về vấn đề các tu muối, quay sang chuyện kéo cá ở miệt Thứ Chín biển, lộn lại chuyện đánh bót Thứ Chín rưỡi, bùng lên thành một cuộc tranh cãi gay gắt về sự khác nhau giữa cái đầu con cóc và cái đầu con kiết, rồi quày lại chuyện đánh viện ở đặc khu Khai Quang, lan man qua chuyện Bình Hưng với những thằng tù binh Mỹ. Bộ đội gọi đó là chuyện tào lao. Và chuyện tào lao thường chỉ có thể chấm dứt khi đồng chí tiểu đội trưởng xem đồng hồ tay, nhắc đồng chí sắp tới phiên gác chuẩn bị làm nhiệm vụ và bưng cây đèn móc lên cột trả lại cho chủ nhà. Mọi người ngồi tần ngần trong bóng tối thêm một lúc rồi mới chịu lục tục đứng dậy dẹp ấm, bình trở về chỗ ngủ.

Khi tôi vô mùng đốt ngọn đèn cầy đọc chưa hết hai trang sách thì đã nghe tiếng ngáy pho pho đều bốn phía quanh mình, có cả đôi tiếng mớ ậm ọe như tiếng con nít cựa mình nhõng nhẽo.

Thật là những con người sống khỏe khoắn một cách đặc biệt.

… Trên nền nhà đất, thường nằm kế bên tôi là anh trung đội trưởng hai mươi bốn tuổi, có một nước da mà theo như lời anh ta nói thì với nước da đó “trời đánh còn phải rọi đèn pin”, vì màu đen của da anh đặc biệt tiệp với bóng đêm. Xưa, anh ta ở trong một vùng bị giặc chiếm, tuổi thiếu niên chỉ hưởng được khổ nhục đọa đày. Bây giờ thì anh đương giữ hai huân chương chiến công một cái hạng nhì và một cái hạng ba, được tặng thưởng sau hai trận đánh công kiên nổi tiếng. Lối đánh thọc sâu, chia cắt nhanh của anh đến nay đã thành nết đánh của toàn đơn vị.

Người được anh em đặc biệt nhường cho ngủ thường xuyên trên ván – nếu đóng nhằm nhà có ván trống – là đồng chí tiểu đội trưởng. Về đồng chí nầy tôi nhớ rất rõ. Hôm mới tới đơn vị, gặp lúc chi bộ đang họp, tôi vào tham dự và rất ngạc nhiên thấy có một đồng chí mang kiếng mát ngồi trong hội nghị. Quái lạ! Sau mới biết đồng chí bị miểng lựu đạn chọc mù hết một mắt. Bữa đồng chí từ quân y trở về đơn vị, ban chỉ huy xem giấy giới thiệu bịnh trạng xong ân cần nói chuyện với đồng chí, nêu ý kiến của cấp ủy và ban chỉ huy là định đưa đồng chí về địa phương công tác và an dưỡng. Đồng chí tiểu đội trưởng vốn bình tĩnh và ôn hòa đó bỗng nổi nóng lên một cách bất ngờ, nói gay gắt:

- An dưỡng hả? An dưỡng cái gì? Con mắt đã đui dưỡng chừng mấy năm nó sáng trở lại?

Thấy đồng chí chỉ huy không có vẻ gì giận dữ trước phản ứng đột ngột của mình, anh tiểu đội trưởng cũng nguội lại, dịu giọng tranh thủ:

- Theo tôi nghĩ: đui một mắt, ngoài cái tiện lợi là bắn súng khỏi mất công nheo mắt ra thì không còn điều gì khác biệt hơn người có hai mắt. Vậy mà không cho chiến đấu thì tôi hết biết mấy anh nghĩ sao rồi.

Nói theo lý đồng chí thì con người ta có hai mắt hóa ra có phần hơi thừa, nhưng ban chỉ huy đại đội không cãi lại, cho đồng chí mang ba-lô trở về tiểu đội cũ, dĩ nhiên không phải vì chấp nhận cái lý đó mà vì thấy có cái lý khác mạnh mẽ hơn, có nhiều sức thuyết phục hơn nó tỏa ra từ trong con mắt còn lành lặn, từ trong hơi nóng của giọng nói hậm hực, sôi nổi của đồng chí tiểu đội trưởng.

Trong số các chiến sĩ nằm quanh đây có một cậu bé mười bảy tuổi, trắng nõn, ban đêm ngủ thường hay mớ, khi mớ nói chuyện tỉnh khô như đang thức, mấy ngày đầu tôi tưởng là tân binh. Rõ ra thì cậu bé đã đánh trên mười trận, được nhiều bằng khen, nổi tiếng về môn vẹt dây kẽm gai để chun qua rào, chiếm tường đồn trong những trận gay go. Chưn mặt cậu ta hơi khập khiễng, có để ý mới thấy. Cậu vén ống quần lên cho coi vết thẹo ngay nhượng: một đầu đạn cạc-bin còn chưa múc ra được và đó không phải là vết thương đầu tiên. Tôi ngắm nghía cậu bé và nghĩ: tướng tá cũng như gương mặt cậu ta so với thành tích của cậu thật không ăn khớp chút nào.

Các đồng chí khác trong tiểu đội tuổi tác không hơn cậu bé trên bao nhiêu, thành tích cũng suýt soát, trừ đồng chí tân binh mới đến đơn vị này khoảng một tháng, còn mới nguyên chưa đánh trận nào. Mấy hôm trước anh được phân công đi cải tạo ba ngày. Khi về, xuồng vừa cặp bến, anh ta nhảy ào lên bờ ôm cổ người này, đập vai người khác, nói lập cà lập cập làm như đi đâu đã lâu lắm nay mới về:

- Mạnh giỏi hết hả? Mạnh hết hả? Trời ơi, mấy đêm nay lạ nhà tao ngủ không được. Nhớ tụi bây quá!

Thằng cha nói nghe mới kỳ. Đã là bộ đội rồi mà còn nhà nào lạ, nhà nào quen? Nhưng có những đêm thức giấc một mình nằm nghe tiếng ngáy đều đều bốn bên, tôi nghiệm cái chữ “lạ nhà” mà anh tân binh nói nghe có phần “thông cảm” được. Đêm ở đây, từng tiếng cựa mình hay tiếng ho, tiếng ngáy hay tiếng mớ đều gợi lên một cái gì quen thuộc thân thiết: một nét mặt, một cử chỉ, một câu nói, một giọng cười. Ờ, đúng là tôi đang ngủ trong một “nhà quen”.

Thật là ấm áp vô cùng khi được sống trong một không khí như vậy, và những phút đó tôi thường nghĩ tới Nam, tới chị Bảy và những nỗi lo lắng trước kia của chị…

*

Mùa mưa năm ngoái, đi tham gia phát động quần chúng nông thôn, tôi đã đến ở nhà Nam. Sau đó không được mấy ngày, nhằm đợt thu tân binh, Nam vác cây súng bá đỏ nạp cho ấp đội, ghi tên tòng quân.

Tôi đã sống trong gia đình đó giữa những ngày Nam sắp đi xa. Không khí trong nhà làm cho tôi cảm động.

Những ngày đó Nam vẫn đi phát với chị Bảy. Trưa, chị Bảy về một mình. Xế, đứa em gái đem cơm ra đồng cho anh. Nam ở lại phát tới chiều tối. Ý của nó là muốn nhơn mấy ngày còn ở nhà ráng phát tiếp cho mẹ được phần nào đỡ phần nấy.

Chạng vạng, nó vác phảng về, để nguyên bộ quần áo ướt qua nhà ông nội xin một cây tre vác về, hì hụi cưa, chẻ, tranh thủ vót một mớ cần câu cắm để lại cho mấy đứa em.

Những lúc có mặt Nam ở nhà, mấy đứa nhỏ cứ xẩn bẩn quanh nó. Đứa cho Nam cái kiếng soi mặt, đứa cho cái lược chải đầu, đứa cầm khăn đuổi muỗi cho Nam phía sau, đứa nói bí ba bí bô với Nam ở phía trước. Chị Bảy bận rộn tới tấp: khi ngồi đơm mấy cái nút áo cho con, khi chạy qua nhà hàng xóm mượn máy may đột hai đầu võng, rồi kiếm người đi chợ gởi mua bi-đông mủ, mua dây dù…

Buổi tối liên hoan ở xã thì sáng lại Nam đi.

Nam đi rồi, suốt sáng hôm đó tôi cũng kiếm chuyện đi loanh quanh, không muốn trở về nhà.

Nhưng tới trưa thì tôi quyết định phải trở về. Dù sao, có thêm tôi thì gian nhà cũng đỡ tẻ.

Mấy đứa nhỏ đang bu quanh đống cần câu trước sân, thấy tôi về một đứa đứng dậy kêu lên:

- Chị Ba, dọn cơm cho cậu ăn đi. Có để dành cá.

Tôi vô tới hè thì chị Bảy cũng từ trong buồng bước ra. Nhìn bộ đồ vàng phèn bèo nhèo chị đang bận, tôi hỏi:

- Bữa nay chị cũng đi phát nữa sao?

- Ừ, mà phát một lát sao nó bắt bủn rủn tay chưn. Tôi bỏ phảng ngoài ruộng về nằm hồi nãy giờ.

Ngồi bên mép phản, chị Bảy im lặng một lát rồi nói:

- Hồi sớm giờ tôi có buồn thiệt nhưng không sao đâu cậu Hai à. Con đứt ruột đẻ ra, từ ngày ba nó mất, mẹ con tôi chưa lần nào xa nhau quá ba ngày. Bây giờ vì nước tôi vui lòng cho nó đi, nhưng mà thế nào cũng phải buồn ít ngày mới được. Con tôi…

Tôi ngẩng lên thấy có giọt nước mắt trên má chị. Chị Bảy kéo khăn lau vội vã, nói tiếp:

- Cậu đừng cười tôi yếu tinh thần. Cậu coi mấy ngày nay có nó ở nhà tôi đâu có khóc. Đêm hôm tôi còn kêu riêng nó ra nói dứt khoát là nếu nó về nhà mà không có giấy phép của đơn vị là tôi không nhìn tới nó nữa, làm như vậy là nó làm nhục cha nó, làm mất mặt mẹ nó. Nó đã hứa chắc với tôi. Phận làm mẹ của tôi như vậy kể cũng như tròn rồi. Bây giờ cậu cứ để cho tôi khóc một lát đi. Chắc ít bữa nữa rồi tôi cũng qua được.

Tôi lặng thinh. Còn biết nói gì trước tâm tình của một người vừa làm mẹ thương con vừa làm dân hết lòng vì nước?

Một cơn gió thổi qua, đùa nhẹ tấm màn cũ kỹ trước cửa buồng. Phía trên là một bức riềm thêu hình cặp chim loan phụng mỏ ngậm hai chữ Hạnh Phúc màu xanh. Vải đã vàng úa và chỉ thêu cũng đã phai màu. Tình trạng bức riềm làm tôi nghĩ đến hoàn cảnh của chị Bảy kể từ ngày anh Bảy bị bao nhà, bắt dẫn lên bót để không bao giờ về nữa. Người đàn bà đó đã nuôi dạy một bầy con, đi đấu tranh trực diện, đóng lúa nuôi quân và bây giờ cho con trai đầu lòng ra tiền tuyến.

Có tiếng chèo khua dưới sông, chị Bảy ngó ngoái xuống rồi nhìn quanh quất vách nhà, hỏi như hỏi với mình:

- Không biết nó có bỏ quên cái gì không?

Giọng nói phảng phất một chút ước mong. Nhưng thằng Nam không bỏ quên một món gì cả để có cớ ghé tạt vào nhà một lát. Nó đã chuẩn bị đầy đủ và đi rồi.

… Mấy hôm sau từ một ấp kề bên chèo xuồng ngang qua đất chị Bảy tôi nghe có tiếng kêu vui vẻ:

- Đi đâu sớm vậy cậu? Chút nữa ghé nhà kêu mấy đứa nhỏ dọn cơm cho ăn.

Chị Bảy chống phảng đứng giữa ruộng. Tôi rà xuồng lại hỏi:

- Phát gần dứt chưa chị?

- Còn nửa công nữa là dứt rồi. Bữa hỗm tôi tưởng bỏ xuội luôn hết phát nổi rồi chớ.

Chị lại vung phảng lên chém nhẹ một nhát, rồi nghỉ tay nói tiếp:

- Tôi qua được rồi cậu Hai à! Phần tôi kể như êm rồi. Bây giờ tôi chỉ còn lo cho thằng Nam, không biết nó qua nổi không. Ở bộ đội thế nào cũng có người dẫn dắt mà tôi cũng cứ sợ nó nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ em rồi thua sút anh em. Cậu đi đây đi đó khi nào có gặp đơn vị nhớ kiếm nó cho được, nhắn cho nó hay: tôi với mấy đứa em nó mạnh giỏi, sống no đủ, nó đừng lo nghĩ gì hết. Ráng đánh giặc cho giỏi là bà con dòng họ vui rồi. Nhớ nghe!

*

Tôi không gặp thằng Nam của chị Bảy, nhưng tôi đã gặp rất nhiều thằng Nam khác trong những ngày sống cùng bộ đội. Những Giải phóng quân trẻ tuổi cầm súng đánh giặc trả thù nhà đền nợ nước đã chiến đấu anh dũng lạ thường. Cả nước ta, cả thế giới đều biết rõ điều đó. Khi nhìn vào hay hồi tưởng những đôi mắt trong leo lẻo của các đồng chí, tôi thấy lòng tự hào vô hạn. Vinh quang biết bao, những bà mẹ có được những người con như vậy.

Chị Bảy,

Tôi có đọc trên báo Chiến Đấu của Sóc Trăng những tin tức về quê chị. Bây giờ mọi mặt đều tốt hơn hồi tôi còn ở. Tôi biết là trong đó có công lao của chị. Tôi cũng biết là chị đang ngày đêm trông về tiền tuyến, lắng nghe bước chân của Nam, muốn biết coi nó đang sống và chiến đấu như thế nào.

Như tôi đã nói, tôi không gặp Nam. Nam đang ở miền đông. Chắc là trên con đường 13, con đường máu và nước mắt mà sư đoàn bộ binh số 1 của Mỹ đang uy hiếp.

Tôi đi cùng những đồng chí Nam của tôi ở miền tây, nghe được từng hơi thở tiếng ngáy, tiếng nói và giọng cười, tiếng chèo hành quân và tiếng vá đào công sự, tiếng đạn lên nòng và tiếng lê lắp vào đầu súng, tiếng hô xung phong và tiếng chân chạy trên rào bót của Nam.

Tôi muốn gởi cho chị chút ít về những điều đó…


MT, 1966