“Sao đêm nhấp nhô trên đầu ruồi súng” không phải một đêm mà “nhiều đêm” thì bên tai Nguyễn mới thôi “cái tiếng nặng nặng của những bàn chân đi đánh xa”. Rồi cũng tới “bàn đạp”. Nhưng không phải đến là nhún “đạp” ngay mà vọt lên mình cọp mà đánh túi bụi. Phải nghỉ lấy lại sức chứ. Và bộ đội tranh thủ tập luyện thêm. Và trinh sát đi lấy thông tin về đồn địch để cán bộ chỉ huy cho đắp sa bàn mà nghiên cứu cho thật tỉ mỉ, chọn cách đánh thích hợp nhất. “Cái bàn cát xinh ấy (…) đúng là một bàn mổ, trên đó sóng sượt một cơ thể (…) chờ giải phẫu”. Chao ơi, các “bác sĩ” chuyên khoa phẫu thuật đang chăm chăm chú chú mổ xẻ đây không hề nhằm cứu, mà nhằm giết “bệnh nhân” Đại Bục sao cho thật gọn! Mới chỉ là đánh… mô hình thôi, mà mọi người mặt đã bốc khói, mắt đã tóe lửa! Càng “đánh” càng hăng, bàn đến chỗ xung kích vào đồn thì cái mô hình nó như vừa phồng lên tới kích thước thật của mục tiêu, đặt luôn bao nhiêu cán bộ vào những thế sinh tử!... Rồi cũng đến ngày trước ngày quân ta tràn vào lòng cái Đại Bục “bằng xương bằng thịt”. Bộ đội từ “bàn đạp” vào trận địa, bắt đầu cũng là sang ngang y như Kinh Kha sang Tần. Nhưng lên đường này sẽ kết thúc hoàn toàn thắng lợi. Mấy hôm nữa những người dân quân sẽ được lại chở sang sông một đoàn quân chủ lực khải hoàn. (Thu Tứ)



Nguyễn Tuân, “Bàn đạp”




Tất cả những bộ phận, tất cả những ai chưa chuẩn bị kịp xuất phát ngày đầu này thì rồi đều liên lạc ở bàn đạp trên ấy. Mọi người hạ thấp giọng xuống, khi phải nhắc đến tên bàn đạp. Nhiều khi cũng chỉ gọi tắt. Đoàn người hàng trăm hàng nghìn tay súng bắt đầu chuyển. Sao đêm nhấp nhô trên đầu ruồi súng. Trong bóng đêm, không ngừng cái tiếng nặng nặng của những bàn chân đi đánh xa. Mưa không thành vấn đề. Một đêm và nhiều đêm. Đây cũng có ruộng nhấp nhánh dưới ánh chớp ngàn. Nhưng gốc lúa của đồng ruộng không nhiều bằng cây núi của những sơn hệ mịt mùng Tây Bắc. Và đây mới là bàn đạp đầu tiên.

Đến rồi. Mọi người trút ba-lô khỏi vai. Chưa có gì, chưa ấm chỗ mà mọi người cũng cứ nhốn nháo mãi là đời đang tươi biết mấy! Cảnh trú quân tạm xong, tất cả căng thẳng chờ phút phổ biến kế hoạch. Thỉnh thoảng lại hiện về một vài bóng người đeo bị cói đội nón trông rất bí mật, quan trọng, lừ lừ đi thẳng vào tiểu đoàn bộ. A! đám trinh sát đem tài liệu cuối cùng ở đất địch về! Trong thung lũng, kế đến tiếng ngựa hí nhiều hơn, có buổi về luôn một lúc đến ba bốn con. Anh tiểu đoàn trưởng trao dây cương cho chú liên lạc, mặt co tóp đi và râu đâm ra nhiều. Anh nhoẻn miệng: “Khỏe mạnh cả chứ?”. Đắp sa bàn đến nơi rồi, các đồng chí ạ. Người nọ bỏ nhỏ với người kia. Từ phút ấy, bàn đạp lào rào chuyển động.

Và đúng đấy, sa bàn dựng đến nơi rồi! Cả một ban tác chiến nhộn nhịp, vẽ trên giấy, căng yếu đồ, cảnh đồ lên trên mặt bàn cát. Bàn cát đang nhú dần lên những hình núi, đồi, vị trí vùng chiếm đóng. Trên nền nhà rộng, đang hiện dần lên một phong cảnh xa lạ hẳn với mắt người vốn quen với những hình ảnh đời sống vùng tự do. Trong một diện tích độ chín mười thước vuông cát vàng, có những hàng gạch rêu đánh đai xung quanh vuông vắn, từng tí một, đang mọc lên một xóm núi non cây cỏ, thành quách, nhà cửa. Từng thỏi đất thó ướt đã được nắn lại, chuốt thành khối hình to bé cao thấp chiếu theo tỉ lệ ghi trên giấy tài liệu. Một chú bé khác, ngồi cắt mảnh mo cau tươi, uốn khum mảnh mo xuống như người ta vẫn bẻ khuôn cho thỏi vàng hồ. Một cái gai chanh ghim vào mảnh mo nhẹ gọn. Một chú bé khác đội những cái mũ nấm mo tươi lên những thỏi đất thó. Thân lô-cốt đã có nóc rồi, anh công binh liền điệu nó lên cái mô cát khum khum mái rùa. Đôi ba cái đồi cát mu rùa ngổn ngang những thỏi đất hình bao diêm xùm xụp cái nóc mo. Bên ngoài phòng đây, vẫn có anh bộ đội cầm súng đang đi đi lại lại ngăn người không phận sự đến gần. Vài nhát kéo cuối cùng cắt vụn ít lá tươi bày lên mặt các mu rùa cát, giả làm bụi cây dại, sườn cỏ xanh.

Nhưng mà liền sớm ngày sau, quanh cái bàn cát xinh ấy, bao nhiêu sao vàng, bao nhiêu súng ngắn, bao nhiêu vẻ mặt gân guốc ý chí chiến đấu, bao nhiêu thông minh sắc sảo đã vây quanh lấy cái đồn Pháp nằm giữa sa bàn. Bàn cát đúng là một bàn mổ, trên đó sóng sượt một cơ thể Pháp chờ giải phẫu. Ánh nắng mai, soi ngang cửa sổ, rọi thấu đồn và hàng rào đồn. Anh tiểu đoàn trưởng chống sào bên sa bàn: “Hôm nay, ban chỉ huy triệu tập các đồng chí lại để cùng nghiên cứu kế hoạch công đồn. Đồn Đ.B. Chúng ta phải diệt đồn này. Trong kế hoạch của chiến dịch, chiến thắng Đ.B. sẽ là một chiến thắng căn bản để mở chiến dịch để lấy đà cho những chiến thắng tiếp tục khác của cả chiến dịch… Vậy nói qua về tình hình vùng này…”. Sổ tay của các cán bộ lật trang liên tiếp. Không khí sa bàn nghiêm lặng như một lớp học trong đó một giáo viên mặc binh phục đang giảng về địa lý. Núi ở Đ. B. cao độ bao nhiêu thước, đồi có chỗ là cỏ tranh, cao bao nhiêu và mấy quả đồi nó đóng, dốc lên bao nhiêu độ. Quanh đồi nó đóng có con suối chảy theo… Cái sào của anh tiểu đoàn trưởng chỉ sát vào bàn cát, mũi sào lượn theo một băng giấy màu lơ ngoằn ngoèo đặt trên mặt cát nhấp nhô, rồi anh ngấc đầu hỏi anh trưởng ban tác chiến: “Bắc đâu? Phương Bắc đâu?”. Một mũi tên to dài bằng giấy đỏ vứt xuống sa bàn. Mọi người nghiêng ngoẹo đầu, nhận hướng. Rồi anh cho biết về địch tình, về dân tình, hỏa lực, và xung lực các đơn vị bạn cùng phối hợp trong trận này. Anh tóm tắt: “Chúng ta phải quyết tiêu diệt đồn căn bản mở chiến dịch này. Tôi không đặt ra vấn đề rút lui. Năm giờ chiều sẽ khai hỏa. Phải giải quyết trong nửa tiếng. Năm giờ rưỡi chúng ta sẽ chào cờ giữa sân Đại Bục”. Nhiều tiếng hân hoan của các cán bộ đại đội, trung đội. Rồi anh tiểu đoàn trưởng đanh hẳn tiếng lên, đầu sào anh chỉ mạnh vào giữa sân đồn làm vẹo luôn cả cái cột cờ tam tài. Tất cả đều tập trung ý nghĩ vào cái tăm cắm nghiêng giữa đồn sa bàn. Và từ bây giờ, mới là lúc náo nhiệt nhất quanh bàn cát. Khói lửa đã bắt đầu ngùn ngụt bốc khỏi mắt khỏi mặt các cán bộ thảo luận chi tiết trận đánh. Anh phụ trách đồ bản mở ra một phong bì, đổ ra những hình ký hiệu đỏ máu đủ các hình, vứt những mũi tên có vòng, có chân vào từng góc sa bàn. Chỗ thì xung lực, chỗ thì hỏa lực, vây kín quanh cái đồn đã có một vài cục lô-cốt xiêu vẹo vì đầu sào. Tất cả cán bộ đều phát biểu ý kiến. Họ lần lượt cầm sào dài điểm mũi sào vào những ngọn đồi. Những mũi tên đỏ, những hình ký hiệu bị xách từ sườn đồi này sang sườn đồi khác, tùy theo kế hoạch đưa ra của mỗi ngọn sào. Tất cả bấy nhiêu mũi tên đỏ máu đều châu cả vào lô-cốt giữa đồn. Có anh cán bộ say mê quá với lối phân đường tiến của mình lúc vào chiếm lĩnh trận địa, đứng vành ngoài chỉ bằng đầu gậy tre, anh chưa cho là đủ, anh đặt bàn chân vào lòng sa bàn, làm sụt cả một góc quả đồi. Cát sa bàn in chìm hình một cái đế dép cao-su lên cứ điểm giặc. Thảo luận đến phần đánh cận chiến trong đồn, không khí sôi sục như lúc giáp lá cà. Mọi người đều như muốn tràn vào lòng sa bàn. Nhiều ngón chân ngứa thịt đã làm sứt mẻ thành bàn cát. Nắng trản Tây Bắc thổi vào gian phòng một mùi lửa sinh sát. Những thỏi lô-cốt teo tóp dần và có cái đã nứt rạn. Vài giọt mồ hôi nhỏ xuống nền cát. Cái sa bàn uống cạn ngay giọt mồ hôi chiến sĩ. Mặt trời lên cao dần, rút ngắn bóng các cán bộ đang tranh luận, và kéo đứng lên cái bóng chiếc đồn đang lê mình trên cát. Mồ hôi rỏ đều, để rồi đây, máu rỏ rơi ở phía bên kia sông. Tiếng anh tiểu đoàn trưởng lại cất lên lạnh lùng: “Vậy kế hoạch đặt như thế tỉ mỉ chưa? Nếu không có đồng chí nào thắc mắc nữa thì tôi kết luận chiến trường (…) Về vấn đề nội chiến trong đồn, cán bộ trung đội phải hết sức chú ý. Và về phổ biến kế hoạch rõ từng chi tiết…”. Ngoài kia, rồn rập tiếng ngựa hí. Nắng ngoài sân rọi đúng đỉnh mũ sắt anh bộ tiêu gác ngoài phòng họp. Trên cao, một chiếc Junker tiếp tế phía Bảo Hà đang quay mũi về, lấy mép sông Thao làm cỡ (?) bay xuôi.

Buổi chiều, sa bàn có lúc vắng quá. Im lặng đến cái mực nghe thấy cả cái tiếng ký hiệu giấy hồng điều đang quăn dần trên mặt cát. Lá rừng trên sa bàn khô quắt trông thấy. Đã có một thỏi lô-cốt ngã vật xuống nền cát nỏ. Lớp hàng rào, giờ nhìn gần, đã tung tóe vỡ gục hàng mảng như vừa bị bộc lôi phá. Mảnh cờ Pháp bằng giấy đã rách nhàu trên đầu cái tăm cắm giữa sân đồn. Hai anh cán bộ vũ trang tuyên truyền ngắm nghía cái làng Việt gian dưới chân đồn: “Vào ta đốt ngay cái nhà của tên chánh tổng phản động. Và lập tức cắm quốc kỳ. Không được đốt tất cả. Chỉ cần vây chặt lấy. Không cho một tên nào chạy thoát”.

Núi ngoài cửa sổ đỏ rực. Có tiếng lốp đốp đều. Rừng nứa đốt nương nào cháy nổ quanh đây? Tôi đi ra. Dưới chân đồi, bên giếng, một hàng rào lông dím mọc từ bao giờ, và một tiểu đội công binh đang bò, giật câu liêm, nằm ép bụng xuống cỏ đồi, hoa đao chém lia lịa nứa rào. Một anh tiểu đội trưởng xem đồng hồ, đánh giá buổi thực tập phá hàng rào lông dím: “Mất hai phút. Mai sẽ tập bắc thang phên”. Núi đỏ rồi núi tím. Một tiếng địa lôi dội về. Một bộ phận thử lại ống phóng bom.

Cơm chiều ấy, khẩu phần ăn đúp. Bàn đạp vang tiếng cười. Các đồng chí cấp dưỡng trổ tài nấu, vỗ anh em tợn. Lại còn dặn dò nữa: “Rau tầu bay, mai kia nấu với thịt hộp cũng được chứ? Kiếm vài cái nồi nhôm cho nó nhẹ vai cấp dưỡng hành quân theo anh em nhé!”. Tối đến, trăng Tây Bắc rọi vào những mẩu giấy bóng trang kim sột soạt, Ban Chỉ huy mặt trận sông Thao cho gửi đến nhiều hòm kẹo, ngoài mỗi hòm kẹo có vẽ hình phụ nữ Thái múa xòe giải phóng. Ngọt, đẹp và tươi quá. Bộ đội ngồi quây tròn. Giữa vòng là mấy bóng văn nghệ sĩ đang ngâm thơ, kể chuyện và đánh đàn.

… Thế rồi một buổi chiều vàng, buộc chéo hai suất cơm nắm bốc khói, tôi theo anh em sang ngang. Bến nhộn nhịp. Dân quân chở mãi, đầu bơi chèo tráng loáng từng chuỗi sao chiều trôi theo nước rỏ giọt. Cái bờ bên kia, lúc đặt chân xuống lại nhắc đến cái sa bàn hôm mới đây. Chiều nay nước sông xuất trận, nhưng chiều mai thì đã là lửa tiêu diệt cứ điểm. Chú ý tín hiệu, ám hiệu, khẩu hiệu, tôi bám sát anh em. Tối lắm. Nhưng ngày hôm sau, nấp trong lá cách địch ba trăm thước, tôi được đối chiếu cái đồn ở thực địa với cái mô hình dựng trên cát bàn. Các cỡ súng đã lên tiếng trong nắng một buổi chiều, gần đúng giờ đã định. Mỗi thứ súng một thứ tiếng. Mỗi thứ súng một thứ khói. Và tất cả đã cùng nhau bắn tan cái “sa bàn” ở thực địa vùng tạm bị chiếm.